HÔN NHÂN LÀ THÀNH PHẦN CẤU THÀNH TRỌN VẸN CỦA BÍ TÍCH TẠO THÀNH(bài 97)- Thần học về Thân xác của đức Gioan Phaolô II

HÔN NHÂN LÀ THÀNH PHẦN CẤU THÀNH TRỌN VẸN CỦA BÍ TÍCH TẠO THÀNH(bài 97)- Thần học về Thân xác của đức Gioan Phaolô II

Thần học về Thân xác của đức Gioan Phaolô II:

XCVII

HÔN NHÂN LÀ THÀNH PHẦN CẤU THÀNH TRỌN VẸN CỦA BÍ TÍCH TẠO THÀNH

(Ngày 6 tháng 10 năm 1982)

1. Chúng ta tiếp tục phân tích bản văn kinh điển chương năm Thư gửi Tín hữu Êphêsô câu 22-33. Tiện thể chúng ta cần trích lại một vài đoạn từ một trong những phân tích rất tinh tế trước đây về đề tài này: «Con người xuất hiện trong thế giới hữu hình này như một diễn tả cao nhất của tặng phẩm thần linh, bởi lẽ nó mang trong mình chiều kích nội tâm của tặng phẩm. Và với nó, con người đem vào thế giới cái họa ảnh đặc biệt của Thiên Chúa nơi bản thân mình. Với nó, con người siêu vượt và thống trị trên cả cái “sắc tướng” (hữu hình) của mình trong thế gian, trên cả xác thịt của mình, giới tính nam-nữ của mình, sự trần truồng của mình. Một phản ảnh của họa ảnh này còn là sự ý thức nguyên thủy về ý nghĩa hôn phối của thân xác, thấm nhập bởi mầu nhiệm vô tội nguyên thủy» [1]. Những lời này tóm kết trong đôi dòng kết quả của phân tích qui chiếu vào các chương đầu của sách Sáng thế, kết hợp với những lời (trong cuộc đối thoại với những người Pharisêu về chủ đề hôn nhân và tính chất bất khả phân li của hôn nhân) Đức Kitô có tham chiếu tới «thuở ban đầu». Đoạn khác cũng của cùng bài phân tích đó đã đề ra vấn đề về bí tích nguyên thủy: «Như thế, trong chiều kích đó, một bí tích nguyên thủy được thiết lập, được hiểu như là dấu chỉ thông truyền một cách hữu hiệu mầu nhiệm vô hình ẩn giấu nơi Thiên Chúa từ muôn thuở, vào trong thế giới hữu hình này. Đây là mầu nhiệm của Sự Thật và Tình Yêu, mầu nhiệm của sự sống thần linh, mà con người được tham dự thực sự. ... Chính sự vô tội nguyên thủy khai mào sự tham dự này...» [2].

2. Cần xem lại nội dung của những khẳng định này dưới ánh sáng của đạo lí của thánh Phaolô diễn tả trong Thư gửi Tín hữu Êphêsô, nhất là đoạn chương 5, 22-33, đặt trong bối cảnh toàn diện  của bức Thư. Hơn nữa, lá Thư cho phép chúng ta làm như thế, bởi vì chính Tác giả trong chương năm, câu 31, đã nói đến «thuở ban đầu», hay nói cách chính xác hơn, ngài đã nói về sự thiết lập định chế hôn nhân trong sách Sáng thế (2,24). Chúng ta có thể thấy thấp thoáng trong những lời lẽ ấy một tuyên bố về bí tích, bí tích nguyên thủy, nhưng theo nghĩa nào? Những phân tích trước đây về diễn ngữ «thuở ban đầu» của Kinh Thánh đã dần dần đưa chúng ta đến chỗ này, nhìn đến tình trạng con người nguyên thủy sống trong ân sủng, vốn là tình trạng vô tội và công chính nguyên thủy. Thư gửi Tín hữu Êphêsô thôi thúc ta tiếp cận với tình trạng ấy – tức tình trạng con người trước khi phạm tội nguyên tổ - từ quan điểm mầu nhiệm được giữ kín từ muôn thuở nơi Thiên Chúa. Thật vậy, chúng ta hãy đọc những đoạn đầu của bức Thư : «Thiên Chúa, là Thân Phụ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta ...trong Đức Kitô từ cõi trời, Người đã thi ân giáng phúc cho ta hưởng muôn vàn ơn phúc của Thánh Thần. Trong Đức Kitô, Người đã chọn ta trước cả khi tạo thành vũ trụ, để trước thánh nhan Người, ta trở nên tinh tuyền thánh thiện, nhờ tình thương của Người ...» (1,3-4).

