Lòng từ tâm

 

LÒNG TỪ TÂM
 
Một bà mẹ đã kể cho tôi nghe câu chuyện sau đây :

Có một hôm, cô con gái của bà đi học về trễ, bà vừa lo, lại vừa giận. Khi cháu trở về và vừa bước vào cửa, bà bực mình la lớn yêu cầu cháu nói lý do tại sao về trễ.

-    Cháu nói: “Thưa mẹ, lúc con và Giang đi học về được nửa đường, bỗng nhiên Giang phát hiện bị mất một bên bông tai mẹ mới sắm cho”.

-    Bà ấy càng tức, mới quát: “Ờ, phải rồi ! Thế thì mới muộn ! Mày ở lại đi tìm với nó chứ gì ? Đúng là tìm tìm kim đáy biển !”

-    Với giọng ngây thơ, cháu thưa: “ Không phải đâu mẹ. Làm sao mà tìm được ! Con ở lại để an ủi bạn ấy thôi. Bạn ấy sợ, không chịu về nhà và khóc quá trời!”.

Lòng từ tâm là một đức tính rất quan trọng góp phần kiến tạo một tổ ấm hạnh phúc. Đây là kết quả của công trình nghiên cứu về gia đình của các Tiến sĩ Ivan F. Beutler, Thomas R. Lee và Wesley R.Burr.

Lòng từ tâm được coi như một đức tính căn bản, số một và quan trọng nhất trong đời sống gia đình, bởi vì nó là chìa khóa mở ra hạnh phúc cho từng con người và mang lại bình an cho gia đình. Bác sĩ Albert Schweitzer, một nhà nhân đạo nổi tiếng có lần đã nói: “Lòng từ tâm có thể làm cho mọi thứ hoàn hảo hơn. Như mặt trời làm tan băng giá, thì lòng từ tâm có khả năng làm tan sự hiểu lầm, nghi kỵ và chống đối.”

Qua sự tiếp xúc với hàng trăm gia đình, qua chia sẻ của rất nhiều người cũng như qua các ấn phẩm về gia đình, tôi nhận ra rằng lòng từ tâm thật sự là một phần của nền tảng xây dựng nên hạnh phúc của từng gia đình. Nếu không có lòng từ tâm, thì mọi hi sinh của cải, tiền bạc, thời giờ dành cho gia đình đều trở nên vô nghĩa. Nơi đâu không có lòng từ tâm, thì mọi nỗ lực nhắm đến thành công hay hạnh phúc trong gia đình đều trở nên vô ích.

Lòng từ tâm có thể thực hiện trong muôn vàn cách thức khác nhau trong cuộc sống hằng ngày. Trong gia đình những cơ hội để thực hiện lòng từ tâm thì không thể đếm hết. Tôi đã nghe đến nhiều phương thế khác nhau nhưng có thể tóm lại như thế này:

Những việc làm nho nhỏ, thông thường nhưng làm với lòng từ tâm thì lớn hơn những món quà vật chất to lớn mà không có tấm lòng. Những lời nói và những hành dộng đơn giản nhưng được biểu lộ bằng sự quan tâm và chăm sóc cho nhau, nó như những viên gạch xây nên mái ấm gia đình. Khi chúng ta cần sửa lỗi ai cũng như lúc chúng ta được sửa lỗi, chúng ta hãy thực hiện bằng lòng từ tâm và tình yêu. Những hành động tốt lành đó sẽ được nhiều người để ý noi gương bắt chướcđồng thời tạo nên một thói quen và một truyền thống của một gia đình đầy yêu thương biết từ tâm với nhau.

Sau đây là một vài cách để biểu lộ lòng từ tâm:

1.      Nói năng dịu dàng, luôn cư xử tốt (tích cực) và nâng đỡ người khác.

2.      Giúp đỡ người khác mà không chờ đền đáp.

3.      Bỏ qua những lỗi lầm của người khác, hết lòng kiên nhẫn trước những thiếu sót của họ.

4.      Dễ dàng và nhanh chóng tha thứ.

5.      Đặt nhu cầu và ước muốn của người khác trên nhu cầu và ước muốn của mình.

