NHỮNG VẤN ĐỀ VỀ HÔN NHÂN TRONG CÁI NHÌN TOÀN DIỆN VỀ CON NGƯỜI (bài 23) - Thần học về Thân xác của đức Gioan Phaolô II

NHỮNG VẤN ĐỀ VỀ HÔN NHÂN TRONG CÁI NHÌN TOÀN DIỆN VỀ CON NGƯỜI (bài 23) - Thần học về Thân xác của đức Gioan Phaolô II

Thần học về Thân xác của đức Gioan Phaolô II:

XXIII

Ý NGHĨA CỦA SỰ BIẾT THEO KINH THÁNH
TRONG CUỘC SỐNG HÔN NHÂN

(Ngày 2 tháng 4 năm 1980)

1. Phúc âm theo thánh Matthêu và Marcô kể lại việc Đức Kitô trả lời cho những người Pharisêu khi họ hỏi Người về việc hôn nhân bất khả phân li. Họ tham chiếu tới luật Môsê cho phép trong một số trường hợp được trao giấy li dị. Đức Kitô nhắc họ nhớ lại những chương đầu của Sách Sáng thế, khi trả lời: «Các ông không đọc thấy điều này sao: “Thuở ban đầu, Đấng Tạo Hóa đã làm ra con người có nam có nữ”,và Ngài đã phán: “ thế, người ta sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai thành một xương một thịt.” Như vậy, họ không còn là hai, nhưng chỉ là một xương một thịt. Vậy, sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân li». Rồi nhắc đến câu hỏi của họ về luật Môsê, Người nói thêm: «Vì các ông lòng chai dạ đá, nên ông Môsê đã cho phép các ông rẫy vợ, chứ thuở ban đầu, không có thế đâu» (Mt 19,3tt; Mc 10,2tt.). Trong câu trả lời, Đức Kitô nhắc hai lần tới chữ «thuở ban đầu». Bởi thế, trong những bài phân tích chúng ta cũng đã cố gắng giải thích cái ý nghĩa sâu xa nhất của chữ «thuở ban đầu» này. Đó là gia sản đầu tiên của mỗi con người nam cũng như nữ trong thế giới. Là sự chuẩn nhận đầu tiên căn tính của con người theo lời mạc khải, là nguồn mạch đầu tiên của ơn gọi xác thực của con người như một ngôi vị được tạo dựng theo hình ảnh của chính Thiên Chúa.

2. Câu trả lời của Đức Kitô có ý nghĩa lịch sử, nhưng không chỉ mang tính lịch sử. Con người ở mọi thời đại đều nêu lên cùng một vấn đề đó. Những người thời nay cũng làm thế, nhưng trong những yêu sách của mình, họ không đề cập tới luật Môsê cho phép li dị, mà nại tới những hoàn cảnh khác và những luật lệ khác. Những câu hỏi họ nêu ra đó chất chứa nhiều vấn đề mà những người đàm đạo với Đức Kitô thời ấy không biết đến. Chúng ta biết đó là những vấn đề cụ thể có liên quan đến hôn nhân và gia đình đã được đệ trình lên Công Đồng sau cùng, lên đức Giáo hoàng Phaolô VI, và vẫn tiếp tục được trình bày thời đại sau Công Đồng, từng ngày trong những hoàn cảnh rất khác nhau. Chúng được nêu lên bởi những người độc thân, có gia đình, những người sắp kết hôn, những bạn trẻ, nhưng cũng có cả các nhà văn, nhà báo, các nhà chính trị, kinh tế và các nhà nhân khẩu học. Nói tóm lại, những vấn đề ấy được đặt ra bởi cả nền văn hóa, văn minh đương đại.
Tôi nghĩ rằng trong số những giải đáp của Đức Kitô cho những vấn đề của con người thời đại chúng ta vốn thường hay nôn nóng, giải đáp mà Người đã trả lời cho những người Pharisêu vẫn là nền tảng. Trả lời cho những chất vần đó Đức Kitô tham chiếu trước hết đến «thuở ban đầu». Có lẽ Người làm như thế một cách càng cương quyết và đi sâu vào nền tảng hơn đối với con người thời đại ngày nay. Bởi lẽ, nội tâm cũng như hoàn cảnh văn hóa của con người thời đại dường như đang rời xa cái «thưở ban đầu» ấy. Họ đang mang lấy những hình thức và chiều kích khác với hình ảnh «thưở ban đầu» của Kinh thánh trong những điểm càng ngày càng thấy rõ là xa lạ.
Thế nhưng, Đức Kitô có lẽ không chút ngạc nhiên vì những hoàn cảnh này, và tôi cho rằng Người vẫn tham chiếu đến cách đặc biệt cái «thưở ban đầu».

