Gia trưởng và tâm tình trở về trong mùa chay

Gia trưởng và tâm tình trở về trong mùa chay

 

ĐỀ TÀI GIA TRƯỞNG THÁNG 4 :
GIA TRƯỞNG & TÂM TÌNH TRỞ VỀ TRONG MÙA CHAY
 
            Kính thưa quý gia trưởng !
Trong đời sống tình cảm của con người, sự “trở về” thường khơi gợi một giá trị tinh thần cao đẹp : người lính giã từ vũ khí trở về từ chiến trường, con tàutrở về cập bến bình an sau hành trình sóng gió, người tù trở về sau những năm dài chấp pháp, chồng về với vợ viết tiếp chữ thủy chung, con cái hoang đàng về với cha mẹ mà thực thi chữ hiếu, … Có muôn nghìn sự trở về như vậy, và cái đích cuối cùng của sự trở về ấy luôn là bình an và hạnh phúc. Đối với người Công giáo, Mùa Chay là thời gian người Mẹ Giáo Hội mời gọi tín hữu trở về với Tình Yêu Thiên Chúa. Đó là một sự trở về đích thực nhất, toàn diện nhất - và tất nhiên - sẽ tìm được bình an và hạnh phúc nhất.
Góp phần cùng muôn ngàn suy tư trong Mùa Chay, Ban Đặc Trách Gia Trưởng giáo phận Xuân Lộc cùng chia sẻ với quý gia trưởng hành trình trở về qua bốn tâm tình : “Biết - Tin - Hối - Chừa

    1. 
Biết.
Người xưa có nói : “Vô tri bất mộ” ( Không biết thì không yêu ). Biết chính là điều kiện đầu tiên cho … : Tôi thích ăn món này vì tôi biết nó ngon, tôi viết được một lá thư cho người thân vì tôi biết chữ, tôi có thể nói chuyện với người nước ngoài vì tôi biết ngoại ngữ, cũng như tôi không thể đi đến đích nếu tôi không biết đường, tôi không thể yêu em nếu tôi không biết em.
 
Nhưng cái biết quan trọng nhất chính là biết mình. Binh pháp xưa cho rằng : “Biết người biết ta, trăm trận trăm thắng”. Kẻ kiêu căng tự phụ bị thất bại vì đặt mình ở vị trí cao hơn cái mình có, kẻ khiếp nhược thất bại vì không nhận biết khả năng của mình. Ngay khi tội lỗi nhập vào thế gian, con người lập tức đánh mất sự nhận biết về mình. Trong vườn địa đàng, Ađam đã chối bai bải trước mặt Thiên Chúa : “Tại người phụ nữ mà Chúa ban cho tôi đã cám dỗ tôi …”, còn Eva thì phụ họa : “Tại con rắn này đã cám dỗ tôi …” Không ai chịu nhìn nhận phần lỗi về mình. Phần chúng ta hôm nay, trong đời sống hàng ngày, vẫn thường xuyên hòa bè với dàn hợp xướng trong Vườn Địa Đàng thuở xưa. “Con hư tại mẹ, cháu hư tại bà”, thấy con cái hư hỏng thì trách vợ nuông chiều không dạy dỗ, bị phát hiện ra ăn vụng thì đổ lỗi tại vợ không biết chiều chồng, làm ăn thất bại thì bảo tại vợ con phung phí, … Biết bao nhiêu cái tại-do-bởi-vì mà không hề có chữ mình trong đó.
Vì lẽ đó, hành trình trở về đầu tiên của hối nhân phải là : nhận biết mình tội lỗi. Con người thụ tạo - hậu duệ của một Ađam bất trung - phải nhận ra sự khiếm khuyết bất toàn của thân phận mình. Trong nghi thức thống hối nơi thánh lễ mỗi ngày, chúng ta thường đấm ngực ba lần “ Lỗi tại tôi, lỗi tại tôi, lỗi tại tôi mọi đàng”, lẽ nào đó lại là những lời sáo rỗng nơi ta?
 

