QUAN NIỆM VỀ CON NGƯỜI CỦA THÁNH PHAOLÔ TRONG CHÚ GIẢI VỀ PHỤC SINH
1. Từ những lời của Đức Kitô nói về xác loài người ngày sau sống lại được kể trong ba Tin mừng Nhất lãm (Matthêu, Marcô, và Luca), chúng ta đã chuyển qua nhân học của thánh Phaolô về phục sinh. Chúng ta sẽ phân tích Thư Thứ Nhất gửi tín hữu Côrintô chương 15, các câu 42-49.
Theo lời của thánh Tông đồ Phaolô, khi sống lại xác loài người bộc lộ sự «bất diệt, vinh quang, mạnh mẽ, có thần khí». Vì thế, phục sinh không chỉ là một biểu lộ sự sống đã chiến thắng thần chết – gần như là một sự quay về sau cùng với cây Sự Sống mà con người đã rời bỏ kể từ khi phạm tội – nhưng còn là một mạc khải của định mệnh cuối cùng của con người trong toàn thể sự viên mãn của bản tính tâm-thể-lí và của chủ vị tính của con người. Phaolô thành Tarsô – người theo chân các Tông đồ kia đã có kinh nghiệm trong cuộc gặp gỡ với Đức Kitô phục sinh tình trạng của thân xác vinh quang – khi dựa trên kinh nghiệm ấy ngài loan báo sự «cứu chuộc thân xác» (Rm 8,23) trong Thư gửi tín hữu Rôma và sự hoàn thành ơn cứu chuộc này trong sự phục sinh mai sau trong Thư gửi tín hữu Côrintô (1Cr 15,42-49).
2. Phương pháp văn chương được thánh Phaolô áp dụng ở đây hoàn toàn hợp với phong cách của ngài. Ngài dùng lối phản đề, vốn vừa tiếp cận chủ đề từ phía đối nghịch và như thế vừa có ích để ta làm quen với tư tưởng của thánh Phaolô về sự phục sinh: cả trong chiều kích «vũ hoàn», lẫn những gì liên quan đến đặc tính của chính cấu trúc nội tại của con người «trần gian» và «trên trời». Quả thật, thánh Phaolô, khi đặt đối nghịch giữa Ađam và Đức Kitô (phục sinh) – hay Ađam thứ nhất và Ađam sau cùng – ngài cho thấy, theo nghĩa nào đó, hai cực, mà ở giữa hai cực ấy trong mầu nhiệm tạo dựng và cứu chuộc con người đã được định vị trong thế giới; nhưng người ta cũng có thể nói rằng con người đã «được đặt căng thẳng» giữa hai đối cực này trong viễn tượng của các định mệnh vĩnh cửu, từ khởi sự cho đến hoàn thành liên hệ tới chính bản tính người của mình. Khi thánh Phaolô viết: «Người thứ nhất bởi đất mà ra thì thuộc về đất; còn người thứ hai thì từ trời mà đến» (1Cr 15,47), ngài nghĩ đến Ađam-con người cũng như nghĩ đến cả Đức Kitô như là người. Giữa hai cực này – giữa Ađam thứ nhất và Ađam cuối cùng – xảy ra tiến trình được diễn tả qua những lời sau đây: «Cũng như chúng ta đã mang hình ảnh người bởi đất mà ra, thì chúng ta cũng sẽ được mang hình ảnh Đấng từ trời mà đến» (1Cr 15,49).
3. «Người từ trời mà đến» ấy – người của phục sinh mà nguyên mẫu chính là Đức Kitô phục sinh – không đối kháng hay chối bỏ «người bởi đất mà ra» (nguyên mẫu là «Ađam thứ nhất»), nhưng trước hết «người từ trời» là sự hoàn thành và là lời xác nhận con «người bởi đất» kia. Đó là sự hoàn thành và lời xác nhận cho cái tương ứng với thực tại tâm-thể-lí của con người, trong vận mệnh vĩnh cửu, nghĩa là trong tư tưởng và kế hoạch của Đấng đã tạo dựng con người thuở ban đầu theo hình ảnh và giống như mình. Nhân tính của «Ađam thứ nhất», «con người bởi đất mà ra», có thể nói, có năng lực đặc biệt (nghĩa là có khả năng mau mắn) tiếp nhận tất cả những gì trở thành là «Ađam thứ hai», Người từ trời mà đến, nghĩa là Đức Kitô : nghĩa là có thể trở nên giống như Đức Kitô phục sinh. Nhân tính ấy là cái mà tất cả mọi con người, con cái của Ađam thứ nhất, cùng tham dự vào, và đồng thời cùng với di sản tội lỗi là một nhân tính với xác thịt «hư nát», và lại có năng lực «bất diệt».
Nhân tính ấy, trong toàn thể cấu trúc tâm-thể-lí của nó biểu lộ sự «hèn hạ», nhưng bên trong lại có khát vọng vinh quang, nghĩa là có xu hướng và có khả năng đạt tới «vinh quang», theo hình ảnh của Đức Kitô phục sinh. Sau cùng, cũng chính nhân tính ấy, nhân tính mà thánh Phaolô nói là «yếu đuối» và với một «thân xác có sinh khí» (corpo animale), lại khát khao trở nên «mạnh mẽ» và có «thần khí» (spirituale).
