Làm Cha làm Mẹ có trách nhiệm là thành phần của toàn thể Linh đạo Hôn nhân và Gia đình (bài 122) - Thần học về Thân xác của đức Gioan Phaolô II
Thần học về Thân xác của đức Gioan Phaolô II:
CXXII
LÀM CHA LÀM MẸ CÓ TRÁCH NHIỆM LÀ THÀNH PHẦN CỦA TOÀN THỂ LINH ĐẠO HÔN NHÂN VÀ GIA ĐÌNH
(Ngày 03 tháng 10 năm 1984)
1. Trở về với đạo lí của Thông điệp «Humanae Vitae» chúng ta sẽ tìm lối để sau cùng có thể phác họa ra một đời sống thiêng liêng cho vợ chồng.
Chúng ta hãy lắng nghe những lời cao trọng sau đây:
«Hội Thánh, trong khi dạy những đòi hỏi bất khả xâm phạm của luật Chúa, loan báo ơn cứu độ và bằng các bí tích mở ra những con đường ân sủng, giúp biến đổi con người thành một thọ tạo mới, thọ tạo có thể sống trong tình yêu và tự do đích thật xứng hợp với ý định cao cả của Ðấng Tạo Hóa và Cứu Độ của mình và nhận ra ách của Chúa Kitô êm ái.
Các đôi vợ chồng Kitô hữu, nhờ đó, vâng theo tiếng nói của Người nên ghi nhớ rằng ơn gọi Kitô hữu của họ khởi đầu với Phép Rửa, và sau đó được chuyên biệt hóa và được củng cố bằng bí tích Hôn phối. Bởi đó, các đôi vợ chồng được thêm sức và như được thánh hiến qua việc trung thành hoàn tất các bổn phận của họ, qua thực hiện ơn gọi riêng của họ cho đến mức hoàn hảo và qua một chứng tá Kitô hữu của họ trước thế giới. Chúa giao phó cho họ nhiệm vụ làm cho mọi người thấy được sự thánh thiện và ngọt ngào của lề luật nối kết tình yêu của đôi vợ chồng dành cho nhau với sự hợp tác của họ với tình yêu Thiên Chúa, tác giả của sự sống con người».[1]
2. Thông điệp «Humanae Vitae» khi cho thấy hành động chống thụ thai (ngừa thai, phá thai) là xấu xa về luân lí, và đồng thời vạch nên một bức tranh toàn thể cho việc thực hành «lương thiện» sự điều hòa sinh sản, nghĩa là việc làm cha làm mẹ có trách nhiệm, đã xây dựng một tiền đề giúp vạch ra các nét chính yếu cho một linh đạo Kitô giáo về ơn gọi và đời sống vợ chồng, và cũng như thế, về linh đạo ơn gọi làm cha mẹ và gia đình.
Đúng hơn có thể nói rằng Thông điệp giả thiết tiền đề đã có là toàn thể truyền thống của linh đạo này, cơ sở vốn bắt nguồn từ Kinh thánh như ta đã phân tích trước đây, đồng thời tạo cơ hội để suy tư cách mới mẻ về chúng và thiết lập một tổng hợp thích đáng.
Giờ đây cũng nên nhắc lại những gì đã nói về mối quan hệ hữu cơ giữa thần học thân xác và sư phạm thân xác. Quả thật, «thần học-sư phạm» ấy tự nó đã là cốt lõi của linh đạo vợ chồng. Và điều đó cũng đã được chỉ ra bởi những đoạn đã trích dẫn trên đây của Thông điệp.
3. Chắc hẳn, những người nhìn cách quá giản lược, nơi Thông điệp «Humanae Vitae», việc «làm cha làm mẹ có trách nhiệm» chỉ còn được xem như là áp dụng «những nhịp sinh học của sự thụ thai», thì họ sai lầm khi đọc lại và giải thích Thông điệp. Tác giả của Thông điệp quyết liệt bác bỏ và chống lại mọi hình thức giải thích rút gọn (và theo nghĩa đó, là «thiên vị»), và kiên trì đề xướng lại cách hiểu toàn diện. Làm cha làm mẹ có trách nhiệm, theo nghĩa trọn vẹn, không gì khác hơn là một thành phần quan trọng của toàn thể linh đạo hôn nhân và gia đình, của ơn gọi mà bản văn trích dẫn Thông điệp «Humanae Vitae» nói tới, khi khẳng định rằng đôi vợ chồng phải thực hiện «ơn gọi riêng của mình cho đến mức trọn hảo».[2] Chính bí tích hôn nhân thêm sức cho họ và như thánh hiến họ hầu đạt tới đích ấy.[3]
Dưới ánh sáng của đạo lí, được diễn tả trong Thông điệp, chúng ta nên lưu ý chủ yếu đến «sức mạnh tăng cường» vốn gắn liền với «chính sự thánh hiến» (sui generis) của bí tích hôn nhân.
