Nhìn lại một số vấn đề về gia đình truyền thống Việt Nam

Nhìn lại một số vấn đề về gia đình truyền thống Việt Nam

 

NHÌN LẠI MỘT SỐ VẤN ĐỀ
VỀ GIA ĐÌNH TRUYỀN THỐNG VIỆT NAM
 
Là một thực tại gắn liền với bản tính nhân loại, định chế gia đình không chờ đợi Tin Mừng để hiện hữu. Gia đình xuất hiện tùy vào cơ cấu văn hóa trong những mốc không gian và thời gian dị biệt. Khi những định chế ấy tiếp cận Tin Mừng, xuất hiện mục vụ gia đình trong mục đích cứu chữa và nâng lên định chế này, nhờ sức mạnh ân sủng. Do đó, mục vụ gia đình hệ tại ở việc bảo toàn và phát triển những giá trị văn hóa tương hợp với Tin Mừng và hài hòa với Giáo Hội hoàn vũ” (Julian, Le Pastorale Familiare, 1982).
 
Phải nhìn nhận rằng tại Việt Nam hay tại hải ngoại các gia đình Việt Nam không thiếu những thách đố, và cũng không hiếm những rủi ro chao đảo, nhưng tỉ lệ gia đình tan vỡ không cao so với những gia đình thuộc các sắc dân khác. Có thể nói, đó là nhờ nền tảng luân lý Việt Nam, kể cả truyền thống văn hóa vốn đã không đề cao cá nhân chủ nghĩa, trái lại lấy gia đình làm đơn vị căn bản của xã hội và dân tộc. Cũng phải nói tới những giá trị truyền thống như phép tắc (gia đình, lễ nghĩa, gia phong,…), lòng nhân ái bao dung (chín bỏ làm mười), và tâm lý của người Việt Nam tìm sự trung dung hài hòa… Tất cả làm cho xã hội và gia đình Việt Nam ổn định hơn, trật tự và dễ thương hơn. Những giá trị này được dạy bảo và giữ gìn trong gia đình, là nơi dạy cho người ta biết kiềm chế, biết khắc phục khó khăn và mọi xung khắc, biết cởi mở và đón nhận trong tình tương thân tương ái. Một xã hội thiếu vắng những giá trị này sẽ là một xã hội bị xáo trộn đảo điên. Tuy nhiên, những tiến bộ trong những thập niên gần đây, nhất là những gì liên quan tới trách nhiệm và quyền lợi, nhân vị và sự ràng buộc, các giá trị tinh thần và tín ngưỡng tôn giáo đã đặt ra nhiều thách đố buộc ta phải nhìn lại cơ cấu gia đình truyền thống và một số vấn đề “lớp bụi thời gian” cách nào đó không còn hợp với con người và các định chế thời hiện đại nữa. Đàng khác, ngay tại quốc nội, Việt Nam đã khởi động một xu thế mới hội nhập vào kinh tế toàn cầu với những quy luật khắc khe, nơi hải ngoại, các gia đình và các cộng đồng Việt Nam không thể là những ốc đảo cô độc trong một môi trường bùng nổ thông tin và các phương tiện khoa học, việc truyền đạt và chia sẻ các giá trị chung của con người, chia sẻ những điều hay lẽ phải của mọi miền thế giới là tất nhiên. Vấn đề đặt ra không còn là “có nên nhìn lại” mà cần “phải nghiêm túc nhìn lại” một số các chuẩn mức xa xưa không còn mấy thích hợp, hoặc không thích ứng với nhịp độ tiến bộ của xã hội, thậm chí nhiều khi còn là một lực cản cho sự hội nhập và tiến bộ chung của nhân loại.
 
