NHỮNG HOÀN CẢNH XÃ HỘI ẢNH HƯỞNG ĐẾN GIA ĐÌNH KITÔ GIÁO Cách đây ít lâu, tôi có dịp nói chuyện với một thanh niên Công giáo mới lập gia đình về việc nuôi dạy con cái theo tinh thần Chúa dạy. Anh ta nói : “Anh xem, ông bà mình có quan tâm đến việc nuôi dạy con cái đâu, thế mà con cái các cụ vẫn cứ trở thành những Kitô hữu tốt, thậm chí rất tốt. Tôi nghĩ rằng ngày nay việc nuôi dạy con cái khó hơn xưa rất nhiều. Tôi nghĩ như vậy không biết có đúng không ?” Tôi trả lời : “Đúng đấy ! Dạy dỗ con cái nên người Kitô hữu tốt bây giờ thật là khó ! Vì xã hội ngày nay phức tạp hơn xưa nhiều !” I. MỘT XÃ HỘI ĐỔI THAY Chúng ta có thể nhìn thấy chung quanh mình tỉ lệ ly dị ngày càng tăng, cha mẹ và con cái ly tán, hôn nhân và cơ cấu gia đình bị phá đổ, khuynh hướng hạn chế số con cái càng ngày càng tăng. Thái độ của con người trong một xã hội đổi thay như thế ắt phải ảnh hưởng rất nhiều trên gia đình Kitô giáo. Chẳng hạn, cứ nhìn vào vấn đề ly dị sẽ thấy. Cách đây khoảng trăm năm, xã hội Tây Phương hầu như ủng hộ quan điểm về hôn nhân của Kitô giáo : . một vợ một chồng, . chung thủy suốt đời.
Nếu phần đời có cho phép ly dị, thì lúc đó việc ly dị đã được xem là giải pháp cuối cùng, “vạn bất đắc dĩ”, chỉ áp dụng trong các trường hợp không thể chịu đựng nổi nữa mà thôi. Nói như thế không có nghĩa là mọi cuộc hôn nhân cách đây trăm năm đều là hôn nhân Kitô giáo lý tưởng cả đâu. Chúng tôi chỉ muốn nói rằng thời ấy khung cảnh xã hội đã nâng đỡ đời sống lứa đôi rất nhiều, khiến cho hôn nhân tránh được bao nhiêu đổ vỡ.
Ngày nay, có khoảng 30 đến 50% tổng số các đôi hôn phối đi đến ly dị (tùy từng quốc gia). Vì tỷ lệ ly dị ngày càng gia tăng, nên người ta có thái độ dễ chấp nhận việc ly dị hơn. Họ coi ly dị có thể là một lựa chọn hợp lý, nhất là khi đời sống hôn nhân trở nên nặng nề hoặc khi tình yêu đã nhạt như nước ốc. Các vợ chồng Kitô giáo dù có muốn giữ cho hôn nhân của mình vững bền qua mọi giông tố thử thách cũng sẽ cảm thấy khó mà giữ được, vì ly dị được quá nhiều nhà văn diễn tả một cách hấp dẫn tạo nên một áp lực khiến họ khó trung thành với nhau. Ngoài ra, các nghiên cứu xã hội học và lịch sử đã đưa ra nhiều yếu tố khiến người ta thay đổi thái độ đối với hôn nhân và gia đình như : · sự phát triển của văn hóa kỹ thuật,
· đời sống hưởng thụ, · cá nhân chủ nghĩa, · nếp sống thành thị, v.v... Đương nhiên, những điều trên sẽ gây nên những hậu quả nghiêm trọng cho các gia đình. Chẳng hạn, các quyết định mới đây của tòa án Hoa Kỳ không chấp nhận cho cha mẹ có ý kiến trong việc con gái của họ quyết định phá thai - cho dù cô gái ấy chưa tới tuổi trưởng thành. Rõ ràng quyết định như thế là nhân danh những gì được coi là quyền cá nhân để xem thường tầm quan trọng của những tương quan và quyền bính trong gia đình. Một yếu tố khác nữa là trào lưu tục hóa đang phát triển nhanh chóng. Ngày nay, trào lưu tục hóa lại phát