Vì việc phân tích vấn đề đạo đức của văn kiện của đức Paolô VI tập trung trên hết vào tính hợp pháp của lề luật tương ứng, nên phác thảo linh đạo hôn nhân ở đó có ý nêu bật chính những «sức mạnh» này giúp đời sống hôn nhân có thể trở thành chứng từ Kitô hữu đích thật.
4. «Chúng tôi hoàn toàn không có ý định giấu kín những nỗi khó khăn đôi khi nghiêm trọng vốn gắn liền với đời sống vợ chồng Kitô hữu: đối với họ, cũng như đối với mỗi người, “cửa hẹp và đường chật thì đưa đến cõi sống”.[4] Nhưng niềm hi vọng ở đời này phải soi sáng lối đường của họ, đang khi trong hiện tại họ can đảm cố gắng sống đức khôn ngoan, sự công bằng và tinh thần đạo đức, và biết rằng bộ mặt của thế gian này đang qua đi».[5]
Trong Thông điệp, viễn tượng của đời sống vợ chồng, ở mỗi giai đoạn, đều được ghi dấu bởi đặc trưng chủ nghĩa duy thực Kitô giáo, và chính điều này giúp phần lớn «sức mạnh» hình thành nên linh đạo làm vợ chồng và cha mẹ theo tinh thần của một sư phạm đích thực của tâm hồn và thân xác.
Chính ý thức về «cuộc sống mai sau», ta có thể nói, mở ra một chân trời rộng lớn cho những sức mạnh này vốn phải hướng họ đi con đường hẹp[6] và dẫn họ đi qua cửa hẹp[7] của ơn gọi Tin mừng.
Thông điệp nói: «Các đôi vợ chồng phải hết sức nỗ lực, nhưng họ được nâng đỡ bởi đức tin và đức cậy vốn «không làm ta thất vọng bởi tình yêu Chúa đã được đổ tràn vào con tim chúng ta nhờ Thánh Thần, đấng được ban cho chúng ta”»[8].
5. «Sức mạnh» cốt yếu và cơ bản đó là tình yêu được cấy ghép vào tâm hồn («đổ tràn vào con tim») bởi Thánh Thần. Sau đó, Thông điệp chỉ ra đôi vợ chồng phải khẩn cầu được «sức mạnh» cốt yếu ấy và mọi «ơn Chúa trợ lực» khác bằng cầu nguyện như thế nào; phải kín múc ân sủng và tình yêu tại nguồn mạch Thánh Thể luôn sống động làm sao; phải «kiên trì trong khiêm tốn» vượt qua những thiếu sót và tội lỗi của mình nơi bí tích sám hối làm sao.
Đó là những phương thế – không thể sai lầm và thiết yếu – cho việc huấn luyện linh đạo Kitô giáo về đời sống vợ chồng và gia đình. Bằng những phương thế ấy «sức mạnh» cốt yếu và sáng tạo tinh thần của tình yêu mới nối kết cả tâm hồn và thể xác của hai chủ thể nam và nữ của họ lại với nhau. Quả thật, tình yêu ấy giúp họ xây dựng toàn thể đời sống chung vợ chồng theo «sự thật của dấu chỉ», nhờ đó cuộc hôn nhân mới được thiết lập xứng với phẩm giá bí tích của nó, như trung tâm điểm của Thông điệp mạc khải.[9]
[1] Pauli VI, Humanae Vitae, 25.
[2] Ibid.
[3] Ibid.
[4] Cfr. Mt 7,14.
[5] Pauli VI, Humanae Vitae, 25.
[6] Cfr. Ibid.
[7] Cfr. Ibid.
[8] Ibid.
[9] Ibid., 12.
Lm. Luy Nguyễn Anh Tuấn chuyển dịch