Gợi ý mục vụ trong Năm Thánh Lòng Thương Xót - Đề tài 9. Lòng Thương xót: động lực của tân Phúc-Âm-hoá nền kinh tế-chính trị

Gợi ý mục vụ trong Năm Thánh Lòng Thương Xót - Đề tài 9. Lòng Thương xót: động lực của tân Phúc-Âm-hoá nền kinh tế-chính trị

Gợi ý mục vụ trong Năm Thánh Lòng Thương Xót

 
Sống Năm Thánh Lòng Thương Xót
 
với việc Tân Phúc-Âm-hoá Đời sống xã hội
 
Đề tài 9. Lòng Thương xót: động lực của tân Phúc-Âm-hoá nền kinh tế-chính trị
 
1. Đức ái thúc đẩy thăng tiến con người trong lĩnh vực kinh tế-chính trị
 
Không có gì liên quan đến cộng đồng nhân loại mà nằm ngoài công cuộc Phúc-âm-hóa. Việc Loan báo Tin mừng sẽ thiếu sót nếu không xét tới các đòi hỏi liên tục của Tin Mừng đối với đời sống cá nhân và xã hội cụ thể của con người.[1] Giữa việc Loan báo Tin mừng và việc thăng tiến con người có những mối liên hệ sâu xa, “trong đó có mối liên hệ thuộc phạm vi thần học, vì chúng ta không thể tách rời bình diện sáng tạo với bình diện cứu chuộc. Bình diện cứu chuộc đụng chạm tới chính những tình huống bất công cụ thể cần phải đấu tranh và những tình huống công bằng cụ thể cần phải được khôi phục. Trong đó còn có mối liên hệ nổi bật thuộc phạm vi Tin Mừng, tức là phạm vi đức ái: làm sao có thể công bố điều răn mới mà không tìm cách thăng tiến con người một cách đích thực trong công lý và hòa bình?”[2] Bởi thế, Tình yêu – Lòng thương xót phải là động lực của công cuộc Phúc-âm-hóa mới cả trên lĩnh vực văn hóa-xã hội, kinh tế-chính trị.
 
2. “Của Cêsar, trả về cho Cêsar. Của Thiên Chúa, trả về cho Thiên Chúa” (Mc 12, 16-17).
 
Đức Giêsu không chấp nhận đồng hóa Cêsar với Thiên Chúa, mà yêu cầu tách biệt Cêsar với Đấng Siêu Việt. Không thể đồng hóa hay lẫn lộn hai lĩnh vực, trái lại phải chu toàn một nghĩa vụ kép: Trả lại cho Cêsar những gì của Cêsar và trả về cho Thiên Chúa những gì thuộc về Ngài. Khi phân biệt như thế, Đức Giêsu cũng đồng thời công nhận sự hiện hữu và tính độc lập tương đối của thực tại trần thế. Nhà Nước và các thực tại trần thế có vai trò và ý nghĩa đặc biệt trong lĩnh vực riêng của mình. Nhân danh công ích, Nhà Nước có quyền ban hành luật pháp, thu thuế và đòi hỏi công dân nghiêm chỉnh chấp hành.[3] Bên trên Nhà Nước vẫn còn một thẩm quyền khác đó là Thiên Chúa.[4] Nhà Nước không thể tiếm quyền hay đòi hỏi người công dân những gì mà họ chỉ phải trả lại cho một mình Thiên Chúa mà thôi. Nhà Nước không thể chống lại quyền lợi của Thiên Chúa, cấm đoán việc thờ phượng Ngài hoặc đi ngược lại chương trình của Ngài.
 