3. Thư Êphêsô mở ra trước mắt chúng ta một thế giới siêu nhiên của mầu nhiệm vĩnh cửu, của thiên ý nhiệm mầu từ muôn thuở của Thiên Chúa là Cha dành cho con người. Thiên ý này có từ trước khi «tạo thành vũ  trụ», như thế có nghĩa là có trước khi tạo thành con người. Hơn nữa, ý định ấy đã bắt đầu thực hiện rồi trong toàn thể thực tại tạo thành. Nếu như mầu nhiệm tạo thành bao gồm cả tình trạng vô tội nguyên thủy của con người, được tạo dựng như là người nam và như là người nữ theo hình ảnh của Thiên Chúa, thì điều đó có nghĩa là ơn huệ nguyên thủy Thiên Chúa trao ban cho con người tự nó đã là hoa quả của một tuyển chọn, điều ta có đọc thấy trong Thư Ephêsô: «Người đã chọn ta ... để trước thánh nhan Người, ta trở nên tinh tuyền thánh thiện» (1,4). Điều đó dường như nhắc đến những lời của sách Sáng thế, lúc Thiên Chúa - Tạo Hóa nhận thấy nơi con người, cả nam và nữ, xuất hiện «trước thánh nhan Người» quả là một kì quan Người rất hài lòng: «Thiên Chúa thấy mọi sự Người đã làm ra quả là rất tốt đẹp!» (St 1,31). Chỉ sau khi phạm tội rồi, sau khi Giao ước nguyên thủy với Đấng Tạo Hóa đổ vỡ, con người mới cảm thấy phải lẩn trốn «Đức Chúa là Thiên Chúa»: «Con nghe thấy tiếng Ngài đi trong vườn, con sợ hãi vì con trần truồng, nên con lẩn trốn» (3,10).

4. Nhưng trước khi phạm tội, con người mang hoa quả của sự tuyển chọn tự muôn đời trong Đức Kitô, Người Con vĩnh cửu của Chúa Cha, trong linh hồn mình. Bởi ân sủng của sự tuyển chọn này, con người, nam cũng như nữ, vốn là «tinh tuyền thánh thiện» trước thánh nhan Thiên Chúa. Sự thánh thiện và tinh tuyền nguyên thủy này còn được diễn tả bởi sự kiện là, cả hai ông bà dẫu «trần truồng..., mà không cảm thấy xấu hổ» (St 2,25), như chúng ta đã thử phân tích trước đây để làm sáng tỏ hơn. Khi đối chiếu chứng cứ của «thuở ban đầu», do các chương đầu sách Sáng thế thuật lại, với chứng từ của Thư gửi Tín hữu Êphêsô, ta phải rút ra điều này là thực tại tạo thành con người đã được thẩm thấu bởi sự tuyển chọn con người trong Đức Kitô từ muôn thuở rồi[1]: họ được kêu gọi nên thánh qua ân sủng được nhận làm nghĩa tử («theo ý muốn và lòng nhân ái của Người, Người đã tiền định cho ta làm nghĩa tử nhờ Đức Giêsu Kitô, để ta hằng ngợi khen ân sủng rạng ngời, ân sủng Người ban tặng cho ta trong Thánh Tử yêu dấu») (Ep 1,5-6).