1.      Tinh thần gia tộc đóng kín:       
     
Tinh thần gia tôc là nét văn hóa của xã hội nông nghiệp. Trong quá khứ, và một vài hoàn cảnh ngày nay, tinh thần này đã giúp giữ vững được các gia đình và các thành viên vượt qua được những hòan cảnh éo le, những tháng ngày khó khăn. Những người Việt Nam định cư tại hải ngoại có nhiều bà con lối xóm, có nhiều mối liên hệ gia tộc, cũng đã giúp nhau vượt qua được những thách đố ban đầu của xã hội mới, đó là sự thực làm nên các cộng đồng Việt Nam hải ngoại ngày nay. Nhưng trong xã hội với xu thế toàn cầu hóa, khuynh hướng cá thể, gia tộc, thôn làng không còn phù hợp cho sự phát triển và hợp tác trong nền kinh tế, môi trường xã hội và đời sống. Nền kinh tế và đời sống xã hội của một số quốc gia đóng kín, biến mình thành một ốc đảo lạc loài trong thời hiện đại đã là một bằng chứng cụ thể về một lực cản đà tiến hóa của con người. Yêu cầu thực tiễn và gắt gao của thời hiện đại chính là bó buộc người ta phải dần dà từ bỏ nó nếu không muốn bị tụt hậu. Lối sống tình cảm, mềm dẻo, kín đáo, xuề xòa vốn là yếu tính của đời sống gia đình truyền thống Việt Nam đã không bảo đảm được sự bền vững của gia đình và sự phát triển cho mọi thành viên trong một xã hội hiện đại. Nền dân chủ, quyền tự quyết đòi buộc mọi sinh hoạt được quy định và chi phối bằng luật pháp, chứ không phải chỉ dừng lại ở thương lượng xuề xòa, dễ tính. Pháp trị là xu hướng làm cho ổn định và phát triển xã hội. Tổ chức gia tộc, làng xã, phường hội, không đủ khả năng để giúp xã hội đi lên và giúp con người bắt kịp, hòa nhập và sinh tồn trong cuộc sống vốn đòi một cung cách tiếp cận rõ rang, ngay thẳng, dứt khoát và có lợi.
 
Trong các thời đại và ở những nơi chốn khác nhau, gia đình được cấu tạo và mang sứ mạng xã hội khác nhau, nhưng luôn luôn và ở đâu gia đình cũng phải là nơi tìm gặp được những chia sẻ trân quý nhất, hiệp thông chân thành nhất và có khả năng nhất để mở rộng tới người khác trong xã hội. Một điều mà không ai nghi ngờ là chúng ta đang sống trong một thời đại lớn lao, thời đại cung cấp cho mọi người những phúc lợi từ xã hội và từ những người khác, từ trong những cộng đồng khác và các chủng tộc khác.
 
Nhà văn hóa Mặc Giao đã nhận định: “Tinh thần gia tộc, làng xã của người Việt cho tới bây giờ vẫn tồn tại, và vẫn còn là lý do gây nên những bất hòa nhằm để bảo vệ danh dự giữa dân làng này và dân làng khác (giữa gia tộc này và gia tộc khác)… nhưng người Việt sinh sống ở nước ngoài chẳng những mang theo làng (gia tộc) mà còn mang theo cả nước… điều này rất tốt trong ý định bảo vệ văn hóa và truyền thống… nhưng cũng có điều bất lợi là khó hội nhập vào xã hội mới, tạo nên những getto Việt Nam ở khắp nơi… điều cần làm là phải biết dung hòa, không bất cập, cũng đừng thái quá” (Mặc Giao, Một các nhìn khác về văn hóa, …)
 
Nói tóm lại, theo Linh mục Nguyễn Thái Hợp thì cái nguy cơ nằm ở chỗ tính gia tộc có thể biến thành một thứ tình cảm ích kỷ và khép kín… biểu lộ một ý thức chủ quan, hẹp hòi, thiếu tự lập, và nghèo về nhận thức (Nguyễn Thái Hợp, Một nửa hành trình, 98).
 
2.      Óc gia trưởng:
 
Đành rằng trong xã hội văn minh nông nghiệp, cần có sức mạnh và lòng dũng cảm để gánh vác việc nặng nhọc của đồng áng. Ngay cả trong bối cảnh địa lý Việt Nam “trời hành cơn bão mỗi năm”, sức mạnh thể chất và tinh thần lại càng khẩn thiết hơn để đương đầu với tai ương hoạn nạn. Trong cuộc sống thành thị, các thành viên trong gia đình, nhất là con cái muốn nhìn người cha và mẹ là người mạnh mẽ và đầy dũng cảm, có khả năng kiểm soát mọi tình huống bất trắc đe dọa gia đình. Nhưng điều đó cũng không bao giờ cho phép một khuynh hướng hay một thái độ đầy tự tôn, tự mãn và lấn lướt hết mọi người khác trong gia đình chỉ vì mình là cha, là mẹ. Có thể trong xã hội và một số môi trường văn hóa nhất định nào đó có chủ trương ai nắm kinh tế là nắm quyền lực chính trị. Nhưng đó không phải là cách cư xử, thái độ và tâm tâm tình của một gia đình yêu thương và chia sẻ, tôn trọng nhân vị và đặt quyền lợi con người lên trên. Trong “Gia đình trên hết”, tiến sĩ Phillip Mc Grow, một chuyên viên hàng đầu về gia đình trên thế giới, và là tác giả những cuốn sách bán chạy nhất của New York Times, đã đặt vấn đề khẩn thiết và chính xác hơn: “Là cha, là mẹ, bạn có tạo ra được môi trường đem lại cảm giác an toàn, yên ổn, gắn bó, tự tin và sức mạnh cho con cái và mọi thành viên gia đình mà bạn chịu trách nhiệm không?” (Dr. Phillip Mc Grow, Gia đình trên hết, 130).
 
