MẦU NHIỆM NGƯỜI NỮ ĐƯỢC MẠC KHẢI TRONG MẪU TÍNH (bài 21) - Thần học về Thân xác của đức Gioan Phaolô II

MẦU NHIỆM NGƯỜI NỮ ĐƯỢC MẠC KHẢI TRONG MẪU TÍNH (bài 21) - Thần học về Thân xác của đức Gioan Phaolô II

Thần học về Thân xác của đức Gioan Phaolô II:

XXI

MẦU NHIỆM NGƯỜI NỮ
ĐƯỢC MẠC KHẢI TRONG MẪU TÍNH

(Ngày 12 tháng 3 năm 1980)

1. Trong bài suy tư trước, chúng ta đã phân tích câu St 4,1 và cách riêng về chữ «biết», trong bản văn nguyên thủy chữ ấy được dùng để xác định sự kết hợp vợ chồng. Chúng ta cũng đã cho thấy rằng cái «biết» của Kinh thánh đó tạo nên một thứ nguyên mẫu [1] của thân xác và tính dục con người có nhân vị.  Điều đó xem ra rất căn bản để hiểu con người, vốn từ «thuở ban đầu» là kẻ tìm kiếm ý nghĩa của chính thân xác mình. Ý nghĩa này là nền tảng của chính thần học thân xác. Thuật ngữ «biết» - «ăn ở» (St 2,1-2) cô đọng lại toàn thể nội dung bản văn Kinh thánh đã phân tích cho tới nay. Theo đoạn St 4,1, «con người» lần đầu tiên «biết» người đàn bà, vợ mình, qua hành vi ăn ở vợ chồng, thật ra cũng là kẻ đã đặt tên (cũng có nghĩa là «biết») các sinh vật, nhưng «khác» toàn thể thế giới các sinh vật (animalia), khẳng định mình là một nhân vị và là chủ thể. Cái «biết» mà St 4,1 nói tới không kéo con người ra xa mà cũng không thể đẩy họ ra xa sự tự ý thức vốn nguyên thủy và nền tảng. Bởi thế, dẫu cho có một quan điểm «duy tự nhiên» nào đó nói gì về điều này đi nữa, trong St 4,1 vấn đề không thể là ta chấp nhận cách thụ động sự tự khẳng định mình bằng thân xác và giới tính, chính là vì đó là vấn đề của cái «biết».
Ngược lại, đó là một khám phá xa hơn ý nghĩa của thân xác mình. Đó là một khám phá cùng nhau và nhờ nhau, giống như từ thuở ban đầu cuộc sống của con người (kẻ vốn được «Thiên Chúa tạo dựng có nam có nữ») họ sống cùng nhau và nhờ nhau. Cái biết, vốn thuộc nền tảng của sự đơn độc nguyên thủy của con người, nay nằm ở nền tảng của sự kết hợp giữa người đàn ông và người đàn bà. Đấng Tạo Hóa đã gửi kèm theo cái viễn tượng rõ ràng của việc đó trong chính mầu nhiệm tạo dựng (St 1,27; 2,23). Trong hành động «biết» này, con người xác nhận ý nghĩa của tên «Evà», tên được đặt cho vợ người, «vì nàng là mẹ của chúng sinh» (St 3,20).
2. Theo St 4,1 người «biết» là người đàn ông và người «được biết» là người đàn bà-người vợ. Điều đó như có ý nói rằng sự xác định đặc thù của người phụ nữ, nhờ thân xác và giới tính của mình, ẩn chứa điều làm nên nữ tính sâu xa của họ. Ngược lại, người đàn ông, sau khi phạm tội, là người trước tiên cảm thấy xấu hổ về sự trần truồng của mình, và là người đầu tiên nói: «con sợ hãi, vì con trần truồng, nên con lẩn trốn» (St 3,10). Chúng ta cũng cần sẽ phải quay trở lại với tình trạng tâm hồn riêng biệt của cả hai người sau khi đã mất sự trong trắng nguyên thủy. Nhưng ngay từ bây giờ chúng ta cần nhận thấy rằng trong cái «biết» mà St 4,1 nói tới, mầu nhiệm nữ tính được mạc khải và biểu lộ ra hoàn toàn nhờ mẫu tính (nghĩa là tính chất người nữ được làm mẹ), như bản văn Kinh thánh nói: «bà đã thụ thai và sinh ra». Người phụ nữ đứng trước mặt con người như một người mẹ, là chủ thể của một sự sống con người mới tượng hình và lớn lên trong dạ bà và từ đó sinh ra đời. Cũng thế, mầu nhiệm nam tính của người đàn ông, nghĩa là ý nghĩa làm đấng sinh thành và là «cha» của thân xác người nam, cũng được mạc khải ra trọn vẹn [2].