5. Con người, cả nam và nữ, tự «thuở ban đầu» được tham dự vào ân huệ siêu nhiên này. Sự gia ân này đã được thực hiện nhờ phúc đức của Đấng là Con yêu dấu vĩnh cửu, dẫu xét trên bình diện thời gian và lịch sử việc ấy đi trước sự Nhập thể của Đấng «Thánh Tử yêu dấu» này và trước cả sự cứu chuộc chúng ta «nhờ máu Thánh Tử đổ ra» (Ep 1,7).

Ơn cứu chuộc này là nguồn mạch siêu nhiên được thông ban cho con người sau khi phạm tội và, theo một nghĩa nào đó, cũng không phụ thuộc vào tội phạm của con người. Ân sủng siêu nhiên này đã được rộng ban trước tội nguyên tổ, nghĩa là ơn công chính và vô tội nguyên thủy. Đó là hoa quả của sự tuyển chọn con người trong Đức Kitô tự trước muôn đời. Ân ban này được hoàn tất nhờ Người Con Một Yêu Dấu, dù có trước sự kiện Người đến đây mặc lấy xác phàm trong thời gian. Trong chiều kích của mầu nhiệm tạo dựng, việc được tuyển chọn lên phẩm giá làm nghĩa tử của Thiên Chúa là thuộc về chỉ riêng của «Ađam thứ nhất», tức là của con người, người nam và người nữ, được tạo dựng theo hình ảnh giống Thiên Chúa.

6. Trong bối cảnh đó thực tại bí tích (bí tích nguyên thủy) được chứng thực như thế nào? Khi phân tích cái «thuở ban đầu», một trích đoạn vừa được nhắc lại trên đây, chúng tôi đã nói rằng «bí tích, như là dấu chỉ hữu hình, được thiết lập với con người xét như là một «thân xác», nhờ giới tính nam và giới tính nữ «hữu hình» của mình. Thật vậy, thân xác và chỉ có thân xác, mới có khả năng làm cho điều vô hình – như cái tâm linh và thần linh – thành hữu hình. Thân xác đã được tạo dựng để chuyển giao vào trong cái thực tại hữu hình của thế giới, mầu nhiệm được giấu kín từ muôn thuở nơi Thiên Chúa, và như thế nó là dấu chỉ của mầu nhiệm ấy» [3].

Hơn nữa, dấu chỉ này có tính hữu hiệu của nó, như tôi đã nói: «Sự vô tội nguyên thủy, vốn nối kết với kinh nghiệm về ý nghĩa hôn phối của thân xác» giúp cho «con người, nơi thân xác mình, thân xác của một người nam hay một người nữ, cảm thấy mình là chủ thể của sự thánh thiện» [4]. Con người «cảm thấy mình thánh thiện» và đúng là như thế từ «thuở ban đầu». Sự thánh thiện ấy được Đấng Tạo Thành ban cho con người tự nguyên thủy thuộc về thực tại «bí tích của Tạo thành». Những lời của Sáng thế 2,24, «con người ... gắn bó với vợ mình và cả hai thành một xương một thịt» được công bố trên nền hậu cảnh của thực tại nguyên thủy này theo nghĩa thần học, làm cho cuộc hôn nhân trở thành là thành phần cấu thành và, theo một nghĩa nào đó, là thành phần trung tâm của «bí tích của Tạo thành». Những lời ấy làm nên – hoặc đúng hơn có lẽ chỉ xác nhận – đặc tính của nguồn gốc của nó. Theo những lời này, thì hôn nhân là bí tích xét như là vì nó là thành phần thuộc cơ cấu toàn bộ, và có thể nói, là trung tâm điểm của «bí tích của Tạo thành». Theo nghĩa ấy, hôn nhân là bí tích nguyên thủy[2].

