SỰ THẤT BẠI CỦA BÍ TÍCH NGUYÊN THỦY ĐƯỢC PHỤC HỒI NHỜ ƠN CỨU CHUỘC CỦA HÔN PHỐI-BÍ TÍCH(bài 98) Thần học về Thân xác của đức Gioan Phaolô II

SỰ THẤT BẠI CỦA BÍ TÍCH NGUYÊN THỦY ĐƯỢC PHỤC HỒI NHỜ ƠN CỨU CHUỘC CỦA HÔN PHỐI-BÍ TÍCH(bài 98) Thần học về Thân xác của đức Gioan Phaolô II

Thần học về Thân xác của đức Gioan Phaolô II:

XCVIII

SỰ THẤT BẠI CỦA BÍ TÍCH NGUYÊN THỦY ĐƯỢC PHỤC HỒI NHỜ ƠN CỨU CHUỘC CỦA HÔN PHỐI-BÍ TÍCH

(Ngày 13 tháng 10 năm 1982)

 

1. Trong suy tư lần trước – nhờ ánh sáng của Thư gửi Tín hữu Êphêsô – chúng ta đã cố gắng đi sâu vào «khởi nguyên» bí tích của con người và hôn nhân trong tình trạng của sự công chính (hoặc vô tội) nguyên thủy.

Thế nhưng, ai cũng biết rằng gia sản ân sủng ấy đã bị con người vứt bỏ vào chính lúc con người làm đổ vỡ giao ước đầu tiên với Đấng Tạo Hóa. Viễn tượng sinh sản, thay vì được ngời sáng bởi gia sản ân sủng nguyên thủy, vốn được Thiên Chúa trao cho lúc hồn lí tính được phú ban, lại bị làm mờ tối đi bởi di sản tội nguyên tổ. Có thể nói rằng hôn nhân, như là bí tích nguyên thủy, đã bị tước mất hiệu quả siêu nhiên, mà vào lúc thiết lập đã được múc lấy từ nơi bí tích Tạo thành toàn vẹn. Tuy nhiên, ngay cả trong tình trạng này, tức là tình trạng tội lỗi di truyền của con người, hôn nhân không bao giờ ngưng là hình ảnh của bí tích ấy, về điều đó chúng ta đọc trong Thư gửi Tín hữu Êphêsô (Ep 5,22-33) và tác giả của Thư ấy không ngần ngại xác định đó là «mầu nhiệm cao cả». Chúng ta không thể rút ra kết luận rằng hôn nhân vẫn luôn là căn cứ để thực hiện các kế hoạch đời đời của Thiên Chúa hay sao? Theo đó thì bí tích Tạo thành đã nên gần gũi với con người và đã chuẩn bị cho họ đón nhận bí tích Cứu chuộc, đưa dẫn họ vào trong chiều kích của công trình cứu độ? Xem ra khi phân tích Thư gửi Tín hữu Êphêsô, và đặc biệt là đoạn văn «kinh điển» của chương 5, cc. 22-33, cho phép ta rút ra một kết luận như thế.

2. Khi tác giả đề cập tới định chế hôn nhân, với những lời lấy từ sách Sáng thế (2,24: «Bởi thế, người đàn ông lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai thành một xương một thịt»), và ngay sau đó tuyên bố: «Mầu nhiệm này thật là cao cả; tôi muốn nói về Đức Kitô và Hội Thánh» (Ep 5,32), thì xem ra như muốn ám chỉ không những danh tính của Mầu nhiệm ẩn giấu nơi Thiên Chúa tự muôn đời, mà còn muốn chỉ sự thực hiện liên tục mầu nhiệm ấy, kết nối giữa bí tích nguyên thủy với ân sủng siêu nhiên ban cho con người trong tạo thành và trong tạo thành mới – vốn là ơn được thông ban khi «Đức Kitô yêu thương Hội Thánh và hiến mình vì Hội Thánh, để Người thánh hóa Hội Thánh ...» (Ep 5,25-26) – ơn có thể được định nghĩa trong toàn thể của nó là Bí tích ơn Cứu chuộc. Trong hồng ân cứu chuộc «vì» Hội Thánh này, còn bao gồm – theo suy tư của thánh Phaolô – sự hiến mình của Đức Kitô cho Hội Thánh, theo hình ảnh của mối tương quan phu thê kết hợp người chồng với người vợ trong hôn nhân. Theo cách thức đó, Bí tích ơn Cứu chuộc mặc lấy, theo nghĩa nào đó, diện mạo và hình thái của bí tích nguyên thủy. Tương ứng với hôn phối của người chồng đầu tiên và người vợ đầu tiên, dấu chỉ của ơn siêu nhiên được phú ban cho con người trong bí tích Tạo thành, là cuộc hôn phối (hay đúng hơn là, hình ảnh loại suy của cuộc hôn phối) giữa Đức Kitô với Hội Thánh. Quan hệ sau là dấu chỉ «cao cả» và nền tảng của ơn siêu nhiên được ban tặng cho con người trong Bí tích ơn Cứu chuộc, trong đó Giao ước mới được kí kết vĩnh cửu vì Giao ước của ân sủng tuyển chọn xưa bị phá vỡ «tự ban đầu» bởi tội lỗi.

