Một lối nhìn mục vụ: Viễn tượng Gia đình

Một lối nhìn mục vụ: Viễn tượng Gia đình

 

MỘT LỐI NHÌN MỤC VỤ:

VIỄN TƯỢNG GIA ĐÌNH

1. Hội thánh là Gia Đình của Thiên Chúa, Chúa Cha Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Hội thánh như Eva mới sinh ra từ cạnh sườn bị đâm thâu của Chúa Kitô, là Ađam mới và là Trưởng Tử giữa mọi thọ tạo. Hội thánh là Hiền Thê và là Thân Thể Mầu Nhiệm của Người. Bởi thế Hội thánh chính là Mầu nhiệm hiệp thông, hiệp thông với Thiên Chúa Ba Ngôi, với Chúa Kitô là Đầu là Phu Quân, và hiệp thông giữa các tín hữu, thành phần của cùng một Thân Thể, với nhau. Mọi tín hữu là anh em với nhau trong cùng một Gia đình, vì là «người nhà» của Thiên Chúa (Ep2,19). Ngôi nhà của Thiên Chúa đó, được xây dựng trên nền Đá Tảng vững chắc là Đức Kitô, Đầng đã chết và đã phục sinh, trở thành Đường đi, Sự thật, và Sự Sống cho mọi người. Gia đình ấy của Thiên Chúa là Ngôi Nhà mở đón tiếp mọi người, có sứ vụ Loan Báo Tin Mừng Tình Yêu chịu chết và phục sinh, để ai tin thì từ đó không còn là khách lạ nữa mà trở thành người nhà của Thiên Chúa, nghĩa là được cứu độ.

2. Gia đình (Kitô hữu) là Hội thánh tại gia, vì thế, GĐ chính là “Ngôi nhà nhỏ” của Thiên Chúa thường trực giữa trần gian. Nhờ Bí tích Hôn phối, những “ngôi nhà nhỏ” này là nơi “cắm lều” cho Gia đình Thiên Chúa giữa thế giới. Mầu nhiệm Hiệp thông yêu thương thần linh mặc lấy xác phàm và cư ngụ giữa thế giới trong các gia đình tự nó trở thành “điểm” loan báo Tin mừng. Vì thế, nơi cụ thể và thường xuyên Kitô hữu cần ý thức và sống Mầu nhiệm Hội thánh như Bí tích của sự Hiệp thông và sứ vụ Loan báo Tin mừng là Gia đình.

3. Viễn tượng Gia đình. Từ viễn tượng thần học đó, ta có thể rút ra một hệ luận mục vụ tương hợp với tầm nhìn của đức thánh cha Gioan-Phaolô  II, như ngài nói trong tông huấn Familiaris Consortio số 70 : «Mọi kế hoạch mục vụ được tổ chức ở bất kỳ cấp nào cũng đều phải xét tới lãnh vực gia đình». Đó chính là khai triển cụ thể chiều kích Giáo hội học trong mục vụ. Ở đây tôi muốn trình bày vắn tắt một lối nhìn mục vụ theo viễn tượng gia đình, hết sức quan trọng nhất là trong tình cảnh hiện nay của khủng hoảng gia đình khắp nơi trên thế giới[1].

Vấn đề: Làm thế nào để đặt một “viễn tượng gia đình” (family perspective) trong mọi chính sách, chương trình, kế hoạch mục vụ, cũng như dịch vụ.

Nghĩa là cổ võ gây ý thức cho mọi người, đặc biệt cho các đấng bậc lãnh đạo cộng đoàn, rằng mọi Đường lối mục vụ (approach) nói chung từ nay phải làm sao hướng tới gia đình thay vì chỉ dừng ở cá nhân. Nhưng chuyển dịch tâm điểm chú ý của mục vụ từ chỗ nhắm-đến-cá-nhân (individual-centered) đến chỗ nhắm-đến-gia-đình (family-centered) không phải chuyện dễ dàng.

Viễn tượng Gia đình (VTGĐ) có nghĩa là gì?