7. Định chế hôn nhân, theo sách Sáng thế 2,24, không những diễn tả bước khởi đầu của cộng đoàn nhân loại cơ bản (bởi năng lực «truyền sinh» vốn là của riêng hôn nhân [x. «hãy sinh sôi nảy nở thật nhiều»: St 1,28], như là phương thế tiếp tục công trình sáng tạo), nhưng đồng thời còn diễn tả sáng kiến cứu độ của Đấng Tạo Hóa, tương ứng với việc tuyển chọn con người tự muôn thuở mà Thư Êphêsô đã nói tới. Sáng kiến cứu độ ấy xuất phát từ Thiên Chúa Tạo Hóa và hiệu quả siêu nhiên của sáng kiến ấy đồng nhất với chính hành động tạo dựng con người trong tình trạng vô tội nguyên thủy. Trong tình trạng đó, từ nơi hành động tạo dựng con người đã có hoa trái là sự tuyển chọn trong Đức Kitô tự muôn đời rồi. Như thế, ta cần phải nhìn nhận rằng bí tích tạo thành nguyên thủy có được hiệu quả của nó là nhờ «Người Con yêu dấu» (x. Ep 1,6.: «ân sủng Người ban tặng cho ta trong Thánh Tử yêu dấu»). Nếu nói về hôn nhân (được thiết định trong bối cảnh của bí tích Tạo thành trong toàn thể tính của nó, nghĩa là trong tình trạng vô tội nguyên thủy), ta có thể đi tới kết luận rằng nó phải phục vụ không những cho mục đích nối tiếp công trình sáng tạo, qua việc sinh sản, nhưng còn mở rộng ra trên các thế hệ sau của con người cũng với bí tích Tạo thành ấy, tức là hoa quả siêu nhiên của sự tuyển chọn con người tự muôn thuở bởi Chúa Cha trong Người Con vĩnh cửu. Hoa quả ấy đã được Thiên Chúa ban cho trong chính hành động tạo dựng[3].

Thư gửi Tín hữu Êphêsô như cho phép ta hiểu theo cách thức như thế đó về sách Sáng thế và sự thật về «thuở ban đầu» của con người và trong đó có hôn nhân.

 

Lm. Luy Nguyễn Anh Tuấn chuyển dịch

----------------------------------

[1] ĐGH Gioan-Phaolô II, Ngài đã dựng nên họ là nam là nữ. Giáo lý về Tình yêu hay Thần học về Thân xác (lm. Luy Nguyễn Anh Tuấn chuyển ngữ), bài 19, 3, tr. 121.

[2] Ngài đã dựng nên họ..., op.cit., bài 19, 4, tr. 121-122.

[3] Ngài đã dựng nên họ..., op.cit., bài 19, 4, tr. 122.

[4] Ngài đã dựng nên họ..., op.cit., bài 19, 5, tr. 123.



[1] «Sự tuyển chọn con người trong Đức Kitô từ muôn thuở», chính là sự hợp nhất trong kế hoạch Thiên Chúa, nó cho phép ta sử dụng hình ảnh loại suy và hiểu các giai đoạn khác nhau của biểu tượng hôn phối và hình tượng hôn nhân.

[2] Bí tích «nguyên thủy» không có nghĩa là bí tích «tự nhiên», quả thật bởi vì bình diện được tuyển chọn bởi Thiên Chúa là một bình diện trong Chúa Kitô, và như thế nó siêu nhiên. «Nguyên thủy» ở đây có nghĩa là trong hành động tạo dựng đi vào «nhiệm cuộc» (lịch sử) xét như là dấu chỉ của «mầu nhiệm» vốn muốn hiển lộ ra trong tạo thành.

[3] Xem ra sự sinh sản cũng không chỉ có ý nghĩa thuần túy tự nhiên nhưng mà còn mang ý nghĩa phục vụ cho sự bành trướng các «hoa quả siêu nhiên của sự tuyển chọn con người tự muôn thuở bởi Chúa Cha trong Người Con vĩnh cửu».