Câu hỏi trên đã là một thách thức đối với những ai chủ trương quyền lực trong gia đình và hành xử quyền lực đó để trấn ấp mọi nỗ lực phát huy nhân tính, các quyền làm người căn bản, và sứ mạng của gia đìinh. Xu thế của thời đại rất dị ứng với “óc gia trưởng”, và nó không bao giờ đồng nghĩa với trật tự, kỷ cương, phát triển, là những yếu tố cần thiết cho sự kiện toàn các giá trị cá nhân, gia đình, và xã hội.
 
Không thiếu gì những con người trong gia đình “sống mà như đã chết”, sống vật vờ như một chiếc bóng vô hồn bên một quyền lực tối thượng. Không thiếu những đứa con mong đợi từng ngày để đủ 18 tuổi, theo pháp luật, sẵn sàng bước ra khỏi gia đình, thoát khỏi một môi trường mà theo họ đồng nghĩa với kềm hãm tự do phát triển nhân tính. Những lời than thở của các bậc phụ huynh về tình trạng “ra riêng” này ít nhiều gì cũng mang tính chủ quan và thường đổ lỗi cho môi trường xã hội. Khi bình tĩnh ta nhận ra rằng tình trạng tệ hại này lại do chính bởi thái độ cư xử và óc gia trưởng thống trị trong gia đình.
 
3.      Coi thường giá trị và hạnh phúc cá nhân:       
 
Về vấn đề này, thông điệp Redemptor Hominis 1979, của ĐGH Gioan Phaolô II đã triển khai một lối nhìn phổ quát của Giáo hội về việc phục vụ con người ở giữa lịch sử và trong điều kiện sinh hoạt cá nhân: “Giáo hội không thể bỏ mặc con người, vì thân phận con người, nghĩa là việc nó được chọn, được mời gọi, được sinh ra và chết, được cứu độ hay phải hư mất, tất cả đều gắn bó nhất mực với Đức Kitô. Và con người ấy là mỗi một người sống trên hành tinh này… Giáo hội phải lưu ý đến tất cả…” (Hến chế mục vụ của Giáo hội trong thế giới ngày nay, số 10).
 
Mầu nhiệm Cứu độ Kitô Giáo là nền tảng vững chắc, làm nên ý nghĩa cho việc xây dựng và thăng tiến con người, vì Thiên Chúa không cứu độ con người với cách thức một tổ hợp, một cộng đồng chung chung, nhưng là từng con người. Mọi người và từng người là những con số chuyên biệt và có ý nghĩa trong Thánh ý của Thiên Chúa. Gia đình của Thiên Chúa cũng phải là nơi phát huy những điều thiện hảo để các cá nhân có cơ hội thăng tiến và hoàn tất ơn gọi làm người, làm con Chúa của mình. Mỗi cá nhân, chỉ có thể đánh mất chính mình trong gia đình khi sự tự hủy đó mang tới hạnh phúc và thăng hoa cho người khác, và rồi tới phiên mình, cũng sẵn sàng và tìm lại được sự tự hủy của người khác, qua cách cống hiến hằng ngày, giúp cho mình thăng tiến. Đó là Nhân và Qủa trong thế hỗ tương của Đức ái Kitô Giáo.
 
Một số quan niệm lễ giáo, tục lệ cổ truyền mà một số gia đình Việt Nam luôn khư khư nắm giữ đã trói buộc cá nhân con người vươn lên phát huy tự do và sáng kiến, kiện toàn ơn gọi của mình. Ý thức giá trị con người và hạnh phúc cá nhân cần được quan tâm, vì đó là động cơ cho mọi nỗ lực làm việc và đấu tranh trong xã hội tân tiến. Lương tri ngày nay không thể chấp nhận “phu xướng, phụ tùy”, “cha mẹ đặt đâu con ngồi đó”, “Vua là cha mẹ”, “cả vú lấp miệng em”… văn chương bình dân đã phản ánh nhiều về tình trạng bất cập này.
 
