NHÂN VỊ LÀ MỘT TẶNG PHẨM TRONG TỰ DO CỦA TÌNH YÊU THƯƠNG (15) - Thần học về Thân xác của đức Gioan Phaolô II
Thần học về Thân xác của đức Gioan Phaolô II:
XV
NHÂN VỊ LÀ MỘT TẶNG PHẨM
TRONG TỰ DO CỦA TÌNH YÊU THƯƠNG
(Ngày 16 tháng 1 năm 1980)
1. Hôm nay chúng ta tiếp tục phân tích những bản văn của sách Sáng thế mà chúng ta đã đảm nhận theo hướng giáo huấn của Đức Kitô. Chúng ta nhớ lại rằng trong cuộc đàm đạo về hôn nhân Người đã viện dẫn đến «thuở ban đầu».
Mạc khải cùng với sự khám phá nguyên thủy về ý nghĩa «hôn phối» của thân xác, giới thiệu con người nam cũng như nữ trong thực tại và sự thật toàn vẹn về thân xác và tính dục của mình («cả hai đều trần truồng»), mà con người ấy đồng thời cũng tự do hoàn toàn đối với mọi ràng buộc của thân xác và tính dục. Về điều này dường như được chứng minh bởi sự kiện ông bà nguyên tổ trần truồng mà không xấu hổ do họ có tự do nội tâm. Có thể nói rằng, được tạo dựng bởi Tình Yêu, được phú ban giới tính nam và nữ, cả hai nguyên tổ đều «trần truồng» bởi vì họ tự do, một tự do của tặng phẩm trao hiến. Sự tự do này là chính nền tảng của ý nghĩa hôn phối của thân xác. Thân xác con người, với giới tính nam và nữ của nó, nhìn trong mầu nhiệm tạo dựng, không chỉ là nguồn mạch cho sự sống sinh sôi nảy nở qua việc truyền sinh như trong toàn thể trật tự tự nhiên, mà «ngay từ thuở ban đầu» nó còn mang thuộc tính hôn phối, nghĩa là khả năng diễn tả tình yêu: một tình yêu trong đó con người trở thành tặng phẩm ngôi vị và – nhờ tặng phẩm này – con người thực hiện chính ý nghĩa của hữu thể và hiện hữu mình (ý nghĩa của chính mình và của cuộc sống mình). Ở đây chúng ta nhớ đến một văn kiện của Công Đồng Vatican II tuyên bố rằng con người là thọ tạo duy nhất trong thế giới hữu hình mà Thiên Chúa đã dựng nên «vì chính họ». Công Đồng còn thêm rằng con người chỉ có thể «tìm lại được hoàn toàn chính mình khi con người chân thành tự hiến» [1].
2. Gốc rễ của sự trần truồng không xấu hổ mà St 2,25 nói tới phải được tìm bới trong chân lí toàn vẹn về con người. Trong bối cảnh của «thuở ban đầu» hồng phúc, người nam và người nữ vốn tự do, đó là một sự tự do của trao hiến. Thật vậy, để luôn có thể sống mối tương quan «chân thành tự hiến» và để có thể trở thành một tặng phẩm trao hiến cho nhau như thế nhờ nhân tính (do nữ tính và nam tính hợp thành) (cả trong mối quan hệ với viễn tượng mà St 2,24 nói đến), họ phải tự do theo cách đó. Ở đây chúng tôi có ý nói tự do đặc biệt như là sự làm chủ chính bản thân mình (tự chủ). Về mặt này, tự do quả là không thể thiếu được để con người có thể «tự hiến», để con người có thể trở nên tặng phẩm, để con người có thể «tìm lại được chính mình» nhờ «một sự chân thành tự hiến». Như thế, những lời «họ trần truồng, mà không cảm thấy xấu hổ» có thể được hiểu và phải hiểu như là mạc khải – và đồng thời là khám phá lại – sự tự do, vốn là điều mới làm cho ý nghĩa «hôn phối» của thân xác có giá trị thật sự.
