Lời cam kết
LỜI CAM KẾT
Trong cuộc sống, nhiều lần chúng ta đã cam kết điều này điều nọ. Chúng ta cam kết học hành siêng năng để đạt kết quả cao. Chúng ta cam kết trung thành với giao ước hôn nhân, trung tín với bạn bè, hứa với lòng sẽ tiết kiệm để dành chút đỉnh để giúp đỡ cha mẹ hay một người anh, người chị, đứa em túng thiếu… Tuy nhiên so với mọi lời cam kết, thì lời cam kết với “gia đình” là quan trọng hơn cả.
Như vậy lời cam kết với gia đình có nghĩa là gì? Có lẽ không có gì có ý nghĩa hơn là dành tâm hồn và thời gian của chính mình cho gia đình, là sẵn sàng làm bất cứ điều gì tốt lành để mưu cầu hạnh phúc cho gia đình mình. Có nhiều cách thức để chúng ta bầy tỏ lời cam kết đối với gia đình - nhưng ở đây, xin đề nghị 3 điểm thực hành để diễn tả đức tính này trong đời sống :
1. Trước tiên, hãy làm thế nào để mọi thành viên trong gia đình nhận biết rằng ta yêu mến họ.
Khi tiếp xúc với các bậc cha mẹ, tôi nhận thấy một điều, cha mẹ hài lòng đối với con em đạt được những thành tích tốt đẹp trong học tập, là điều dĩ nhiên. Còn với các em yếu kém, tôi nghĩ chắc cha mẹ cũng không nên buồn lắm, nếu các em đã cố gắng hết sức mà kết quả vẫn kém. Nhưng buồn thay, nhiều phụ huynh đã đối xử “thiếu thương yêu” với các em không đáp lại như lòng mong chờ của cha mẹ. Những bậc cha mẹ đó chỉ thương con khi chúng đạt kết quả cao. Đó là một tình yêu có điều kiện – nghĩa là chỉ yêu, chỉ thương khi con cái vâng lời, khi chúng làm như ý mình.
Cũng vậy, chúng ta thử nghĩ xem, chúng ta yêu mến các thành viên trong gia đình theo loại tình yêu nào? Có điều kiện hay vô điều kiện? Tình yêu vô điều kiện nghĩa là yêu bất kể người ấy thế nào, dĩ nhiên chúng ta không chấp nhận các hành động sai lầm của họ, nhưng chúng ta vẫn yêu họ. Chúng ta yêu bằng chính lòng từ tâm, nhân ái của chúng ta (đôi khi cũng cần phải cứng rắn) qua giọng nói, lời lẽ cũng như hành động, cả khi chúng ta không hài lòng.
Các thành viên trong gia đình cần đối xử với nhau bằng một tương quan căn bản, đó là tình yêu vô điều kiện như Đức Giêsuyêu và chết thay cho chúng ta mà chẳng đòi hỏi điều gì. Chúng ta cần nhìn vào cặp mắt của con cái, cha mẹ, anh chị em và nói “mẹ (bố) yêu con, con yêu bố (mẹ), anh (chị) yêu em, em yêu chị (anh)… Đó phải là chuyện làm thường xuyên. Chỉ có thế thôi, nhưng nó là chất men để cho người mình yêu phải cố gắng hơn!
Các thành viên trong gia đình cần biết rằng tình yêu của mình đối với người khác không lệ thuộc vào hơn thua. Chúng ta có thể nói một cách rõ ràng với nhau rằng không có điều gì có thể đổi lấy tình yêu hoặc phá hủy tình yêu của chúng ta. Tuy nhiên không có nghĩa là không bao giờ dám làm phiền lòng nhau khi phải sửa sai, giúp nhau trở nên tốt hơn. Trái lại, chúng ta giúp nhau vì chúng ta yêu nhau.
2. Điều thứ hai, để biểu lộ lời cam kết của chúng ta, là hãy làm cho gia đình nhận biết rằng chúng ta luôn luôn sát cánh bên nhau.
