SỰ CHỌN LỰA GIỮA CÁI CHẾT VÀ BẤT TỬ ĐỊNH NGHĨA CON NGƯỜI (bài 7) - Thần học về Thân xác của đức Gioan Phaolô II

SỰ CHỌN LỰA GIỮA CÁI CHẾT VÀ BẤT TỬ  ĐỊNH NGHĨA CON NGƯỜI (bài 7) - Thần học về Thân xác của đức Gioan Phaolô II

Thần học về Thân xác của đức Gioan Phaolô II:

VII

SỰ CHỌN LỰA GIỮA CÁI CHẾT

VÀ BẤT TỬ  ĐỊNH NGHĨA CON NGƯỜI

(Ngày 31 tháng 10 năm 1979)

1. Chúng ta cần phải trở lại một lần nữa với ý nghĩa của sự đơn độc nguyên thủy của con ​người, là điều nổi rõ nhất khi phân tích bản văn yahvit Sáng thế 2. Như đã nhận xét trước đây, bản văn thánh kinh này không chỉ làm nổi bật ý thức về thân xác con người (con người được tạo thành trong thế giới hữu hình như «một thân xác giữa bao nhiêu thân xác») mà còn làm nổi bật ý thức về ý nghĩa của thân xác đó nữa.


Vì bản văn thánh kinh này quá súc tích, chắc chắn chúng ta không thể khai triển hàm ý quá rộng. Nhưng có điều chắc chắn là ở đây chúng ta đã chạm tới vấn đề tâm điểm của nhân học. Ý thức về thân xác xem ra đồng nhất với khám phá sự phức tạp của cấu trúc của bản thân mình. Trên cơ sở của nhân học triết học, nói cho gọn và xét cho cùng, khám phá này nằm ở mối quan hệ giữa linh hồn và thân xác. Trình thuật yahvit bằng một ngôn ngữ riêng (nghĩa là dùng những thuật ngữ riêng) đã diễn tả điều ấy như sau: «Đức Chúa là Thiên Chúa lấy bụi từ đất nặn ra con người, thổi sinh khí vào lỗ mũi, và con người trở nên một sinh vật» (St 2,7) [1]. Và chính con người này, «sinh vật» này, luôn thấy mình khác biệt với mọi sinh vật khác trong thế giới hữu hình này. Tiền đề của sự khác biệt này là chính sự kiện chỉ có con người có khả năng «canh tác đất đai» (x. St 2,5) và «thống trị mặt đất» (x. St 1,28). Người ta có thể nói rằng ý thức về sự «trổi vượt» đó, vốn được ghi trong định nghĩa về nhân tính, đã phát sinh ngay từ thuở ban đầu dựa trên cơ sở của một lối thực hành hay xử thế tiêu biểu của con người. Ý thức đó gắn liền với một nhận thức đặc biệt về ý nghĩa của thân xác của mình, và xuất phát từ chính sự việc con người có trách vụ «canh tác đất đai» và «thống trị mặt đất». Tất cả những điều đó không thể có được nếu không có trực giác về ý nghĩa của thân xác mình, một trực giác vốn là đặc trưng của con người.

2. Bởi thế, có lẽ trước hết ta nên bàn về khía cạnh này hơn là nói về vấn đề nhân học phức tạp theo hướng siêu hình học. Nếu mô tả ban đầu về ý thức con người như bản văn yahvit trình bày cũng bao hàm thân xác xét trong toàn thể trình thuật; nếu mô tả đó gần như là chứng cứ đầu tiên của việc con người khám phá thân xác của mình (và ngay cả khám phá ra ý nghĩa của thân xác của mình như đã nói); thì tất cả những điều ấy được sáng tỏ không tiên thiên dựa trên một phân tích siêu hình, nhưng dựa trên sự kiện cụ thể con người là một chủ thể khá rõ ràng. Con người là một chủ thể không chỉ vì con người tự ý thức về bản thân và tự khẳng định chính mình, mà còn vì dựa trên nền tảng là chính thân xác mình. Cấu trúc của thân xác đó đã giúp con người trở thành tác nhân của một hoạt động thuần túy nhân bản. Trong hoạt động đó, thân xác diễn tả ngã vị. Do đó, dẫu là vật chất («Thiên Chúa lấy bụi từ đất nặn ra con người»), nhưng nhờ cấu trúc tự ý thức và tự khẳng định, thân xác gần như có thể được hiểu thấu và thành trong suốt ở mức độ ta có thể biết rõ con người là ai (và cần phải trở nên như thế nào). Dựa trên điều đó mà con người cơ bản biết ý nghĩa của thân xác mình, đó là điều mà người ta không thể không khám phá ra khi phân tích sự đơn độc nguyên thủy của con người.