3. Thế nhưng đoạn St 2,25 còn đi xa hơn nữa. Thật vậy, đoạn văn ấy cho thấy con người có thể có «kinh nghiệm về thân xác» của nhau. Hơn nữa, nó còn cho phép chúng ta xác định ý nghĩa hôn phối của thân xác bằng hiện thực (in actu). Khi đọc thấy «họ trần truồng, mà không cảm thấy xấu hổ», chúng ta đã chạm đến trực tiếp hoa trái của ý nghĩa ấy và cách gián tiếp gần như chạm đến được gốc rễ của nó. Tự do nội tâm đối với mọi câu thúc của thân xác và tính dục của mình (đó là một tự do của sự trao hiến), người đàn ông và người đàn bà đã có thể hưởng nếm tất cả sự thật, toàn thể chứng cớ của bản thân con người, như Thiên Chúa Giavê đã mạc khải cho họ trong mầu nhiệm tạo dựng. Sự thật ấy về con người, như Công Đồng xác quyết qua những lời trích dẫn trên đây, có hai điểm nhấn chính yếu. Thứ nhất, đó là con người là thọ tạo duy nhất trong thế giới Tạo Hóa đã dựng nên «vì chính họ». Thứ hai, chính con người đó kẻ được Tạo Hóa muốn như thế từ «thuở ban đầu», chỉ có thể tìm lại được chính mình nhờ sự tự hiến vô cầu. Giờ đây, sự thật đó về con người (có vẻ như nắm bắt được tình trạng nguyên thủy của chính «thuở ban đầu» của mầu nhiệm tạo dựng) có thể được đọc lại – trên cơ sở bản văn Công Đồng – theo hai hướng. Khi đọc lại như thế chúng ta hiểu sâu xa hơn ý nghĩa hôn phối của thân xác (được khắc ghi trong thân phận nguyên thủy của người nam và người nữ như St 2,23-25 đã bộc lộ) và nhất là ý nghĩa của sự trần truồng nguyên thủy của họ.
Như chúng ta đã nhận xét, nếu ở nguồn cội của sự trần truồng con người vốn tự do (một sự tự do nội tâm của kẻ trao hiến chính mình như tặng phẩm vô cầu), thì chính sự trao hiến này giúp cả hai người, nam và nữ, tìm lại được bản thân của nhau, vì Đấng Tạo Hóa đã tạo dựng nên mỗi người «vì chính họ» (x. Gaudium et spes 24). Như thế, người đàn ông trong cuộc hạnh ngộ đầu tiên tìm thấy lại người phụ nữ của mình, và người phụ nữ ấy cũng tìm thấy lại người đàn ông. Bằng cách đó, tự trong lòng mình người đàn ông đón nhận nàng; đón nhận nàng như nàng được Đấng Tạo Hóa thương yêu tạo dựng nên «vì chính nàng», như là hình ảnh mầu nhiệm của Thiên Chúa thiết lập nơi nữ tính của nàng. Và ngược lại, người đàn bà cũng đón nhận người đàn ông theo cùng một cách thức, như chàng được Đấng Tạo Hóa thương yêu tạo dựng nên «vì chính chàng», như là hình ảnh mầu nhiệm của Thiên Chúa thiết lập nơi nam tính của chàng. Đó chính là mạc khải và những khám phá về ý nghĩa «hôn phối» của thân xác. Trình thuật Giavit, và đặc biệt là đoạn St 2,25, cho phép chúng ta rút ra điều này, là con người với giới tính là nam là nữ bước vào thế giới này với một ý thức thật sự về ý nghĩa của thân xác mình, của giới tính nam-nữ của mình.
