Gia trưởng và bữa cơm gia đình

Gia trưởng và bữa cơm gia đình

 

ĐỀ TÀI GIA TRƯỞNG THÁNG 8 -2010
 
GIA TRƯỞNG VÀ BỮA CƠM GIA ĐÌNH
 
Kính thưa quý gia trưởng !

Đời sống gia đình ngay từ ngàn xưa đã rất quan tâm đến bữa cơm gia đình mà nơi đó, mọi thành viên cùng quây quần bên nhau, một dịp thuận lợi để xây đắp tình thân. Bữa ăn không chỉ là giải quyết nhu cầu của cái đói mà còn mang một không khí đầm ấm vui tươi của những người thân trong gia đình khi cùng quây quần bên nhau.



Cùng cầm tay nhau nguyện kinh “Lạy Cha” trước bữa ăn

1.     Nhìn lại tinh thần bữa cơm gia đình trong truyền thống dân tộc.

Mục đích của bữa cơm gia đình trước hết vẫn là “ăn”. Ăn để bổ sung năng lượng cho cơ thể, để sống và tăng trưởng. Không ăn, con người sẽ chết. Nhân loại từ ngàn xưa cho đến sau cùng thì “ăn” vẫn luôn có mục đích ban đầu là vậy. Thế nhưng, ở góc độ tinh thần, bữa ăn truyền thống của gia đình Việt Nam còn bao trùm lên nhiều ý nghĩa tốt đẹp :

Ngay từ khâu chuẩn bị làm bữa, người vợ đã lưu ý đến mọi thành viên trong gia đình : Hôm qua đã ăn món gì, hôm nay phải đổi thứ khác. Có thể nói, ngay từ khâu lựa chọn thực phẩm từ chợ mang về, đã có chất chứa trong đó biết bao sự quan tâm, yêu mến mà người làm bữa đã dành cho những người thân yêu trong gia đình. Sự chuẩn bị càng được chăm chút cẩn thận hơn nếu nhà có khách hoặc có người thân đi xa lâu ngày mới về. Làm sao đó để khi dọn bữa, là không chỉ dọn một mâm cơm thịnh soạn, mà còn bày tỏ trong đó một tấm chân tình quý mến, yêu thương.

Để được ngồi vào bàn ăn, mọi thành viên trong gia đình đều phải có mặt. Cơm dẫu chín nhưng ông bà đang tiếp khách cũng phải đợi ông bà tiễn khách ra cổng, ngay cả người con đầu đi học trường xa chưa về, cả nhà cũng chờ đợi cơm. Trong sự chờ đợi ấy, ta thấy được sự quan tâm lo lắng cho nhau. Bữa cơm trở thành tâm điểm cho sự đoàn tụ mọi thành viên của gia đình.

Giây phút tất cả cùng ngồi vào bàn ăn thật là hạnh phúc. Mở đầu là lời mời nhau, với người đất Bắc là cả một vấn đề ý nhị. Sau đó là tiếng ríu rít nói cười, mỗi thành viên cùng nhau ân cần hỏi han đủ điều đủ chuyện. Cứ thế cho đến hết bữa cơm. Từ lúc chuẩn bị nấu nướng đến lúc cùng ngồi ăn cho đến lúc thu dọn mâm bát là cả một khoảng trời ấm áp yêu thương của tình gia đình.

Chính vì thế, bữa cơm hàng ngày của người dân Việt trong truyền thống dẫu không cao lương mỹ vị nhưng lại đầy tình người. Ca dao xưa có câu :

      “Râu tôm nấu với ruột bầu
      Chồng chan vợ húp, gật đầu khen ngon

Râu tôm và ruột bầu là hai thứ lẽ thường sẽ được người làm bếp loại bỏ cho heo cho gà, vậy mà nó lại trở thành món canh đặc biệt ngon ngọt của đôi vợ chồng nghèo. Họ thấy ngon không phải ở hương vị nồi canh, mà ở cái tình của vợ chồng đối với nhau. Không phải là chồng chan chồng húp hoặc vợ chan vợ húp ( như vậy là mạnh ai nấy ăn ) mà là chồng chan cho vợ húp. Ăm ắp một hành vi yêu thương và quan tâm đến nhau.

