Gợi ý mục vụ cho Năm Tân Phúc-Âm-hóa đời sống Giáo xứ và Cộng đoàn - Đề tài 8. Tân Phúc-Âm-hoá Giáo xứ: Canh tân đời sống và con người Kitô hữu giáo dân

Gợi ý mục vụ cho Năm Tân Phúc-Âm-hóa đời sống Giáo xứ và Cộng đoàn - Đề tài 8. Tân Phúc-Âm-hoá Giáo xứ: Canh tân đời sống và con người Kitô hữu giáo dân
Năm Tân Phúc-Âm-hoá đời sống Giáo xứ và Cộng đoàn
 
– Gợi ý mục vụ –
 
Đề tài 8. Tân Phúc-Âm-hoá Giáo xứ: Canh tân đời sống và con người Kitô hữu giáo dân
 
“Muối mà hết mặn, thì anh em sẽ lấy gì ướp cho mặn lại? (Mc 9,50)
 
– Kitô hữu giáo dân là những người đã được tháp nhập vào Đức Kitô nhờ phép Rửa Tội, đã được thiết đặt vào dân Thiên Chúa, được tham dự vào nhiệm vụ tư tế, tiên tri và vương đế của Đức Kitô theo cách thức của mình, theo phần vụ của mình mà thực thi sứ vụ của toàn dân Kitô giáo trong Hội Thánh và trên trần gian. [1]
 
1. Một dân đang “bước đi”
 
– Nghĩ về Kitô hữu và về Hội Thánh như một Dân đang lữ hành trở về Quê hương, thì “bước đi” là một từ mà đức Thánh Cha Phanxicô rất thích nhắc tới. Thuộc về một dân đang bước đi, đang tiến bước qua lịch sử cùng với Thiên Chúa chúng ta, Đấng bước đi giữa chúng ta, quả là một kinh nghiệm tuyệt vời nhất! [2] Chúng ta không lạc lõng; chúng ta không bước đi một mình; chúng ta thuộc về đàn chiên Đức Kitô cùng nhau bước đi. Có gì đẹp hơn hình ảnh đoàn các giám mục, linh mục, giáo dân cùng bước đi. Các mục tử biết tên từng con chiên, bước đi với dân mình, khi thì phía trước, đôi lúc phía sau, và lúc khác lại ở giữa dân. [3] Sở dĩ như thế vì dân có thể ngửi thấy, khám phá ra những con đường mới để bước đi; họ có sensus fidei (cảm thức đức tin) như các nhà thần học vẫn thường nói. “Để cho đoàn chiên được tự mình mở ra những lối đi mới” mới có thể tạo nên một sự hiệp thông năng động và truyền giáo.
 
2. Ra khỏi mình
 
Cùng nhau bước đi, bước theo Chúa Giêsu, trải nghiệm cuộc Vượt Qua cùng với Người, về Nhà Cha. Nghĩa là đi ngang qua kiếp người trọn vẹn với đường Thập Giá, Đồi Calvê, và Phục Sinh.
 
– Trong sứ vụ của mình trên trần gian, Chúa Giêsu đã đi qua khắp các nẻo đường, kêu gọi mười hai con người đơn sơ để ở với Người, cùng chia sẻ với Người trong cuộc hành trình, và để họ tiếp tục sứ vụ của Người. Người đã chọn họ giữa những người đầy lòng tin. Chúa Giêsu chuyện trò với hết thảy mọi người không phân biệt, cả với người quyền quý lẫn những kẻ hèn hạ, nói với anh thanh niên giàu có lẫn bà góa phụ nghèo khổ, nói với người mạnh cũng như người đau yếu. Người đã mang đến cho họ lòng thương xót và tặng phẩm Thiên Chúa. Người đã chữa lành, ủi an, ôm ấp hết thảy mọi người. Người ban cho hết thảy chúng ta niềm hi vọng. Người đã mang đến cho mọi người sự hiện diện của Thiên Chúa, Đấng luôn chăm sóc chúng ta như người cha nhân từ, như người mẹ dịu hiền chăm nom từng người một trong hàng con cái. Thiên Chúa không hề chờ đợi chúng ta tìm đến Ngài, mà chính Ngài tự nguyện đến với chúng ta trước, không hề tính toán chẳng chút do dự. Chúa Giêsu sống các thực tại hằng ngày của người dân bình thường nhất. Người chạnh lòng thương trước đám đông như đàn chiên không người chăn dắt; Người khóc trước nỗi thống khổ của hai chị em Mattha và Maria vì em của họ là Lazarô mới mất; Người gọi một người tội lỗi là người thu thuế trở thành môn đệ; và Người cũng gánh chịu sự phản bội của một người bạn. Chính nơi Đức Giêsu chúng ta xác tín Thiên Chúa ở cùng chúng ta (Emmanuel), Ngài ở giữa chúng ta. Chúa Giêsu không có nhà cửa (x. Mt 20,8), vì nhà cùa Người chính là dân chúng, chính chúng ta là nơi Người cư ngụ. Sứ mạng Người là mở cửa cho hết thảy chúng ta, trở nên sự hiện diện của Tình yêu Thiên Chúa. Chúa Giêsu sống tình yêu ấy trong chặng cuối cuộc hành trình gồm tóm hết cuộc sống Người, đó là tự trao hiến hoàn toàn, không giữ lại gì cho mình, kể cả mạng sống, “vì chúng ta”. Người đã không che giấu nỗi đau đớn thẳm sâu thuộc bản tính nhân loại của Người khi phải đối diện với cái chết bạo tàn, nhưng Người đã phó thác với lòng tin tưởng tuyệt đối vào Chúa Cha.
 