Nhìn trong viễn tượng gia đình (VTGĐ) trong khi lập kế hoạch, thi hành, và lượng giá các chính sách, chương trình mục vụ, và dịch vụ có hai nghĩa sau đây:

1. Nhìn mỗi người trong bối cảnh các mối quan hệ gia đình và trong các mối quan hệ xã hội khác của họ.

Vd: chúng ta không nhìn một cụ già tong teo chỉ như một cá thể riêng biệt cần giúp đỡ, nhưng cần tìm hiểu  xác định xem đâu là những mối tương quan hỗ trợ người ấy có (hoặc thiếu) từ phía gia đình, bạn bè, và các hội đoàn xóm giềng.

VTGĐ là một lăng kính tập chú vào những tương tác giữa các cá nhân, các gia đình, và hoàn cảnh xã hội trong đó người ấy đang sống.

2. Sử dụng các mối quan hệ gia đình như một tiêu chí để đánh giá tầm ảnh hưởng của một chính sách, dự án, một chương trình mục vụ, hay một dịch vụ nào đó.

VTGĐ cung cấp cho ta một phương tiện để khảo sát và điều chỉnh cách hệ thống các chính sách, các phác thảo kế hoạch mục vụ, cũng như các dịch vụ cung ứng. Mục tiêu của VTGĐ là để giúp ta nhạy cảm hơn đối với gia đình và thăng tiến sự chung sống, phát huy sức mạnh và các nguồn lực của các gia đình để các gia đình trở nên Giáo hội hiệp thông và tham gia tích cực hơn. Một VTGĐ trong mục vụ không có nghĩa là ta thiết lập một văn phòng mục vụ mới, hay một cấp hành chánh mới để thực hiện điều này. Cũng không có nghĩa là kêu gọi mọi ngành mục vụ khác đảm nhận lấy nhiệm vụ then chốt này, nhưng là mang lấy một cái nhìn trong khi làm mục vụ cũng như phác thảo chính sách, chương trình mục vụ.

VTGĐ được gợi ý từ một thách đố mà đức thánh cha Gioan Phaolô II nêu lên trong Tông huấn Familiaris Consortio:«Mọi kế hoạch mục vụ được tổ chức ở bất kỳ cấp nào cũng đều phải xét tới lãnh vực gia đình» (s. 70).

Nhìn qua lăng kính VTGĐ trong khi hoạch định kế hoạch, thực hiện, và lượng giá các chính sách, chương trình, mục vụ là luôn nhớ đến bốn yếu tố nền tảng sau đây:

1. Cái nhìn Kitô giáo về đời sống Gia đình

GĐ là một cộng đồng các ngôi vị sống thân mật, được liên kết bằng dây máu mủ, hôn thuộc, hay nhận nuôi (adoption), dây liên kết ấy trải suốt cuộc đời. Theo truyền thống Công giáo, GĐ dựa trên nền tảng Hôn nhân, là giao ước giữa vợ chồng sống thân mật, trung thành, duy nhất, và suốt đời. Cội rễ của cái nhìn này bắt nguồn từ Tình yêu giao ước của Đức Kitô. Nhìn GĐ như là mạc khải và thể hiện đặc biệt của mầu nhiệm Hiệp thông Hội thánh, bởi đó, GĐ được gọi là Hội thánh tại gia. Như thế, đời sống GĐ linh thánh, sinh hoạt GĐ mang tính thánh thiện. Do đó, GĐ có một sứ vụ duy nhất: phục vụ cho việc xây dựng Nước Chúa ở trần gian (hay trong lịch sử).

2. Gia đình như là một thực thể cấu trúc đang phát triển

Mỗi thành viên của GĐ sống những mối liên kết với các thành viên khác, chứ không cô độc. Mối liên kết quan trọng nhất là liên kết gia đình, trong đó các vai trò và khuôn mẫu tương quan được xác định. Các vai trò và khuôn mẫu này tạo nên một cảm thức tích cực về căn tính của GĐ và phát triển các mối quan hệ giữa các thành viên đến mức thành tựu thỏa mãn. Giúp GĐ sống hiệp nhất yêu thương, làm triển nở mỗi cá nhân và góp phần tạo bầu khí thực sự yên ấm, thư giãn. Các vai trò và khuôn mẫu tương quan ấy bắt rễ sâu từ GĐ nguyên thủy.

