NĂM GIA ĐÌNH AMORIS LAETITIA – GIỚI THIỆU TỔNG QUÁT

NĂM GIA ĐÌNH AMORIS LAETITIA – GIỚI THIỆU TỔNG QUÁT

NĂM GIA ĐÌNH AMORIS LAETITIA – GIỚI THIỆU TỔNG QUÁT

Gm. Phêrô Nguyễn Văn Khảm

Mục lục

I. Năm Gia đình Amoris laetitia

II. Bản tóm lược Amoris Laetitia

III. Những đề nghị mục vụ

 

I. Năm Gia đình Amoris laetitia

Kỷ niệm 5 năm ban hành Tông huấn Amoris laetitia, Đức Giáo hoàng Phanxicô quyết định thiết lập Năm Gia đình Amoris laetitia, khai mạc ngày 19 tháng 03 năm 2021 và sẽ kết thúc vào ngày 26 tháng 06 năm 2022 trong dịp Ngày Thế Giới Hội Ngộ Các Gia Đình, tổ chức tại Rôma. Theo Bộ Giáo dân & Gia đình, ý hướng của việc thiết lập Năm Gia đình này là để phổ biến sứ điệp Tông huấn Amoris laetitia với những mục tiêu cụ thể: (1) chia sẻ nội dung của Tông huấn rộng rãi hơn để giúp mọi người cảm nghiệm Tin mừng về Gia đình là niềm vui tràn ngập tâm hồn và đời sống; (2) loan báo giá trị quý giá của Bí tích Hôn nhân, là sức mạnh biến đổi tình yêu nơi con người; (3) giúp các gia đình trở thành những nhân tố tích cực trong việc tông đồ về gia đình, giúp người trẻ ý thức hơn về tầm quan trọng của việc đào tạo trong chân lý của tình yêu và sự trao ban chính mình; (4) mời gọi mở rộng tầm nhìn và hành động trong việc chăm sóc mục vụ cho các gia đình, quan tâm đến mọi thành phần trong gia đình: vợ chồng, con cái, người trẻ, người cao tuổi.[1]

Trong ngày khai mạc Năm Gia đình Amoris laetitia, Đức Giáo hoàng Phanxicô đã gửi đến các tham dự viên hội nghị trực tuyến sứ điệp Tình yêu hằng ngày của chúng ta.[2] Ngài nói đến hai điều trọng tâm của mục vụ gia đình, là “sự thẳng thắn trong công bố Tin Mừng và sự dịu dàng trong đồng hành”. Một đàng, “chúng ta loan báo cho các đôi bạn, các vợ chồng và gia đình Lời Chúa giúp họ hiểu được ý nghĩa đích thực của tình yêu và sự kết hợp, là dấu chỉ và hình ảnh của tình yêu Ba Ngôi, và của giao ước giữa Chúa Kitô và Hội Thánh”; đàng khác, “lời loan báo này không thể và không được phép chỉ nói từ bên trên và từ bên ngoài”. Nếu Tin Mừng chỉ được trình bày như “giáo thuyết từ trên cao” mà không đi vào “xác thịt” của cuộc sống hằng ngày, thì e rằng Tin Mừng chỉ là một lý thuyết đẹp đẽ, kể cả bị coi như sự bó buộc về luân lý.

Nền tảng của đường hướng này là chính mầu nhiệm Nhập Thể của Con Thiên Chúa. Cũng vậy, Hội Thánh Chúa nhập thể trong lịch sử, vì thế “khi loan báo Tin Mừng về tình yêu gia đình, Hội Thánh thực hiện điều đó bằng cách dìm mình trong đời sống thực, nhận biết những đấu tranh hằng ngày của các vợ chồng, các bậc cha mẹ, những vấn đề và những đau khổ của họ, tất cả những hoàn cảnh lớn nhỏ đang đè nặng và đôi khi gây cản trở trên hành trình của họ”. Vì thế “chúng ta được mời gọi đồng hành, lắng nghe, và chúc lành cho hành trình của các gia đình”. Không chỉ là vạch ra hướng đi nhưng là đồng hành với họ: bước vào nhà họ với tất cả tình yêu và sự trân trọng, nói với các đôi bạn rằng Hội Thánh ở với các bạn, Chúa gần gũi các bạn, chúng tôi muốn giúp các bạn giữ gìn quà tặng tình yêu các bạn đã lãnh nhận.