– Đó cũng là con đường của Kitô hữu chúng ta, bước theo Chúa có nghĩa là học ra khỏi chính cái tôi của mình, để bước vào cuộc gặp gỡ với những người khác, để bước tới những vùng ngoại vi cuộc sống, trở nên người tiên phong đến với anh chị em, đặc biệt những người bị gạt bên lề, bị lãng quên, những người cần được thông cảm, ủi an, giúp đỡ. Làm cho Chúa Giêsu Đấng từ bi và giàu lòng thương xót hiện diện sống động giữa anh em là một nhu cầu khẩn thiết.
 
3. Canh tân việc Tông Đồ giáo dân đòi hỏi đối thoại chân thực
 
– Làm mới lại tương quan cá vị với Đức Kitô, cũng giúp làm mới lại nhiệt huyết tông đồ, từ đó mới có những sáng kiến mới thực hiện công cuộc phúc âm hóa. Phúc âm hóa là làm cho Chúa Kitô, hiện thân của Lòng Thương Xót của Thiên Chúa, hiện diện cách sống động, trước hết bằng chứng từ đời sống và bằng lời nói. Nơi các giáo dân, “việc phúc âm hóa này... mang một sắc thái đặc thù và một hiệu quả đặc biệt vì được thực hiện trong những hoàn cảnh bình thường của đời sống”. [4]
 
– “Các sáng kiến của các Kitô hữu giáo dân là đặc biệt cần thiết khi phải khám phá và phát minh ra những phương tiện để đem các đòi hỏi của đạo lý và đời sống Kitô giáo thấm nhập vào các thực tại xã hội chính trị và kinh tế.” [5] Bước theo Chúa, đồng hành với Đức Kitô và ở lại với Người, đòi hỏi chúng ta phải “đi ra”, ra khỏi mình, ra khỏi lối sống đức tin mệt mỏi và nhàm chán, ra khỏi cám dỗ khép mình lại trong khuôn khổ của chính mình và khép kín đối với chiều kích đầy sáng tạo của Thiên Chúa. Nếu chúng ta muốn theo Người, chúng ta không được hài lòng với việc ở lại trong chuồng của 99 con chiên, mà cần phải “đi ra”, để cùng với Người kiếm con chiên lạc, con chiên ở xa nhất. [6] Điều quan trọng của việc “bước ra”, theo đức Thánh Cha Phanxicô, là phải sẵn sàng để gặp gỡ người khác. Giữa bối cảnh của “văn hóa vứt bỏ” ngày nay (sẵn sàng vứt bỏ những gì, những ai không còn hữu dụng với tôi, ở đây có thể liên tưởng đến những người già, những thai nhi), chúng ta cần phải tạo ra “một nền văn hóa gặp gỡ”, một nền văn hóa của tình bạn, một nền văn hóa trong đó chúng ta gặp được anh chị em mình, trong đó chúng ta có thể nói chuyện với những người có lối suy nghĩ khác với chúng ta, cũng như với những người không cùng tín ngưỡng, cùng một đức tin. Tất cả họ có một điều gì đó chung với chúng ta: là hình ảnh của Thiên Chúa; là con cái của Thiên Chúa. Đi ra gặp gỡ mọi người mà không đánh mất chính kiến của chúng ta.[7]
 
Câu hỏi thảo luận
 
1. Theo anh chị, một cộng đoàn giáo xứ, giáo họ, cộng đoàn nhỏ Kitô hữu cần phải sống thái độ nào khi ra đi loan báo Tin Mừng?
 
2. Tôi có nghĩ rằng Phúc-Âm-hóa các Kitô hữu giáo dân phải đồng thời với Phúc-Âm-hóa các thành phần khác của Dân Chúa không? Tại sao? Trong chừng mực nào người mục tử có thể “để cho dân mở những lối đường mới” loan báo Tin Mừng?
 
3. Theo anh chị, làm thế nào để xây dựng một “nền văn hóa gặp gỡ”?
 
–––––––––––––––––––––––––––––
 
[1] x. Lumen gentium, 27. X. GLHTCG 897.
 
[2] Bài Huấn dụ của Đức Thánh Cha Phanxicô dành cho các giáo sĩ thuộc tổng giáo phận Rufino ở Assisi, ngày 4.10.203.
 
[3] ĐGH Phanxicô, Th. Gaudium Evangelii, 31.
 
[4] x. Lumen gentium, 35. x. GLHTCG 905.
 
[5] GLHTCG 899.
 
[6] x. ĐGH Phanxicô, “Ra khỏi mình”, Yết kiến chung, ngày 27.03.2013.
 
[7] x. ĐGH Phanxicô, “Đến với vùng ngoại vi cuộc sống”, huấn dụ dành cho các Phong trào giáo dân, ngày 18.5.2013.
 

 

Lm Luy Nguyễn Anh Tuấn