3. Thần học thân xác ở trong Sách Sáng thế rất cô đọng và nói rất ít lời. Đồng thời, ở đó cũng có những thành ngữ diễn tả nội dung căn bản, theo một nghĩa nào đó cũng là nguyên thủy và cuối cùng. Mọi người đều gặp lại mình theo cách của họ nơi hành động «biết» mà Kinh thánh nói tới. Cấu trúc người phụ nữ đuợc dựng nên khác với người đàn ông. Ngày nay chúng ta biết rằng họ khác nam giới đến tận những yếu tố quyết định về sinh học-sinh lí học sâu xa nhất. Nữ tính bộc lộ ra bên ngoài chỉ tới một mức độ nào đó, nơi cấu trúc và hình dáng cơ thể của họ. Mẫu tính bộc lộ cái cấu trúc ấy ở bên trong, như tiềm năng đặc thù của cơ quan phụ nữ. Với nét đặc thù sáng tạo, cơ quan ấy phục vụ cho việc mang thai và sinh sản con người, với sự hợp tác của người nam. «Biết» là điều kiện để sinh hạ.
Sinh hạ là một viễn tượng mà người đàn ông và người phụ nữ đưa vào trong hành động «biết» lẫn nhau. Sự «biết» vượt quá biên giới của chủ thể-khách thể, như vẻ tương quan của người đàn ông và người đàn bà đối với nhau. Vì, một đàng, cái «biết» chỉ cho ta thấy người này «biết» và đàng khác kẻ kia là người «được biết» hoặc ngược lại. Trong cái «biết» này cũng bao hàm sự hoàn thành hôn nhân, cái đặc trưng vốn được gọi là consummatum. Qua đó, cái “khách thể tính” của thân xác vốn ẩn dấu trong những tiềm năng cơ thể của người nam và người nữ được vươn tới, và đồng thời cũng chạm tới “khách thể tính” của con người “là” chính thân xác này. Nhờ thân xác, nhân vị trở thành là «chồng» và «vợ». Đồng thời, trong hành động «biết» đặc biệt này, hành động vốn nhờ đến giới tính nam và nữ gắn với nhân vị, người ta cũng khám phá ra chủ thể tính «thuần khiết» của tặng phẩm trao hiến: nghĩa là sự thực hiện chính mình trong khi trao hiến cho nhau.
4. Sinh sản có ý nghĩa do «con người và vợ mình» biết nhau trong một «người thứ ba» được sinh ra từ cả hai người. Bởi thế, cái «biết» này trở thành một sự khám phá. Theo nghĩa nào đó, đây là một mạc khải con người mới, trong con người ấy cả hai người nam và nữ, lại nhận ra nhau, nhận ra nhân tính của mình, hình ảnh sống động của mình. Trong mọi sự cả hai định đoạt nhờ thân xác và tính dục, cái biết đều khắc ghi một nội dung sống động và rất thực. Thế nên cái «biết» theo nghĩa Kinh thánh có nghĩa là sự định đoạt về «sinh học» của con người, nhờ thân xác và tính dục của họ, không còn là một cái gì thụ động, nhưng đạt tới một mức độ và một nội dung đặc biệt của những nhân vị tự ý thức và tự xác định mình. Bởi thế, nó liên hệ đến một ý thức đặc biệt về ý nghĩa của thân xác con người, gắn liền với khả năng làm cha và làm mẹ.