6.      Rộng rãi chia sẻ những điều tốt trong cuộc sống.

7.      Thành thực vui mừng trước những hạnh phúc, thành đạt của người khác.

8.      Cho đi chính mình – đặc biệt là thời gian của mình.

9.      Lịch sự và nhã nhặn.

10. Chia sẻ những gánh nặng của người khác.

11. Kiên nhẫn lắng nghe người khác.

12. Trở nên một gương mẫu tốt.

13. Tránh nói những điều không hay khi nói về người khác.

14. Mình muốn được sửa lỗi như thế nào thì hãy thực hiện cho người khác như vậy.

15. Chân thật, ngay thẳng mọi nơi mọi lúc.

16. Yêu người mà không đặt điều kiện gì.

Để đạt được những điều trên, thỉnh thoảng bản thân mỗi người cũng như toàn gia đình phải có một kế hoạch hành động và ra sức tập luyện. Khởi đầu, chúng ta cùng sắp đặt chọn 5 phút, rồi 10 phút, dần dà 15 phút, cho đến một giờ - hoặc bao nhiêu giờ là tùy chúng ta, và không để bất cứ lý do gì làm cản trở. Trong thời gian này, chúng ta tập luyện thể hiện lòng từ tâm. Chúng ta làm một điều gì đó cho người khác một cách ý thức. Ví dụ như gọi điện hoặc viết thư thăm hỏi ai hoặc làm một điều gì đó phục vụ cho gia đình. Nói chung, làm bất cứ điều gì để diễn tả tình yêu và mưu cầu cho thế giới quanh ta tốt hơn.

Còn trong tổ ấm gia đình, chúng ta làm gì để biểu lộ lòng từ tâm:

·         Chăm sóc và quan tâm đến cảm xúc của từng thành viên trong gia đình.

·         Làm gia tăng bầu khí yêu thương.

·         Ngăn ngừa các vấn đề rắc rối.

Ai trong chúng ta cũng sung sướng khi cảm thấy mình được yêu, khi biết người khác đang chăm lo đến những cảm nghĩ của ta và quan tâm đến ta.

Mọi người trong gia đình diễn tả tình yêu đối với nhau băng những ý nghĩ tốt lành, lời nói yêu thương cung giọng êm dịu và hành động nhẹ nhàng. Ở đâu có lòng từ tâm thì ở đó có bầu khí yêu thương và nơi đó từng cá nhân và cả gia đình đều phấn khởi tươi vui. Cũng thế ở đâu lòng từ tâm hiện diện thì ở đó ngăn chặn được sự đổ vỡ của gia đình.

Lòng từ tâm có thể được xem như là một vòng tròn. Tuy nhiên vòng tròn từ tâm ấy cũng có thể bị phá vỡ hoặc bị chọc thủng bởi người cho hoặc người nhận nó. Cho và nhận đều quan trọng như nhau. Thường chúng ta cũng như cha mẹ chúng ta qúa quan tâm đến việc dạy con cái cách cho mà ít nhớ đến giáo dục con cái cách nhận lãnh. Cha mẹ cần dạy con cái biết thụ ơn và đáp lại lòng tốt bằng lời nói và diễn tả thái độ biết ơn. Ví dụ luôn tập cho con cái biết đánh giá cao và cám ơn người cho cũng như biết khao khát được cho. Những nụ cười và lời nói đơn sơ đầy cảm kích đáp lại lòng tốt sẽ luôn giúp giữ cho ‘vòng tròn từ tâm’ được nguyên vẹn. Russel Lynes có nói: “Nghệ thuật nhận là làm sao để người đã ban cho ta một ân huệ nhỏ sẽ ước ao lại ban cho ta một ân huệ lớn hơn”.

Bạn có thể nghĩ rằng gia đình bạn không có thể yêu thương nhau cũng như người khác một cách quảng đại vì cha mẹ bạn đã không thể hiện lòng từ tâm đó ngay trong gia đình. Đây thật là một thách đố nhưng mặc dù bạn không nhận được lòng tốt nơi người khác; thì chính bạn hoàn toàn có quyền để chọn lựa cách suy nghĩ và hành động như thế nào cơ mà! Thì giờ đây bạn hãy bắt đầu xây dựng một truyền thống mới cho gia đình bạn đi.

Lòng từ tâm đúng là một đức tính rất quan trọng góp phần kiến tạo hạnh phúc gia đình, như Henri Frederic Amiel đã nhắc nhớ cho chúng ta tầm quan trọng của đức tính lớn lao này như sau: “Cuộc sống thì ngắn ngủi và chúng ta sẽ không bao giờ có qúa nhiều thời gian để làm sung sướng những cõi lòng cùng chuyến lữ hành tăm tối này đâu… Ô, hãy mau lẹ yêu đi… để biến sự giận hờn thành lòng từ tâm”.
 
Hồng Ân