triển mạnh nhất tại Tây Phương, là nơi trước đây đã thấm nhuần niềm tin và các giá trị Kitô giáo nhiều nhất. Các định chế nhà nước, nhà trường và các phương tiện truyền thông không còn nâng đỡ đời sống Kitô hữu như xưa nữa. Việc bỏ đạo ở Tây Phương là một thách đố lớn cho Giáo Hội Kitô giáo. Giáo Hội nhận ra rằng các tín hữu ngày nay không còn được sống trong một môi trường thường nâng đỡ đời sống Kitô hữu của họ như trước nữa. Giáo Hội thấy rằng niềm tin, lối sống, thái độ của người tín hữu sẽ không còn mang tính cách Kitô hữu nữa. Trên danh nghĩa, phần lớn dân chúng vẫn còn là Kitô hữu, lâu lâu vẫn tới nhà thờ để lãnh bí tích thánh tẩy, để kết hôn, và để được cử hành nghi lễ an táng. Họ chịu ảnh hưởng sâu sắc của văn hóa thế tục chứ không phải của Giáo Hội. Chẳng hạn, tại Pháp, rất nhiều người trong đời sống hằng ngày không còn giữ đạo và sống theo luân lý Kitô giáo, nhưng vẫn cứ xưng mình là Công giáo, ít nhất là vì cảm tình với đạo. II. NHIỀU THÁI ĐỘ KHÁC NHAU Tuy nhiên, trước thách đố lớn lao này, người Kitô hữu có nhiều thái độ khác nhau. 1. Có những Kitô hữu muốn Giáo Hội đơn giản chấp nhận những đường hướng mới của xã hội, cho dẫu điều đó có bóp méo Tin Mừng đi một chút để dễ dàng dung hòa giữa lời dạy của Đức Kitô và đường lối thế tục. Nếu xã hội chấp nhận việc quan hệ tình dục trước hôn nhân, việc ngoại tình, phá thai và đồng tính luyến ái, thì họ cũng không muốn Giáo Hội cứ tiếp tục coi những chuyện ấy là tội lỗi nữa. 2. Có một số Kitô hữu khác hoang mang, không biết phải tin theo ai và tin cái gì. Họ không hiểu chính xác Kitô giáo và xã hội chung quanh. Đôi khi họ cảm thấy đau khổ vì ở trong những tình huống mà chính họ cũng không hiểu nổi, không biết phải ứng xử cách nào, và cũng chẳng biết cậy nhờ ai giúp đỡ. 3. Nhiều Kitô hữu nản lòng, thậm chí thất vọng nữa. Họ bám vào chân lý Kitô giáo và muốn sống đời sống Kitô hữu, nhưng họ thấy họ không thể sống niềm tin của mình và cũng không thể thông truyền niềm tin ấy cho con cái họ được. Họ cảm thấy Thiên Chúa cũng như Giáo Hội chẳng giúp ích gì, hoặc chẳng giúp ích bao nhiêu cho họ. Sự nản lòng của họ thường đi đến chỗ thất vọng hoặc thù nghịch với chính mình, với con cái, với Giáo Hội và với cả Thiên Chúa nữa. Ba cách phản ứng vừa mô tả trên đều có chung một chiều hướng này, là cho rằng cách sống mà Kinh Thánh và Giáo Hội dạy hằng bao thế kỷ nay không còn thích hợp với xã hội hiện tại nữa. Tôi thấy chiều hướng đó có khuynh hướng tăng triển (nếu không có những nhân tố khiến thay đổi). Nếu người Kitô hữu không ý thức về những tác hại đó, hoặc không chỉnh đốn lại tương quan của họ với nền văn hóa hiện đại thì họ sẽ thấy rằng mình không thể sống đúng Tin Mừng đòi hỏi. Và nếu muốn chống lại những nguy hại đó, người Kitô hữu cần phải đào sâu và hiểu thấu đáo nền tảng của đời sống Kitô hữu. Quả vậy, nếu muốn canh tân và phong phú hóa đời sống