Theo hướng đi trên, bài viết này trước hết cung cấp bản tóm lược Tông huấn Amoris laetitia, sau đó trình bày những đề nghị mục vụ cho Năm Gia đình Amoris laetitia.

II. Bản tóm lược Amoris Laetitia

Đức Giáo hoàng Phanxicô mong muốn Năm Gia đình là cơ hội đọc lại Tông huấn Amoris laetitia và suy nghĩ về nội dung của Tông huấn. Tuy nhiên phải nhìn nhận thực tế này là nhiều người rất ngại đọc vì Tông huấn quá dài: bản tiếng Việt có tựa đề Niềm Vui của Tình Yêu - dài 333 trang, gồm 325 số, chia thành 9 chương.[3] Vì thế, chúng tôi cống hiến bản tóm lược bằng chính những trích đoạn từ Tông huấn để độc giả có cái nhìn tổng quát.[4]

Chương 1. Dưới ánh sáng Lời Chúa

“Đôi vợ chồng yêu thương và sinh sản đích thực là ‘tác phẩm điêu khắc' sống động có thể biểu tỏ Thiên Chúa sáng tạo và cứu độ (chứ không phải ngẫu tượng bằng đá hay bằng vàng mà Thập Điều cấm ngặt). Vì lý do này, tình yêu phong nhiêu trở thành biểu tượng cho sự sống nội tại nơi Thiên Chúa” (số 11).

“Hình ảnh lý tưởng về tình yêu được trình bày trong Thánh vịnh 128 không phủ nhận sự thật cay đắng xuất hiện khắp nơi trong Kinh Thánh, tức là sự hiện diện của đau khổ, sự ác và bạo lực có sức phá vỡ các gia đình và mối hiệp thông đời sống và tình yêu của họ. Không phải là vô cớ khi giáo huấn của Chúa Kitô về hôn nhân đã được lồng trong cuộc tranh luận về ly dị” (số 19).

“Mọi gia đình nên nhìn vào hình ảnh Thánh Gia Nazareth với những vất vả thường ngày, thậm chí với cả những cơn ác mộng... Như Mẹ Maria, các gia đình được khuyên nhủ đối diện với những thách đố của gia đình mình cách can đảm và thanh thản, cả khi buồn lẫn khi vui, và cũng để gìn giữ, suy niệm trong lòng những điều kỳ diệu Chúa đã làm” (số 30).

Chương 2. Thực trạng và những thách đố của gia đình

“Nhiều khi chúng ta trình bày một lý tưởng quá trừu tượng, mang tính thần học và nhân tạo về gia đình, xa rời hoàn cảnh cụ thể và các khả năng thực tiễn của các gia đình. Việc lý tưởng hóa quá mức như vậy, nhất là khi chúng ta không khơi dậy đủ niềm tín thác vào ơn Chúa, đã không giúp làm cho hôn nhân thành hấp dẫn và đáng khao khát hơn, mà hoàn toàn đi ngược lại” (số 36).

“Tuy nhiên chúng ta rất thường ở trong tư thế tự vệ, phung phí năng lực mục vụ vào việc lên án một thế giới suy đồi, đang khi ít có khả năng đề ra cho người ta những nẻo đường kiếm tìm hạnh phúc đích thực. Nhiều người cho rằng sứ điệp của Hội Thánh về hôn nhân và gia đình không phản chiếu rõ ràng lời rao giảng và thái độ của Chúa Giêsu, Đấng vừa đề xuất một lý tưởng đòi hỏi cao vừa luôn luôn gần gũi, cảm thương với những con người yếu đuối như người phụ nữ Samaria hay người phụ nữ ngoại tình” (số 38).

“Chúng ta đừng tự sa vào bẫy làm mình kiệt sức vì chỉ biết phòng vệ trong than vãn ai oán, thay vì tìm cách khơi dậy những sáng kiến truyền giáo. Trong mọi hoàn cảnh, Hội Thánh cần phải nói lên lời chân lý và hy vọng... Những giá trị lớn lao của hôn nhân và gia đình Kitô giáo tương ứng với khát vọng tìm kiếm trải dài trong cuộc sống con người” (số 57).

