Suy tư Năm Mục vụ Gia đình 2018 - Bài 7: “Anh nhận em làm vợ…”
Suy tư Năm Mục vụ Gia đình 2018: Đồng hành với các gia đình trẻ
“Anh nhận em làm vợ…”
Lời hứa khi kết hôn “anh (Giuse)… nhận em (Maria)… làm vợ…” (hay ngược lại “em… nhận anh… làm chồng..”) rất có ý nghĩa trong một hoàn cảnh như ngày nay khi mà người ta có lẽ không còn xem lời hứa ấy là đương nhiên. Trong xã hội chúng ta ngày nay, bởi nhiều lí do khác nhau, người ta càng ngày càng ít muốn cam kết dấn thân sống với nhau mãi mãi. Bên cạnh lối sống phổ biến cá nhân chủ nghĩa thời nay người ta thực sự ngại ngùng nhau, khó có thể chấp nhận nhau. Với tâm trạng bất an, họ cứ đồng hóa mình với ai đó hay với phẩm cách nào đó, vốn không có hoặc ít có liên hệ gì đến cuộc sống thực tế của mình. Thay vì chấp nhận nhân cách của chính mình, người ta đào thoát vào trong một thế giới ảo và tự sắm những vai nào đó không thích hợp với mình. Thế nhưng, chính khi ta thực sự chấp nhận bản thân ta mới có thể chấp nhận tha nhân.
Người ta cần chấp nhận bản thân khi bước vào hôn nhân. Xã hội có khuynh hướng giản lược các mối quan hệ giữa cá nhân trở thành chỉ như là liên hệ ảo ngắn hạn, đang khi hôn nhân công giáo chủ yếu lại đưa ra lời hứa hôn “anh nhận em làm vợ” / “em nhận anh làm chồng” thực sự và kéo dài mãi mãi. Chính điều này đây diễn tả tính cách đặc thù của tình yêu hôn nhân.
Đón nhận nhau làm vợ-chồng có nghĩa là trở thành ngôi “nhà” của nhau
Khi hai bạn nhận nhau làm vợ-chồng là hai người đang trao cho nhau và nhận từ nhau một ngôi “nhà”. Bạn nói về người bạn đời với mọi người: “đây là ‘nhà’ tôi”. Mỗi người có thể cảm thấy thoải mái trong cuộc sống hôn nhân, cảm thấy an toàn có một chỗ ấm áp như trong nhà của mình. Trong thế giới toàn cầu hóa hôm nay, các công dân thế giới này cần hơn bao giờ hết một mái ấm an sinh như thế.
Khi hai người kết hôn, điều đó giúp họ thực hiện ước vọng có được một tổ ấm trong đời nơi đó mình cảm thấy được an toàn, nhìn nhận, cảm thông, thương yêu, sự dịu dàng và gần gũi. Kinh nghiệm bản thân được đón nhận giúp làm tăng phẩm giá người bạn đời, cho họ chiếc chìa khóa tự khám phá bản thân qua sự kết hợp trong tự do yêu thương. Đón nhận con người của nhau hàm chứa cả chiều kích tình dục nhưng đó chỉ là một phần trong toàn thể mối quan hệ. Nó khích lệ ta tiến tới trong hi vọng thực hiện khát vọng Vô Biên và Tuyệt Đối.
Lấy một người có nghĩa là dấn thân với những nguy cơ trước mắt có thể có trong cuộc sống chung với người ấy, bằng cách cùng nhau phát triển trong đối thoại, cùng nhau khám phá và thực hiện tiềm năng đầy đủ nhất của người kia. Tuy nhiên, lấy một người không có nghĩa là xây dựng một mối quan hệ cộng-sinh mà tình yêu thuở ban đầu khát khao lưu luyến. Đúng hơn, đó là cùng nhau xây dựng sự hợp nhất trong đó những dị biệt của hai người, những cá tính khác nhau không bị đe dọa. Tình yêu trong hôn nhân không có nghĩa là chối bỏ bản thân mình để tìm một sự tan hòa hoàn toàn vào trong một sự ‘thống nhất’ không thành. Tình yêu luôn liên hệ đến hai con người, luôn có trước mặt một ‘đối tượng’ ta hướng tới. Tinh yêu tinh tuyền chỉ có thể từ một con người hướng đến một con người. Nó luôn tìm sự hài hòa nhưng tôn trọng khoảng cách, biết kính trọng nhau, dành một chỗ cho tha nhân với nét dị biệt của họ, và để không gian cho người ấy sống.
Sự hấp dẫn của cuộc sống chung xuất phát từ chính sự khác biệt này (dẫu cũng đồng thời họ cần thuận vợ thuận chồng trong những vấn đề cơ bản của cuộc sống chung). Đôi bạn mở rộng chân trời cho nhau, thách thức nhau, và yêu nhau. Con người vẫn luôn là cái gì đó ‘mầu nhiệm’, không bao giờ tỏ lộ hết bản thân mình. Bản ngã mình chắc chắn là có thay đổi, chịu tác động bởi nhiều yếu tố khác nhau. Điều đó có nghĩa là ta phải không ngừng chấp nhận bản thân và trao hiến chính mình cho người bạn đời. Trao hiến thì tốt hơn là nhận lãnh. Ích kỉ thì nhốt kín ta lại, còn tình yêu đích thật thì trao ban và đón nhận tha nhân.
