HÔN NHÂN-BÍ TÍCH SOI SÁNG CHO Ý NGHĨA HÔN PHỐI VÀ Ý NGHĨA CỨU CHUỘC CỦA TÌNH YÊU( bài 103)- Thần học về Thân xác của đức Gioan Phaolô II

HÔN NHÂN-BÍ TÍCH SOI SÁNG CHO Ý NGHĨA HÔN PHỐI VÀ Ý NGHĨA CỨU CHUỘC CỦA TÌNH YÊU( bài 103)- Thần học về Thân xác của đức Gioan Phaolô II

Thần học về Thân xác của đức Gioan Phaolô II:

CIII

HÔN NHÂN-BÍ TÍCH SOI SÁNG CHO Ý NGHĨA HÔN PHỐI VÀ Ý NGHĨA CỨU CHUỘC CỦA TÌNH YÊU

(Ngày 15 tháng 12 năm 1982)

1. Như chúng ta đã biết, tác giả Thư gửi Tín hữu Êphêsô nói đến một «mầu nhiệm cao cả», kết hợp với bí tích nguyên thủy nhờ sự liên tục của kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa. Ngài cũng nhắc đến «thuở ban đầu», như Đức Kitô đã nói đến trong cuộc đối chất với những người Pharisêu (x. Mt 19,8) khi trích dẫn: «Bởi thế, người đàn ông lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai thành một xương một thịt» (St 2,24). «Mầu nhiệm cao cả» ấy trước hết là mầu nhiệm Chúa Kitô kết hợp với Hội Thánh, mà thánh Phaolô Tông đồ giới thiệu như thực tại của họa ảnh sự kết hợp phu thê: «Tôi muốn nói về Đức Kitô và Hội Thánh» (Ep 5,32). Đây là một lãnh vực của phép loại suy tầm cỡ, trong đó hôn nhân với tư cách như là bí tích một đàng được xem là tiên đề và, đàng khác lại được tái khám phá. Nó được giả thiết tiên thiên như là bí tích của «khởi nguồn» nhân loại, gắn liền với mầu nhiệm tạo thành. Nó còn được tái khám phá như hoa quả của tình yêu phu thê của Đức Kitô và Hội Thánh, liên kết với mầu nhiệm Cứu chuộc.

2. Tác giả Thư Êphêsô, hướng trực tiếp đến các cặp vợ chồng, khuyên bảo họ hãy khuôn đúc đời sống tương quan vợ chồng của họ theo mẫu của sự kết hợp phu thê của Đức Kitô và Hội Thánh. Người ta có thể nói rằng – với giả thiết tiên thiên hôn nhân là bí tích theo nghĩa nguyên thủy của nó – ngài truyền cho họ hãy học sống lại bí tích này theo kiểu mới mẻ của cuộc hôn phối của Đức Kitô và Hội Thánh: «Những người làm chồng, hãy yêu thương vợ, như chính Đức Kitô yêu thương Hội Thánh và hiến mình vì Hội Thánh, để thánh hóa Hội Thánh...» (Ep 5,25-26). Lời mời gọi này của thánh Phaolô Tông đồ, hướng đến các cặp vợ chồng, có lí do đầy đủ của nó, là bởi vì, nhờ hôn nhân-bí tích, đôi vợ chồng tham dự vào tình yêu cứu độ của Đức Kitô, cũng đồng thời được diễn tả như là tình yêu phu thê của Người đối với Hội Thánh. Dưới ánh sáng của Thư Êphêsô – chính nhờ tham dự vào tình yêu cứu độ ấy của Đức Kitô – mà hôn nhân xét như là bí tích «khởi nguồn» nhân loại (tức là bí tích trong đó người nam và người nữ một khi được gọi để nên «một xương một thịt» tham dự vào tình yêu tạo dựng của chính Thiên Chúa) được xác nhận và đồng thời được đổi mới. Họ tham dự vào tình yêu ấy, hoặc là vì, được tạo dựng theo hình ảnh của Thiên Chúa, họ được kêu gọi nhờ hình ảnh đó hướng tới một sự kết hợp đặc biệt (communio personarum), hoặc vì chính sự kết hợp này ngay từ thuở ban đầu đã được Thiên Chúa chúc lành với phúc lành phong nhiêu (sinh sôi nảy nở đầy tràn, x, St 1,28).

