Người Cha: Người thầy đầu tiên của con

Người Cha: Người thầy đầu tiên của con

 

NGƯỜI CHA : NGƯỜI THẦY ĐẦU TIÊN CỦA CON
 
Kính thưa quý gia trưởng !

Giáo dục con cái chính là một trong hai mục đích cao cả của hôn nhân Công giáo. Đó là một nhiệm vụ vinh quang mà Thiên Chúa đã trao phó cho bậc làm cha mẹ giáo dục con cái sống đúng với phẩm giá con người. Được cộng tác vào công trình sáng tạo của Thiên Chúa, từ trong yêu thương và hạnh phúc, trong một ngày đẹp trời, người cha đặt vào lòng đời một đứa con. Rồi theo ngày tháng lớn lên, người con sẽ học tập rất nhiều điều từ trong vòng tay yêu thương của cha, trước khi con được học tập nơi nhiều thầy cô khác trong cuộc đời. Có thể nói : cha là người thầy đầu tiên của đời con.

1. Giáo dục bằng chính gương sống của cha

Bên cạnh mẹ, cha chính là người thân yêu nhất mà con giao tiếp đầu tiên trong đời. Trong mắt con trẻ, người cha là hoàn hảo nhất, là chỗ dựa vững chắc nhất. Ta thường nghe các mẩu chuyện mà con trẻ nói với nhau “ Ba tớ nói rằng” , “Ba tớ cho rằng”, “Không, ba tớ bảo không phải vậy”, … Khi tức giận bạn bè, trẻ nói : “Tao về méc ba tao cho coi”. Khi sợ hãi điều gì, trẻ hét lên :”Ba ơi” rồi chạy ùa vào lòng cha. Điều đó cho thấy con trẻ luôn đặt một niềm tin mạnh mẽ vào người cha của mình. Do vậy gương sống của chính người cha sẽ là những bài học đầu đời khắc ghi dấu ấn sâu đậm trong lòng con. Con cái sẽ siêng năng nếu thấy cha cần mẫn, sẽ hòa thuận với anh chị em nếu thấy cha mẹ yêu thương nhau, sẽ mở lòng ra với bạn bè nếu thấy cha nhiệt thành với tha nhân. Trái lại, con cái sẽ ươn lười nếu thấy cha trút hết việc gia đình cho mẹ, sẽ cãi vã nhau suốt ngày nếu cha mẹ chỉ trích khích bác nhau, sẽ ích kỷ với bạn bè nếu thấy cha sống hẹp hòi với chòm xóm láng giềng. Có thể sau này khi lớn lên, con trẻ được giáo dục trong nhiều môi trường khác, sẽ nhận ra hành vi trong quá khứ là sai lầm. Nhưng, khi còn thơ dại, gia đình chính là môi trường giáo dục đầu đời, thì gương sống của cha mẹ sẽ được trẻ học tập cách vô thức bất kể là điều đó tốt hay xấu. Sẽ rất nguy hại khi tuổi thơ con trẻ được định hình bằng những thói quen xấu, bởi “ giang sơn dễ đổi bản tính khó chừa”, sau này rất khó giáo dục trẻ từ bỏ những điều xấu một khi đã hằn sâu trong ký ức.

Ông bà xưa có câu “ Dạy con từ thuở còn thơ” quả không sai. Người cha phải ý thức đầy đủ trách nhiệm mà Chúa đã trao phó cho mình trong việc giáo dục con cái, để biết dùng chính đời sống gương mẫu, thánh thiện của mình trở thành những bài học đầu đời tốt đẹp trong con.

