Hạnh phúc gia đình: cần phân tách và đánh giá công việc và cuộc sống
Hạnh phúc gia đình: cần phân tách và đánh giá công việc và cuộc sống
Ở đời chẳng ai hơn ai trong sự suy nghĩ, có khác chăng nếu chúng ta chịu bỏ thời giờ để phân tích xem tại sao chúng ta lại có sự hành xử hay giải quyết phải làm như vậy? Tại sao chúng ta lại chọn giải pháp không được đẹp và thiếu lịch sự như vậy, với người trong gia đình, và với tất cả mọi người? Có phải bao giờ sau cơn bão tố, chúng ta đều cảm nhận được rằng chuyện chẳng có đáng gì để mà ầm nhà ầm cửa lên không? Nhưng tại sao 10 lần thì hết cả 10, chúng ta cũng vẫn cứ hành xử và làm y chang như những lần trước?
Chắc vì cuộc sống ngày lại ngày của chúng ta đã bị quá căng thẳng chăng? Chúng ta đã để cho những cơn xoáy nước “đời” xoay tròn chúng ta trong đó, không thể thoát được? Chúng ta đã lỡ để cho cuộc đời của chúng ta bị lún sâu vào trong lòng đất lún, mà hễ mọi cục cựa mạnh thì chúng ta sẽ chết? Căng thẳng đến vậy ư? Thế thì chúng ta nên suy nghĩ lại xem điều gì chúng ta cần đến độ phải làm cho chúng ta ngày chết dần mòn, theo sự muốn phải có được “nó” đó? Như học trò học đàn Piano của con gái tôi thấy mà tội cho thằng nhỏ. Có thể vì kinh tế quá khó khăn cho cả hai cha mẹ, nhưng cũng cố gắng cho thằng bé học đàn (để khoe chăng?), nên không tuần nào học đàn mà thằng bé không bị bố mắng và chửi la.
Nhìn thằng bé lấm la lấm lét và run lên cầm cập. Đối với ông bố đó học là phải ra học, là phải chú tâm không bỏ phí một giây phút nào. Vì ông muốn một phút học của con ông phải đáng giá của một phút. Con gái tôi biết được điều này và rất thông cảm với ông, nhưng đó không phải là cách cháu dậy học. Dậy như thế các em không muốn học và không đạt được kết quả!. Hồi đầu ông bố này đã bắt con gái tôi dậy theo sách mà ông muốn, nhưng không thành công, và nhìn nhận rằng cách ông dậy là sai, và đã không còn mắng mỏ thằng nhỏ mỗi buổi học nữa! Và thằng bé đã học rất khá và đàn rất hay.
Chúng ta phải suy nghĩ lại xem điều gì trong cuộc sống của chúng ta, mang lại cho chúng ta hạnh phúc? Phải có lấy được vợ hay chồng như người ta thì sẽ hết cô đơn, chán đời, và mặc cảm? Phải có được căn nhà để ở thì mới được ngang hàng cùng chị cùng em, và làm cho vợ con được hạnh phúc? Phải ăn xài như những con người giầu có để cái Tôi không bị người cười chê là cù lần và nghèo? Ai sao mình vậy, dù một đồng cũng không có được mà lận vào lưng, và cả trăm mối đua đòi khác nữa, để sống giống người và mới cảm thấy thỏa mãn?
Những điều con người chúng ta mong để có, thật khó có thể thực thi được lắm, vì lỗi phần nhiều là do chúng ta muốn như thế, thưa có phải? Vì hầu hết chúng ta đã không chịu nghe lời cha mẹ dậy dỗ, để làm biếng học, giờ bằng cấp cũng không có, khi các bạn cùng lứa tuổi của chúng ta nay đã thành tài, và đang có một cuộc sống thật thoải mái, và có thật nhiều tiền. Thành thật mà nói sự thua thiệt và làm biếng của chúng ta đã làm cho cuộc đời của chúng ta có rất nhiều khó khăn, bương chải, tranh dành, và có chút gian manh thì mới đủ sống?
Tôi chẳng nói ai xa đó chính là bản thân tôi!. Tự cảm thấy mình thua thiệt với hầu hết các bạn cùng trang lứa, khi còn cắp sách đến trường. Họ cũng như tôi mà thôi, nhưng có điều hình như họ đã có học Anh Văn từ khi còn ở VN thì phải? Vì không thấy họ có khó khăn như tôi. Tuy Anh Văn họ khá nhưng phải nói là họ chăm học và có cố gắng hơn tôi nhiều. Anh Văn họ cũng giỏi mà toán họ cũng A không. Nhìn chung quanh sao chỉ thấy mình tôi là dở ẹc. Dở tới cái độ mà tôi không thể tiếp tục chương trình Đại Học 4 năm. Để biện hộ cho mình, thì có thể Chúa chỉ muốn cho tôi có vậy!. Vì cuộc đời tôi bơ vơ từ tấm bé. Vì cuộc đời đẩy đưa? Rồi thì thưa bao nhiêu cái biện hộ khác nữa!.
