Giáo lý tại gia

 

GIÁO LÝ TẠI GIA

Nuôi nấng một đứa con không có nghĩa là lo lắng cho nó đủ ăn đủ mặc mà thôi, nhưng trước hết là cung cấp cho nó có được những gì cần thiết cho việc giáo dục nó trở thành một người đích thực. (Gabriele Adani)

Con người đích thực ở đây vừa mang nghĩa nhân bản, vừa mang nghĩa tôn giáo. Thế nên ngoài nghĩa vụ giáo dục nhân bản, những bậc phụ huynh còn phải chú tâm đến việc giáo dục tâm linh cho con em mình.

Ðó là quyền lợi và bổn phận hàng đầu và bất khả nhượng của cha mẹ. (GLCG số 2221). Ở đây chúng ta chỉ bàn đến việc dạy giáo lý trong gia đình để con cái được trưởng thành về tâm linh và tôn giáo. Vậy đâu là sự cần thiết và yêu cầu mà bậc cha mẹ phải đáp ứng để dạy giáo lý cho con cái trong những sự việc cụ thể tại gia đình?

I. TẦM QUAN TRỌNG CỦA GIA ÐÌNH TRONG VIỆC DẠY GIÁO LÝ.

Giữa lòng thế giới hôm nay, gia đình đang phải đối đầu với biết bao quan niệm và khuynh hướng lầm lạc đang đầu độc giới trẻ đi tìm hưởng thụ, lợi nhuận và bất chấp cả tôn giáo. Cuộc sống vắng bóng Thiên Chúa thường lôi kéo theo những hậu quả trái với mong muốn của những bậc làm cha mẹ. Vì thế gia đình là môi trường đầu tiên chịu trách nhiệm về việc giáo dục con cái. Việc truyền dạy giáo lý không phải chỉ là công việc của giáo xứ, mà cần thiết gia đình phải góp phần vào việc đào tạo này.

1. Gia đình là "Giáo hội tại gia"

Con người là con đường của Hội Thánh và "trong vô vàn đường lộ ấy, gia đình lại là đường lộ số một và là đường lộ quan trọng nhất" (Thư của ÐGH Gioan Phaolô II gửi các gia đình số 2). Cứ bình thường thì con người đi vào đời từ giữa lòng gia đình, bởi thế, có thể nói rằng nguyên chỉ sự kiện hiện hữu như một con người thôi thì cũng hoàn toàn do từ nơi gia đình rồi. Gia đình là tế bào đầu tiên của xã hội, một tế bào sống còn của gia đình nhân loại rộng lớn và phổ quát. Trong khuôn khổ gia đình, công đồng Vaticanô II mong muốn các bậc cha mẹ là những người đầu tiên "dùng gương lành và lời nói truyền dạy đức tin cho con cái". (Hiến Chế Tín Lý Về Giáo Hội số 11). 

Sứ mệnh của gia đình thật quan trọng và cần thiết, ấy chưa kể những lúc gia đình phải thay thế giáo xứ trong những hoàn cảnh khó khăn mà giáo xứ không thể đảm đang nhiệm vụ dạy giáo lý:

Nơi nào luật lệ chống tôn giáo chủ ý cản trở việc giáo dục đức tin, nơi nào một thứ vô tín ngưỡng lờ mờ hay thế tục chủ nghĩa lan tràn, khiến không thể có sự tăng triển tôn giáo đích thực trong thực tế thì "Giáo Hội là gia đình", là môi trường độc nhất trong đó con cái được hấp thụ giáo lý chân chính". (Tông huấn Dạy Giáo Lý của ÐGH Gioan Phaolô II số 68)

Gia đình sẽ chu toàn được sứ mệnh này nếu gia đình tỏ ra như một đền thờ của Giáo Hội tại nhà mình nhờ yêu thương, cùng nhau học hỏi và cầu nguyện để hạt giống đức tin được triển nở (Sắc Lệnh Tông Ðồ Giáo Dân số 11).