3. Toàn thể cấu trúc nguyên thủy và vững bền của hôn nhân, xét như là bí tích của mầu nhiệm tạo thành – theo bản văn «bất hủ» Thư gửi Tín hữu Êphêsô (5,21-33) – được canh tân trong mầu nhiệm Cứu chuộc, khi mầu nhiệm ấy đảm nhận lấy dung mạo của một Hôn thê là chính Hội Thánh được trao hiến bởi Đức Kitô. Hình thức nguyên thủy và vững bền ấy của hôn nhân được làm cho nên mới khi đôi bạn đón nhận nó như là bí tích của Hội Thánh, đồng thời từ tận nguồn mạch sâu thẳm mới con người được Thiên Chúa hiến trao, Đấng tự mạc khải mình và mở lòng ra với mầu nhiệm cứu chuộc, khi «Đức Kitô yêu thương Hội Thánh và hiến mình vì Hội Thánh, và như thế Người thánh hóa Hội Thánh...» (ibid. 5,25-26). Hình ảnh nguyên thủy và vững bền ấy của hôn nhân xét như là bí tích được làm cho nên mới, khi đôi bạn Kitô hữu – ý thức mầu nhiệm sâu thẳm đích thật của sự «cứu chuộc thân xác» – kết hợp nên một «vì lòng kính sợ Chúa» (ibid. 5,21).

4. Hình ảnh hôn nhân, mà thánh Phaolô diễn tả vốn được ghi khắc trong «mầu nhiệm cao cả» của Đức Kitô và Hội Thánh, tháp nhập chiều kích cứu chuộc của tình yêu vào trong chiều kích hôn phối. Theo nghĩa nào đó, nó kết hợp hai chiều kích này lại thành một. Đức Kitô đã trở thành Hôn phu của Hội Thánh và đã cưới Hội Thánh làm Hiền thê Người, vì «Người đã hiến mình vì Hội Thánh» (ibid. 5,25). Nhờ bí tích hôn phối (như một trong các bí tích của Hội Thánh) cả hai chiều kích này của tình yêu (hôn phối và cứu chuộc), cùng với ân sủng của bí tích, thấm nhập vào trong đời sống của đôi vợ chồng. Ý nghĩa hôn phối của thân xác với giới tính nam hay nữ của nó, vốn được biểu lộ lần đầu tiên trong mầu nhiệm tạo thành trên nền của sự vô tội nguyên thủy của con người, được gắn liền với hình ảnh của Thư gửi Tín hữu Êphêsô với ý nghĩa cứu chuộc, và như thế nó được xác nhận và theo nghĩa nào đó «được tái tạo» nên mới.

5. Đây là điều quan trọng về hôn nhân, về ơn gọi làm chồng làm vợ của Kitô giáo. Bản văn Thư Êphêsô (ibid. 5,21-33) hướng trực tiếp đến các đôi vợ chồng Kitô hữu và nói trước hết với họ. Tuy nhiên, sự kết nối ý nghĩa hôn phối của thân xác với ý nghĩa «cứu chuộc» của nó cũng quan yếu và hợp pháp đối với sự thông diễn (ermeneutica) con người  nói chung: đối với vấn đề cơ bản là sự hiểu biết về con người và sự con người tự hiểu mình như một hữu thể ở trong thế giới. Dĩ nhiên, ta không thể bỏ ở bên ngoài vấn đề này câu hỏi về ý nghĩa của thân xác, về ý nghĩa của người nam và người nữ, xét như là một thân xác. Những câu hỏi này đã được đặt ra lần đầu tiên khi ta phân tích cái «thuở ban đầu» ấy của con người, trong ngữ cảnh của sách Sáng thế. Chính ngữ cảnh đó, theo nghĩa nào đó, đã đòi phải nêu ra những câu hỏi ấy. Đoạn văn «kinh điển» của Thư Êphêsô cũng đòi hỏi như thế. Và nếu như «mầu nhiệm cao cả» của sự kết hợp của Đức Kitô với Hội Thánh đòi buộc ta phải kết nối ý nghĩa hôn phối của thân xác với ý nghĩa cứu chuộc của nó, thì nhờ đó đôi vợ chồng có được giải đáp cho câu hỏi đâu là ý nghĩa của «xác thể», mà không chỉ họ mà thôi, dẫu chính yếu bản văn Thư này của thánh Tông đồ nói với họ.

