Nam nữ sống chung trước bí tích hôn nhân - Một vấn đề trong các giáo xứ truyền giáo thượng

Nam nữ sống chung trước bí tích hôn nhân - Một vấn đề trong các giáo xứ truyền giáo thượng

 

 

 
NAM NỮ SỐNG CHUNG TRƯỚC BÍ TÍCH HÔN NHÂN
MỘT VẤN ĐỀ TRONG CÁC XỨ TRUYỀN GIÁO THƯỢNG
 
 Suy tư và chia sẻ
 
Cần có những nhận định từ nhiều phía khác nhau, từ bên ngoài là các người hữu trách đã đành, nhưng cần ý kiến từ bên trong của chính người Thượng, để xem họ coi và suy nghĩ vấn đề này ra sao ?
 
Vấn đề không mới, nó mới là vì nhu cầu Phúc Âm hóa cho một dân tộc mà từ xưa nay trong chuyện dựng vợ gả chồng có những điều không phù hợp với Giáo lý.
 
Nỗi bức xúc chính đáng và sự thúc bách do bản chất của công việc mục vụ đòi hỏi, làm thế nào để uốn nắn cả một tập tục lâu đời cho phù hợp với những đòi hỏi mới của Đức tin Kitô giáo, để xây dựng các gia đình là cơ cấu nền tảng nhất của Cộng đồng. Vợ chồng được Phúc Âm hóa tất yếu sẽ là đầu mối cho sự biến đổi cho mọi thành viên trong gia đình, giáo xứ…
 
Tầm quan trọng cần được nhận thức rõ ràng.
 
•       Nhận định vấn đề này trong bối cảnh của nó
 
Có lẽ vấn đề không nên so sánh với các dân tộc đã có truyền thống Kitô lâu đời, mà phải đặt riêng ra để từ đó có thể tìm ra những giải đáp cho vấn đề được đặt ra là :
 
-        Tại sao có nhiều đôi nam nữ Thượng sống chung trước Bí tích Hôn Nhân ?
 
Có thể tạm tìm ra một câu trả lời rằng :
 
-        Vì quan niệm Hôn nhân Kitô giáo khá mới mẻ so với cả một tập tục lâu đời.
-        Vì Giáo lý chưa ăn rễ sâu trong cuộc sống của họ, trong khi tập tục thì chi phối rất nhiều trong cách thức tổ chức đời sống hôn nhân của họ, nên nếu có vấn đề xảy ra tình trạng khá nhiều Kitô hữu Thượng sống chung trước Bí tích Hôn Phối không phải là chuyện lạ.

Dù sao đi nữa trong chuyện hệ trọng này, người Thượng luôn ý thức làm theo những điều mà trong quan niệm chung họ gọi làbơhiàn, nghĩa là tục lệ từ xưa, khi họ đã làm theo điều ấy thì lương tâm của họ coi như không có gì sai trái cả, và họ yên tâm sống trong đời vợ chồng như rất nhiều cặp vợ chồng khác.

Đặt vấn đề với họ về Bí tích Hôn Nhân : chuyện ấy họ không phản đối, nhưng có vẻ đang xa lạ và chưa thể làm ngay được, họ sẽ làm như một nghĩa vụ kế tiếp trong cuộc sống lứa đôi, và họ không mặc cảm gì cả về chuyện này.

Cũng cần phải đi xa hơn nữa để giúp hiểu vấn đề.

Người Thượng có một vài cách thức để tiến tới đời sống hôn nhân, ở đây chỉ xin nói về bộ tộc Sre-Kơho, có 3 cách thức được coi là phổ biến hơn cả :

1.      Bao bic :

Là hôn nhân do 2 người tự quyết định trước, họ chọn nhau và yêu nhau trước khi có sự đồng ý của cha mẹ hai bên. Chữ bic là ngủ, nhưng không hoàn toàn hiểu theo nghĩa đen mà cần hiểu theo nghĩa tích cực hơn là yêu nhau. Chuyện vợ chồng của họ đã khởi sự bằng tình yêu giữa hai người với nhau, hoàn toàn tự phát chứ không bị ép buộc.

Tiếng là bic để diễn tả thời xưa chuyện giao duyên thường qua hình thức trực tiếp khi đêm về, không hẳn là lén lút, giấu giếm, nhưng chuyện tỏ tình với nhau cần bí mật. Dư luận không coi chuyện này là xấu, bối cảnh thời xưa là thế, không có điều kiện giao duyên như giới trẻ như thời nay.

Trong thực tế hình thức cưới nhau này cũng có trường hợp thành công, nhưng không ít trường hợp sóng gió vì bị phản đối bởi cha mẹ, họ hàng…, và dĩ nhiên cũng khó tránh tai nạn lửa rơm gây ra những tai hại cho phẩm giá hôn nhân, để lại những hệ quả xấu và nhất là mặc cảm tội lỗi.

Tỷ lệ các cặp vợ chồng cưới nhau theo hình thức này không nhiều lắm, nhưng họ được tự do theo ý mình, vì nói lên được điều quan trọng nhất của hôn nhân là chính 2 đương sự là nhân tố quyết định. Có thể coi đây là hôn nhân “Độc lập - Tự do”, nhưng nếu thiếu sự nâng đỡ, thiếu chín chắn và trưởng thành thì thường khó bền vững và phải trả giá.