Chương 3. Nhìn ngắm Chúa Giêsu: ơn gọi gia đình

“Trong gia đình và giữa các gia đình, sứ điệp Tin Mừng phải thường xuyên được vang lên; cốt lõi của sứ điệp ấy là lời rao giảng tiên khởi (kerygma), là lời đẹp nhất, trổi vượt nhất, hấp dẫn nhất và đồng thời cần thiết nhất. Lời ấy phải chiếm vị trí trung tâm trong toàn bộ hoạt động loan báo Tin Mừng. Đây là lời loan báo chính yếu mà chúng ta phải nghe đi nghe lại bằng nhiều cách khác nhau, và phải luôn loan báo trong khi dạy giáo lý bằng hình thức này hay hình thức khác. Bởi vì “không có gì vững chắc, thâm sâu, bảo đảm, súc tích và khôn ngoan hơn lời loan báo ấy”, và “toàn bộ việc đào tạo Kitô giáo hệ tại ở chỗ đi sâu hơn vào lời rao giảng tiên khởi ấy” (số 58).

“Tính bất khả phân ly của hôn nhân - “Điều Thiên Chúa đã kết hợp, loài người không được phân ly” (Mt 19,6) - không nên hiểu như ‘cái ách' áp đặt lên con người, nhưng như ‘quà tặng' được ban cho những ai kết hợp với nhau trong hôn nhân. Thiên Chúa bao dung luôn đi theo hành trình cuộc đời chúng ta; Ngài chữa lành và biến đổi con tim chai cứng bằng ân sủng, dẫn chúng ta về lại thuở ban đầu ngang qua con đường thập giá” (số 62).

“Bí tích Hôn Phối không phải là một quy ước xã hội, một nghi thức trống rỗng, hay chỉ là dấu hiệu bên ngoài của một cam kết. Bí tích này là một ơn ban nhằm thánh hóa và cứu độ đôi vợ chồng, vì “việc họ thuộc về nhau là một hình ảnh thực, qua dấu chỉ bí tích, diễn tả chính mối tương quan giữa Chúa Kitô và Hội Thánh. Vì thế đôi hôn phối là lời nhắc nhở thường xuyên cho Hội Thánh về điều đã xảy ra trên thập giá, họ là chứng nhân của ơn cứu độ cho nhau và cho con cái, ơn cứu độ mà họ dự phần qua bí tích Hôn Phối” (số 72).

Chương 4. Tình yêu trong hôn nhân

“Trong đời sống gia đình, không thể để bao trùm lối nghĩ thống trị lẫn nhau và cạnh tranh với nhau xem ai là người thông minh hơn hay quyền lực hơn, vì như thế sẽ hủy diệt tình yêu. Lời khuyên cho gia đình sau đây thật đáng giá: “Tất cả anh chị em hãy lấy đức khiêm nhường mà đối xử với nhau, vì Thiên Chúa chống lại kẻ kiêu ngạo, nhưng ban ơn cho kẻ khiêm nhường” (1Pr 5, 5) (số 98).

“Chỉ cần một cử chỉ nhỏ, một điều gì đó rất đơn sơ thôi, và sự hòa điệu trong gia đình sẽ được vãn hồi. Chỉ cần một chút âu yếm, chẳng cần lời lẽ gì. Nhưng đừng bao giờ để một ngày trôi qua mà không làm hòa trong gia đình... Nếu chúng ta phải chiến đấu chống lại sự dữ thì hãy chiến đấu, nhưng phải luôn luôn nói ‘không' với bạo lực” (số 104).

“Nếu chúng ta chấp nhận rằng tình yêu của Thiên Chúa là tình yêu vô điều kiện, rằng tình yêu của Chúa Cha là điều không thể mua hay bán được, thì lúc đó chúng ta mới có thể yêu thương vượt trên tất cả, tha thứ cho người khác ngay cả khi họ cư xử bất công với chúng ta. Nếu không, cuộc sống gia đình sẽ không còn là nơi chốn của cảm thông, đồng hành và khích lệ, thay vào đó sẽ là nơi thường xuyên căng thẳng và công phạt lẫn nhau” (số 108).