hôn nhân, không những cần phải chỉnh trang lại lối sống đạo hiện nay, mà còn phải có một nỗ lực rõ rệt để xây dựng những nền tảng đích thực của hôn nhân nơi Đức Kitô thay cho những nền tảng đã bị suy yếu trầm trọng do sự tục hóa của xã hội. III. BA NGUỒN NÂNG ĐỠ ĐỜI SỐNG HÔN NHÂN Tôi cho rằng Chúa đã ban cho chúng ta ba nguồn nâng đỡ để giúp ta hiểu biết và sống tốt đẹp đời sống gia đình Kitô hữu của mình. 1. Thứ nhất là luôn hiệp nhất với Lời Chúa trong Kinh Thánh và với những nguyên lý đức tin mà bao thế hệ Kitô hữu đã tuân giữ suốt dòng lịch sử. Đó là sự hiệp nhất ban sự sống. Ngày nay, giáo huấn của Kinh Thánh về đời sống gia đình và giáo huấn của truyền thống Kitô giáo về luân lý tính dục thường xuyên bị gạt bỏ với lý do là những giáo huấn ấy được hình thành do những ý niệm sai lầm của nền văn hóa xa xưa. Tôi tin rằng nếu chúng ta tiếp cận Kinh Thánh với thái độ khiêm nhượng, nhìn nhận Kinh Thánh là chân lý được Thiên Chúa mặc khải, chúng ta sẽ tìm thấy trong Kinh Thánh nhiều bài học thực tiễn về cách sống tốt đẹp trong gia đình. Cách tốt nhất để tiếp cận Kinh Thánh là tìm hiểu xem các Kitô hữu qua các thế hệ đã hiểu vấn đề như thế nào, và hôm nay ta phải hiểu vấn đề đó thế nào trong bối cảnh cụ thể của ta, và cách hiểu đó nên được trao đổi với những người đã được học hỏi nhiều về Kinh Thánh hoặc đã có nhiều kinh nghiệm về đức tin và đời sống Kitô hữu. (Có thể hình thành nhóm Tin Mừng : học hỏi, thảo luận và cầu nguyện). 2. Việc kết hợp thân mật với Thiên Chúa là nguồn nâng đỡ quan trọng thứ hai. Mọi lời khuyên bảo chân thành và mọi kỹ thuật gây tình cảm... sẽ chẳng làm cho hôn nhân Kitô giáo sống động lại được nếu trước tiên chúng ta không tạo được mối tương quan thân mật với Chúa Cha qua Chúa Con là Đức Giêsu-Kitô. Tách rời khỏi Đức Kitô, hôn nhân Kitô giáo không thể tồn tại được. Chính nhờ thông hiệp với Chúa Cha và Đức Giêsu mà chúng ta nhận được ơn Thánh Thần, là Đấng An Ủi sẵn sàng hướng dẫn, ban sức mạnh, soi sáng, khuyến khích và ủi an chúng ta khi chúng ta cố gắng sống theo Lời Chúa. Chúng ta cần xem xét đời sống gia đình của chúng ta trong tâm tình yêu thương, vâng phục và tôn kính Thiên Chúa, với quyết tâm hiến dâng trọn vẹn cho Ngài và cho đường lối Ngài. 3. Nguồn nâng đỡ thứ ba của đời sống Kitô hữu là tham gia các sinh hoạt của cộng đoàn Kitô hữu địa phương. Gia đình Kitô hữu không hiện hữu đơn độc, nhưng hiện hữu trong một tương quan sâu sắc với các anh chị em trong Đức Kitô của mình. Nhờ sự hiệp nhất của những cộng đoàn này, chúng ta được nâng đỡ rất nhiều trong việc sống đạo của mình. GỢI Ý SUY NGHĨ
Chúng ta có thể sống ơn gọi hôn nhân như thế nào với sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần và sự nâng đỡ của cọng đoàn Kitô giáo. (Husbands, Wives, Parents, Children, Foundations for the Christian Family, Ralph Martin, Servant Books 1983) Nhị Bằng chuyển dịch |