2.      Bao lăp :

Là cưới xin do cha mẹ xếp đặt, thường đặt đâu thì ngồi đó, tình yêu nếu có thì thường theo sau đó. Hôn nhân loại này thường bất hạnh cho phía nữ vì không theo ý mình, ít là ở giai đoạn đầu. Nhưng vì có sự ủng hộ của cha mẹ nên bù lại được chở che về mặt vật chất.

Bao lăp thường được xếp đặt giữa bà con dòng họ với nhau, thường là con cô con cậu, kể cả cô cậu ruột. Những gia đình giàu có, danh giá thường xếp đặt chuyện hôn nhân cho con cái theo hình thức này.

Đặc biệt nơi bộ tộc Sre-Kơho không chấp nhận chuyện con chú con bác lấy nhau, họ gọi chuyện đó là CÒNG, là xét đánh, nghĩa là tối kỵ, bại luân.

Việc lấy nhau trong dòng họ được dựa vào một số lý do như : để thừa hưởng gia tài, lấy người xa lạ thì sợ lây phải dòng quỉ (gơtờp jơi cà), hoặc là lấy người trong họ đỡ bị đe dọa bởi nạn ly dị và rất nhiều điều không tốt đẹp khác trong hôn nhân như : ngoại tình, bạo hành, không lương thiện (ờ ngăn ngồn)….

Nói chung cha mẹ có kinh nghiệm nhiều về các cặp vợ chồng, nên thường muốn can thiệp vào chuyện hôn nhân của con cái để chúng đỡ khổ về sau.

Trong các làng, tỷ lệ lấy nhau bằng hình thức bao lăp cao hơn là bao bic, và thường rất hiếm khi xảy ra ly dị, có thể gọi đây làhôn nhân được cha mẹ bảo hộ.

 3.     Bao lăp rò :

Đây là hình thức dung hòa cả hai hình thức trên, và thời nay xem ra có vẻ đang được nhiều người chấp nhận là hợp lý.

Hình thức này có vẻ tránh được hai khuyết điểm bao bic và bao lăp.

Đại khái có thể hiểu như sau :

Hai người đã tỏ tình với nhau qua nhiều dịp, sau khi đã chín mùi thì cha mẹ bên nữ tìm cách đón rước bên trai và nhận làm rể chính thức. Hình thức này chỉ có ở những nơi có nền giáo dục tốt, ở đây cần hiểu là giáo dục gia đình và dòng tộc, và đương nhiênnơi nào được học hỏi tốt về Giáo lý.

Người ta có thể gọi đây là “hôn nhân đạo đức” và nhiều hy vọng sẽ phát sinh nhiều hoa trái tốt lành của hôn nhân.

•        Vậy đâu là nguyên do của việc nhiều cặp sống chung trước Bí tích ?

Người Thượng mới biết Đạo và theo Đạo. Dù đã 80 năm, nhưng thực sự họ đã được dạy dỗ về Giáo lý đến đâu thì điều ấy cũng cần phải xem lại một cách thật công bằng.

Tám mươi năm, nhưng chỉ có một số ít nơi có linh mục và được dạy dỗ thường xuyên, còn những số khác thì có lẽ chỉ biết và theo đạo ở mức “đi nhà thờ ngày Chúa Nhật, thuộc những kinh cần thiết” là khá lắm rồi, cho nên chuyện Bí tích Hôn Nhân vẫn thuộc loại “Văn hóa cao” do Kitô giáo mang đến, rất hay, rất đẹp, nhưng họ nhiều người chưa hiểu và chưa làm nổi trong điều kiện hiện tại của họ (vì xa linh mục, linh mục chưa quan tâm đúng mức vì địa bàn quá rộng…).

Phải một thời gian nữa với việc tăng cường dạy dỗ về Giáo lý Đức tin thì người Thượng mới hiểu được Bí tích Hôn Nhân là gì, cũng như đâu là những ơn ích do Bí tích ấy đem lại cho cuộc sống lứa đôi.

Tuy nhiên thời nay, Giáo Hội phải vui mừng vì đã có không hiếm cặp vợ chồng Thượng “cưới nhau đàng hoàng”, Bí tích trước và về chung sống với nhau sau, tuy chưa nhiều nhưng đã khá lắm rồi. Con số sống chung trước Bí tích có lẽ còn nhiều do rất nhiều hoàn cảnh chúng ta không bao giờ hoàn toàn đổ lỗi cho họ.

Điều chỉnh cả một tập tục cho thích hợp với Giáo lý Hội Thánh là một công việc đòi hỏi sự nỗ lực và thời gian, nếu không hàng chục thì phải hàng trăm năm.

Vấn đề hiện nay tuy chưa đáp ứng sự mong muốn, nhưng hy vọng sẽ tốt hơn do sự nỗ lực của mọi thành phần trong Hội Thánh.
 
Kỷ niệm 80 năm truyền giáo cho người Dân Tộc Giáo phận Đàlạt.
Lm. Phanxicô Xaviê K’Brel
(Giáo phận Đà Lạt))