NHỮNG LỜI CỦA ĐỨC KITÔ NÓI VỀ HÔN NHÂN LÀ NGƯỠNG CỬA MỚI CỦA SỰ THẬT TOÀN DIỆN VỀ CON NGƯỜI

NHỮNG LỜI CỦA ĐỨC KITÔ NÓI VỀ HÔN NHÂN LÀ NGƯỠNG CỬA MỚI CỦA SỰ THẬT TOÀN DIỆN VỀ CON NGƯỜI
1. «Trong ngày sống lại, người ta chẳng lấy vợ lấy chồng, nhưng sẽ giống như các thiên thần trên trời» (Mt 22,30; tương tự Mc 12,25). «Họ ngang hàng với các thiên thần, và vì là con cái sự sống lại họ cũng là con cái Thiên Chúa» (Lc 20,36).
Những lời Đức Kitô nói khi nhắc đến sự phục sinh tương lai – được xác nhận đặc biệt bởi sự sống lại của Người – kiện toàn những gì mà trong suy tư này của chúng ta thường gọi là «mạc khải của thân xác». Mạc khải đó có thể nói đi sâu vào chính trung tâm của thực tại mà chúng ta kinh nghiệm, và thực tại này trước hết là con người, là thân xác con người: thân xác của con người «lịch sử». Đồng thời, mạc khải này cho phép ta vượt trên lãnh vực kinh nghiệm theo hai hướng. Trước hết, là theo hướng của «thuở ban đầu» mà Đức Kitô đã nại đến trong cuộc trao đổi với những người Pharisêu liên quan tới sự bất khả phân li của hôn nhân (x. Mt 19,3-8). Kế đến, là hướng của «đời sau», điều mà Đức Kitô kêu gọi các thính giả của Người lưu ý, trước sự hiện diện của phái Sađucêu, vốn là những người «khẳng định không có sự sống lại» (Mt 22,23).
 
2. Sự thật về «thuở ban đầu» mà Đức Kitô đã nói tới, cũng như sự thật cánh chung kia, con người không thể đạt tới chỉ bằng các phương pháp duy nghiệm và duy lí. Thế nhưng, ta có thể khẳng định được hay chăng rằng con người, theo nghĩa nào đó, mang hai chiều kích này trong nơi sâu thẳm của kinh nghiệm về chính bản thể mình, hay đúng hơn, rằng con người cách nào đó đã đang tiến bước về hai đích điểm ấy như những chiều kích chứng thực đầy đủ cho chính ý nghĩa của hữu thể thân xác của mình, tức là của con người «xác thịt» của mình ? Còn về chiều kích cánh chung, không đúng hay sao chính cái chết và sự hủy diệt của thân xác có thể cho ta một ý nghĩa thuyết phục về kinh nghiệm nhờ đó cuộc sống có ý nghĩa cá vị hơn ? Khi Đức Kitô nói đến sự phục sinh mai sau, những lời của Người không phải là vô nghĩa. Kinh nghiệm về nhân tính, và nhất là kinh nghiệm về thân xác, giúp người nghe nối kết những lời này với hình ảnh một đời sống mới trong «đời sau», mà nền móng cơ sở lấy từ kinh nghiệm đời này. Ta có thể tái thiết thần học lại cách tương xứng.

3. Về nội dung, hình ảnh đó tương ứng với tín điều «tôi trông đợi kẻ chết sống lại» của bản kinh Tin Kính. Cùng với việc kiến thiết hình ảnh đó, người ta cũng ý thức rõ có một liên kết giữa kinh nghiệm trần gian và toàn thể chiều kích «thuở ban đầu» cùa con người trong thế giới mà Kinh thánh đã đề cập tới. Nếu như thuở ban đầu Thiên Chúa «đã tạo dựng con người là nam là nữ» (St 1,27), nếu như trong tính đối ngẫu (dualità) của thân xác này Ngài đã dự kiến cho một sự kết hợp bởi đó mà «họ sẽ nên một xương một thịt» (St 2,24), nếu như sự kết hợp ấy gắn liền với lời chúc lành phong nhiêu hay sinh sôi nẩy nở thật nhiều (x. St 1,29), và nếu như giờ đây, đang khi nói với những người Sađucêu về sự phục sinh mai sau, Đức Kitô giải thích ở «đời sau» người ta «không còn lấy vợ lấy chồng» – thế thì rõ ràng vấn đề chính yếu ở đây là một triển khai sự thật về chính con người. Đức Kitô cho thấy căn tính của con người, cho dẫu căn tính ấy được thực hiện trong kinh nghiệm cánh chung một cách khác với kinh nghiệm của chính «thuở ban đầu», là tình trạng do bàn tay của Đấng Tạo Hóa và là Cha của họ tạo dựng nên. Đức Kitô nói : «họ sẽ không còn lấy vợ lấy chồng», nhưng Người không hề xác định con người của «đời sau» này không còn là nam hay là nữ nữa, mà vẫn như «thuở ban đầu». Thế nên, rõ ràng là ý nghĩa của giới tính nam hay nữ nơi thân xác con người «đời sau» nên tìm kiếm ở ngoài hôn nhân và sinh sản, nhưng không có lí do gì tìm ý nghĩa ấy bên ngoài ( tức là không dính dáng gì đến lời chúc lành của sinh sản) những gì xuất phát từ chính mầu nhiệm tạo dựng và những gì tạo nên cấu trúc sâu nhất của lịch sử con người trên trái đất, bởi lẽ lịch sử này đã được mầu nhiệm cứu chuộc thấm sâu vào rồi.