Nói “anh nhận em …” có nghĩa là dành chỗ cho cái gì đó mới mẻ phát triển
Đó là cách thức để một người chiến thắng được nỗi bận tâm về bản thân để mà lo lắng cho người khác. Làm như thế, ta mở lòng mình ra với người kia, thoát khỏi vòng vây vị kỉ, và từ đó đi ra ngoài các liên hệ gia đình riêng mình (cf. St 2,24), rồi nhờ đó mà tạo dựng được một đơn vị gia đình mới. Trong bối cảnh đó, dị biệt và hợp nhất nên một không đối nghịch nhau, nhưng được kinh nghiệm như là nguồn mạch của một tiềm năng lớn. Lời xác nhận “anh nhận em…” dẫn đến sáng tạo ra một khoảng không giữa hai người nơi dành cho điều gì đó mới mẻ sẽ xuất hiện và phát triển.
Nói “anh nhận em…” có nghĩa là anh không ngừng liên hệ đến thực tế con người của em
Nhận nhau làm vợ-chồng là chấp nhận nhau tất cả, sẵn sàng đón nhận người bạn vô điều kiện, cả quá khứ, hiện tại, và tương lai của người ấy. Đôi bạn có thể chỉ thấy thoáng hiện một chút tương lai cuộc sống chung phía trước hay những điều họ mong đợi sẽ đến từ cuộc hôn nhân, thế nhưng kinh nghiệm thực tế hằng ngày cuộc sống hôn nhân lại có thể được ghi dấu ấn đậm đà bởi những kinh nghiệm thực tế mà mỗi người mang đến. Có thể chúng có những hiệu quả tích cực mà cũng có thể là gánh nặng cho cuộc sống chung. Bởi thế, đón nhận nhau hàm nghĩa là cởi mở với nhau và chia sẻ những kinh nghiệm chung. Giữ riêng điều chi đó do một nỗi sợ hãi không đúng chỗ có thể gây ra vấn đề, không những cho cá nhân mình mà còn cho chính quan hệ hôn nhân. Thế nên, điều quan trọng là phải lo ‘lau sàn’ trước khi cưới. Có những chuyện quan trọng trong khi cứ đi tới tìm hiểu nhau mà không được chia sẻ cho nhau biết (ví dụ như mình bị vô sinh, hoặc đã có một đứa con trong một quan hệ trước, hoặc đã từng bị án tù, hoặc đang mắc một bệnh tật hiểm nghèo, vân vân). Vấn đề không chỉ đơn giản là thiếu cởi mở, thực ra phải hiểu đó là một sự lừa dối, một sự lừa dối có thể tàn phá hôn nhân thậm chí có thể đi đến kết cuộc là hôn nhân bất thành sự.
Đón nhận làm vợ/chồng có nghĩa là tôi luôn đi vào thực tế của người bạn đời của tôi. Một thái độ như thế đòi hỏi tôi phải bước ra khỏi mình và như thế trao ban cho người bạn đời của tôi một sự an toàn, tin tưởng, có nghĩa là chúng tôi có thể tin tưởng nhau vô điều kiện.
Một con người cá thể đơn độc thì không viên mãn được. “Bởi thế, người đàn ông lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai thành một xương một thịt” (St 2,24). Xã hội ngày nay có một quan niệm sai lầm về tự do của con người, tôn vinh tự do cá nhân đến mức tuyệt đối trong khi không quan tâm tới tình liên đới giữa người với người, cởi mở với tha nhân và phục vụ tha nhân (cf. Evangelium vitae 19). Kitô hữu làm chứng ngược lại, cho rằng “con người, là loài thọ tạo duy nhất trên trần gian này được Thiên Chúa dựng nên vì chính họ, và họ chỉ có thể gặp lại bản thân khi chân thành trao ban chính mình” (Gaudium et Spes 24). Lời hứa “tôi nhận em (anh) làm vợ (chồng) …” là lời tuyên bố, từ chối quan niệm cá nhân chủ nghĩa ấy, ưng thuận người bạn đời vô điều kiện và vì nàng (chàng), và sẵn sàng chia sẻ chung số phận với người suốt cả hành trình trần gian.
Câu hỏi chia sẻ hay để thảo luận:
- Bạn đã biết và đối diện với những điểm mạnh và điểm yếu của bạn chưa?
- Bạn có thể đối diện với chính mình không, và bạn thấy mình cần thay đổi bản thân ở điểm nào?
- Bạn có còn giấu kín bạn đời mình điều gì không? Đó có phải là những sự đã chưa được đả thông?
- Bạn đang tìm kiếm gì nơi người bạn đời của mình?
- Bạn có thể giải hòa với vợ/chồng bạn những điểm mạnh và yếu ấy của nàng/chàng chăng?
VP HĐGMVN