2. Giáo dục con bằng tình yêu thương và trách nhiệm

Chính Thiên Chúa là Tình Yêu, và tình yêu của cha mẹ đối với con cái sẽ góp phần giúp con người cảm nhận ra tình Chúa yêu thương nhân loại. Người con là huyết thống của cha mẹ, nhiều đặc điểm di truyền từ nơi cha mẹ được hội tụ nơi con. Chính nhờ điều này mà cha mẹ sẽ sống mãi nơi con cái, dù cho đời người chỉ ngắn ngủi trăm năm. Cha hãy yêu thương con vì người con là máu thịt của chính mình. Nên nhớ rằng chính nhờ có tình yêu mà con người giống hình ảnh Thiên Chúa. Và bất cứ hành vi nào dẫu cho biểu hiện ra bên ngoài tốt đẹp cách mấy, hoàn hảo cách mấy mà không xuất từ tình yêu đều trở nên giả dối và vô nghĩa. Không có tình yêu, lời nói ngọt ngào trở thành lời đầu môi chót lưỡi. Không có tình yêu, hành vi bác ái trở thành cách đánh bóng cho chính mình. Và cũng vậy, nếu không có tình yêu, cây roi trong tay cha sẽ trở thành vũ khí của sự bạo hành gia đình. Những mẩu tin rợn người trên báo chí gần đây cho thấy một sự xuống cấp trầm trọng của tình cảm gia đình hiện nay : cha bán con thơ lấy tiền đánh bài uống rượu, mẹ bán con gái vào những hang ổ hôi tanh,… Tất cả chỉ vì thiếu vắng một tình yêu thật sự.

Nhưng yêu thương con không có nghĩa là nuông chiều. Hiện nay trong các gia đình trẻ, xu hướng ít con đang chiếm phần đông. Chính vì ít con, cha mẹ có điều kiện quan tâm đầu tư vật chất và tinh thần một cách đầy đủ cho con. Điều đó là tốt, nhưng thái quá sẽ dễ dẫn đến tình trạng nuông chiều : con muốn gì được nấy. Sau này nước mắt cha mẹ sẽ chảy ra theo tỷ lệ thuận với sự nuông chiều con trong quá khứ. Bởi thế, người cha phải kiên nhẫn và đầy trách nhiệm trong việc giáo dục con. Đừng đánh vào đất rồi bảo rằng “cho mày chừa, dám làm ngã con tao” khi thấy con thơ té ngã. Trẻ lớn lên sẽ mắc thói xấu đổ thừa. Hãy dũng cảm đến bên con và ôn tồn nói rằng : “Con hãy đứng lên. Và lần sau cẩn thận hơn để không bị té đau”. Một câu chuyện rất quen thuộc về tên tử tù trước lúc chết đã cắn đứt tai mẹ mình với lời oán trách bà đã không giáo dục hắn lúc còn nhỏ, đã cho thấy sự cần thiết trong việc giáo dục trách nhiệm mà không nên nuông chiều con.

3. Tìm kiếm ý Chúa trong việc giáo dục con

Thiên Chúa là Người Cha đầy lòng yêu thương và cũng là một Người Thầy vĩ đại. Và Ngài đã trao cho bậc làm làm cha mẹ quyền và bổn phận thay mặt Ngài để giáo dục con cái nên tốt. Vì lẽ đó, trên hết mọi sự, trong mọi tình huống giáo dục con cái, hãy học cách lắng nghe và tìm kiếm ý Thiên Chúa để Ngài soi dẫn những những bậc làm cha biết cách giáo dục con mình. Trong khá nhiều trường hợp, chúng ta hay nghe câu : “Cha mẹ sinh con, trời sinh tính”. Thực tế cuộc sống cho thấy vẫn có những người con, dẫu cho được sống và giáo dục trong môi trường khá hoàn hảo, nhưng vẫn không trở nên ngoan hiền như ý cha mẹ mong. Thiên Chúa luôn kỳ diệu trong mọi sự quan phòng. Vậy, người cha hãy cứ làm hết mình trong bổn phận giáo dục, còn thành quả, hãy khiêm tốn dâng lên cho Thiên Chúa định đoạt. Không có gì mà Thiên Chúa không làm được. Một lúc nào đó, Ngài sẽ cho gai góc nở hoa, kiến tạo những điều tốt đẹp ngay trong những hoang tàn đổ vỡ.

Thế nên, là người cha trong gia đình, cần cầu nguyện với Thiên Chúa nơi thánh lễ và giờ kinh nguyện gia đình mỗi ngày, hãy để Chúa ngự trị trong tâm hồn qua việc rước Thánh Thể. Khi ấy, Bí Tích Tình Yêu không chỉ bổ sức về mặt linh hồn cho người cha mỗi khi rước lễ, mà chính Chúa sẽ nên một trong người cha, và Ngài sẽ dùng chính người cha trần gian như một khí cụ của Ngài để giáo dục con cái cách vẹn toàn.
 
Raphael N.
(Gia trưởng giáo phận Xuân Lộc)