Việc xác quyết mãnh liệt này nói lên cho các thành viên trong gia đình rằng mọi người đều sẵn sàng hy sinh cho nhau nếu cần. Thực ra, phải hy sinh cho nhau là điều mấy khi, nhưng thực tế, thì những hy sinh nhỏ nhặt cho nhau từng ngày, đôi khi cũng là một chuyện khó khăn phải không? Vâng, đúng thế. Chẳng hạn, con cái thỉnh thoảng xin cha mình làm cho một điều gì mà đối với ông lại là một giới hạn, chẳng hạn con xin đưa đi mua sách học khi ông đang muốn coi một trận đá banh truyền hình trực tiếp hay là cha mẹ yêu cầu con vui vẻ phụ việc nhà thay vì giải trí sau một ngày dài học tập … Thật vậy, mọi người đều phải hy sinh, đó chính là sự góp phần của mỗi người cho nhau vì chúng ta yêu nhau và hướng chúng ta đến một mục đích lâu dài là thăng tiến, bình an và hạnh phúc.
Có một lời khuyên hữu ích dành cho bậc làm cha mẹ: “Hãy ở bên con trong những bước ngoặt cuộc đời của chúng”. Điều này có nghĩa là chúng ta thường xuyên hiện diện bên con những lúc chúng vừa ở trường về nhà, khi chúng rời nhà ra ngoài, lúc chúng chia tay bạn bè khi chuyển lớp và cả khi những đứa con đang ở độ tuổi vừa lớn cần nói chuyện với mình (thường về khuya)... Thời giờ thì qúy như vàng và chính thời giờ làm nên cuộc sống nhưng chúng ta hãy sống như thế nào để con cái biết rằng chúng ta không tiếc thì giờ đối với chúng. Chúng ta nên cố gắng ở bên con bất cứ khi nào có thể. Nói như thế không có nghĩa là chúng ta không còn gì cho riêng ta, chúng ta biết được sự quân bình là gì, không quá nhiều và không quá ít.
Con cái cũng cần hiểu điều này. Gia đình cũng giống y như một đội banh (Người ta thường lý giải từ TEAM = Together Each Achieves More) : cật lực cùng nhau để đạt tới mục tiêu. Con cái cũng có những vị trí rất quan trọng trong đội banh và mỗi người đem công sức để đóng trọn vai trò của mình. Con cái phải nhận biết rằng cha mẹ cũng cần sự nâng đỡ cộng tác của chúng. Cha mẹ yêu con nhiều như cần con vậy. Khi con cái khôn lớn thì cha mẹ đã đến tuổi già, các ngài cần sự giúp đỡ của con cái y như con cái đã cần cha mẹ trong tuổi ấu thơ. Đó là qui luật tuần hoàn của cuộc đời.
Tình yêu thì có nhiều cách để biểu lộ nhưng một trong những cách đầy mãnh liệt, đó là hiện diện bên cạnh gia đình khi gia đình cần ta.
3. Cách thư ba để biểu lộ lời cam kết với gia đình, đó là luôn luôn sống chân thật.
Cha mẹ cũng như con cái nên có cùng một nhận thức rằng không bao giờ cố ý nói bất kỳ điều gì không đúng sự thật. Khi nguyên tắc này được giữ trong tổ ấm gia đình thì niềm tin, sự kính trọng, lòng tin cậy sẽ xuất hiện. Điều này đòi hỏi cả hai phía, cha mẹ lẫn con cái.