2. Gia đình là môi sinh đức tin

Sự tăng trưởng về dân số thường cũng kéo theo sự tăng trưởng các tín hữu xét về mặt tôn giáo. Ðó là quy luật thông thường dựa theo truyền thống từ ngàn xưa của Hội Thánh khi cha mẹ xin Hội Thánh cho con cái mình lãnh nhận bí tích Rửa tội:

Do ân sủng của bí tích Hôn phối, các cha mẹ đã nhận được trách nhiệm và đặc ân Phúc Âm hóa con cái mình. Ngay từ tuổi thơ, họ phải dạy cho chúng biết các mầu nhiệm của đức tin, đối với con cái mình, các cha mẹ là "những sứ giả đầu tiên" của Chúa. (GLCG số 2225)

Hạt giống đức tin nơi các trẻ em được vun xới và chăm sóc trong gia đình là môi trường đầu tiên để phát triển thành cây đức tin. Gia đình phải là vườn ươm, là thửa đất tốt mà việc dạy giáo lý được ví như việc cung cấp chất dinh dưỡng tùy theo mức độ hấp thụ, tùy theo thời điểm để sự phát triển tâm linh và tôn giáo nơi đứa trẻ có đủ sức đơm bông kết trái sau này. ÐGH Gioan Phaolô II nhấn mạnh về vai trò tác nhân của cha mẹ có tính quyết định đối với con cái như sau:

Mục đích đặc biệt của việc dạy giáo lý, với sự trợ giúp của Thiên Chúa, chính là làm phát triển đức tin còn thơ ấu, thăng tiến đến mức độ viên mãn và nuôi dưỡng hằng ngày đời sống Kitô của các tín hữu thuộc mọi lứa tuổi. (Tông Huấn Dạy Giáo Lý của Ðức Gioan Phaolô II số 20).

Gia đình là nơi trẻ em nhận được những kinh nghiệm căn bản nhất về đời sống sinh hoạt ăn uống ngủ nghỉ… cũng là nơi chúng nhận được những kinh nghiệm tinh thần quý giá như chung sống, nhường nhịn yêu thương… Cả những va chạm bất bình cũng có tác dụng giáo dục vì nó giúp mỗi người biết mình, biết người để có thể biết điều ăn lẽ ở cho phải đạo:

Tổ ấm gia đình là nơi thích hợp cho việc giáo dục các nhân đức vì đó là việc đòi hỏi con người từ bỏ mình, tập phán đoán lành mạnh, tập làm chủ bản thân: Ðó là những điều kiện của một sự tự do đích thực. Các bậc làm cha mẹ phải dạy cho con em mình biết "đặt những chiều kích thể lý và bản năng dưới sự chi phối của các chiều kích nội tâm và tinh thần. (GLCG số 2225)

Tất cả những kinh nghiệm từ môi trường gia đình đều có thể là khởi điểm tốt cho việc giáo dục đức tin và từ đó nắm vững các đòi hỏi của môi trường đức tin tại gia đình.

II. NHỮNG YÊU CẦU CỦA GIÁO LÝ TẠI GIA

Giáo lý tại gia và tại nhà thờ đều có những điều kiện hoàn cảnh riêng biệt nên cũng có những yêu cầu khác nhau. Giáo Lý tại gia mang tính đơn giản, tùy nghi và cụ thể nhằm thức tỉnh cảm quan và tâm tình tôn giáo hơn là tri thức tôn giáo.

1. Giáo lý đơn giản

Trước hết, các bậc phụ huynh không thể hệ thống hóa giáo lý cho các con em mình vì sự phức tạp và linh động của môi sinh gia đình. Giáo lý tại gia mang tính đơn sơ dễ hiểu, không bài bản nhưng lại rất hiệu nghiệm vì nó có sức tác động đúng thời điểm phát triển thể lý và tâm linh của một con người.

