Gia trưởng suy nghĩ gì về Game, Chat, Online

Gia trưởng suy nghĩ gì về Game, Chat, Online

 

GIA TRƯỞNG SUY NGHĨ GÌ VỀ GAME, CHAT, ONLINE

Quí vị Gia trưởng thân mến,

“Game, Chat online” là những từ ngữ rất quen thuộc, rất gần và cũng rất thời sự của người trẻ, đặc biệt là tuổi “teen”. Tuy nhiên, nó cũng lại là những từ ngữ mà, nhiều cha mẹ “nghe thấy mà ớn, mà ghê!”. Tại sao lại có một sự khác biệt trong nhận thức và cách đón nhận phương tiện Internet hiện đại? Làm thế nào để những gia đình, những bậc làm cha mẹ có thể hiểu và kiểm soát được con cái của mình trong việc sử dụng internet. Đây là một vấn đề lớn. Vì thế, tôi xin được chia sẻ một chút kinh nghiệm về vấn đề này.

“Giá như không nghiện game…” là lời ăn năn thống thiết của H.V.T và P.V.N, đều là học sinh lớp 9 trường THCS Thái Sơn, huyện Đô Lương, Nghệ An khi “bị làm khách mời” tại trại giam Nghi Kim, Nghệ An được đăng trên báo tuổi trẻ ngày 08/06/2009 trong mục “Internet về làng”. Theo lời khai của 2 em này, thì cả hai rất thành thạo việc “cuỗm” địa chỉ, số tài khoản của một số doanh nghiệp để thực hiện những phi vụ tống tiền sặc mùi xã hội đen. Và một lần đang khi thực hiện phi vụ với công ty X, hai chàng tuổi “teen” vốn đã bị theo dõi từ lâu lập tức bị lực lượng an ninh mạng khoanh vùng và đưa vào trại giam.

Có lần gặp gỡ phụ huynh những gương mặt “có thành tích”, thường xuyên vắng mặt trong các buổi giáo lý, tôi được gia đình cho biết suốt ngày em cứ chúi đầu vào chiếc máy vi tính, hết game rồi lại chat. Khi có dịp hỏi dò, có em cho tôi biết: em sẵn sàng bỏ mỗi ngày đến 6 giờ để “leo mạng”, đến nỗi quên ăn, quên học, quên tắm rửa. Ngồi đối diện với những em này, tôi đề nghị viết lại cho tôi những trang webgame mà các em vẫn thường xuyên truy cập. Các em suy nghĩ mãi rồi mới viết được tên một website trên giấy và gởi lại cho tôi. Với kinh nghiệm sử dụng vi tính và Internet của mình, tôi cho hay các em có thể dấu tôi, dấu cha mẹ, dấu mọi người, nhưng không thể dấu Thiên Chúa. Tôi khẳng định với các em rằng: Thiên Chúa là Đấng điều cái Server (Máy chủ) lớn nhất, nhanh nhất, trung thực nhất, và cũng wifi (không dây) nhất, đó là Người biết rõ và ghi nhận tất cả những ý tưởng, những câu lệnh ngay nơi bộ óc của chính các em, ngay cả khi các em chưa “nhấp chuột”.

Phương tiện Internet có thể được ví như một con dao hai lưỡi: biết dùng thì rất tốt, rất hữu ích; nhưng không biết dùng hay dùng sai mục đích thì quả là một điều tai hại.

Chẳng hạn cách đây 2 năm, một cô giáo trẻ ở một trường Tiểu học nằm trong địa bàn tỉnh Đồng Nai có kể cho tôi nghe câu chuyện về hiệu quả “Chat” của cô như sau: vốn là người rất yêu thích việc từ thiện bác ái, nhưng vì công việc và điều kiện gia đình, cô không thể đi đây đi đó để hoạt động. Tuy nhiên, cô có thể chia sẻ những thao thức, mong muốn của cô qua phương tiện này. Và trong một lần tham gia Chat, cô gặp một cụ bà người Đức cũng có tâm hồn tương tự. Sau nhiều lần thăm hỏi và chia sẻ, cụ quyết định nhờ cô chuyển số tài sản khá lớn để giúp trẻ em khó khăn Việt Nam.

