Giáo dục con cái: Cách thức" vàng"

Giáo dục con cái: Cách thức" vàng"

 

GIÁO DỤC CON CÁI: CÁCH THỨC "VÀNG"

Trong đời sống hôn nhân gia đình, con cái là bằng chứng và biểu hiện của tình yêu vợ chồng. Con cái chính là cuộc đời, là tương lai của vợ chồng. Do vậy, việc sinh con và giáo dục con cái là bổn phận, trách nhiệm của cả vợ và chồng. Chính vì thế cả hai cần phải có sự đồng nhất trong quan điểm cũng như cách thức giáo dục con cái.

Về quan điểm giáo dục

Để tránh tình trạng “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược” trong vấn đề giáo dục con cái, vợ chồng phải đồng nhất trong quan điểm. Cha mẹ cần phải tìm hiểu rõ tính tình của con để có những cách thức giáo dục phừ hợp. Nếu không có sự thống nhất về quan điểm giáo dục sẽ dễ dẫn đến tình trạng con cái hư hỏng, không nghe lời bố hoặc mẹ. 

Về cách thức giáo dục

Trong thời đại ngày nay, nhiều cha mẹ tỏ ra rất băn khoăn, lo lắng và thậm chí tỏ ra "khủng hoảng" trong việc tìm ra cách thức giáo dục con cái cho phù hợp. Nhiều bậc phụ huynh do không quan tâm đến con cái nên khi con hư thì lại đổ "tại mẹ"; nhiều bậc phụ huynh thì "bê nguyên xi" quan điểm và cách thức giáo dục thời xưa để giáo dục con cái, dẫn đến sự khập khiễng và không hiệu quả... Vậy đâu là những cách thức để việc giáo dục con cái được hiệu quả? Các bậc phụ huynh sẽ có được câu trả lời khi lưu tâm đến những vấn đề rất đơn giản và cũng dễ thực hiện dưới đây:

Cha mẹ nên “làm bạn” với con cái, có như thế mới hiểu được chúng nghĩ và muốn gì. Qua đó hướng dẫn hành động và suy nghĩ của con cái đi theo hướng đúng đắn. Nhiều bậc phụ huynh luôn duy trì vị thế “người trên” để giáo dục con cái, điều này tạo ra tâm lý sợ hãi, khó gần ở trẻ.

Lắng nghe tâm sự của con: con cái luôn có những tâm sự riêng, có lối suy nghĩ riêng… Cha mẹ cần phải lắng nghe để hiểu con cái, để động viên, khích lệ kịp thời. Cha mẹ hãy tạo dựng và duy trì thời giờ trò chuyện với con hàng ngày để tạo điều kiện và tập cho trẻ biết và luôn sẵn sàng chia sẻ.

Cha mẹ phải biết giữ lời hứa với con cái: điều này rất quan trọng đối với sự hình thành nên nhân cách của trẻ. Cha mẹ không nên hứa rồi để đấy, không thực hiện lời hứa, như thế sẽ dạy trẻ cách nuốt lời hứa. Trên hết, cha mẹ phải biết giữ chữ “tín” với con để củng cố niềm tin của chúng vào chính bản thân mình. Cha mẹ không nên hứa những điều mà biết rằng mình sẽ không thực hiện được. Lời hứa và thực hiện lời hứa luôn là một động lực mạnh mẽ để tạo dựng nghị lực và tinh thần phấn đấu vươn lên trong học tập và trong cuộc sống của trẻ.

Tập cho con cái tính tự chủ và sự tự tin trong cuộc sống: Cha mẹ luôn cần những sự cổ vũ khích lệ, những lời nói động viên để con cái tự hoàn thành những công việc bổn phận và trách nhiệm của mình. Không nên làm thay con cái trong tất cả mọi công việc. Khi con trẻ tự làm, chúng sẽ học được bài học về sự tự tin, xây dựng được nếp sống tự chủ và có kỷ luật với chính bản thân mình. Hãy nói những lời khích lệ như “con làm được”; “cha mẹ tin ở con”… chứ đừng nói “con không nên làm”. Chính sự tự chủ và tự tin của cha mẹ trong cuộc sống cũng là bằng chứng và tấm gương “sống” để con cái học tập và noi theo.

Cha mẹ cần quan tâm đến phong cách riêng của con trẻ: Cha mẹ hãy dạy trẻ cách ăn nói lễ phép, cách ăn mặc gọn gàng, đứng đắn… như thế mới mong con trở thành một người thành công và lịch thiệp sau này. Cũng đừng quá nghiêm khắc bắt con phải sống đúng với những mà người lớn quy định, mà hãy để trẻ vươn tới những điều mà chúng mong muốn dưới sự dẫn dắt và hướng dẫn của người lớn.

Cha mẹ cần biết tôn trọng con cái: cha mẹ cần tôn trọng ý kiến của con cái cho dù là đúng hay sai. Không nên tỏ thái độ xua đuổi hoặc mắng nhiếc con cái, làm như thế sẽ dễ động đến lòng tự ái của con, con sẽ cảm thấy mình không được tôn trọng. Bên cạnh đó, những lời mắng chửi của cha mẹ sẽ khiến trẻ mất dần lòng tự tin và trở nên rụt rè nhút nhát. Cha mẹ cần phải tôn trọng những đóng góp của con dù là rất nhỏ. Cha mẹ nên biết nhận lỗi với con nếu mình hành xử sai để tập cho trẻ tinh thần trách nhiệm và ý thức được những lời nói, hành vi cử chỉ của bản thân…

Phạm Sỹ (tổng hợp)