Cha mẹ và con cái lưu ý rằng bất kỳ mâu thuẫn nào giữa lời nói và hành động cũng sẽ làm sói mòn sự tín nhiệm nơi nhau. Nó phá hủy công việc dạy dỗ của cha mẹ, đặc biệt với trẻ đang vào tuổi lớn, lúc mà chúng bắt đầu thắc mắc về uy quyền. Nếu chúng ta kiên định ở một mức độ cao giữa lời nói và hành động - điều này đôi khi đòi hỏi sự hy sinh rất lớn của cha mẹ - nhưng con cái sẽ sớm khám phá ra rằng chúng có thể tin vào lời chúng ta nói. Ví dụ, khi chúng ta nói với con cái : “Nếu con về trễ như vậy một lần nữa, con sẽ không được đi xe một mình nữa đâu”. Chúng ta phải thực hiện lời chúng ta nói, dù khó khăn hay bất tiện (phải bỏ công vệc để chở con đi). Một ví dụ khác, khi chúng ta nói với con cái : “Nếu các con dọn nhà sạch sẽ, chiều nay ba sẽ đi xem kịch với các con”. Chúng ta phải giữ lời hứa với con cái. Không giữ lời, con cái sẽ mau chóng thấy lời của ta không thật gì cả. Như vậy, thất hứa đúng là lừa dối con cái. Lời nói chân thật kiên định nơi cha mẹ sẽ đặt nền móng chân thật và kiên định nơi con cái.
Con cái cũng cần tập kiên định trong lời nói và việc làm. Khi con cái tin rằng cha mẹ chúng chân thật, chúng sẽ dễ dàng tin tưởng và vâng theo lời cha mẹ. Khi con cái biết rằng cha mẹ chúng là những người giữ lời, thì chúng cũng sẽ giữ lời với cha mẹ.
Thông thường cha mẹ tin tưởng con cái cho tới khi chúng lừa dối các ngài. Và khi ấy lòng tin sẽ sút giảm và khó mà phục hồi lại. Như
vậy sự thiếu thành thật quả là đã làm thương hại đến các mối tương quan. Một khi những tương quan đó bị rạn nứt, nó chỉ có thể chuộc lại, chữa lành bằng chính những hành động tốt lành, chân thật. Một cách tốt để biểu lộ sự cam kết của bạn với gia đình, đó là sự chân thật.
Ởđây, xin gợi thêm 6 ý tưởng để biểu lộ sự cam kết của chúng ta với gia đình :
1. Chúng ta phải nhớ rằng giữ cam kết có nghĩa là vợ chồng phải trung thành với nhau. Điều này phát sinh sự tin cậy và mang lại cho đời sống gia đình một sự an ổn.
2. Tạo nên sự hiệp nhất giữa các thành viên trong gia đình và đặt gia đình lên hàng ưu tiên số một, đồng thời giúp cho mỗi người phát triển tiềm năng và sống đúng vị trí, vai trò và phẩm giá của mình.
3. Chúng ta phải hiểu rằng chẳng một ai hoặc gia đình nào là hoàn hảo cả. Vì thế chúng ta tập tha thứ, khoan dung, chịu đựng trước những thiếu sót của nhau và kiên nhẫn chờđợi.
4. Nhận thức rõ rằng chúng ta không được lăng mạ, ngược đãi, ruồng rẫy nhau.
5. Tìm nhiều giải pháp để giải quyết những vấn đề rắc rối, không để gia tăng hơn, quyết tâm cải thiện.
6. Đón nhận và thích nghi với những thay đổi không thể tránh của gia đình.
Có lẽ giá trị cao cả nhất của lời cam kết là phục vụ - như một cách diễn tả tình yêu. Tình yêu là một quan niệm mà rất khó định nghĩa. Tuy nhiên những gia đình vững mạnh thì họ biết ý nghĩa đó là gì. Vững mạnh như thế nào là tùy ở mức độ cam kết nhiều hay ít, ở chỗ không đầu hàng trước những đụng chạm, xung đột. Giữ lời cam kết không phải là một việc dễ dàng. Nó đòi hỏi phải cố gắng và thực tập nhiều. Nó đòi hỏi tinh thần trách nhiệm của mọi người trong gia đình - nhưng bù lại, nó rất giá trị, nó làm cho đời sống càng ngày càng phong phú và hạnh phúc. Đó chính là phần thưởng dành cho mỗi người chúng ta.
Giuse Nguyễn Hùng Cường