5. Toàn thể cấu trúc bên ngoài của thân xác người phụ nữ, sắc đẹp riêng của họ, những phẩm chất với sức hấp dẫn luôn luôn vốn hiện diện ở khởi đầu của cái biết mà St 4,1-2 nói tới («Ađam biết Evà vợ mình»), đều liên kết chặt chẽ với mẫu tính (việc làm mẹ). Kinh thánh (rồi đến Phụng vụ), với tính đơn giản của nó, đã tôn kính và ca tụng qua hàng thế kỉ «dạ đã cưu mang Thầy và vú đã cho Thầy bú» (Lc 11,27). Đó là những lời ca ngợi khen mẫu tính, nữ tính, thân xác người nữ, và là diễn tả tiêu biểu của tình yêu sáng tạo. Và đó là những lời lẽ trong Tin mừng nói về Mẹ của Đức Kitô, là Đức Maria, Evà thứ hai. Mặt khác, người đàn bà thứ nhất, khi bộc lộ ra lần đầu tiên một thân xác đã chín chắn để làm mẹ, khi bà «thụ thai và hạ sinh», đã thốt lên: «Tôi có được một người nhờ Đức Chúa» (St 4,1).
6. Những lời ấy diễn tả tất cả chiều sâu thần học của nhiệm vụ sinh thành-sinh sản. Thân xác người phụ nữ trở thành nơi chốn của sự thụ thai con người mới [3]. Trong dạ của người, kẻ được thụ thai mặc lấy hình hài nhân loại của riêng mình, trước khi được sinh ra đời. Sự thuần nhất về thể chất giữa người nam và người nữ lần đầu tiên được diễn tả bằng những lời sau đây: «Đây là xương bởi xương tôi và thịt bởi thịt tôi» (St 2,23). Lần này, sự thuần nhất ấy lại được xác nhận qua lời của người phụ nữ-người mẹ đầu tiên: «Tôi đã được một con người». Người phụ nữ đầu tiên khi sinh hạ ý thức trọn vẹn mầu nhiệm tạo dựng đã được tân tạo qua sự hạ sinh một con người. Bà cũng ý thức tràn đầy sự dự phần vào công trình của Thiên Chúa sáng tạo và của chồng mình, vì bà nói: «Tôi có được một người nhờ Đức Chúa».
Không thể nhầm lẫn giữa các bình diện về hoạt động của các nguyên nhân. Cha mẹ đầu tiên thông truyền cho mọi người làm cha mẹ cái sự thật nền tảng về sinh hạ con người theo hình ảnh của Thiên Chúa, theo qui luật tự nhiên. Họ thông truyền sự thật ấy cả sau khi đã phạm tội, cùng với hậu quả của cây biết thiện biết ác và như ở tại điểm khởi đầu của mọi kinh nghiệm «lịch sử». «Hình ảnh của Thiên Chúa» - là Đấng đã tạo dựng nhân tính của con người đầu tiên: «Thiên Chúa đã tạo dựng con người theo hình ảnh mình,... Ngài đã tạo dựng họ có nam có nữ» (St 1,27) - được tái hiện mỗi lúc trong con người mới chào đời đó (được sinh ra từ người phụ nữ và là người mẹ nhờ công trình của người đàn ông cũng là người cha).
7. Dẫu cho có sự khác biệt rất sâu xa giữa tình trạng vô tội nguyên thủy và tình trạng đã mang tội tổ tông truyền, «hình ảnh của Thiên Chúa» vẫn là nền tảng của tính liên tục và thống nhất nơi con người. Cái «biết» mà St 4,1 nói tới là hành động nguyên thủy làm phát sinh hữu thể. Đúng hơn, khi hợp nhất với Đấng Tạo Hóa, «biết» làm chào đời một con người mới. Trong tình trạng đơn độc siêu nghiệm của mình, con người đầu tiên đã biết và đặt tên cho các sinh vật (animalia), nghĩa là sở hữu thế giới hữu hình vốn được dựng nên cho nó. Chính con người đó, là nam và là nữ, đang khi biết nhau trong cộng đoàn các ngôi vị hiệp thông đặc biệt này, trong đó họ kết hợp với nhau mật thiết đến độ nên «một xương một thịt», cũng làm nên nhân tính. Nghĩa là, họ xác nhận lại và làm mới cuộc hiện hữu của con người, như hình ảnh của Thiên Chúa. Điều này xảy ra mỗi khi cả hai người, đàn ông và đàn bà, lấy lại được, nếu nói được như vậy, cái hình ảnh này từ mầuu nhiệm tạo dựng và chuyển thông hình ảnh ấy «với sự trợ giúp của Đức Chúa là Thiên Chúa».