2. Tin.

 

Nhận ra mình tội lỗi chưa đủ, chúng ta còn phải biết tin tưởng vào Tình Yêu của Thiên Chúa. Nên nhớ rằng, nơi Vườn Địa Đàng thuở xưa, Thiên Chúa đã hứa trao ban Đấng Cứu Chuộc cho nhân loại. Ngài hứa chỉ vì tình yêu, bởi vì Ngài chính là Thiên Chúa Tình Yêu, và ngay trong lời hứa ấy đã bao hàm ý định tha thứ. Và rồi lời hứa ấy đã được thực hiện, Ngôi Hai Thiên Chúa - Đức Giêsu Kitô - đã nhập thể làm người, dùng cái chết và sự phục sinh của Ngài để cứu chuộc tất cả nhân loại. Nhờ đó, từ hậu duệ của một Ađam bất trung, chúng ta đã trở nên hậu duệ của một Ađam mới, đủ tư cách làm con Thiên Chúa và quyền thừa kế Nước Trời.
 

 

Niềm tin này rất quan trọng, bởi vì nó quyết định cho quyền năng tha thứ của Thiên Chúa được thực hiện. Khi trao ban cho ta sự tự do, Thiên Chúa dù muốn, cũng chẳng thể nào tha thứ được cho ta nếu ta không tin vào sự thứ tha của Ngài. “Không phải bảy lần mà là bảy mươi lần bảy”, câu nói đầy hình ảnh của chính Chúa Giêsu đã là một bằng chứng xác đáng về sự tha thứ của Thiên Chúa cho mọi tội lỗi của ta : Dù ghê gớm, nặng nề, quái gở cỡ nào, và dù tái phạm đến bao nhiêu lần, Thiên Chúa vẫn sẵn sàng thứ tha. 
 
Thực tế, trong gia trưởng chúng ta, nhiều người còn ngần ngại khi đến với Tòa Giải tội. Một năm một lần theo luật định đã đành, cá biệt có người nhiều năm không xưng tội. Bản lĩnh đàn ông được hiểu một cách máy móc là chỉ cần giữ đúng luật lương tâm, tội vừa xưng xong đã tái phạm thì xưng tiếp làm gì cho thêm xấu hổ với chính mình và với Chúa. Rồi càng để lâu sự ngần ngại càng tăng cao, 5-6 năm đã rồi thì 7-8 năm có khác gì. Đến khi giật mình nhìn lại mới thấy mình xa cách Tòa Giải tội mười mấy năm. Không ! Trước mặt Thiên Chúa, ai dám xưng mình là thánh thiện ? Đó là thói kiêu ngạo của phản thần Luxiphe xưa. Hãy cứ sẵn sàng đến với Tòa Giải tội mỗi khi phạm tội, vì ta yếu đuối mà. Ai lại cười bệnh nhân mỗi lần đến bác sĩ ? Cái luật lương tâm tự mình suy diễn theo bản lĩnh đàn ông như đã nói trên chỉ là sự cám dỗ phỉnh phờ của ma quỷ. Đừng để ma quỷ thì mở đại tiệc ăn mừng còn Thiên Chúa thì thổn thức xót xa.
 
Hiểu được như vậy, ta mới nhận ra Tình Yêu siêu việt của Thiên Chúa nơi Bí tích Hòa giải. Nơi đó không phải là tòa án mà Thiên Chúa là chánh án còn ta là bị cáo. Trái lại, nơi đó là cánh cổng của một ngôi nhà, mà Thiên Chúa, người Cha nhân từ sẽ reo lên sung sướng khi thấy ta quay trở về, vội vàng tha thứ tất cả mọi sự cho ta, và rạng rỡ nụ cười cầm tay ta vào nhà mở tiệc đoàn viên. Không về nơi cánh cổng ấy là sự bội bạc, đúng hơn là một sự bội bạc đầy ngu ngốc.
 

3. Hối.

 

Câu chuyện”Người con hoang đàng” trong Phúc Âm soi rọi cho ta một tâm tình khi trở về, đó là sự ăn năn thống hối. Sau khi ăn chơi hoang đàng hết số tiền thừa kế mà anh đã đòi từ cha mình, người con hoang đàng bắt đầu thấm nỗi bất hạnh khi rời xa tình cha. Anh ta đói khát và không được ai bố thí. Tất nhiên, anh muốn trở về nhà cha lúc này để khỏi phải đói khát. Nhưng còn có một điều sâu xa hơn mà anh thấm thía, đó là : ngoài cha anh ra, chẳng có người nào thương anh hết. “Con đã lỗi phạm đến trời và đến cha. Con không xứng được gọi là con cha nữa”. Khi thốt ra với cha câu này, người con hoang đàng đã thành tâm thú nhận những tội lỗi của mình trong đau đớn ăn năn, đã nhận ra sự bất xứng của mình trước tình cha. Anh phơi mình ra trước mặt cha, một thân thể tiều tụy, rách rưới và hôi hám, chỉ với một tia hy vọng cha anh sẽ chạnh lòng thương.
 