Tông huấn về việc dạy giáo lý cũng "nhấn mạnh với các phụ huynh Kitô hữu về việc khai tâm sớm sủa này, lúc mà tài năng của trẻ nhỏ được hội nhập vào trong một tương quan sống động với Thiên Chúa, nó đòi một tình yêu to lớn và tôn trọng sâu xa trẻ nhỏ, trẻ này có quyền được ta trình bày đức tin Kitô giáo cách đơn giản và trung thực." (GLCG số 2225)

2. Giáo lý cơ hội

Thứ đến, không thể xác định thời biểu giáo lý tại gia nhưng có thể nói toàn bộ cuộc sống ở gia đình là những cơ hội truyền đạt giáo lý một cách năng động và thích hợp nhất:

"Những lối sống trong gia đình có thể nuôi dưỡng tâm tình con cái, và trong suốt cuộc đời chúng, đó sẽ là những chuẩn bị và nâng đỡ cho một niềm tin sống động" (GLCG số 2225)

Ðiều này cho thấy các biến cố trong gia đình phải biểu lộ tính Kitô Giáo. Nỗ lực của cha mẹ là Kitô hóa các biến cố làm cho mọi người trong gia đình hiểu và sống tâm tình tôn giáo trong từng sự kiện xảy ra.Vì thế giáo lý tại gia có tính uyển chuyển, tùy dịp, tùy việc. Ðây là nguyên tắc dựa vào những sự việc tự nhiên xảy ra trong gia đình mà dẫn con cái tới chân lý tôn giáo. Mỗi khi con cái mình có một kinh nghiệm sống cụ thể thì phải khai thác kinh nghiệm đó bằng cách làm nổi bật ý nghĩa tôn giáo chất chứa trong kinh nghiệm đó. (Nguyễn Văn Tuyên, Sư Phạm Giáo Lý, Ðại Kết 1995, p.195-204)

3. Giáo lý kinh nghiệm

Giáo lý tại gia mang tính cụ thể và thiết thực vì dựa trên những kinh nghiệm xảy ra ở gia đình và xã hội.

- Khám phá ý nghĩa tôn giáo của đời sống thường nhật. Các kinh nghiệm thường ngày có vẻ xa tôn giáo nhưng cũng có thể gợi lên nhiều ý nghĩa phong phú nếu biết khai thác. Có những kinh nghiệm trực tiếp liên quan đến tôn giáo giúp con em mình hiểu cụ thể về đời sống tôn giáo, chẳng hạn về thánh lễ qua bữa ăn, về sám hối qua việc tha thứ….

- Giải đáp những vấn đề quan trọng do trẻ em gợi ra. Những câu hỏi "Tại sao" thường xuyên của trẻ thường gợi lên nhiều vấn đề nhân sinh quan trọng mà cha mẹ không thể tránh né, viện cớ trẻ chưa hiều. Trước vấn đề này, cha mẹ cần giải đáp bằng những lời lẽ thật giản dị nhưng không kém phần sâu sắc, đồng thời cho chúng thấy các vấn đề đó đưa ta vào một thế giới huyền diệu khác với thế giới giác quan.

Hiểu được tầm quan trọng và yêu cầu mà gia đình phải đáp ứng thì việc dạy giáo lý sẽ đạt được những kết quả tốt trong những sự việc cụ thể thuộc khuôn khổ gia đình.

III. MỘT VÀI VIỆC CỤ THỂ CỦA GIÁO LÝ TẠI GIA

1. Dạy con từ thuở còn thơ


Cha mẹ không chỉ sinh con nhưng còn tạo nên những con người xứng đáng của xã hội và của Giáo Hội. Công việc đó không đợi trẻ lớn lên nhưng phải khởi sự ngay từ khi chúng còn bập bẹ làm dấu. Song song với việc tập ăn tập nói cũng là tập cho con trẻ biết làm dấu, biết thưa kinh, biết cầu nguyện để khơi động lòng tin nơi trẻ em.

"Phải giáo dục đức tin cho con cái từ những năm đầu của tuổi thơ nhi. Việc giáo dục này được thực hiện khi các thành viên trong gia đình giúp nhau tăng trưởng trong đức tin bằng cách sống phù hợp với Phúc Âm. Việc dạy giáo lý trong gia đình phải đi trước, đi kèm và phong phú hóa các hình thức giáo lý khác. Cha mẹ có sứ mạng dạy cho con cái biết cầu nguyện và khám phá ra ơn gọi làm con Thiên Chúa" (GLCG số 2226). Những kinh đọc vắn tắt mà trẻ nhỏ bập bẹ, sẽ là khởi điểm một cuộc đối thoại đầy tình yêu mến với Thiên Chúa bí ẩn, mà sau này nó sẽ bắt đầu nghe lời". (Tông Huấn Catechese Tradentae số 36).