Những lời của Sách Sáng thế nói là một chứng từ của sự kiện lần đầu tiên sinh ra một con người trên trái đất này. Những lời ấy cũng hàm chứa tât cả những gì có thể nói và phải nói về phẩm giá của việc sinh hạ một con người.
 
Lm. Luy Nguyễn Anh Tuấn chuyển dịch
---------------------------
[1] C.G. Jung mô tả các nguyên mẫu (archetipi) như là những mô thức «tiên thiên» (a piori) của các chức năng khác nhau của linh hồn: nhận biết các mối tương quan, tưởng tượng sáng tạo. Những mô thức được lấp đầy nội dung bởi những chất liệu là kinh nghiệm. Những mô thức ấy không trơ ì thụ động nhưng chất chứa tình cảm và xu hướng (xin xem Die psychologischen Aspekte des Mutterarchetypus, «Eranos», 6 [1938], tt. 405-409).
Theo quan điểm này, người ta có thể gặp một nguyên mẫu ở nơi tương quan nam-nữ, là mối tương quan dựa trên cơ sở con người với hai giới tính nam-nữ bổ túc cho nhau. Nguyên mẫu ấy sẽ được lấp đầy nội dung bằng kinh nghiệm cá nhân và tập thể, và có thể khởi động chức năng tưởng tượng sáng tạo bằng những hình ảnh. Cần phải xác định rằng: nguyên mẫu a) không bị giới hạn cũng không được đề cao trong quan hệ thân xác, nhưng đúng hơn nó bao gồm mối quan hệ dựa trên sự «biết» nhau; b) chất chứa xu hướng: khát vọng-sợ sệt, hiến dâng-chiếm hữu; c) nguyên mẫu như là nguồn suối («Urbild») tạo ra những hình ảnh («Bilder»).
Khía cạnh thứ ba giúp ta chuyển qua khoa lí giải (ermeneutica), trong thực tế là khoa giải thích các bản văn Kinh thánh và Truyền thống. Ngôn ngữ tôn giáo nguyên thủy có đặc tính biểu tượng (x. StÄhlin, Symbolon, 1958; I. Macquarrie, God Talk, 1968; T. Fawcett, The Symbolic Language of Religion, 1970). Trong số những biểu tượng, ngôn ngữ tôn giáo thích dùng những cái mang tính căn nguyên hay mẫu mực, là những biểu tượng mà chúng ta có thể gọi là nguyên mẫu. Bởi thế, trong số đó Kinh thánh dùng biểu tượng mối quan hệ vợ chồng, cụ thể là ở bình diện của cái «biết» như được mô tả.
 Một trong những bài thánh thi Kinh thánh dùng nguyên mẫu hôn nhân áp dụng cho các quan hệ của Thiên Chúa với dân của Ngài, mà ở cao điểm có dùng đến động từ đã bình giải : «ngươi sẽ biết Đức Chúa» (Hs 2,22; weyada‘ta ’et Yhwh; được nhấn mạnh trong câu «ngươi sẽ biết rằng Ta là Đức Chúa» = wyd‘t ky ’ny Yhwh: Is 49,23; 60,16; Ed16,62 là ba bài thánh thi «hôn phối»). Từ đó xuất phát một truyền thống văn chương đạt tới cao điểm trong thư của thánh Phaolô Ep 5 áp dụng cho mối quan hệ của Đức Kitô với Hội thánh; rồi đến truyền thống của các Giáo phụ và truyền thống của các nhà thần bí lớn (ví dụ như Llama de amor viva của thánh Gioan Thánh Giá).