Sự thay đổi cũng là một phần của đời sống GĐ. Mọi thay đổi trong GĐ (cá nhân hay cả cộng đồng GĐ) đều có tác động lên những thành phần (các vai và khuôn mẫu khác), ảnh hưởng lên sự ổn định của GĐ và của mỗi thành viên. Khi tiến triển bình thường, cũng như khi gặp các biến cố (chết chóc, thất nghiệp, bệnh tật,...) GĐ đối diện với những giai đoạn chuyển tiếp không quá bất ngờ và không tránh khỏi. Mọi GĐ đều đối diện với những nhiệm vụ và thách đố tương tự. Cách đáp ứng của GĐ trước những thách đố này ảnh hưởng đến mức thành công mà GĐ sẽ trải nghiệm những thời gian sau. Nhìn GĐ như một thực thể đang phát triển, thiết yếu người ta sẽ quan tâm hơn đến những kinh nghiệm của GĐ góp phần ảnh hưởng lên cái nhìn về đời sống GĐ của họ.

Vd: trong một giáo xứ, mục vụ bí tích Rửa tội sẽ có điểm nhấn khác nhau khi chuẩn bị cho một GĐ cử hành Rửa tội cho đứa con đầu lòng và cho một GĐ chuẩn bị RT cho đứa con thứ tư.

3. Gia đình đa dạng

GĐ ngày nay không giống như nhau về mặt cấu trúc, về nhu cầu, về tình trạng kinh tế, về gia sản văn hóa, dân tộc và tôn giáo. Điều đó có nghĩa là các GĐ, hay các thành viên trong một GĐ với GĐ gốc dị biệt về các mặt đó, rất đa dạng. Họ khác nhau thậm chí có khi đối nghịch nhau trong quan niệm, các giá trị sống, lối sống, tập quán, lễ nghĩa phép tắc, chuẩn mực xã hội,... Do khác biệt đó, các GĐ có những vai trò, trách nhiệm, và khuôn mẫu tương quan cũng khác nhau.

Như thế, để phát triển VTGĐ trong mục vụ, trong phác thảo các chính sách, kế hoạch, các nhà lãnh đạo cộng đoàn cần để ý đến các kiểu GĐ khác nhau đang tham gia vào chương trình mục vụ của mình, các ngài cần cập nhật tri thức thực tế về những biển đổi GĐ trong xã hội hiện nay, nhất là nơi địa phương mình đang sống, nhạy cảm hơn với những nhu cầu, những áp lực, căng thẳng các GĐ đang phải chịu, để giúp các GĐ nhận ra chúng và đối phó.

4. Sự cộng tác giữa các Gia đình với nhau và với các thiết chế xã hội

Các GĐ xưa kia thường vẫn có trách nhiệm lo cung cấp các nhu cầu và sinh hoạt cơ bản cuộc sống. Nhưng, hiện nay nhiều trách nhiệm GĐ đã được xã hội đảm nhận chia sẻ, chuyển qua các thiết chế tổ chức công cộng hay tư nhân (trường học, bệnh viện, nhà dưỡng lão, trung tâm giải trí...). Vì thế, GĐ và các thành viên GĐ dành nhiều thời gian, năng lực, nguồn lực hơn làm việc với các tổ chức nay chia sẻ trách nhiệm của họ trong các dịch vụ. Các chính sách và chương trình của nhiều tổ chức như thế (chính quyền, chủ công ty, và các nhà cung cấp dịch vụ) đang có xu hướng biến đời sống GĐ nên nhiêu khê và bị phân mảnh. VTGĐ giúp thiết lập những mối quan hệ vận hành này giữa GĐ và các tổ chức sao cho phục vụ tham dự vào trách nhiệm GĐ.

Ước mong ngày càng nhiều người hiểu sâu, đón nhận, và hành động theo ý nghĩa mà Viễn tượng Gia đình đem lại cho Giáo hội, và cho xã hội, và cho cả chính các gia đình vốn là tương lai của Gia đình nhân loại.

Lm. Luy Nguyễn Anh Tuấn

TTK UBMVGĐ/HĐGMVN

(Tham luận tại Đại Hội Dân Chúa Năm Thánh 2010)

 

[1] Đó cũng là cái nhìn mục vụ mà Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ đã đề nghị từ hơn hai mươi năm qua, kể từ sau Thượng Hội Đồng Giám mục thế giới về Gia đình (1980). X. NATIONAL CONFERENCE OF CATHOLIC BISHOPS (hay USCBC), A Family Perspective in Church and Society, Tenth anniversary edition, Washington D.C., 1998.