3. Hình ảnh chất chứa ở trong đoạn trích dẫn từ Thư Êphêsô xem ra nói trước hết đến Bí tích ơn Cứu chuộc như là bí tích của sự thực hiện dứt khoát Mầu nhiệm vốn được ẩn giấu tự muôn thuở nơi Thiên Chúa. Trong mysterium magnum (mầu nhiệm cao cả) này mà tất cả những gì cũng chính Thư Êphêsô ấy đã đề cập trong chương I được thực hiện dứt khoát. Thật vậy, chúng ta nhớ Thư ấy không những nói : «Trong Người (tức trong Đức Kitô) Thiên Chúa đã chọn ta trước cả khi tạo thành vũ trụ, để trước thánh nhan Người, ta trở nên tinh tuyền thánh thiện...» (1,4). Mà còn nói rằng : «Trong Người (Đức Kitô), nhờ máu Người đổ ra chúng ta được cứu chuộc, được thứ tha tội lỗi theo lượng ân sủng rất phong phú của Người. Ân sủng Người đã rộng ban cho ta...» (1,7-8). Ân sủng siêu nhiên mới được trao ban cho ta trong «Bí tích Cứu chuộc» cũng chính là một sự thực hiện mới mẻ Mầu nhiệm ẩn giấu tự muôn thuở nơi Thiên Chúa, mới là so với bí tích tạo thành. Trong giai đoạn mới này, ân sủng được trao ban, theo một nghĩa nào đó, là một «tạo thành mới». Thế nhưng, nó khác bí tích tạo thành ở chỗ ân sủng nguyên thủy được phú ban, kết hợp với sự tạo dựng con người, tác thành con người «từ thuở ban đầu», bởi ân sủng, trong tình trạng vô tội và công chính nguyên thủy. Còn ân sủng mới được trao ban cho con người trong Bí tích Cứu chuộc thì trước hết là ban cho họ «ơn tha tội». Tuy nhiên, cả ở đây có thể ân sủng cũng chứa chan như thánh Phaolô đã nói ở một chỗ khác:  «Ở đâu tội lỗi đã lan tràn, ở đó ân sủng càng chứa chan gấp bội» (Rm 5,20).