3. Lòng thương xót thúc đẩy dấn thân
 
Theo tinh thần nhập thế và Nhập thể của Đức Kitô, Hội Thánh Công giáo coi hành động dấn thân để xây dựng một xã hội phát triển, công bằng và nhân ái như thành phần của sứ vụ Loan báo Tin Mừng.[5] Thánh Giáo hoàng Gioan XXIII khuyến khích người Kitô hữu tham gia vào sinh hoạt chính trị, cần phải hăng say thâm nhập vào cơ chế của cuộc sống, không chỉ về kinh tế mà cả chính trị và hành động cách hữu hiệu trong đó.[6]
 
Trước những phức tạp của bối cảnh kinh tế ngày nay, người tín hữu giáo dân cần được hướng dẫn bởi các nguyên tắc của Huấn Quyền về xã hội trong hoạt động, trên hết là nguyên tắc con người phải là trọng tâm của mọi hoạt động kinh tế. “Các nhà kinh tế, những người làm việc trong lĩnh vực này và những nhà lãnh đạo chính trị phải ý thức được nhu cầu cấp bách là phải xem xét lại nền kinh tế, một mặt là xét đến sự nghèo túng bi thảm về vật chất của hàng tỉ người, và mặt khác, xét đến một sự thật là “các cơ cấu kinh tế, xã hội, văn hóa hiện nay không được trang bị đầy đủ để đáp ứng những đòi hỏi của sự phát triển chính đáng”[7]. Những tiêu chuẩn phải gợi hứng cho người giáo dân trong hoạt động chính trị của họ phải là: theo đuổi công ích trong tinh thần phục vụ, phát triển công lý với sự quan tâm đặc biệt đến những tình trạng đói nghèo và đau khổ, tôn trọng quyền tự trị của các thực tại trần thế, nguyên tắc bổ trợ, cổ vũ đối thoại và hòa bình trong tình liên đới.[8]
 
Sau cùng, cũng cần nhắc lại rằng sứ mạng của Đức Kitô, xuất phát tự Lòng Thương Xót, truyền lại cho Hội Thánh, không phải thuộc phạm vi chính trị, kinh tế hay xã hội, nhưng là mục tiêu Người trao cho Hội Thánh là mục tiêu tôn giáo. Nhưng sứ mạng tôn giáo này có thể là nguồn động lực đưa tới những dấn thân, đường hướng và sức sống để Hội Thánh tìm cách thiết lập và củng cố cộng đồng nhân loại cho đúng với luật Chúa.[9]
 
Câu hỏi chia sẻ và thảo luận
 
1. Tại sao người Kitô hữu phải quan tâm đến đời sống chính trị-xã hội-kinh tế của đất nước, của thế giới?
 
2. Cá nhân và cộng đoàn (gia đình, giáo họ, giáo xứ, giáo phận…) của anh chị đã và đang làm gì để loan báo Tin Mừng cách mới mẻ trong lĩnh vực xã hội, chính trị, nghề nghiệp, kinh tế?
 
3. Anh chị có ý kiến gì cho Hội Thánh trong vùng, và Hội Thánh toàn cầu trong mối quan tâm đến các thực tại xã hội này?
 
––––––––––––––––––––
 
[1] X. Phaolô VI, Tông huấn Evangelii Nuntiandi, 29.
 
[2] Ibid. 33.
 
[3] Bất chấp kinh nghiệm đắng cay đối với nhà cầm quyền Do thái và Rôma,, thánh Phaolô vẫn khuyến khích các Kitô hữu tuân phục nhà cầm quyền, vì lý do lương tâm. Vì mọi quyền bính hiện hữu là do Thiên Chúa thiết lập. X. Rm 13,1-2.
 
[4] Đức Giêsu nói với Philatô: “Ông không có quyền gì đối với tôi, nếu Trời chẳng ban cho ông” (Ga 19, 9-11).
 
[5] CĐ Vatican II, Gaudium et Spes, 1.
 
[6] X. Gioan XXIII, Pacem in Terris 174.
 
[7] Tóm lược Học thuyết Xã hội của Giáo hội Công giáo, 564.
 
[8] Ibid.
 
[9] X. Gaudium et Spes, 42.
 

 

Văn phòng HĐGMVN