3. Chính vì thế, câu trả lời của Đức Kitô đòi phải được phân tích cách đặc biệt sâu xa. Thật vậy, trong câu trả lời ấy, những chân lí nền tảng và cơ bản về con người, nam và nữ, đã được nhắc đến. Đó là câu trả lời nhờ đó chúng ta thoáng thấy được cái cấu trúc của căn tính con người trong những chiều kích của mầu nhiệm tạo dựng và, đồng thời trong cả viễn tượng của mầu nhiệm cứu chuộc. Không có điều đó không có cách nào xây dựng một khoa nhân học thần học và, trong bối cảnh đó, xây dựng một khoa «thần học về thân xác» được. Từ đây mới có thể xuất hiện quan điểm kitô giáo thuần túy về hôn nhân và gia đình. Đức Phaolô VI đã cho thấy điều đó khi, trong thông điệp về những vấn đề hôn nhân và sinh sản trong ý nghĩa trách nhiệm của nó về mặt con người và đức tin, ngài nói đến «cái nhìn toàn diện về con người» (Humanae Vitae 7). Khi trả lời cho những người Pharisêu, Đức Kitô cũng đã cho những người đối thoại với Người thấy «cái nhìn toàn diện về con người» này. Không có cái nhìn đó những vấn đề liên quan tới hôn nhân và sin sản không thể có câu trả lời thích đáng. Cái nhìn toàn diện về con người đó phải được thiết lập ngay từ «thuở ban đầu».
Điều này cũng áp dụng cho não trạng ngày nay, như đã áp dụng cho những người đối thoại với Đức Kitô thời đó, dẫu theo cách khác. Chúng ta là con cháu của một thời đại, trong đó do sự phát triển của những bộ môn khác nhau, cái nhìn toàn diện này về con người có thể bị loại bỏ và thay thế bởi nhiều quan niệm thiên kiến. Những quan niệm ấy ở lại trong phương diện này hay phương diện khác của cái compositum humanum (tổ hợp nên con người), mà không đạt tới cái integrum (toàn thể) của con người, hay chúng để nó ở ngoài cảnh vực nhãn giới của chúng. Rồi, những khuynh hướng văn hóa khác nhau chiếm chỗ. Trên nền tảng những sự thật phiến diện này, những khuynh hướng ấy đưa ra những kế hoạch và những chỉ dẫn Như thế, con người trở thành một đối tượng của những kĩ thuật nhất định hơn là chủ thể chịu trách nhiệm về hành động của mình. Câu trả lời của Đức Kitô cho những người Pharisêu cũng có ý nói con người, dù nam hay nữ, là một chủ thể như thế, nghĩa là, một chủ thể quyết định về những hành động của mình dưới ánh sáng của sự thật toàn diện về chính mình, xét như là sự thật nguyên thủy, đúng hơn như là nền tảng của những kinh nghiệm đích thật của con người. Đây chính là sự thật mà Đức Kitô muốn ta tìm kiếm ngay từ «thưở ban đầu». Bởi thế chúng ta quay trở về với những chương đầu của Sách Sáng thế.

4. Khi nghiên cứu những chương này, có lẽ hơn những chương khác, chúng ta ý thức về ý nghĩa và sự cần thiết của «thần học thân xác». «Thưở ban đầu» nói tương đối ít về thân xác con người, theo nghĩa duy tự nhiên và hiện đại của từ ấy. Từ quan điểm này, trong nghiên cứu hiện tại, chúng ta đang ở một trình độ hoàn toàn tiền khoa học. Chúng ta hầu như chưa biết gì cả về các cấu trúc bên trong và về những qui luật chi phối cơ thể con người. Tuy nhiên, có lẽ bởi tính chất cổ xưa của bản văn sự mà cái nhìn toàn diện về con người, là một chân lí quan trọng, lại được mạc khải một cách hết sức đơn giản và đầy đủ. Chân lí này liên hệ đến ý nghĩa của thân xác con người trong cấu trúc của chủ thể ngôi vị. Hơn nữa, suy tư về những bản văn cổ ấy giúp ta mở rộng ý nghĩa ấy đến toàn thể lãnh vực liên chủ thể (tương quan giữa con người với con người), đặc biệt trong mối tương quan thường tồn giữa người nam và người nữ. Nhờ thế chúng ta có được một cái nhìn căn bản về mối tương quan này, một cái nhìn nhất thiết phải đặt ở nền tảng của mọi khoa học hiện nay về tính dục (theo nghĩa sinh học - sinh lý học) của con người. Điều đó không có nghĩa là ta gạt bỏ khoa học này, không màng tới những thành quả của nó. Ngược lại, khoa học có thể giúp ta hiểu biết về lối giáo dục con người phù hợp với giới tính, và về lãnh vực hôn nhân và sinh sản. Nếu quả thực là nó phải như vậy, trong mọi yếu tố của khoa học hiện nay người ta cần phải làm sao để luôn đạt tới điều căn bản và có thái độ cốt yếu kính trọng nhân vị, đối với mỗi cá nhân, dù nam hay nữ, cũng như đối với những mối quan hệ của họ.
Chính ở chỗ này suy tư về bản văn cổ Sách Sáng thế tỏ ra là không thay thế được. Đó thực sự là «khởi thủy» của thần học về thân xác. Việc thần học cũng xét tới cả thân xác không hề gây ngạc nhiên và bất ngờ cho những ai ý thức về mầu nhiệm và thực tại của nhập thể. Bởi Ngôi Lời Thiên Chúa đã nhập thể làm người, nên thân xác đi qua cổng chính vào thần học, là khoa học có đối tượng là Thiên Chúa. Nhập thể - và cả Cứu chuộc tuôn chảy ra từ đó – cũng trở thành nguồn suối cuối cùng của bí tích hôn phối. Chúng ta sẽ bàn đến đề tài này về sau cách rộng rãi hơn đúng lúc của nó.