4. Bí tích Cứu chuộc – hoa quả của tình yêu cứu chuộc của Đức Kitô – dựa trên cơ sở tình yêu phu thê của Người dành cho Hội Thánh, trở nên một chiều kích thường trực của đời sống của chính Hội Thánh, một chiều kích nền tảng và mang hiệu quả tác sinh. Đó là mầu nhiệm cao cả của Đức Kitô và Hội Thánh: mầu nhiệm vĩnh cửu thực hiện bởi Đức Kitô, Người «đã hiến mình vì Hội Thánh» (Ep 5,25); mầu nhiệm được thực hiện không ngừng trong Hội Thánh, vì Đức Kitô «đã yêu thương Hội Thánh» (ibid.), kết hợp với Hội Thánh bằng một tình yêu bất khả phân li, như sự kết hợp trong hôn nhân giữa người vợ và người chồng. Bằng cách thức đó Hội Thánh sống Bí tích Cứu chuộc, và về phần mình Hội Thánh hoàn tất bí tích này trong tư cách như là vị Hôn thê, bởi tình yêu phu thê, bổ túc cho Hôn phu của mình, người mà «thuở ban đầu» cách nào đó đã được nêu lên, khi mà người đàn ông đầu tiên khám phá nơi người phụ nữ đầu tiên là «một trợ tá tương xứng với mình» (St 2,20). Dẫu sự loại suy trong Thư gửi Tín hữu Êphêsô không có xác định, nhưng chúng ta cũng có thể nói thêm rằng cả Hội Thánh trong khi kết hợp với Đức Kitô, như Hôn thê kết hợp với Hôn phu của mình, cũng kín múc từ Bí tích Cứu chuộc toàn thể mẫu tính phong nhiêu thiêng liêng của mình. Thư của thánh Phêrô một cách nào đó làm chứng cho điều đó, viết rằng chúng ta đã «được tái sinh không phải do hạt giống mục nát, mà do hạt giống bất diệt, nhờ Lời Thiên Chúa hằng sống tồn tại mãi mãi» (1Pr 1,23). Như thế Mầu nhiệm ẩn giấu từ muôn thuở nơi Thiên Chúa – Mầu nhiệm mà «thuở ban đầu», nơi bí tích tạo thành, đã thành một thực tại hữu hình nhờ sự kết hợp của người nam và người nữ đầu tiên trong viễn cảnh của hôn nhân – trở nên trong Bí tích Cứu chuộc một thực tại hữu hình trong sự kết hợp bất khả phân li của Đức Kitô với Hội Thánh, mà Tác giả Thư Êphêsô trình bày như sự kết hợp hôn phối giữa vợ và chồng.

5. Mầu nhiệm cao cả (tiếng Hi lạp: tò mysterion toûto méga estín) của Thư Êphêsô nói Mầu nhiệm được giấu kín tự muôn thuở nơi Thiên Chúa nay được thực hiện cách mới mẻ. Nói từ quan điểm của lịch sử của ơn cứu độ thế giới này, đây là một sự thực hiện cuối cùng. Ngoài ra, còn có ý nói rằng «mầu nhiệm được làm cho trở thành thấy được». Nghĩa là Đấng Vô Hình trở nên hữu hình. Trở nên hữu hình không có nghĩa là mầu nhiệm ngưng không còn mầu nhiệm nữa. Điều đó trước muốn ám chỉ đến hôn nhân được thiết lập từ «thuở ban đầu», trong tình trạng vô tội nguyên thủy, trong bối cảnh cuả bí tích tạo thành. Giờ đây cũng ám chỉ đến sự kết hợp của Đức Kitô với Hội Thánh, đó là «mầu nhiệm cao cả» của Bí tích Cứu chuộc. Nói Đấng Vô Hình trở nên hữu hình không có nghĩa là – nếu có thể nói được – mầu nhiệm đã trở nên hoàn toàn tỏ tường. Như là đối tượng của đức tin, mầu nhiệm vẫn còn được che phủ ngay cả khi được biểu lộ ra và được thực hiện. Cái hữu hình hiển thị Cái Vô Hình vốn thuộc bình diện các dấu chỉ, mà «dấu chỉ» duy chỉ đến thực tại mầu nhiệm chứ không «tỏ hiện» thực tại ấy. Cũng như «Ađam thứ nhất» - con người, nam cũng như nữ - vốn được tạo dựng trong tình trạng vô tội nguyên thủy và được kêu gọi kết hôn trong tình trạng này (theo nghĩa này ta nói đến bí tích tạo thành), là dấu chỉ của Mầu Nhiệm vĩnh cửu, cũng thế «Ađam thứ hai», tức là Đức Kitô, kết hợp với Hội Thánh qua Bí tích Cứu chuộc bằng một dây bất khả phân li, giống như Giao ước bất khả phân li của vợ chồng, cũng là dấu chỉ cuối cùng của chính Mầu Nhiệm vĩnh cửu ấy. Vậy khi nói đến việc thực hiện mầu nhiệm vĩnh cửu, là chúng ta cũng nói đến sự mầu nhiệm trở thành hữu hình bằng tính hữu hình của một dấu chỉ. Như thế là nói đến tính bí tích của toàn bộ gia sản của Bí tích Cứu chuộc, liên hệ đến toàn thể công trình Tạo Thành và Cứu Chuộc, và càng liên hệ nhiều hơn đến hôn nhân, thiết lập trong bối cảnh của bí tích tạo thành, và cũng như còn liên hệ đến Hội Thánh như là Hôn thê của Đức Kitô, như kết hợp với Người trong một Hôn ước vậy.

 Lm. Luy Nguyễn Anh Tuấn chuyển dịch