2.     Sự thiếu vắng bữa cơm gia đình trong cuộc sống hiện tại.

Do những chi phối khách quan của cuộc sống hiện đại, trong các gia đình Việt Nam hiện nay, nhất là những gia đình trẻ, hầu như bữa cơm gia đình đã thiếu vắng nhiều, thậm chí dù có thì ý nghĩa tinh thần của nó cũng đã mai một đi rất nhiều.

Hãy thử nhìn vào một gia đình trẻ sống tự lập, không có cảnh tam đại hoặc tứ đại đồng đường. Thoạt nhìn có vẻ cuộc sống của họ thật tự do, thoải mái, không còn lục đục, xào xáo giữa mẹ chồng nàng dâu, giữa con cái mình với con cái chú bác. Nhưng ngay từ sáng sớm, đứa con nhỏ của họ đã phải được pha sữa, pha bột và ăn trong vội vàng để còn đem gửi nhà trẻ. Vợ và chồng sau đó tất bật đi làm công ty, người nào người ấy sẽ ăn qua quýt bất cứ thứ gì của hàng quán ven đường, để còn mau chóng kịp vào ca sáng. Chồng ăn trưa tại công ty A, vợ ăn trưa ở công ty B, con ăn ở nhà cô bảo mẫu. Duy nhất trong ngày còn một bữa cơm chiều, nhưng sự chuẩn bị cho bữa cơm ấy cũng chỉ là qua loa, chiếu lệ. Trên đường tan ca, vợ ghé chợ chiều mua lặt vặt một vài thứ, về nhà nấu vội vàng. Chồng thì đón con về, tắm rửa, dọn dẹp nhà cửa. Bữa cơm chiều sum họp trong nhọc nhằn của một ngày lao động. Dăm ba tiếng nói chuyện rời rạc của vợ chồng, vài tiếng u ơ của con nhỏ pha lẫn tiếng lạch cạch của đũa, muỗng va chạm vào mâm, bát. Và thế là xong.

Rồi con cái lớn lên, bữa cơm gia đình cũng vẫn cứ tái diễn như vậy, thậm chí còn thê thảm hơn. Con đã lớn, đến tuổi đi học. Cả ngày đã vậy, bữa cơm tối giờ đây con cũng chẳng ngồi cùng với nhiều lý do : học thêm, sinh hoạt đoàn thể. Vậy là, cho dù mọi người trong gia đình đều ăn, nhưng là những bữa ăn cá nhân, mạnh ai nấy tự dọn ăn, không còn chung một giờ được nữa.

Chính vì thời gian gần nhau của mọi thành viên trong gia đình quá ngắn ngủi, nên nó trở thành một trong những nguyên nhân kéo theo nhiều hệ lụy phức tạp : Vợ chồng thiếu thời gian dành cho nhau, một trong những mầm mống của nghi kỵ, thiếu chung thủy và đổ vỡ. Con cái thiếu vắng sự quan tâm chăm sóc của cha mẹ, mầm mống của sự phá phách, ngỗ nghịch,… Rõ ràng, khi nói gia đình là một tế bào sống động, thì mọi thành phần trong đó phải có một sợi dây nối kết. Bữa cơm gia đình như một chất men có thể duy trì sợi dây nối kết ấy. Một khi, sợi dây nối kết tình thân lỏng lẻo, tế bào gia đình cũng sẽ không còn mạnh khỏe nữa

3.     Xây đắp tình thân qua bữa cơm gia đình.

Rõ ràng, “ăn” không chỉ để “sống”, mà ăn để sống một cuộc sống có chất lượng. Ông bà ta ngày xưa tuy nghèo khó, chưa nâng tầm bữa ăn lên nghệ thuật ẩm thực như tầng lớp thượng lưu, nhưng ngay trong cảnh nghèo, ông bà ta vẫn nhìn ra giá trị tinh thần rất đỗi thiêng liêng của bữa cơm gia đình đoàn tụ. Nơi ấy có tình thương yêu của mọi người thân, sự quan tâm, hiểu biết, thông cảm lẫn nhau, và rồi qua bữa cơm đoàn tụ, mỗi thành viên đều tìm thấy một nguồn sinh lực mới, không chỉ là sức khỏe thể xác do bữa cơm mang lại, mà hơn thế, đó nguồn sức mạnh của tình gia đình, giúp mỗi người càng sống xứng đáng hơn trong gia đình và xã hội.