4. Vốn có xu hướng bên trong «tự hiến chân thành» của một ngôi vị, thân xác con người không chỉ biểu lộ qua vẻ bên ngoài của giới tính nam hay nữ, nhưng còn biểu lộ một giá trị và một vẻ đẹp vượt trên bình diện «tính dục» thuần túy thể lí [2].Như thế ý thức về ý nghĩa hôn phối của thân xác (vốn gắn liền với giới tính của con người) theo nghĩa nào đó trở nên hoàn bị. Một đàng, ý nghĩa này chỉ một khả năng riêng diễn tả tình yêu, trong đó con người trở nên một tặng phẩm để trao hiến. Đàng khác, nó tương ứng với cái khả năng sâu xa «khẳng định ngôi vị», theo nghĩa xác thực là khả năng nhờ thân xác mà sống với tha nhân (là người phụ nữ kia nếu tôi là đàn ông, hay là người đàn ông kia nếu tôi là phụ nữ) như là kẻ được Thiên Chúa yêu mến «vì chính người ấy», nghĩa là một con người duy nhất và độc đáo, một kẻ được chọn bởi Tình Yêu vĩnh cửu.
«Khẳng định ngôi vị» không gì khác hơn là sự đón nhận tặng phẩm, nhờ sự trao nhận qua lại đó mà có sự hiệp thông ngôi vị. Sự hiệp thông ngôi vị ấy được xác lập từ bên trong, nhưng đồng thời bao gồm tất cả cái «bên ngoài» của con người, nghĩa là toàn thể thân xác trần truồng đơn sơ và tinh khiết của người nam và người nữ. Bấy giờ người đàn ông và người đàn bà không cảm thấy xấu hổ như St 2,25 nói. Thành ngữ «không cảm thấy xấu hổ» ấy của Kinh thánh diễn tả trực tiếp «kinh nghiệm», muốn nói đến bình diện thuộc chủ thể (chủ quan).
5. Chính trên bình diện chủ quan ấy, cả hai người, nam và nữ, như hai «tự ngã» (cái tôi) được xác định bởi giới tính nam hay nữ của họ, xuất hiện trong mầu nhiệm của cái «thuở ban đầu» hồng phúc của họ (chúng ta đang ở trong tình trạng vô tội nguyên thủy của con người). Sự xuất hiện đó rất ngắn ngủi, vì chỉ gồm có vài câu trong sách Sáng thế. Thế nhưng, nội dung thần học và cả nhân học đầy những bất ngờ. Mạc khải và sự khám phá ý nghĩa hôn phối của thân xác giải thích niềm hạnh phúc nguyên thủy của con người. Đồng thời nó cũng mở ra một viễn tượng của lịch sử trần thế, trong đó con người không bao giờ tránh né được «chủ đề» thiết yếu nàycủa cuộc sống mình.
Những câu sau đó của sách Sáng thế, theo bản văn Giavit chương 3, cho thấy viễn tượng «lịch sử» sẽ được xây dựng theo cách khác với «thuở ban đầu» hạnh phúc (sau tội nguyên tổ).
Thế nhưng, ta càng cần phải đi sâu vào cấu trúc huyền nhiệm, vừa có tính thần học và vừa mang tính nhân học, của cái «thuở ban đầu» ấy. Thật vậy, trong toàn thể viễn tượng «lịch sử» của mình, con người sẽ không quên gán một ý nghĩa hôn phối cho thân xác mình. Dẫu cho nó đã bị và sẽ còn bị bóp méo rất nhiều, ý nghĩa ấy vẫn mãi ở tầng sâu nhất, cần phải được vén tỏ cho thấy với toàn bộ sự đơn sơ và tinh tuyền của nó, và được bộc lộ ra trong toàn thể sự thật của nó như là dấu chỉ của «hình ảnh của Thiên Chúa». Con đường đi từ mầu nhiệm tạo dựng đến «cứu chuộc thân xác» cũng đi qua giao lộ này (x. Rm 8).