Nhờ phương tiện truyền thông hiện đại, mọi người trên thế giới có thể biết được tin tức hoặc những chùm ảnh của những lễ hội trực tiếp đang diễn ra hoặc chỉ trong vòng ít phút sau đó . Chẳng hạn: Lễ tấn phong Giám mục Phát Diệm, lễ nhận chức Giám Mục Phan Thiết, Thái Bình…

Ý thức tầm quan trọng và lợi ích của việc loan báo Tin Mừng qua những phương tiện truyền thông hiện đại, Hội Đồng Giám Mục Việt Nam trong Hội Nghị diễn ra tại Bãi Dâu, Bà Rịa Vũng Tàu, đã chọn lễ Thăng Thiên là ngày truyền thông của Giáo Hội Công Giáo Việt Nam.

Quý vị gia trưởng rất mến,

Chắc hẳn chúng ta đã quá hiểu về lợi ích, tầm quan trọng của việc sử dụng Internet. Đồng thời, những nguy hiểm và tác hại của phương tiện này nếu không được hướng dẫn và chọn lựa. Người ta có thể ví nó như con dao hai lưỡi vậy. Nếu chúng ta sợ sệt, e dè, không muốn sử dụng thì quả là sự thiệt thòi cho chúng ta và con cái. Nếu sử dụng vô chừng, thiếu kiểm soát, thì lại là một nguy cơ lớn cho gia đình và xã hội. Vì vậy, tôi không dám “múa rìu qua mắt thợ”, chỉ xin mạo muội đề xuất một số suy nghĩ, gợi ý đơn sơ để chúng ta chu toàn bổn phận giáo dục con cái:

1. Nếu quý vị muốn hòa mạng, máy tính truy cập nên để ở nơi người lớn dễ kiểm soát và quy định giờ truy cập cho con tùy theo lứa tuổi, mục đích. Nếu ta đi làm không kiểm soát được, nên để modems (bộ tiếp nhận Internet) trong phòng cha mẹ hoặc được khóa kỹ.

2. Hàng tuần, hay những lúc rảnh rỗi, người lớn hãy kiểm tra xem những ngày qua con cái mình đã truy cập những gì, tốt hay xấu; để chơi hay học hành; học hỏi hay tò mò.

3. Nếu con mình học ở những trường có sử dụng Internet, hãy theo dõi điểm học tập từng môn, từng bài kiểm tra, từng học kỳ, ý kiến của thầy cô về chúng.

4. Liên lạc với thầy cô hoặc những người hiểu biết, giới thiệu cho chúng ta những trang web về học tập, những trang web nổi tiếng của các trường Đại học, trường PTTH Lương Thế Vinh (thpt-luongthevinh.com), trường THCS Ngô Quyền (thpt-ngoquyen.net) , Lê Quý Đôn (thdl-lequydon-hanoi.edu.vn) … để giúp cho con cái.

5. Nếu kiểm tra “history” (lịch sử truy cập), thấy máy tính có vấn đề tiêu cực, hãy cẩn thận, “tìm ra thủ phạm” để kịp thời can thiệp. Đôi lúc thủ phạm lại là bạn của anh, của chị… Bắt lầm đối tượng là một điều đáng tiếc.

6. Cha mẹ cũng dựa vào những trang web để trang bị thêm kiến thức cho mình, cho việc giáo dục con cái…

Tắt một lời, chúng ta phải giáo dục làm sao cho con cái trưởng thành. Dù có ở gia đình hay đi học xa, dù làm việc ở nhà hay làm việc tại công sở, dù có sự hiện diện của chúng ta hay vắng mặt, chúng vẫn giữ được nhân cách truyền thống và lối sống đức tin Kitô Giáo. Có như vậy, chúng ta mới an tâm thực sự.

Ban đặc trách
Gia trưởng Giáo phận Xuân Lộc