4.      Trói buộc phụ nữ với lễ giáo khắc khe:
 
Trong thông điệp “Phát triển các dân tộc”, ĐGH Phaolô VI đã nhắc nhở: “Trong kế đồ cứu chuộc của Thiên Chúa, mỗi người được mời gọi tự phát triền… mỗi người có thể lớn lên về mặt nhân tính, có giá trị hơn, có sức sinh tồn hơn. Tuy vậy sự tăng trường này không phải là việc tùy thích… cho nên sự tăng trưởng về mặt con người được coi là một bản tóm lược về các bổn phận của chúng ta” (15). “Mọi người được mời gọi để tăng triển” chính là những người nam và những người nữ. Dường như thế giới càng ngày càng nhận ra ý nghĩa và tầm quan trọng của người phụ nữ có thể tác động tích cực trong đời sống xã hội và thế giới. Ngoài khả năng, óc nhậy bén, và trí thông minh của phụ nữ, lòng từ ái, yêu thương và cuộc sống hướng nội sâu sắc của họ “vốn là bản chất của phụ nữ”, có thể giúp gia tăng hòa bình trên thế giới và hóa giải các bất hòa trong cộng đồng xã hội.
 
Đối với truyền thống văn hóa Việt Nam chúng ta, người phụ nữ cam phận với những trói buộc tam tong, tứ đức, đó chỉ là biến chất một thời của xã hội phong kiến do văn hóa nho giáo áp đặt trong suốt cả 1000 năm. Truyền thống văn hóa Việt Nam về việc tôn trọng phụ nữ đã có từ lâu đời trước đó. Người mẹ, người phụ nữ được dành cho một chỗ đáng trân trọng trong gia đình và trong tình cảm. Lịch sử Việt Nam còn tự hào với những tên tuổi phụ nữ có vị trí cao trong vương triều và trong xã hội.
 
Lời mời gọi ý thức vai trò và ơn gọi của người phụ nữ, và trả lại cho họ quyền bình đẳng trong phạm vi từ gia đình tới xã hội, từ kinh tế tới chính trị vẫn là một thúc bách và là một thách đố lớn cho lương tâm con người ngày nay. Dĩ nhiên, ta đừng quên vai trò và ý nghĩa của họ trong gia đình vốn là một ơn gọi đáng trân trọng và không bao giời coi thường như thông điệp của các Nghị phụ Công đồng Vaticanô II gửi cho các phụ nữ trên thế giới, trước khi các Nghị phụ tỏa ra bốn phương mang theo tin mừng đổi mới của Cộng đồng Vaticanô II.
 
5.      Tình yêu hôn nhân nhiều khi là một cam phận:
 
Tình yêu, lòng chung thủy và tinh thần trách nhiệm là những giá trị trong hôn nhân. Những đổ vỡ và ly tán gia đình trong những năm gần đây cho thấy người ta khó mà chấp nhận những giá trị khác, ngay cả sự chịu đựng, cam phận hoặc lý do tôn giáo. Sự chọn lựa ý thức, thay vì nhắm mắt đưa chân, là yếu tố chi phối sự bền lâu và giá trị của hôn nhân. Người ta chọn một người và sống chung với người đó, chọn một gia đình và xây dựng gia đình đó, chọn một lời thề và quyết tâm sống trọn lời thề. Đó là hướng đi của hôn nhân hạnh phúc và gia đình.
 
Về vấn đề này chúng ta không khó để tìm gặp những tài liệu hướng dẫn của Giáo hội, nhất là những tông huấn, giáo huấn của các Giáo hoàng thời hiện đại, đặc biệt của ĐGH Gioan Phaolô II, được mệnh danh là Giáo hoàng của mục vụ gia đình. Chúng ta cũng không khó gì để tìm gặp những chủ đề như thế trên các kệ sách của các nhà sách Mỹ, Việt. Ở đây, chúng tôi chỉ muốn trưng dẫn một vài khoản Giáo luật liên quan tới yếu tố “trưởng thành”, vốn đóng vai trò quyết định hôn nhân hữu hiệu hay vô hiệu theo Giáo luật. Giáo luật điều 1095, những người sau đây không có khả năng kết hôn:
 
-          Những người thiếu xử dụng trí khôn một cách vừa phải.
-          Những người thiết sót trầm trọng trong sự nhận định về những quyền lợi và bổn phận thiết yếu của việc trao ban và đón nhận trong hôn nhân.
-          Những người, vì lý do tâm lý, không thể đảm nhận những nghĩa vụ thiết yếu của hôn nhân.
 
Giáo luật điều 1103: hôn phối sẽ vô hiệu nếu được kết lập vì bạo lực hay sợ hãi trầm trọng do một nguyên cớ ngoại tại, cho dù không chủ ý trực tiếp gây ra, nhưng để thoát khỏi nó, người ta bị bó buộc đành phải lựa chọn kết hôn.
 