 

Không có tâm tình ăn năn thống hối, sẽ không có sự trở về; hoặc giả nếu có, cũng không phải là sự trở về đúng nghĩa. Đó là sự quay lại trong toan tính của kẻ trộm cắp, rình một cơ hội bất ngờ sẽ khoắng đồ nhà cha và tiếp tục ra đi. Vì lẽ đó, ta hiểu vì sao, trong Bí tích Hòa giải, người đi xưng tội được gọi là hối nhân, không gọi là tội nhân

Mặt khác, khi đến với Tòa Giải tội, người ta thường cầu mong ơn tha thứ vì sợ tội lỗi ( nhất là những tội trọng) sẽ làm cho họ mất linh hồn. Nghĩa là, hối nhân đến với Bí tích vì động cơ của chính mình. Tất nhiên, điều đó không sai trái, song một sự thống hối tích cực đòi hỏi phải xuất phát từ một tâm tình cao đẹp hơn, đó là đau buồn vì tội lỗi đã xúc phạm đến Thiên Chúa là Đấng Toàn Thiện. Thiên Chúa đã yêu ta đến tận cùng, mà ta “đã cả lòng phản nghịch lỗi nghĩa cùng Chúa” như lời kinh Ăn năn tội mà ta vẫn thường đọc.
 

4. Chừa.

 

Bằng chứng của sự ăn năn chính là hành vi “dốc lòng chừa”, trước nhất là từ tâm ý rồi biến thành hành động quyết tâm trong đời sống. Tất nhiên, trong thân phận mỏng giòn, con người có thể vừa hứa đó rồi lại vi phạm lời hứa ngay sau đó. Người ngoài Công giáo không hiểu chuyện có thể dè bỉu chuyện này, cho rằng cứ đi xưng là khỏi tội, thì việc gì còn phải sợ tội nữa, cứ thoải mái phạm tội rồi đi xưng (!). Sự thực không phải vậy, ngay trong giây phút ăn năn, hối nhân luôn có một khao khát không muốn tái phạm nữa. Biết rằng phải năng cầu nguyện, làm việc đền tội và xa tránh các dịp tội ; nhưng rồi, bước vào đời sống, đối mặt với thử thách cám dỗ, con người yếu mềm lại một lần nữa phạm tội. Sự phạm tội lần sau này không phủ nhận giá trị của sự ăn năn cũng như hiệu quả Bí tích trong lần xưng tội trước. Thiên Chúa vẫn luôn tha thứ dẫu cho con người có phạm tội tới bao nhiêu lần. Chỉ biết rằng, đứng trước tội lỗi, con người càng phải khiêm hạ nhận ra sự yếu đuối của mình và càng cần đến sự trợ lực của Bí tích Hòa giải thường xuyên hơn.

 

            Kính thưa quý gia trưởng !
Người con hoang đàng trong Phúc Âm dù có trí tưởng tượng phong phú cỡ nào cũng không bao giờ dám nghĩ rằng người cha sẽ đón nhận sự trở về của anh bằng một nghi thức diệu kỳ đến thế. Anh được tắm rửa sạch sẽ, được đeo nhẫn mới, được mặc quần áo sạch sẽ, được mở tiệc ăn mừng. Anh được đón nhận nguyên vẹn một tình yêu từ người cha như trước khi anh dứt áo ra đi. Thiên Chúa của chúng ta, sẽ đón nhận chúng ta trở về trong một nghi thức còn diệu kỳ hơn thế. Ngài là Tình Yêu, và hành vi của Tình Yêu Thiên Chúa dành cho ta không thể dùng trí khôn hay ngôn ngữ của nhân loại này mà diễn tả được.
* Cùng suy tư :
       Tạ ơn Thiên Chúa vì Ngài đã ban cho chúng con Bí tích Hòa giải. Xin cho chúng con một tâm tình xứng hợp mỗi lần đến với Bí tích Tình Yêu này.
 
                                             
BAN ĐẶC TRÁCH GIA TRƯỞNG

GIÁO PHẬN XUÂN LỘC.