2. Dạy con cầu nguyện

Những giờ đọc kinh cầu nguyện là những giờ giáo lý sống động nhất vì bản chất và mục đích của việc dạy giáo lý còn là truyền đạt sức sống Tin Mừng và đưa đến đối thoại, gặp gỡ chính Ðức Kitô; và như vậy đọc kinh cầu nguyện là thể hiện chiều kích hàng dọc này. (GLCG số 2685) 
Việc nhắc nhở con cái đọc kinh, dạy chúng cầu nguyện là thể hiện sứ mệnh của cha mẹ nhận lãnh qua bí tích Hôn phối và cũng là cách để con cái sống điều chúng đã được học hỏi ở các lớp giáo lý. Cũng cần lưu ý là đừng để các gờ kinh gia đình trở thành gánh nặng và chán ngán đối với con trẻ nhưng cha mẹ phải biết chọn lọc, hướng dẫn con cái quý trọng những giờ kinh chung của gia đình.

3. Dạy con làm quen với Lời Chúa

Tình gia đình quây quần gắn bó với nhau được biểu bằng nhiều cách, trong đó cũng phải kể đến việc cha mẹ kể chuyện cho con cháu. Ðó có thể là kể chuyện Kinh Thánh, chuyện về Ðức Giêsu, chuyện các Thánh, chuyện người tốt việc tốt để chúng làm quen với Lời Chúa. Có thể lợi dụng rất nhiều cơ hội để kể chuyện Phúc Âm, giảng giải Lời Chúa một cách đơn sơ, ấm cúng và đầy ý vị.

4. Dạy con học giáo lý

Cứ bình thường con em chúng ta được học hỏi giáo lý ở các lớp học, dù vậy chúng vẫn cần được bồi dưỡng, nhắc nhở để những điều đã tiếp thu được thông hiểu và ghi vào ký ức.

Ngoài ra vào những dịp con cái được nhận lãnh bí tích (xưng tội, rước lễ và thêm sức) cha mẹ cần lưu tâm đến giáo lý nhiều hơn và tích cực giúp chúng nhận lãnh bí tích cách sốt sắng. Những dịp ma chay, cưới hỏi, sinh nhật, lễ tết… của gia đình cũng là dịp cha mẹ giúp con cái có được cái nhìn và tâm tình đạo đức.

Nói chung, giáo lý tại gia là sự hỗ trợ rất lớn cho chương trình giáo lý ở xứ đạo, đồng thời là sự hỗ trợ mang tính quyết định đối với con cái mình trong quá trình phát triển tâm linh. Thế nhưng giáo lý tại gia không chỉ nhắm đến con cái mà chính các bậc cha mẹ cũng phải học hỏi trau dồi giáo lý. Theo kiểu nói của Thánh Augustinô ("Cho anh em, tôi là giám mục, cùng anh em, tôi là Kitô Hữu") ta có thể nói cha mẹ là người hướng dẫn chăm sóc cho con cái biết Chúa Kitô nhưng đồng thời cùng với con cái, cha mẹ cũng là những người cần được học hỏi để yêu mến Chúa Kitô hơn.

Năm 2000, cả thế giới đã bước vào bình minh của thiên niên kỷ mới, Hội Thánh đã dành ra 3 năm cuối cùng của thiên niên kỷ trước để tập trung học hỏi về Chúa Kitô, Con Thiên Chúa làm người, đương nhiên mang tính Ba Ngôi.

Ước mong mỗi gia đình chúng ta cùng học hỏi về từng ngôi vị Thiên Chúa để gia đình thấm nhuần nền linh đạo Ba Ngôi là "hướng đến Cha trên trời theo điểm ngắm của chính Ðức Kitô trong sự hiện diện và tác động của Chúa Thánh Thần" (Tông Thư của ÐGH Gioan Phaolô II: Tiến Tới Thiên Niên Kỷ III số 45).
 
Lm Phạm Công Phương