HÔN NHÂN LÀ THÀNH PHẦN CẤU THÀNH TRỌN VẸN CỦA NHIỆM CUỘC BÍ TÍCH MỚI( bài 99)- Thần học về Thân xác của đức Gioan Phaolô II

HÔN NHÂN LÀ THÀNH PHẦN CẤU THÀNH TRỌN VẸN CỦA NHIỆM CUỘC BÍ TÍCH MỚI( bài 99)- Thần học về Thân xác của đức Gioan Phaolô II

Thần học về Thân xác của đức Gioan Phaolô II:

XCIX

HÔN NHÂN LÀ THÀNH PHẦN CẤU THÀNH TRỌN VẸN CỦA NHIỆM CUỘC BÍ TÍCH MỚI

(Ngày 20 tháng 10 năm 1982)

1. Thứ tư vừa qua chúng ta đã nói về gia sản toàn thể của Giao ước với Thiên Chúa, và của ân sủng vốn thuở ban đầu hợp nhất với công trình tạo thành của Chúa. Gia sản toàn thể này – như từ Thư gửi Tín hữu Êphêsô 5,22-33 ta có thể rút ra – gồm cả thành phần hôn nhân, như bí tích nguyên thủy, được thiết lập «từ thuở ban đầu» và được liên kết với bí tích tạo thành trong tổng thể của nó. Tính bí tích của hôn nhân không cốt chỉ là mẫu mực và là diện mạo của bí tích của Hội Thánh (của Đức Kitô và Hội Thánh), nhưng còn là thành phần cốt yếu của gia sản mới: bí tích của ơn Cứu chuộc, là phần thưởng cho Hội Thánh trong Đức Kitô. Ở đây, một lần nữa, ta cần nhắc lại lời của Đức Kitô trong Matthêu 19,3-9 (cfr. Mc 10,5-9), trong lúc đối chất với những người Pharisêu và trả lời câu hỏi của họ về hôn nhân và đặc tính của hôn nhân, Đức Kitô chỉ tham chiếu đến duy nhất định chế nguyên thủy của hôn nhân từ phía Đấng Tạo Thành ở «thuở ban đầu». Suy tư về ý nghĩa của câu trả lời này dưới ánh sáng của Thư gửi Tín hữu Êphêsô, và cách riêng đoạn Ep 5,22-33, chúng ta đi đến kết luận quan hệ hôn nhân theo nghĩa kép của nó liên quan đến toàn thể bình diện bí tích, mà trong Giao ước Mới, nó xuất hiện ra từ chính bí tích Cứu Chuộc.

2. Hôn nhân xét như là bí tích nguyên thủy, một đàng, là hình ảnh (họa ảnh, biểu trưng loại suy), theo đó cấu trúc nền tảng khung kết thành nhiệm cuộc cứu độ và trật tự bí tích mới được xây dựng (trật tự có nguồn gốc từ ân ban hôn phối Hội Thánh đón nhận từ Đức Kitô cùng với tất cả mọi phúc lành của ơn Cứu chuộc, hoặc có thể nói theo Ep 1,3: «với muôn vàn ơn phúc của Thánh Thần»). Như thế, hôn nhân, như là bí tích nguyên thủy, được đảm nhận và đưa vào trong cấu trúc toàn thể của nhiệm cuộc bí tích mới, vốn xuất phát từ ơn Cứu chuộc với mô thức của «nguyên mẫu» («prototipo»): nó được đảm nhận và đưa vào như thể từ cùng một nền tảng. Chính Đức Kitô, trong cuộc đối chất với những người Pharisêu (Mt 19,3-9), khẳng định lại trước hết sự hiện hữu của hôn nhân. Suy cho kĩ về chiều kích này, ta phải kết luận rằng mọi Bí tích của Giao ước mới, theo nghĩa nào đó, đều gặp nơi hôn nhân, bí tích nguyên thủy, cái nguyên mẫu của chúng. Điều đó có vẻ lộ hiện nơi đoạn văn kinh điển của Thư Êphêsô, chúng ta sắp nói tới sau đây.

3. Thế nhưng, quan hệ hôn phối với toàn thể trật tự bí tích, vốn xuất phát từ ơn ban cho Hội Thánh với muôn phúc lành của sự Cứu chuộc, không bị giới hạn chỉ ở trong chiều kích kiểu mẫu. Đức Kitô, trong cuộc trao đổi với những người Pharisêu (Mt 19), không chỉ xác nhận lại sự hiện hữu của hôn nhân định chế có «từ thuở ban đầu» bởi Đấng Tạo Hóa, mà còn tuyên bố nó là thành phần cấu thành trọn vẹn của nhiệm cuộc bí tích mới, trật tự mới của những «dấu chỉ» cứu độ, vốn có nguồn gốc từ bí tích ơn Cứu chuộc, như thể nhiệm cuộc nguyên thủy xuất phát từ bí tích tạo thành; và thực ra Đức Kitô tự giới hạn mình vào Bí tích duy nhất, vốn xưa rày đã là cuộc hôn phối được thiết lập trong tình trạng vô tội và công chính nguyên thủy của người nam và người nữ, tạo dựng «theo hình ảnh và họa ảnh của Thiên Chúa».

4. Nhiệm cuộc bí tích mới, hình thành trên cơ sở của bí tích ơn Cứu chuộc, vốn xuất hiện từ ân ban hôn phối Hội Thánh nhận được từ Đức Kitô, thì khác với nhiệm cuộc nguyên thủy. Thật vậy, nhiệm cuộc bí tích mới không hướng đến con người công chính và vô tội nguyên thủy, nhưng hướng đến con người mang di sản tội nguyên tổ khắc ghi trong mình và trong tình trạng tội lỗi (status naturae lapsae). Nó hướng đến con người với ba thứ dục vọng (theo kiểu nói cổ điển của Thư thứ nhất của Thánh Gioan (1Ga 2,16)), hướng tới con người mang tính xác thịt, vốn «... ước muốn những điều trái ngược với Thần Khí, còn Thần Khí lại ước muốn những điều trái ngược với tính xác thịt» (Gl 5,17), theo thần học (và nhân học) của Phaolô, mà chúng tôi đã dành rất nhiều chỗ cho nó trong những suy tư trước đây.