4. Như thế trong tình trạng nguyên thủy, con người hiện hữu đơn độc và đồng thời trở thành là nam và là nữ, nghĩa là đơn nhất lưỡng tính (unità dei due). Trong tình trạng đơn độc, con người «tự tỏ mình ra» như một ngôi vị, bởi đồng thời nó «tỏ hiện» mối hiệp thông các ngôi vị trong sự đơn nhất lưỡng tính. Trong tình trạng này hay trong tình trạng kia, con người đều là hình ảnh giống Thiên Chúa. Từ thuở ban đầu, con người là thân xác giữa bao thân xác, và trong sự đơn nhất lưỡng tính họ trở thành là đàn ông và đàn bà, đồng thời khám phá ra ý nghĩa «hôn phối» của thân xác mình với tầm vóc của một chủ thể ngã vị. Do đó, ý nghĩa của hữu-thể-thân-xác (cách riêng hữu thể trong xác thân đàn ông và đàn bà) gắn liền với hôn nhân và sinh sản (và như thế gắn với việc làm cha và làm mẹ). Thế nhưng, ý nghĩa nguyên thủy và căn bản của hữu thể thân xác, cũng như của thân xác con người, đàn ông hay đàn bà – tức là chính ý nghĩa «hôn phối» – gắn liền với sự kiện con người được tạo dựng như một nhân vị và được gọi để sống trong mối hiệp thông các ngôi vị («communio personarum»). Hôn nhân và sinh sản tự chúng không xác định ở mức cuối cùng ý nghĩa nguyên thủy và căn bản của hữu thể thân xác (cũng như của loài người xét về phương diện giới tính). Hôn nhân và sinh sản chỉ cung cấp thực tại cụ thể cho ý nghĩa ấy trong chiều kích lịch sử thôi. Phục sinh chỉ ra cho thấy sự khép lại chiều kích lịch sử. Và đây, những lời này «khi người ta từ cõi chết sống lại, thì chẳng còn lấy vợ lấy chồng» (Mc 12,25) không đơn thuần diễn tả ý nghĩa rằng trong «đời sau» sẽ không có thân xác con người. Những lời này còn cho phép ta hiểu là ý nghĩa «hôn phối» của thân xác trong ngày sống lại mai sau tương ứng hoàn toàn với sự kiện con người, như là nam và là nữ, là một nhân vị được tạo dựng «theo hình ảnh giống như Thiên Chúa», cũng như với sự kiện hình ảnh ấy được thể hiện trong mối hiệp thông các ngôi vị. Thế nên, ý nghĩa «hôn phối» của loài có thân xác sẽ thể hiện như một ý nghĩa vừa mang tính cá vị (personale) vừa mang tính cộng đồng (communitario) hoàn hảo.

5. Khi nói về thân xác đã đi vào vinh quang nhờ phục sinh ở đời sau, chúng ta nghĩ về con người, là nam và là nữ, trong toàn thể sự thật nhân tính của họ. Đó là con người có kinh nghiệm tối hậu (cánh chung) về Thiên Chúa hằng sống, đồng thời sống kinh nghiệm về chính ý nghĩa của thân xác mình. Đây là một kinh nghiệm hoàn toàn mới, đồng thời dù sao đi nữa cũng không hề xa lạ với những gì nó đã dự phần vào «thuở ban đầu» và, trên bình diện lịch sử cuộc sống, nó cũng không hoàn toàn dị biệt với nguồn gốc của sự căng thẳng trong con người giữa tinh thần và thân xác, mà có liên hệ xa nhất là với chính ý nghĩa sinh sản của thân xác và giới tính. Con người «đời sau» sẽ lại tìm thấy trong kinh nghiệm mới mẻ ấy của thân xác mình chính sự hoàn tất những gì nó đã mang trong lịch sử lâu dài nơi bản thân, theo một nghĩa nào đó, như là gia sản và hơn nữa còn như là một nhiệm vụ và mục đích, như nội dung của đạo đức (ethos).