“Tình yêu thì lớn hơn sự biểu lộ ưng thuận bên ngoài hoặc một hình thức khế ước rất nhiều, nhưng cũng chắc chắn là việc quyết định cho hôn nhân một định dạng rõ ràng trong xã hội với những cam kết nhất định, có tầm quan trọng của nó: nó thể hiện tính nghiêm túc của việc nên một với người kia, vượt qua lối sống cá nhân chủ nghĩa của tuổi thanh thiếu niên, và biểu lộ quyết định dứt khoát thuộc trọn về nhau” (số 131).

“Chúng ta không thể xem chiều kích nhục dục của tình yêu như một sự dữ được phép, hay như gánh nặng phải chịu đựng vì thiện ích của gia đình, đúng hơn, nó phải được xem như tặng phẩm của Thiên Chúa, nhằm làm đẹp cho mối hạnh ngộ vợ chồng” (số 152).

Chương 5. Tình yêu sinh hoa trái

“Với sự tiến bộ của khoa học ngày nay, người ta có thể biết trước màu tóc của em bé và những bệnh tật có thể của nó trong tương lai, vì tất cả các đặc tính thế lý của con người đã được ghi trong mã di truyền của họ trong giai đoạn phôi thai. Thế nhưng chỉ có Chúa Cha, Đấng tạo thành con người ấy mới biết điều gì là quý giá nhất, điều gì là quan trọng nhất, bởi vì Ngài biết đứa trẻ đó là ai, đâu là căn tính sâu xa nhất của nó... Tình yêu của cha mẹ là phương thế Thiên Chúa Cha dùng để bày tỏ tình yêu của Ngài, Đấng dịu dàng chờ đợi mỗi đứa trẻ chào đời, đón nhận nó vô điều kiện và tiếp nhận nó cách vô cầu” (số 170).

“Các bà mẹ là thuốc giải độc mạnh nhất chống lại sự lan rộng của chủ nghĩa cá nhân ích kỉ. Chính họ là những chứng nhân cho vẻ đẹp của sự sống. Chắc chắn rằng một xã hội mà không có các bà mẹ sẽ là một xã hội phi nhân. Người ta cũng nói rằng xã hội chúng ta là xã hội không có những người cha, ngay cả nam tính xem ra cũng đang có vấn đề. Bởi lẽ lúc đầu, điều này được xem như sự giải phóng khỏi hình ảnh người cha như chủ nhân ông, kiểm duyệt hạnh phúc của con cái, gây trở ngại cho sự giải phóng và tự lập của những người trẻ. Thế nhưng như vẫn thường xảy ra, là người ta đi từ cực đoan này tới cực đoan khác. Vấn đề của thời đại ngày nay xem ra không còn chủ yếu là sự hiện diện độc đoán của những người cha, nhưng là sự vắng mặt của họ” (số 174 & 176).

“Một gia đình thiếu kính trọng và chăm sóc ông bà, vốn là ký ức sống động của mình, sẽ là một gia đình rệu rã; ngược lại, một gia đình còn nhắc nhớ đến quá khứ là gia đình có tương lai. Vì thế, trong một nền văn minh mà không có chỗ cho người cao niên hoặc người cao niên bị loại bỏ vì tạo ra vấn đề, thì xã hội đó đã nhiễm vi khuẩn chết người” (số 193).

Chương 6. Một số viễn ảnh mục vụ

“Sự góp phần chính yếu cho mục vụ gia đình là từ nơi giáo xứ, như gia đình của các gia đình. Giáo xứ kết hợp hài hòa những đóng góp của các cộng đoàn nhỏ, các phong trào và các hiệp hội của Hội Thánh. Cùng với một mục vụ chuyên biệt hướng đến các gia đình, chúng ta thấy cũng cần có một công cuộc đào tạo phù hợp hơn cho các linh mục, phó tế, nam nữ tu sĩ, các giáo lý viên và tác viên mục vụ khác” (số 202).

“Có nhiều cách thức hợp pháp để tổ chức việc chuẩn bị gần cho hôn nhân, và mỗi Hội Thánh địa phương sẽ phân định thế nào là cách tốt nhất... Không cần phải truyền đạt cho họ toàn bộ Giáo lý, cũng không đưa ra cho họ quá nhiều chủ đề. Cần quan tâm đến chất lượng hơn là số lượng. Điều quan trọng là con đường khai tâm vào Bí tích Hôn Phối có thể cung cấp cho họ những yếu tố cần thiết để có thể lãnh nhận bí tích cách tốt nhất và khởi đầu đời sống gia đình cách vững chắc” (số 207).