a.     Nếu sống chung trong gia đình có nhiều thế hệ :

Có hai tình huống sau :

-        Cùng góp gạo thổi cơm chung :

Không thể phủ nhận sự phức tạp khi trong gia đình vừa có ông bà vừa có một vài gia đình con cái cùng sống chung. Thường thì ông bà sẽ ăn cơm chung với một trong số những người con đó, chứ hiếm thấy cảnh ông bà cùng tất cả các gia đình con cái cùng ăn chung ( Có chăng chỉ là vào những dịp Lễ, Tết ). Khi ấy, nếu nhìn vào khía cạnh tích cực, chúng ta vẫn nhận ra thật nhiều cơ hội tốt đẹp để biểu lộ tình thân với nhau. Có thể nhận ra tình trạng sức khỏe của ông bà khi các ngài buông đũa sớm hơn thường lệ, con cái sẽ nhận được sự hỏi han ân cần của ông bà, cha mẹ về mọi chuyện học hành, bạn bè. Tiếp miếng thịt kho cho ông, chan một muỗng canh cho bà, gắp một lát trứng cho con. Nếu có món ngon có thể nấu tăng hơn một chút, múc thêm một tô mời gia đình chú bác trong nhà. Khi ấy, bữa ăn gia đình sẽ nồng nàn biết bao hương vị của tình huyết tộc.

-        Các gia đình đều ăn riêng :

Còn nếu trong một căn nhà nhưng các gia đình đều ăn riêng, cả ông bà cũng ăn riêng, không cùng chung với người con nào cả ; thì cũng đừng vì sự “riêng” ấy mà hoàn toàn hững hờ với nhau, nhất là với ông bà. Chẳng cần biết ông bà hôm nay ăn gì, có nấu ăn hay không. Có món ăn ngon chỉ khư khư giữ cho vợ chồng con cái, bất kể ông bà, bất kể các cháu con của chú bác thòm thèm. Cái ăn khi ấy cũng chẳng thêm nhiều bổ dưỡng, chỉ bộc lộ một sự ích kỷ đến tàn nhẫn của chính chủ nhân. Sao không thể là hôm nay mời ông bà một món kho ưa thích, ngày mai mời gia đình chú bác một tô canh chua. Rồi ngày khác gia đình chú bác cũng vậy. Như thế, tuy có là ăn riêng, nhưng tình thân vẫn liền.

b.     Nếu vợ chồng sống tự lập :

Còn nếu như vợ chồng có nhà riêng, sống tự lập, càng cần phải quan tâm đến bữa cơm gia đình hơn hết. Hãy xem đó là một dịp thuận lợi để vợ chồng con cái bộc lộ sự quan tâm lo lắng cho nhau. Đừng vì lý do công việc nặng nề, không có thời gian mà xem thường bữa cơm đoàn tụ. Suy cho cùng, ta vất vả ngược xuôi kiếm sống cũng là vì hạnh phúc gia đình. Nghĩa là, việc kiếm tiền chỉ là phương tiện, còn mục đích là hạnh phúc gia đình. Vậy thì có gì mâu thuẫn hơn khi sẵn sàng buông rơi mục đích mà chỉ lao vào tìm kiếm phương tiện như một cánh thiêu thân. Đến khi “cơm không lành, canh chẳng ngọt”, thì sự hối hận liệu có quá muộn màng ?