5. Những vấn đề con người thời nay đặt ra cũng là những vấn đề của các Kitô hữu: của những người đang chuẩn bị cho bí tích hôn phối hay những người đã sống đời hôn nhân (vốn là một bí tích của Giáo hội) rồi. Những vấn đề này không chỉ là những vấn đề của khoa học, nhưng còn là những vấn đề của đời sống con người. Rất nhiều người và nhiều Kitô hữu tìm cách hoàn tất ơn gọi của mình trong hôn nhân. Rất nhiều người muốn tìm thấy ở đó con đường cứu độ nên thánh.
Đối với họ, câu trả lời của Đức Kitô cho những người Pharisêu, là những người nhiệt thành với Giao ước cũ, là đặc biệt quan trọng. Những ai tìm hoàn tất ơn gọi làm người và Kitô hữu trong hôn nhân đều được mời gọi trước hết biến thần học về thân xác này, khởi sự ở nơi những chương đầu Sách Sáng thế, trở thành nội dung của đời sống và lối sống của họ. Quả thật, điều hết sức quan trọng là, trên con đường ơn gọi này, ý nghĩa của thân xác với giới tính (nam tính và nữ tính) của nó phải được ý thức thật sâu sắc. Điều rất cần thiết là phải có một ý thức xác đáng về ý nghĩa hôn phối, ý nghĩa sinh sản của thân xác, bởi lẽ toàn thể đời sống vợ chồng phải thường xuyên toát ra sự sung mãn và tính nhân vị trong cuộc sống chung, trong hành vi ứng xử, trong tình cảm! Điều này càng trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết trong bối cảnh của nền văn minh hiện nay chịu áp lực của lối tư duy và nhận định theo hướng duy vật và duy lợi. Khoa sinh học – sinh lí học hiện nay có thể cho ta nhiều thông tin chính xác về tính dục con người. Thế nhưng, tri thức về phẩm giá của thân xác con người và giới tính còn cần phải được múc tận những nguồn mạch khác nữa. Một nguồn đặc biệt là chính Lời Thiên Chúa, chứa đựng mạc khải về thân xác, một mạc khải lên đến tận nguồn của «thuở ban đầu».
Thật là ý nghĩa khi Đức Kitô trả lời những vấn đề này, Người đã truyền lệnh cho con người phải quay về bằng cách nào đó đến ngưỡng cửa của lịch sử thần học của mình! Người ra lệnh cho họ đặt mình ở biên giới giữa tình trạng hạnh phúc, vô tội nguyên thủy và cái di sản của sự sa ngã lần đầu tiên. Không phải Người muốn nói với con người rằng con đường Người dẫn họ, người nam và người nữ, đi vào bí tích hôn phối, con đường cứu chuộc thân xác, phải đi qua sự phục hồi phẩm giá này (trong đó ý nghĩa đích thực của thân xác con người, đồng thời ý nghĩa nhân vị và «hiệp thông» của thân xác được thực hiện) hay sao?

6. Giờ đây, chúng ta kết thúc phần thứ nhất của suy tư về đề tài quan trọng này. Để trả lời thật thấu đáo những vấn đề, đôi khi khiến ta rất băn khoăn, về hôn nhân (và chính xác hơn, về ý nghĩa của thân xác), chúng ta không thể chỉ dừng lại ở câu trả lời của Đức Kitô cho những người Pharisêu khi Người nại đến «thuở ban đầu» (x. Mt 19,3tt; Mc 10,2tt). Chúng ta còn phải xét đến những lời tuyên bố khác nữa của Người. Trong số đó đặc biệt có hai đoạn có tính tổng hợp đặc thù. Đoạn thứ nhất, từ diễn từ trên núi, nói về những khả năng của tâm hồn con người liên hệ đến sự ham muốn xác thịt (x. Mt 5,8). Đoạn thứ hai liên hệ khi Đức Giêsu nói đến sự phục sinh trong tương lai (Mt 22,24-30; Mc 12,18-27; Lc 20,27-36).

Hai đoạn này sẽ là chủ đề suy tư kế tiếp của chúng tôi.
 
Lm. Luy Nguyễn Anh Tuấn chuyển dịch