“Việc đồng hành với các đôi vợ chồng phải khuyến khích họ quảng đại thông truyền sự sống. Theo nghĩa đó, Thông điệp Humanae vitae và Tông huấn Familiaris consortio cần phải được khám phá lại để đánh thức người ta sẵn sàng sinh sản, chống lại não trạng ngày nay vốn thường thù nghịch với sự sống. Cần phải nhấn mạnh rằng con cái là quà tặng tuyệt vời của Thiên Chúa, niềm vui cho cha mẹ và Hội Thánh. Qua chúng, Thiên Chúa đổi mới thế giới” (số 222).

“Lịch sử của mỗi gia đình được ghi dấu bằng nhiều loại khủng hoảng, nhưng cũng góp phần tạo nên vẻ đẹp kịch tính của nó... Các cặp vợ chồng từng trải và được huấn luyện phải sẵn sàng đồng hành với các cặp khác trong việc khám phá này, làm sao để các cuộc khủng hoảng không làm cho họ kinh hãi, cũng không đẩy họ đến những quyết định nông nổi. Mỗi khủng hoảng đều ẩn chứa một tin vui mà ta cần biết lắng nghe bằng đôi tai của tâm hồn” (số 232).

Chương 7. Củng cố việc giáo dục con cái

“Cha mẹ cần phải xét xem mình muốn trao cho con cái những gì, và điều đó có nghĩa là phải xem ai đang cung ứng cho chúng những trò giải trí và niềm vui, ai đang bước vào phòng của bọn trẻ qua các màn hình TV hay máy điện tử, và con cái mình đang dành thời giờ rảnh rỗi cho ai. Chỉ cần chúng ta dành thời giờ cho con cái, nói với chúng về những chuyện quan trọng một cách đơn giản với tâm tình trìu mến. như vậy tránh cho con cái chúng ta khỏi bị xâm hại” (số 260).

“Dù cha mẹ cần đến trường học để bảo đảm cho con cái mình có được nền giáo dục cơ bản, nhưng họ không bao giờ có thể khoán trắng việc huấn luyện đạo đức cho con cái nơi một ai khác. Sự phát triển tình cảm và đạo đức của một con người đòi hỏi kinh nghiệm cơ bản này: tin rằng cha mẹ của mình là những người đáng tin cậy” (số 263).

“Gia đình là môi trường đầu tiên của việc hòa nhập xã hội, vì đó là nơi đầu tiên con người học cách đối diện với người khác, để lắng nghe, chia sẻ, chịu đựng, tôn trọng, giúp đỡ, chung sống. Nhiệm vụ của giáo dục là phải khơi dậy cảm nhận về thế giới và xã hội như ‘bầu khí gia đình', dạy ta biết sống vượt ra ngoài giới hạn ngôi nhà riêng của mình” (số 276).

“Gia đình phải là nơi học biết những lý lẽ và vẻ đẹp của đức tin, để cầu nguyện và phục vụ tha nhân... Điều quan trọng là con cái nhìn thấy cách cụ thể, đối với cha mẹ chúng, việc cầu nguyện thực sự là quan trọng. Bởi thế những khoảnh khắc cầu nguyện trong gia đình và những diễn tả lòng đạo đức bình dân có thể có sức loan báo Tin Mừng mạnh mẽ hơn bất cứ bài giáo lý hay bài giảng nào” (số 288).

Chương 8. Đồng hành, phân định, nâng đỡ những hoàn cảnh khó khăn

“Thánh Gioan Phaolô II đề nghị điều được gọi là “luật tiệm tiến”, với nhận thức rằng con người hiểu biết, yêu mến, và thực thi sự thiện luân lý theo những giai đoạn phát triển khác nhau. Đó không phải là “sự tiệm tiến của luật” nhưng là sự tiệm tiến trong việc thực hiện cách khôn ngoan những hành động tự do nơi những chủ thể không ở trong điều kiện hiểu biết, đánh giá hoặc thực hành cách đầy đủ các đòi hỏi khách quan của luật” (số 295).