4. Ở đây chúng ta nói đến bản tính con người, một con người toàn diện với nhân tính cấu thành bởi cả tâm thể lí. Trong khi đó, thánh Phaolô lại nói đến «thân xác». Tuy nhiên, dựa trên văn mạch gần cũng như xa, ta có thể nhìn nhận rằng, đối với ngài, vấn đề không chỉ là thân xác nhưng là con người toàn diện với tính xác thể của nó, nghĩa là toàn thể hữu thể phức hợp của con người. Thật ra, có điều chắc chắn là, nếu như chính trong toàn thể thế giới hữu hình (vũ trụ), thân xác con người là thân xác duy nhất có «khả năng phục sinh», nghĩa là có khát vọng và có khả năng sau hết sẽ trở nên «bất diệt, vinh quang, mạnh mẽ, có thần khí», thì đó là vì, con người – hiện hữu từ thở ban đầu như một cá vị thống nhất thể xác – tâm thần – có thể đón nhận và tái hiện trên «mặt đất» này cái hình ảnh và họa ảnh của Thiên Chúa cũng như hình ảnh của Ađam cuối cùng, là Đức Kitô, Đấng «từ trời mà đến». Nhân học của thánh Phaolô về phục sinh vừa có tính có tính vũ hoàn vừa phổ quát: mọi người đều mang hình ảnh Ađam trong mình và mỗi người cũng được mời gọi mang lấy hình ảnh của Đức Kitô, hình ảnh của Đấng Phục sinh. Hình ảnh này là thực tại của «đời sau», thực tại cánh chung (thánh Phaolô viết: «chúng ta sẽ mang»). Tuy nhiên, hình ảnh ấy theo cách nào đó đã là thực tại đời này rồi, bởi lẽ nó đã được vén tỏ trong đời này qua sự phục sinh của Đức Kitô. Đó là thực tại được ghép vào con người của «đời này», thực tại đang chín muồi trong con người hướng tới sự hoàn tất sau cùng.
5. Toàn bộ các phản đề tiếp theo sau trong bản văn của thánh Phaolô cho phép ta xây dựng một phác thảo có giá trị nhân học về sự phục sinh. Phác thảo này đồng thời chi tiết hơn phác thảo xuất xứ từ bản Tin mừng nhất lãm (Mt 22,30; Mc 12,25; Lc 20, 35-36), nhưng đàng khác, theo nghĩa nào đó nó có tính một chiều nhiều hơn. Những lời của Đức Kitô được thuật lại bởi các sách Nhất lãm mở ra trước mắt ta một viễn tượng cánh chung hoàn hảo của thân xác, đặt trong tình trạng thần hóa bề sâu của thị kiến Thiên Chúa «diện đối diện», là nguồn mạch không bao giờ vơi cạn cho bậc «đồng trinh» vĩnh viễn (kết hiệp với ý nghĩa hôn phối của thân xác), cũng như cho bậc sống «liên chủ vị» trường tồn của mọi con người (nam cũng như nữ) sẽ dự phần vào phục sinh. Phác thảo của thánh Phaolô về sự hoàn hảo cánh chung của thân xác vinh quang xem ra vẫn còn ở trong lãnh vực của chính cấu trúc nội giới của con người – ngôi vị nhiều hơn. Chú giải của ngài về sự phục sinh mai sau xem ra nối kết với xu hướng «nhị nguyên» xác – thần vốn là nguồn mạch cho «hệ thống sức mạnh» nội tại trong con người.
6. «Hệ thống sức mạnh» này khi sống lại sẽ chịu một biến đổi cơ bản. Thế nhưng lời của thánh Phaolô, dẫu gợi lên điều đó cách minh nhiên, không thể hiểu và giải thích theo tinh thần của một thứ nhân học nhị nguyên [1], như ta sẽ tìm cách chứng minh trong bài phân tích tiếp sau. Quả thật, chúng ta còn cần tiếp tục suy tư về nhân học về sự phục sinh dưới ánh sáng của Thư Thứ Nhất gửi tín hữu Côrintô.
Luy Nguyễn Anh Tuấn chuyển dịch
----------------------------------
[1] «Thánh Phaolô tuyệt đối không bận tâm đến kiểu phân chia nhị nguyên «linh hồn và thể xác» của tư tưởng Hi lạp. Thánh Tông đồ nói tới một thứ tam nguyên theo đó con người là một toàn thể gồm thân xác, linh hồn và tinh thần (xác, hồn và thần khí) ... Mọi từ ngữ này là linh động và ranh giới phân biệt giữa chúng cũng không cố định. Điều cần nhấn mạnh là thân xác và linh hồn đều có thể “có thần khí” (pneumatiques/spirituels) » (R. Rigaux, Dieu l’a resussité. Exégèse et théologie biblique, Duculot, Gembloux 1973, 406-408).