3. Giờ đây, sau khi hiểu cơ bản ý nghĩa của thân xác mình, con người là chủ thể của Giao ước xưa với Đấng Tạo Hóa bị đặt đối diện với mầu nhiệm cây biết thiện biết ác. «Hết mọi trái cây trong vườn, ngươi cứ ăn; nhưng trái của cây cho biết điều thiện điều ác, thì ngươi không được ăn, vì ngày nào ngươi ăn, chắc chắn ngươi sẽ phải chết» (St 2,16-17). Ý nghĩa nguyên thủy của sự đơn độc của con người dựa trên kinh nghiệm của cuộc sống mà Tạo Hóa ban cho. Đặc trưng của cuộc sống con người chính là chủ thể tính, vốn cũng bao gồm cả ý nghĩa của thân xác. Thế nhưng, con người trong tâm thức ban sơ, là kẻ chỉ biết có kinh nghiệm hiện hữu tức là kinh nghiệm về sự sống thôi, làm sao có thể hiểu được ý nghĩa lời Thiên Chúa nói «ngươi phải chết» ? Phải chăng con người có khả năng hiểu được ý nghĩa của lời ấy nhờ cấu trúc phức tạp của sự sống vốn được trao ban cho con người khi «Đức Chúa là Thiên Chúa … thổi sinh khí vào lỗ mũi»? Cần phải chấp nhận từ “chết” hoàn toàn mới mẻ này bắt đầu có mặt thấp thoáng xa xa trong tâm thức con người, dẫu con người chưa hề bao giờ kinh nghiệm thực tại này. Đồng thời lời ấy hiện ra trước mắt con người như một phản đề đối nghịch hoàn toàn với tất cả những gì đã được phú ban cho con người trước đó.

Con người lần đầu tiên khi nghe lời «ngươi phải chết» vẫn chưa có chút kinh nghiệm gần gũi nào về chuyện ấy. Đàng khác, con người không thể không nối kết ý nghĩa của sự chết với chiều kích sự sống mà con người đã được thụ hưởng tới lúc đó. Những lời của Thiên Chúa nói với con người đã xác nhận sự lệ thuộc của con người về mặt hiện hữu, đến mức biến con người thành một hữu thể hữu hạn, và bản tính của con người thì bất tất, nghĩa là có thể không hiện hữu. Những lời ấy đã đặt vấn đề sự chết theo thể điều kiện: «nếu ngày nào ngươi ăn trái cây ấy, ngươi phải chết». Khi nghe những lời đó, con người đã phải tìm lại sự thật của chúng trong chính cấu trúc nội tại của sự đơn độc bản thân. Và sau cùng, việc con người cô độc có đi vào vòng oan nghiệt, tức cái phản đề của tự do, mà Đấng Tạo Hóa đã tiết lộ cùng với cây biết thiện biết ác (và như thế có kinh nghiệm về sự chết) hay không, là phụ thuộc vào con người, phụ thuộc vào quyết định và chọn lựa tự do của con người. Nghe lời Đức Chúa là Thiên Chúa nói, con người đáng lẽ phải hiểu rằng cây biết thiện biết ác không chỉ bén rễ sâu trong vườn «Êđen» mà còn đâm rễ sâu vào trong nhân tính[2]. Hơn nữa, con người lẽ ra đã phải hiểu rằng cái cây huyền nhiệm ấy ẩn chứa trong nó một chiều kích của sự đơn độc, cho tới lúc ấy chưa hề được biết đến, sự đơn độc mà Tạo Hóa đã ban cho con người khi ở giữa các sinh vật - các sinh vật này vốn đã được con người «đặt tên» trước mặt Đấng Tạo Hóa - và từ đó hiểu rằng không ai trong số chúng tương xứng với con người.