Trong khảo luận Grundzüge der Literatur und Sprachwissenschaft, vol.I, München 19764, p.462, người ta định nghĩa các nguyên mẫu như sau: «đó là những hình ảnh và động lực xa xưa, mà theo Jung, hình thành nên nội dung của vô thức tập thể chung của mọi người. Chúng đưa ra những biểu tượng, mà ở mọi thời và ở mọi dân tộc, làm cho những gì quan trọng có tính quyết định đối với nhân loại liên quan đến tư tưởng, tưởng tượng và bản năng, trở nên sống động tượng hình».
Freud xem ra không dùng đến khái niệm nguyên mẫu. Ông thiết lập một hệ thống biểu tượng hay qui tắc của các mối tương ứng cố định giữa những hình ảnh hiện thực-hiển lộ và những tư tưởng tiềm tàng. Ý nghĩa của các biểu tượng là cố định, dù không duy nhất. Chúng có thể rút gọn được thành một tư tưởng cuối cùng (không thể rút gọn được nữa) quen thuộc với một kinh nghiệm tuổi thơ nào đó. Những biểu tượng này là nguyên sơ và mang tính chất tính dục (nhưng ông không gọi chúng là những nguyên mẫu). Nên xem tác phẩm của T. Todorov, Théories du symbol, Paris 1977, 317tt; và J. Jacoby, Komplex, Archetyp, Symbol in der Psychologie C.G. Jungs, Zürich 1957.
[2] Phụ tính (tính chất người làm cha) là một trong những khía cạnh quan trọng nhất của nhân tính trong Sách thánh.
Đoạn St 5,3 : «Ađam... sinh ra một người con trai giống như ông, theo hình ảnh ông» rõ ràng nối kết lại với trình thuật tạo dựng con người (St 1,27; 5,1) và có vẻ như muốn gán cho người cha thế gian sự tham dự vào công trình của Thiên Chúa qua việc thông truyền sự sống, và có lẽ cả niềm vui người ta thấy có trong câu nói: «và này đây, Thiên Chúa thấy mọi sự Ngài đã làm ra quả là rất tốt đẹp» (St 1,31).
 [3] Theo đoạn văn St 1,26 «tiếng gọi» đi vào hiện hữu cũng đồng thời là sự thông truyền cái hình ảnh, họa ảnh (giống) của Thiên Chúa. Con người phải tiến hành việc thông truyền hình ảnh này bằng cách tiếp tục công trình đó của Thiên Chúa. Trình thuật sinh hạ Sết nhấn mạnh khía cạnh này: «Khi ông Ađam được một trăm ba mươi tuổi, thì ông sinh ra một người con trai giống như ông, theo hình ảnh ông, và đặt tên là Sết» (St 5,3).
Vì Ađam và Evà vốn là hình ảnh Thiên Chúa, cho nên Sết kế thừa từ cha mẹ mình cái họa ảnh này để rồi thông truyền tiếp cho những con người khác.
Tuy nhiên, trong Kinh thánh mỗi ơn gọi đều kết hợp với một sứ mạng. Do đó, ơn gọi đi vào hiện hữu (làm người) đã được tiền định sứ mạng tiếp nối công trình của Thiên Chúa : «Trước khi cho ngươi thành hình trong dạ mẹ, Ta đã biết ngươi;trước khi ngươi lọt lòng mẹ, Ta đã thánh ngươi hiến ngươi» (Gr 1,5; x. thêm Is 44,1; 49,1.5).
Thiên Chúa không chỉ kêu gọi đi vào hiện hữu, mà còn nâng đỡ và phát triển sự sống ngay từ phút giây đầu tiên tượng hình trong thai bào: «Đưa con ra khỏi thai bào – vòng tay mẹ ẵm Chúa trao an toàn. Chào đời con được dâng cho Chúa, được Ngài là Chúa tự sơ sinh» (Tv 22,10.11; x. Thiên Chúa 139,13-15).
 
Tác giả Kinh thánh chú tâm vào chính sự kiện quà tặng sự sống. Cách thức sự kiện ấy xảy ra như thế nào không phải là bận tâm hàng đầu và điều đó chỉ xuất hiện trong những quyển sách về sau (x. G 10,8.11; 2Mcb 7,22-23; Kn 7,1-3).