5. Những nhận định này, được tiếp thêm bởi phân tích sâu sắc ý nghĩa của lời Đức Kitô nói trong diễn từ trên núi về «cái nhìn đầy dục vọng» của kẻ «ngoại tình trong tư tưởng», chuẩn bị cho ta hiểu hôn nhân như là thành phần cấu thành toàn vẹn của trật tự bí tích mới, trật tự có nguồn gốc từ Bí tích Cứu chuộc, tức là «mầu nhiệm cao cả» (Đức Kitô và Hội Thánh) xác định tính bí tích của chính Hội Thánh. Hơn nữa, những nhận định này chuẩn bị cho ta hiểu Hôn nhân như là Bí tích của Giao ước Mới, mà công trình cứu độ của Giao ước ấy cần phải được kết hợp hữu cơ làm một với toàn thể nền đạo đức (ethos), trước đây được định nghĩa như là đạo đức của ơn cứu chuộc. Thư gửi Tín hữu Êphêsô, theo cách thức của mình, diễn tả cùng một chân lí đó: nói đến hôn nhân như là bí tích «cao cả» trong một bối cảnh đạo đức rộng lớn, tức là trong văn mạch của những lời khuyên mang tính chất luân lí, liên quan đến chính nền đạo đức (ethos) chuẩn mực làm nên phẩm chất của đời sống các Kitô hữu, tức là những con người ý thức về sự được tuyển chọn trong Đức Kitô và trong Hội Thánh.

6. Trên nền hậu cảnh lớn của những suy tư nảy sinh từ việc đọc Thư gửi Tín hữu Êphêsô (cách riêng đoạn Ep 5,22-33), mà rốt cuộc ta có thể và phải còn chạm đến một vấn đề, là các Bí tích của Hội Thánh. Bản văn trích từ Thư Êphêsô chỉ nói cách gián tiếp và thứ yếu về bí tích thôi, mặc dầu cũng đủ để cho vấn đề này được xem xét đến ở đây. Tuy nhiên, chỉ nên xác định ít là cách vắn tắt thôi, ý nghĩa mà chúng tôi chấp nhận khi dùng từ ngữ «bí tích», rất có ý nghĩa cho những nhận định của chúng ta.

7. Thật vậy, cho đến nay, chúng ta đã dùng chữ «bí tích» (phù hợp với toàn bộ truyền thống Kinh thánh-Giáo phụ)[1] theo một nghĩa rộng hơn nghĩa của thần học truyền thống và đương đại. Hiểu đó là những dấu chỉ do Đức Kitô thiết lập và Hội Thánh quản lí, diễn tả và thông ban ân sủng của Chúa cho người lãnh nhận bí tích liên hệ. Theo nghĩa này, mỗi bí tích trong bảy bí tích của Hội Thánh được đặc trưng bởi một hành động phụng vụ nhất định, được hình thành nhờ lời (mô thể) và «chất thể» bí tích riêng – theo lí thuyết mô-chất của thánh Thomas Aquinô và tất cả truyền thống Kinh viện.

8. So với ý nghĩa giới hạn này, trong các nhận định ở đây chúng ta đã sử dụng từ «bí tích» với một nghĩa rộng hơn và có lẽ còn cổ hơn và nền tảng hơn[2]. Thư gửi Tín hữu Êphêsô, và cách riêng đoạn 5,22-33, một cách đặc biệt như cho phép chúng ta hiểu như thế. Ở đây, bí tích có nghĩa là chính mầu nhiệm Thiên Chúa, vốn được giữ kín tự muôn thuở, nhưng không giấu ẩn mãi mãi mà được mạc khải ra nhờ thực hiện. Theo nghĩa đó, người ta cũng nói đến bí tích tạo thành và Bí tích Cứu chuộc. Phải trên cơ sở của bí tích tạo thành, ta mới hiểu tính bí tích nguyên thủy của hôn nhân. Từ đó, trên cơ sở của bí tích Cứu chuộc ta mới hiểu tính bí tích của Hội Thánh, hay đúng hơn, tính bí tích của sự kết hợp của Đức Kitô với Hội Thánh, mà tác giả Thư Êphêsô đã trình bày bằng hình ảnh loại suy hôn phối, sự kết hợp của vợ chồng. Phân tích kĩ bản văn cho thấy ra rằng trường hợp này không chỉ là một so sánh theo nghĩa ẩn dụ, nhưng là một sự đổi mới thực sự (một sáng tạo mới) nội dung ơn cứu độ (theo nghĩa nào đó là «bản thể cứu độ») của bí tích nguyên thủy. Nhận định này có một ý nghĩa cơ bản, làm sáng tỏ tính bí tích của Hội Thánh (chương thứ nhất của Hiến chế «Lumen Gentium» đã tham chiếu đến), cũng như để hiểu tính bí tích của hôn nhân, xét như một trong bảy bí tích của Hội Thánh.

 

lm. Luy Nguyễn Anh Tuấn chuyển dịch

 

 

 

 

 

 



 

 

 

 

 

 

[1] Cfr. Leonis XIII, Acta, vol. II, 1881, p. 22.

[2] Cfr. Ioannis Pauli PP. II, Allocutio in Audientia Generali, die 8 sept. 1982, chú thích 1: bài 93 trên đây.