“Những người đã được rửa tội mà ly dị và tái hôn về mặt dân sự cần phải được hội nhập nhiều hơn vào cộng đoàn Kitô hữu theo nhiều cách khác nhau, đồng thời tránh mọi dịp gây gương xấu. Không những không được làm cho họ cảm thấy mình bị dứt phép thông công, mà còn phải làm cho họ có thể sống và trưởng thành như những thành viên sống động của Hội Thánh, cảm thấy Hội Thánh như một người mẹ luôn đón nhận họ, ân cần trìu mến chăm sóc và khích lệ họ trên hành trình cuộc sống và Tin Mừng” (số 299).

“Để tránh mọi giải thích lệch lạc, tôi nhắc lại rằng dù sao đi nữa Hội Thánh cũng không được từ bỏ đề nghị lý tưởng trọn vẹn của hôn nhân, kế hoạch của Thiên Chúa trong tất cả tầm vóc cao cả của nó. Cảm thông với những hoàn cảnh ngoại lệ không bao giờ hàm nghĩa che giấu ánh sáng của lý tưởng trọn vẹn nhất, và cũng không cắt bớt điều gì Chúa Giêsu đã trao ban cho con người. Tuy nhiên các mục tử khi trình bày cho các tín hữu lý tưởng trọn vẹn của Tin Mừng và giáo huấn của Hội Thánh, cũng phải giúp họ biết cảm thương những con người yếu đuối và tránh ngược đãi hoặc xét đoán quá khắc nghiệt và thiếu kiên nhẫn” (số 307, 308).

Chương 9. Linh đạo hôn nhân và gia đình

“Sống tốt đẹp tình hiệp thông gia đình là hành trình đích thực để nên thánh trong đời sống hằng ngày, và để được lớn lên trong kinh nghiệm thần bí, một phương thế kết hợp thâm sâu với Thiên Chúa... Những ai có niềm khao khát tâm linh sâu xa không nên nghĩ rằng gia đình tách biệt sự khao khát tâm linh khỏi đời sống trưởng thành trong Thánh Thần, nhưng hãy xem đó như nẻo đường Chúa đang dùng để dẫn mình tới tầm cao của sự nhiệm hiệp” (số 316).

“Cầu nguyện trong gia đình là một phương thế ưu việt để diễn tả và củng cố niềm tin phục sinh. Gia đình có thể dành vài phút mỗi ngày để quy tụ với nhau trước nhan Thiên Chúa hằng sống, nói với Ngài về những lo lắng bận tâm, cầu xin Ngài cho những nhu cầu của gia đình hoặc cho ai đó đang gặp khó khăn, xin Ngài trợ giúp ta biết sống yêu thương, tạ ơn Ngài về cuộc sống và biết bao ơn lành khác, cầu xin Đức Trinh Nữ che chở chúng ta dưới tà áo Mẹ” (số 318).

“Được Chúa Thánh Thần thúc đẩy, gia đình không chỉ đón nhận sự sống bằng việc sinh sản tự nhiên, nhưng còn mở ra, đi ra khỏi chính mình để trao ban những thiện ích của mình cho người khác, để quan tâm chăm sóc họ và tìm kiếm hạnh phúc cho họ” (số 324).

III. Những đề nghị mục vụ

Để sống Năm Gia đình Amoris laetitia, Bộ Giáo dân & Gia đình đưa ra một số đề nghị. Từ những đề nghị này, có thể gợi ý một số điểm sau.[5]

1. Củng cố các chương trình chuẩn bị hôn nhân với những sáng kiến mới về Giáo lý ở cấp Giáo phận và Giáo xứ (x. AL 205-222): chuẩn bị xa, chuẩn bị gần, chuẩn bị sát việc cử hành hôn nhân, cũng như đồng hành với các đôi vợ chồng trong những năm đầu sau hôn nhân. Ngay trong một quốc gia, các Giáo phận có thể khác nhau về nhiều mặt: địa lý, dân cư, mức sống, trình độ văn hóa; vì thế, Hội đồng giám mục có thể có một chương trình chung về chuẩn bị hôn nhân, tuy nhiên mỗi Giáo phận có thể tìm cách áp dụng cách thích hợp với tình hình riêng của mình: “Có nhiều cách thức hợp pháp để tổ chức việc chuẩn bị gần cho hôn nhân, và mỗi Hội Thánh địa phương sẽ phân định thế nào là cách tốt nhất, nhờ bảo đảm một sự huấn luyện phù hợp, đồng thời không làm cho các bạn trẻ xa rời bí tích” (AL 207).