Và bây giờ, vẫn ở ngưỡng cửa của viễn tượng lich sử ấy, dựa trên đoạn sách St 2,23-25, chúng ta nhận thấy rõ ràng mối liên kết giữa mạc khải và sự khám phá ý nghĩa hôn phối của thân xác với niềm hạnh phúc nguyên thủy của con người. Ý nghĩa «hôn phối» đó cũng là một diễm phúc, và như thế, xét cho cùng nó tỏ lộ toàn thể thực tại của sự trao hiến mà những trang đầu sách Sáng thế đã nói tới. Khi đọc những trang sách này, chúng ta tin tưởng rằng ý thức về ý nghĩa của thân xác – đặc biệt là ý nghĩa hôn phối của thân xác – là một yếu tố cấu thành nền tảng của cuộc sống con người trong thế giới.
Ý nghĩa «hôn phối» của thân xác con người đó chỉ có thể hiểu được bối cảnh của nhân vị. Thân xác có một ý nghĩa «hôn phối» bởi vì, như Công Đồng đã nói, con người–nhân vị là một thọ tạo mà Thiên Chúa đã tạo dựng vì chính nó, và đồng thời chỉ có thể hoàn toàn tìm lại được chính mình nhờ sự tự hiến.
Nếu Đức Kitô đã mạc khải cho người nam và người nữ một ơn gọi khác, vượt trên ơn gọi hôn nhân, tức là ơn gọi từ khước hôn nhân (sống độc thân) vì Nước Trời, với ơn gọi đó Người đã đề cao cũng sự thật đó về nhân vị. Nếu một người nam hay một người nữ có khả năng tự hiến vì Nước Trời, điều đó chứng tỏ (và có lẽ còn mạnh hơn nữa) rằng có sự tự do của trao hiến trong thân xác con người. Điều đó có nghĩa là thân xác này có một ý nghĩa «hôn phối» trọn vẹn.
Lm. Luy Nguyễn Anh Tuấn chuyển dịch
-----------
[1] «Khi cầu nguyện với Chúa Cha : “xin cho mọi người nên một, như Con và Cha chúng ta là một” (Ga 17,21-22), Chúa Giêsu mở ra những viễn tượng mà lí trí con người thể tự mình đạt tới được. Như vậy, Chúa Giêsu đã nói lên một sự tương tự nào đó giữa sự hợp nhất của Ba Ngôi Thiên Chúa với sự hợp nhất của các con cái Chúa trong chân lí và đức ái. Sự tương tự này cho thấy con người, vốn là thọ tạo duy nhất ở trần gian được Thiên Chúa dựng nên vì chính họ, có thể tìm lại được hoàn toàn chính mình khi con người chân thành tự hiến» (GS 24).
Bản văn Công Đồng này giúp chúng ta phân tích sách Sáng thế, đặc biệt là đoạn văn St 2,23-25, về phương diện thuần túy thần học. Đây là một chuyển tiếp khác giữa «nhân học thích đáng» và «thần học thân xác», vốn nối kết chặt chẽ với sự khám phá các đặc tính cốt yếu nơi hiện hữu ngôi vị trong tình trạng «tiền sử thần học» (preistoria teologica) của con người. Dẫu có thể gặp phản đối từ phía quan điểm thuyết tiến hóa (thậm chí từ phía các nhà thần học), nhưng người ta không khó nhận thấy rằng bản văn Sáng thế đươc phân tích, nhất là đoạn St 2,23-25, không chỉ phô diễn chiều kích «nguyên thủy» mà còn chiều kích «mẫu mực» của hiện hữu con người, đặc biệt con người như «là nam, là nữ».
[2] Truyền thống thánh kinh có nhắc đến một tiếng vọng xa xưa nói về sự hoàn hảo thể lí của con người đầu tiên. Trong khi ngầm so sánh vị vua Tirô với Ađam trong vườn Êđen, Tiên tri Êzêkiel viết như sau: «Ngươi là mẫu người tuyệt hảo, / đầy khôn ngoan, / và xinh đẹp tuyệt vời; / trong vườn Êđen của Thiên Chúa ...» (Ez 28, 12-13).