6.      Không tôn trọng con cái đúng như chúng là một nhân vị:
 
Nếu trong quá khứ, gia đình giữ vai trò quan trọng trong giáo dục con cái, cung cấp cho xã hội những công dân tốt, thì ngày nay, gia đình vẫn còn vai trò quyết định đó. Nhưng cách thế để đạt tới mục đích thì đã khác hẳn. Tâm lý trẻ đầy năng động ngày nay đã chịu ảnh hưởng trào lưu mới nhờ thụ hưởng tài sản dân chủ, tự do, và ngay cả những phát huy khoa học kỹ thuật… Chúng có cách suy nghĩ riêng, cách hành động và cuộc sống riêng, đòi buộc cha mẹ có cách tiếp cận giáo dục phù hợp, nếu muốn chu toàn tốt sứ mạng giáo dục.
 
Tông huấn Familiaris Consortio, số 44 đã dạy: “Mỗi nhân vị trong gia đình đều được tôn trọng và nhìn nhận. Đây chính là tình yêu của Chúa mà cha mẹ là những người cộng tác và giải thích trong việc truyền thông sự sống và trong việc giáo dục. Như vậy, đó là tình yêu cho nhưng không, là sự hiến thân. Trong gia đình, mỗi người được nhìn nhận, tôn trọng và kính nể vì họ một nhân vị.”
 
Thay lời kết:
 
Một cách riêng, các gia đình Công Giáo Việt Nam hải ngoại cũng đang mang trong mình những vấn đề của gia đình thời đại, và cả những trăn trở của con người hôm nay. Ngoài ra, họ còn mang theo trong di sản tinh thần của mình cả một truyền thống của một xã hội lễ giáo và khép kín vốn là nhân tố một phần làm nên tình trạng trì trệ kinh tế và kiềm hãm phát triển con người, bên cạnh nỗi đau về một cuộc chiến tương tàn suốt nữa thế kỷ - Rõ ràng con người và gia đình Việt Nam khó khăn hơn gấp bội khi bị đẩy tới những môi trường văn hóa khác lạ - Lối sống đạo nặng tình cảm, trọng hình thức của người Công Giáo Việt Nam cũng không thuận lợi gì cho họ để vượt qua những thách đố gay gắt trong môi trường mới, hoặc ít ra đã không sẵn sàng cho họ thích nghi dễ dàng và nhạy bén với những thách đố đó. Lối sống nặng âm tính, thụ động dẫn tới thái độ hờ hững đào sâu giáo lý và giáo thuyết, thậm chí coi đó là chuyện của linh mục, tu sỹ hoặc của những ai “rảnh rỗi thời giờ”’
 
Rất mừng, não trạng giữ đạo trên đã vơi đi khá nhiều nơi thế hệ con cháu của những người ra đi sau 1975. Với thế hệ trẻ này, họ luôn chủ động đặt vấn đề và mong tìm những câu trả lời thấu tình, đạt lý. Họ luôn tra hỏi về cuộc sống và niềm tin không chỉ để thỏa mãn óc tò mò và duy lý của thời đại, nhưng còn biểu hiện một khát vọng sống niềm tin tích cực, năng động và ý thức trưởng thành; với tâm tình nầy họ là người rất dị ứng với những ngôn từ, cung cách và những diễn đạt có tính cách áp đạt, truyền lệnh. Nói chung họ cần và có nhu cầu phát triển con người có trách nhiệm với chính mình, gia đình và xã hội. Nhưng cũng lại chính họ là người dễ dàng buông xuôi chán nản trước thử thách của cuộc sống, dễ hoang mang và không bền chí. Đức tin và sống niềm tin là một thách đố lớn. Họ đang là và sẽ là chủ gia đình, những gia đình Công Giáo Việt Nam hải ngoại. Cha ông họ và cả chính họ cần được nâng đỡ để biết, hiểu và sống các Giáo Huấn của Giáo Hội, nhất là các vấn đề đạo đức luân lý Kitô giáo. Trên một triệu người Công Giáo Việt Nam hải ngoại có thể là một nhân tố tích cực và là một hồng ân lớn lao trong việc sống và truyền đạt các Giáo Huấn của Giáo Hội để làm khởi sắc cho một cuộc canh tân sống đạo tươi vui và đầy ý thức cho người Công Giáo Việt Nam trong vận hội mới của thiên niên kỷ thứ ba.
 
Lm. Fr. Hồ Văn Mậu
Tu Đoàn Nhà Chúa