2. Thúc đẩy việc đồng hành với các đôi bạn bằng việc tổ chức những cuộc gặp gỡ nhằm đào tạo đời sống cầu nguyện và phát triển thiêng liêng, để họ hiểu biết hơn về ơn ban và ân sủng của bí tích Hôn phối: “Các nghị phụ Thượng Hội Đồng đã cho thấy những năm đầu tiên của hôn nhân là thời kỳ rất quan trọng và tế nhị, trong đó các đôi vợ chồng ngày càng ý thức hơn về những thách đố và ý nghĩa của hôn nhân. Vì thế cần phải có sự đồng hành mục vụ tiếp theo sau khi cử hành bí tích” (AL 223). Trách nhiệm này được trao phó cách riêng cho những người sống đời hôn nhân để cùng với các mục tử, đồng hành với các bạn trẻ chuẩn bị kết hôn và những bạn mới kết hôn. Những người sống ơn gọi hôn nhân là những người không chỉ có hiểu biết lý thuyết nhưng còn là kinh nghiệm sống về hôn nhân và gia đình, vì thế sự tham gia của họ vào các chương trình chuẩn bị hôn nhân là rất quý giá.

3. Tổ chức các buổi gặp gỡ các bậc cha mẹ về giáo dục con cái và những thách đố ngày nay (AL 172tt; 259-290), để như Đức Giáo hoàng Phanxicô gợi ý là các bậc cha mẹ phải biết con cái họ đang ở đâu trong hành trình đời sống: “Những câu hỏi mà tôi muốn đặt ra với các bậc cha mẹ là: Chúng ta có tìm hiểu con mình đang thực sự ở đâu trong hành trình đời sống của chúng không? Tâm hồn của chúng đang thực sự ở đâu, chúng ta có biết không? Và nhất là chúng ta có muốn biết điều đó không?” (AL 261).

4. Thúc đẩy các buổi gặp gỡ nhằm suy nghĩ và bàn luận về vẻ đẹp và những thách đố cho đời sống gia đình (AL 32tt; 89tt), nhờ đó khám phá giá trị đích thực của tình yêu và gia đình: “Ngày nay người ta dễ lẫn lộn giữa sự tự do đích thực và tư tưởng cho là mỗi người có thể phán quyết thế nào tùy ý, như thể ngoài cá nhân ra, chẳng còn đâu là chân lý, giá trị và nguyên tắc định hướng cuộc đời, người ta xem như thể mọi thứ đều như nhau, và mọi sự đều được phép” (AL 34).

5. Thúc đẩy việc đồng hành với các đôi vợ chồng đang khủng hoảng, giúp họ thấy những thách đố trong đời sống hôn nhân như cơ hội trở nên mạnh mẽ hơn trong tình yêu: “Thật là tốt việc đồng hành với các đôi vợ chồng để họ có thể chấp nhận những khủng hoảng có thể xảy đến, đối diện với chúng và dành cho chúng một chỗ trong đời sống gia đình. Các cặp vợ chồng từng trải và được huấn luyện phải sẵn sàng đồng hành với các cặp khác trong việc khám phá này, làm sao để các cuộc khủng hoảng không làm cho họ kinh hãi, cũng không đẩy họ đến những quyết định nông nổi” (AL 232).

6. Thúc đẩy tham gia vào việc chăm sóc mục vụ cho các gia đình (AL 86-88), quan tâm đến việc đào tạo các chủng sinh, linh mục, những người làm mục vụ, để họ có thể đồng hành với các gia đình cách hiệu quả hơn và đáp ứng những thách đố ngày nay: “Các phúc đáp cho việc tham khảo ý kiến cũng bày tỏ cách tha thiết về sự cần thiết phải đào tạo tác viên giáo dân của mục vụ gia đình với sự giúp đỡ của các nhà tâm lý giáo dục, bác sĩ gia đình, bác sĩ cộng đồng, nhân viên xã hội, luật sư cho trẻ em và gia đình, với tinh thần cởi mở đón nhận sự đóng góp của các khoa tâm lý học, xã hội học, tính dục học và cả khoa tham vấn (counseling)” (AL 204). Để đạt mục tiêu này, cần phải thúc đẩy sự hỗ tương giữa Hội Thánh và Hội Thánh tại gia (AL 200), để hiểu nhau và trân trọng nhau hơn.