6. Một cách gián tiếp, hình ảnh «mầu nhiệm cao cả» mà thánh Phaolô nói về Đức Kitô và Hội Thánh, còn nói về bậc sống «khiết tịnh vì Nước Trời», trong đó cả hai chiều kích hôn phối và cứu chuộc của tình yêu cũng được kết hợp với nhau, nhưng theo một tỉ lệ khác, khác với đời hôn nhân. Không phải tình yêu phu thê, với tình yêu ấy Đức Kitô «đã yêu thương Hội Thánh» Hiền Thê của Người và «đã hiến dâng mạng sống mình vì Hội Thánh», cũng nhập thể trọn vẹn nhất nơi lí tưởng «khiết tịnh vì Nước Trời» (x. Mt 19,12) hay sao? Không phải tất cả những ai, nam cũng như nữ, khi chọn lí tưởng ấy, khao khát được kết nối chiều kích hôn phối của tình yêu với chiều kích cứu chuộc theo mẫu gương của chính Đức Kitô, đã được một hỗ trợ thực sự nơi bậc sống ấy hay sao? Họ ước muốn xác nhận bằng đời sống của họ rằng ý nghĩa hôn phối của thân xác – nam cũng như nữ – vốn được ghi dấu sâu đậm trong cấu trúc cốt yếu của nhân vị, đã được mở ra cách mới mẻ, từ Đức Kitô với mẫu gương cuộc sống của Người, mở ra với niềm hi vọng gắn liền với sự cứu chuộc của thân xác. Thế nên, ân sủng của mầu nhiệm cứu chuộc cũng sinh hoa kết quả - thậm chí còn sinh hoa kết quả một cách đặc biệt – với ơn gọi độc thân khiết tịnh «vì Nước Trời».

7. Bản văn Thư gửi Tín hữu Êphêsô (5,22-33) không nói minh nhiên điều ấy, mà hướng đến đôi vợ chồng và xây dựng theo hình ảnh của hôn nhân, và nhờ phép loại suy mà giải thích sự kết hợp của Đức Kitô với Hội Thánh. Đó là một sự kết hợp đồng thời trong tình yêu cứu chuộc và tình yêu hôn nhân. Không phải chính tình yêu này, một tình yêu diễn tả sinh động mầu nhiệm cứu chuộc, bởi phép loại suy hôn phối nhắm các đối tượng xa hơn vượt quá phạm vi các độc giả của bức Thư hay sao? Không phải nó bao gồm mọi con người và, theo một nghĩa nào đó, gồm toàn thể các thọ tạo, như thánh Phaolô đã cho thấy khi nói về «thân xác được cứu chuộc» trong Thư gửi Tín hữu Rôma (x. Rm 8,23) hay sao? «Mầu nhiệm cao cả» (sacramentum magnum) theo nghĩa đó quả thật là một bí tích mới của con người trong Đức Kitô và trong Hội Thánh. Đó là bí tích «của con người và của thế giới», giống như là sự tạo dựng con người, nam và nữ, theo hình ảnh của Thiên Chúa vốn là bí tích nguyên thủy của con người và của thế giới. Hôn nhân được ghi vào trong cấu trúc bí tích mới này của ơn cứu chuộc, cũng như đã được ghi vào bí tích nguyên thủy của tạo dựng.

8. Con người, từ «thuở ban đầu» vốn có nam có nữ, phải tìm ý nghĩa của cuộc sống mình và ý nghĩa của nhân tính của mình bằng cách chạm tới mầu nhiệm tạo dựng ngang qua thực tại cứu chuộc. Ở đó người ta còn gặp được giải đáp cho câu hỏi về ý nghĩa của thân xác con người, ý nghĩa của nam tính và nữ tính của nhân vị. Sự kết hợp của Đức Kitô với Hội Thánh giúp cho ta hiểu ý nghĩa hôn phối của thân xác con người được kiện toàn bởi ý nghĩa cứu chuộc như thế nào. Điều ấy diễn ra trong muôn con đường cuộc sống khác nhau và hoàn cảnh khác nhau: Không chỉ trong hôn nhân hoặc đời độc thân khiết tịnh, mà trong cả muôn vàn cảnh ngộ đau khổ của con người chẳng hạn, như trong chính khi sinh hạ và giờ chết. Nhờ «mầu nhiệm cao cả», mà Thư Êphêsô đề cập tới, qua Giao ước mới của Đức Kitô với Hội Thánh, hôn nhân được ghi dấu cách mới mẻ vào «bí tích (mầu nhiệm) của con người» vốn ôm lấy cả vũ hoàn, trong bí tích của con người và của thế giới, nhờ sức mạnh của «sự cứu chuộc thân xác» được mô phỏng theo tình yêu hôn phối của Đức Kitô và Hội Thánh cho đến tầm vóc cánh chung trong nước Chúa Cha.

Hôn nhân như là bí tích vẫn còn là một thành phần sống động và mang lại sự sống của tiến trình cứu độ này.

Lm. Luy Nguyễn Anh Tuấn chuyển dịch