Thay vào đó, hãy dành ra ít là trong ngày có được một bữa cơm đoàn tụ. Tùy vào hoàn cảnh của mỗi gia đình, bữa cơm ấy có thể là bữa trưa hoặc bữa chiều. Nhưng đó phải là một bữa mà sự chuẩn bị cho nó một tinh thần chu đáo. Dứt khoát, vợ chồng con cái phải cùng ăn chung. Đừng bao giờ dùng bữa cơm gia đình để làm phiên tòa xét xử con cái hoặc phán xét tha nhân. “Trời đánh còn tránh miếng ăn” ! Muốn giáo dục con hãy dành dịp khác ; nỗi bực dọc với tha nhân, hãy trút bỏ qua một bên. Còn trong bữa ăn, hãy để cho không khí vui tươi đầm ấm được thăng hoa :

-        Em nấu món canh này ngon quá.
-        Món thịt hôm nay vừa miệng không anh ?
-        Ba ơi, chén nước mắm ớt này là của ba.
-        Ăn thêm một chén đi con, sao hôm nay ăn ít vậy ?
-        

Đừng cho những mẩu đối thoại ấy là rời rạc. Trái lại, ẩn chứa trong đó là tất cả sự yêu thương vợ chồng, sự quan tâm lo lắng cho con.

Và cũng đừng quên tạo dịp đưa cả gia đình về thăm ông bà, thăm các chú bác. Bữa cơm đoàn tụ ấy sẽ vô cùng quý giá để phận làm con biết sống sao cho tròn chữ hiếu, để con cái được hâm nóng mối thâm tình huyết tộc giữa chú bác anh em.

4.     Hướng tới Bàn Tiệc Thánh và Bàn Tiệc Đời Đời.

Đức tin Công giáo không hề loại trừ giá trị tinh thần của bữa cơm truyền thống dân tộc, mà còn góp phần nâng giá trị tinh thần của bữa cơm lên chiều kích thâm sâu. Là gia đình Công giáo, trước mỗi bữa ăn, gia trưởng thường mở đầu bằng lời Kinh Lạy Cha, cảm tạ Thiên Chúa đã ban cho lương thực hàng ngày. Chính trong tâm tình tạ ơn Thiên Chúa đã ban cho lương thực nuôi sống phần thân xác ấy, người Công giáo mới có một ý niệm xác thực rằng, bữa cơm này có được không phải chỉ là do mồ hôi công sức của mình, mà còn có ơn của Thiên Chúa ban tặng. Do vậy, bữa cơm ấy sẽ phải tràn ngập tình huynh đệ chứ không thể lạnh tanh ích kỷ. Bữa cơm ấy còn mở ra một chiều kích hướng tới tha nhân, những con người đói khát trên đời đang cần một tình huynh đệ sẻ chia. Thời đại văn minh hiện nay, bên cạnh những yến tiệc xa hoa, thừa mứa ; vẫn còn có nhiều, thậm chí rất nhiều những người anh em đói khát một chén cơm thừa. Thật chua xót khi khoa học đã nhân danh chuyện lương thực khan hiếm để rồi cổ súy cho việc giảm thiểu số người trên mặt đất. Đức Cố Giáo hoàng Gioan Phaolô II - bậc thầy của Giáo hội Công giáo - đã soi dẫn cho nhân loại một chân lý muôn đời của Thiên Chúa Tình Yêu, khi ngài xác quyết rằng : trách nhiệm của khoa học là phải tìm cách làm gia tăng sự phong phú cho thực đơn, chứ không phải là tìm cách hạn chế số lượng thực khách trên bàn tiệc cuộc đời.

Kính thưa quý gia trưởng !

Ngày xưa, khi Chúa Giêsu rao giảng Tin Mừng, Ngài cũng đã dùng bữa với nhiều loại người, trong đó có cả người tội lỗi. Thiên Chúa đã ăn uống cùng với con người để rồi mời gọi con người đến Bữa Tiệc Thánh, bữa tiệc mà món ăn chính là Thịt Máu của Ngài được hiến tặng cho nhân loại. Từ bữa ăn trần gian nuôi dưỡng phần thân xác, Chúa Giêsu chỉ dạy cho con người bữa ăn nuôi sống phần linh hồn. Bữa tiệc đó là Bí tích Thánh Thể, đang ngày ngày mời gọi mọi người đến để Ngài ban phát qua các thánh lễ. Đó chính là lương thực hằng sống, có hiệu lực nuôi sống linh hồn đủ sinh lực trên hành trình lữ thứ, chơ` một ngày tiến đến Bữa Tiệc Đời Đời trong Nước Trời.
                                                   

BAN ĐẶC TRÁCH GIA TRƯỞNG
GIÁO PHẬN XUÂN LỘC
 
UBMV Gia Đình / HĐGMVN