7. Củng cố chiều kích thừa sai, truyền giáo trong mục vụ gia đình, bằng cách vận dụng các cơ hội để đào tạo về Phúc Âm hóa và sáng kiến truyền giáo (vd. dịp con cái lãnh nhận các bí tích, chuẩn bị hôn nhân, những dịp kỷ niệm). “Ngày nay mục vụ gia đình cốt yếu là phải truyền giáo, đi ra, tiếp cận với người ngoài, chứ không chỉ thu mình trong một nhà máy sản xuất các khóa học mà có ít người tham gia” (AL 230).

8. Phát triển các chương trình chăm sóc mục vụ cho người cao tuổi, thúc đẩy những sáng kiến bắc nhịp cầu giữa các thế hệ, đồng thời giúp người cao tuổi trở thành những tác nhân tích cực trong việc chăm sóc mục vụ cho cộng đồng. “Người cao niên là những người nam và người nữ, những người cha và người mẹ, đã từng đi trước chúng ta trên cùng một con đường, sống trong cùng một ngôi nhà, chiến đấu trong cùng một cuộc chiến hằng ngày của chúng ta hầu mưu tìm một cuộc sống xứng đáng. Bởi thế, tôi mong muốn một Hội Thánh thay thế nền văn hóa đào thải bằng niềm vui tràn trề qua vòng tay nối kết chặt chẽ giữa người trẻ và người già” (AL 190).

9. Đưa những sáng kiến mới vào mục vụ giới trẻ, nhằm giúp người trẻ suy nghĩ về các vấn đề như gia đình, hôn nhân, đức khiết tịnh, mở ra với sự sống, việc sử dụng mạng xã hội, tình trạng nghèo khổ trên thế giới, chăm sóc tạo thành (AL 40). Tìm cách khơi dậy nơi người trẻ khả năng đối diện với những thách đố của thời đại và dấn thân cho những lý tưởng cao đẹp. “Chúng ta cần tìm cho ra những ngôn ngữ, lý lẽ và chứng từ thích hợp để có thể giúp ta chạm tới nơi thâm sâu nhất trong trái tim người trẻ, vốn là những người có khả năng sống quảng đại, dấn thân, yêu thương, thậm chí sống anh hùng, để mời gọi họ đón nhận những thách đố của đời sống hôn nhân với nhiệt tâm và can đảm” (AL 40).

10. Quan tâm đến các gia đình bị tổn thương để giúp họ khám phá và thi hành sứ vụ trong gia đình, trong cộng đoàn, trên nền tảng Bí tích Thánh tẩy. “Cần có một mục vụ hòa giải và trung gian thông qua các trung tâm tham vấn chuyên biệt được thiết lập trong các giáo phận... Những người ly dị mà không tái hôn thường là những chứng nhân của lòng trung thành trong hôn nhân, họ cần được khích lệ tìm thấy trong Thánh Thể lương thực nâng đỡ tình trạng hiện tại của họ” (AL 242).

Kết: “Tông huấn Amoris laetitia mang ý nghĩa đặc biệt trong bối cảnh Năm Thánh Lòng Chúa Thương Xót. Trước tiên, vì tôi coi Tông huấn này như một đề nghị cổ vũ các gia đình Kitô hữu hãy biết quý trọng ân huệ hôn nhân và gia đình, duy trì một tình yêu mạnh mẽ và đong đầy các giá trị như lòng quảng đại, sự dấn thân, trung tín và kiên nhẫn. Thứ đến, vì Tông huấn này muốn khích lệ mọi người hãy nên dấu chỉ của lòng thương xót và gần gũi ở những nơi cuộc sống gia đình chưa được trọn vẹn hay còn thiếu vắng bình an và niềm vui” (Amoris laetitia, số 5).

Trích Bản tin Hiệp Thông / HĐGM VN, Số 124 (Tháng 5 & 6 năm 2021)

https://www.hdgmvietnam.com/chi-tiet/nam-gia-dinh-amoris-laetitia-gioi-thieu-tong-quat-42432