Thôi để tôi trở lại vấn đề là trong mọi việc chúng ta phải nên chịu khó phân tách cho kỹ, rồi hẵng nói và hẵng làm. Tôi thường dậy các con tôi như thế là tại sao bố các con lại hành xử như vậy? Xem chừng như sự hành xử đó chỉ có thể xẩy ra cho con nít mà thôi!. Xem chừng sự hành xử và ứng phó đó thật ích kỷ là luôn luôn tìm lối thoát cho mình, tìm mọi cách mà đổ thừa cho ai đó, để tội của mình được xem ra nhẹ hơn? Điều này tôi nghĩ rằng gia đình của anh chị em cũng thế, cũng tương đương như vậy, dù là người cha trong gia đình, người mẹ, hay các con.
Chỉ có khác nếu tất cả chúng ta mọi người chịu nhường bước nhau một tí, thì sự việc không đến nỗi nào!. Nếu tất cả chúng ta cùng chịu lắng nghe nhiều hơn là nói, vì lúc bấy giờ câu nói nào của chúng ta, cũng đều gây thiệt hại và được nhắc nhớ hoài hay để bụng mãi đến về sau này. Nếu chúng ta có ý muốn xây dựng hơn là hủy diệt, thì cùng ngồi lại với nhau mà giải quyết vấn đề, và coi ý kiến của nhau đều quan trọng ngang nhau. Trước đây ông nhà tôi có một ông bạn đối xử với các con của ông rất Mỹ. Ông bố này thường hỏi han các con và cho tất cả đều được bỏ phiếu “yes or no”. Ông coi quyết định của các con cũng rất quan trọng ngang với ông, chắc tùy vấn đề và tùy tuổi của các con ông. Tôi không biết bây giờ các con ông đã lớn hết, gia đình có còn giữ được vậy hay không?
Thuở đó tôi coi ông là một người bố lập dị và bắt chước (adapt) người nước ngoài quá nhanh. Làm bố thì muốn các con đi đâu sao lại phải hỏi ý kiến của chúng. Cho chúng đi chơi là mình đã hy sinh thời giờ và tiền bạc, để cho chúng được đi chơi đâu mà cần phải hỏi. Nhưng đến bây giờ qua bao nhiêu năm con cái chúng tôi và của họ đều lớn hết cả rồi! Mới thấy rằng họ dân chủ và cởi mở. Không cổ hũ và quá gắt gao trong lối giáo dục như người Việt Nam trong nước của chúng ta. Nhưng mỗi gia đình có cách dậy các con kiểu khác nhau, miễn chúng ta thấy cái hay của người thì bắt chước, còn cái kiểu quá khe khắt chúng ta cũng nên học cởi mở và sửa đổi, cho mọi người dễ thở, và thông cảm nhau nhiều hơn.
Chúng ta phải công nhận rằng ở tuổi nào chúng ta cũng cần phải học và cần mở rộng tầm nhìn. Cần sửa đổi để được người và đời chấp nhận dễ dàng hơn. Vì nếu không sửa đổi sự thiệt thòi là về phía mình chứ chẳng của ai cả thưa anh chị em!. Khó quá ai dám lại gần? Dữ quá chẳng ai dám hỏi thăm? Lập dị quá thì chỉ chọn sống cô đơn có một mình. Có phải lúc bấy giờ đã là quá trễ hay không? Căn nhà có bao nhiêu tầng lầu cũng chẳng một tiếng động. Giầu tiền giầu của cũng chẳng có ai hưởng cùng. Ngày lễ ngày lậy cũng chẳng thấy ai đến chúc tuổi và xem coi mình còn sống hay đã chết. Nếu anh chị em có dịp đến những nơi Nursing Home của những người già và bảo đảm sẽ cảm được sự cô đơn của họ.
Tôi có dịp thăm viếng mẹ tôi khi bà còn trong viện dưỡng lão sau thời gian bị mổ tim nằm nhà thương, được bác sĩ giới thiệu chuyển đến đó để dưỡng bệnh vài tháng. Nhìn cuốn sách thăm nom mới biết rằng một tuần lễ chẳng ai đến thăm các ông các bà. Các con họ ở đâu, làm gì, mà không dành chút thời giờ để đến thăm cha thăm mẹ của chúng? Hỏi để mà hỏi nhưng rồi cũng cho chúng ta rất nhiều suy nghĩ sâu xa ….
Một vài suy nghĩ thô thiển và một chút kinh nghiệm trong gia đình, mong giúp ích được gì cho mọi gia đình rất mới và rất trẻ người non dạ.