6. Thân xác được vinh quang, là kết quả chung cuộc của tiến trình tâm linh hóa và thần hóa. Thân xác ấy tỏ lộ giá trị sau cùng của cái mà từ thuở ban đầu vốn phải là dấu chỉ rõ ràng của nhân vị thọ tạo trong thế giới hữu hình, như một phương thế để các nhân vị thông truyền cho nhau và diễn tả trung thực sự thật và tình yêu, nhờ đó mà có sự hiệp thông liên vị (communio personarum). Ý nghĩa trường cửu của thân xác con người, một thân xác vốn nặng trĩu bởi di sản dục vọng (concupiscentia), lại buộc phải mang thêm một lô những khiếm khuyết, những chiến đấu và đau khổ do cuộc sống mỗi người mang lại, khi ấy sẽ tỏ lộ cách mới mẻ, và cho thấy cách vừa đơn sơ vừa rạng rỡ rằng mọi kẻ dự phần vào «đời sau» sẽ có lại nguồn mạch của tự do trao hiến nơi thân xác vinh quang của mình. «Sự tự do (trọn hảo) của hàng con cái Thiên Chúa» (x. Rm 8,14) bằng hiến lễ ấy sẽ nuôi dưỡng từng mối hiệp thông, điều vốn làm nên cộng đoàn vĩ đại các thánh thông công.

7. Dựa trên cơ sở những kinh nghiệm và hiểu biết của con người chúng ta trong thời gian, nghĩa là trong «đời này», dĩ nhiên khó mà xây dựng một hình ảnh thích hợp trọn vẹn của «đời sau». Tuy nhiên, ta cũng đồng thời chắc chắn là, nhờ những lời lẽ của Đức Kitô, ta có thể và tiến gần đến một mô tả xấp xỉ hình ảnh này. Chúng ta xử dụng sự xấp xỉ thần học này, trong khi tuyên xưng đức tin của chúng ta, niềm tin vào sự «kẻ chết sống lại» và «sự sống vĩnh cửu», cũng như niềm tin «các thánh thông công» thuộc thực tại «đời sau».
8. Để kết luận phần suy tư này, cũng nên nhận xét một lần nữa rằng những lời Đức Kitô mà các Tin mừng Nhất Lãm thuật lại (Mt 22,30; Mc 12,25; Lc 20,35-36) có một ý nghĩa quyết định không chỉ đối với những gì liên hệ với những lời của sách Sáng thế (là những lời Đức Kitô tham chiếu đến trong một hoàn cảnh khác), mà liên hệ đến cả quyển Kinh thánh. Những lời này cho phép ta, theo một nghĩa nào đó, đọc lại theo một cách mới – nghĩa là đọc đến tận cùng – toàn thể ý nghĩa mạc khải của thân xác, ý nghĩa của con người, tức là ngôi vị «nhập thể», của hữu thể thân xác với giới tính là nam và là nữ. Những lời này giúp ta hiểu ý nghĩa cánh chung của sự kết hợp trong nhân tính, vốn đã được thiết lập «từ thuở ban đầu» và St 2,24 loan báo khi tạo dựng con người nam-nữ và như hướng (nếu không hoàn toàn, thì chí ít cũng là cách đặc biệt) về «đời này». Nếu những lời của sách Sáng thế vốn như là ngưỡng cửa của toàn bộ thần học về thân xác – là nền tảng mà Đức Kitô đã dựa trên đó để gíao huấn về hôn nhân và tính bất khả phân li của hôn nhân – thì phải nhìn nhận rằng những lời của Người do các Tin mừng Nhất Lãm thuật lại như là một ngưỡng cửa mới của chân lí toàn diện về con người, mà ta tìm thấy lại trong lời mạc khải về Thiên Chúa.Chúng ta cần phải dừng lại ở ngưỡng cửa này, nếu như muốn thần học thân xác – và cả «linh đạo kitô giáo về thân xác» – của chúng ta có thể được xử dụng như một hình ảnh trọn vẹn.