4. Thế nên, một khi ý nghĩa nền tảng của thân xác con người đã được thiết lập nhờ phân biệt con người với các loài thọ tạo khác, và bởi đó người ta nhận thấy rõ ràng phần “vô hình” xác định con người nhiều hơn phần “hữu hình”, thì con người bị đặt trước một tình cảnh phải lựa chọn giữa hai ngả đường, mà điều đó được Đức Chúa là Thiên Chúa liên kết chặt chẽ và trực tiếp với cây biết thiện biết ác. Đường đôi ngả phải chọn lựa giữa cái chết và sự bất tử, bắt đầu xuất hiện từ St 2,17, đi xa hơn, nó thể hiện ý nghĩa cánh chung không những của thân xác, mà còn của chính nhân tính, là yếu tố làm con người trổi vượt muôn loài sinh vật, giữa muôn loài có “thân xác”. Nhưng cái khả năng chọn lựa giữa đôi ngả đó lại liên hệ một cách rất đặc biệt đến thân xác được tạo dựng từ «bụi đất».  

Để không phân tích dài dòng thêm nữa, chúng ta chỉ cần lưu ý rằng ngay từ đầu khả năng chọn lựa giữa đôi ngả hoặc chết hoặc được sống muôn đời đã đi vào trong định nghĩa về con người, và «thuở ban đầu» nó vốn là một phần của ý nghĩa của sự đơn độc của con người trước mặt chính Thiên Chúa. Ý nghĩa nguyên thủy của sự đơn độc, mà nơi thâm sâu hàm chứa khả năng chọn lựa giữa đôi ngả hoặc chết hoặc sống muôn đời, cũng có một ý nghĩa nền tảng cho toàn thể thần học thân xác.

Với nhận định này giờ đây chúng ta kết thúc những suy tư về ý nghĩa về sự đơn độc nguyên thủy của con người. Nhận định ấy xuất hiện cách rõ ràng và sâu sắc từ các bản văn của sách Sáng thế và khiến ta suy nghĩ nhiều về các bản văn cũng như về con người. Có lẽ con người còn biết quá ít sự thật về chính mình, một sự thật đã hàm chứa sẵn trong các chương đầu của quyển Kinh Thánh.

Lm. Luy Nguyễn Anh Tuấn chuyển dịch

 

[1] Thân xác không hiển nhiên là một ngã vị, nhưng nhờ thân xác mà con người ý thức về tình trạng cô đơn nguyên thủy của mình. Thật nghịch lí, chính nhờ thân xác mà con người nối kết mình với các sinh vật (animalia) khác cách hữu hình và bên ngoài, cũng chính thân xác ấy, ẩn chứa ý nghĩa sự cô đơn nguyên thủy của nó, là nhân tố chuyển thông cách rõ ràng cho con người chủ thể tính siêu việt và ngã vị. Chúng ta chứng kiến thần học về thân xác ra đời như một lời khẳng định.
[2] Mệnh lệnh của Đức Chúa xem ra, một cách nào đó, đã được ghi vào trong bản tính cấu thành con người nguyên thủy. Từ đoạn văn này người ta thấy rằng cách thức Ađam thoát ra khỏi sự đơn độc nguyên thủy cũng phụ thuộc vào một chọn lựa tự do của ông. Ađam lẽ ra đã có thể vẫn ở tình trạng «trinh nguyên» khi ông phó mình, trong ý thức, lệ thuộc Thiên Chúa cách cơ bản, thế nhưng sau cùng ông đã phạm tội, nghĩa là chọn cái phản đề là cái chết. Cội rễ của cây biết thiện biết ác cũng có trong bản tính con người (nhân tính), là một hình ảnh rất đẹp để chỉ sự tự do của con người đã có mặt ngay từ tình trạng nguyên thủy, một cách huyền nhiệm sự tự do ấy cũng có khả năng đi ngược lại luật Thiên Chúa.