Gia đình và cuộc chuyển giao đức tin qua lòng đạo đức bình dân

Gia đình và cuộc chuyển giao đức tin qua lòng đạo đức bình dân

 

GIA ĐÌNH VÀ CUỘC CHUYỂN GIAO ĐỨC TIN QUA LÒNG ĐẠO ĐỨC BÌNH DÂN

Gia đình là mảnh ‘Đất Hứa’ cho lòng đạo đức bình dân nuôi lớn hạt giống đức tin trong đất màu văn hoá. “Việc chuyển giao những biểu hiện riêng của nền văn hoá từ cha mẹ đến con cái. Nghĩa là từ thế hệ này đến thế hệ khác, bao gồm cả việc chuyển giao những nguyên tắc Kitô giáo. Trong một số trường hợp, sự kết hợp này khăng khít đến độ các yếu tố đức tin Kitô giáo trở thành những yếu tố nội tại của căn tính văn hoá một dân tộc” (LĐDBD&PV, số 63, UBVH/HĐGMVN).

Trong bối cảnh tam giáo Phật Lão Khổng, với những điểm nhấn về nhân sinh, vũ trụ quan đặc trưng khác với Kitô giáo, nhiều gia đình Kitô hữu phân vân, sống đạo thực tế là nỗ lực lội ngược dòng hay thả xuôi dòng với nền văn hoá dân tộc. Chẳng hạn, vang bóng một thời, người đàn ông Việt có lúc bị giới hạn vào chữ ‘trung’ rất chật chội trong tương quan ‘quân thần’, ‘quân xử thần tử, thần bất tử bất trung’ mặt khác ông lại leo lên quá cao trong tương quan ‘phu thê’, ‘trai năm thê bảy thiếp, gái chính chuyên một chồng’. Và nữa, lối nhìn trọng nam khinh nữ ‘nhất nam viết hữu thập nữ viết vô’ đã bao phen gây khủng hoảng cho xã hội và vẫn còn để dấu sâu đậm mãi tới hôm nay.

Dĩ nhiên, như Đức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II nói, lòng đạo đức bình dân vừa phải nỗ lực chuyển tải văn hoá vừa chuyển giao những nguyên tắc Kitô giáo từ cha mẹ đến con cái, từ thế hệ trước đến thế hệ sau. Đây là sứ mạng tế nhị, khó khăn. Không thể giản dị xác quyết, sống đạo là ngược hay xuôi với bối cảnh văn hoá dân tộc, nhưng chắc chắn lòng đạo đức bình dân sẽ gạn đục khơi trong để tín hữu sống Tin Mừng không ngược dòng với đạo lý Chúa nhưng cũng không thành kẻ lạ mặt giữa quê hương mình (Sứ điệp gửi Hội Nghị Khoáng Đại Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích, số 4).

A. Bài học khai tâm Lòng Tin 

Cha mẹ dạy ‘Đạo’ cho con cái ngay từ thuở con còn thơ dại, ‘Có con gầy dựng cho con, gọi là nối đức tổ tông dõi truyền’; ‘Uốn cây từ thuở còn non, dậy con từ thuở con còn ngây thơ’ (ca dao), Cha mẹ dạy con bài học đầu tiên, Chúa không bao giờ vắng mặt trong mái ấm nhà mình:

“Ạ Chúa đi con!”  

Theo kinh nghiệm dân gian, cha mẹ sẵn sàng chuyển giao ‘Đạo’, chuyển giao đức tin cho con khi con chỉ vừa bập bẹ biết nói, chỉ vừa giao cảm được với mẹ bằng đôi ba tiếng ê a. Khi ẵm con đi qua trước bàn thờ, trước tượng ảnh Đức Mẹ, người mẹ thường ấn nhẹ đầu con xuống, “con ạ Chúa đi”, hoặc, “con ạ Đức Mẹ đi”. Người mẹ kiên tâm dạy con làm quen dần với ‘Chúa’ trên bàn thờ và gần gũi với ‘Đức Mẹ’, bà hay chỉ cho con: “Chúa Giêsu đang nhìn bé kìa”, hay là “Đức Mẹ đang mỉm cười với con đó”. Từng bước, từng bước thầm, người mẹ cứ âm thầm làm người ‘mai mối’, cho tới một ngày đứa con thơ tự biết cúi đầu khoanh tay ạ Chúa, ạ Đức Mẹ là niềm vui oà vỡ ra xôn xao cả nhà. Cha vui, mẹ vui, anh chị em vui như mở hội trong lòng. Vào sau những giờ kinh tối, nếu bé còn thức, người mẹ sẽ ẵm bé ra “trình diện và ‘ạ’ cho cả nhà vỗ tay khích lệ. Không thể coi đây chỉ là một ‘mánh nhỏ dạy con’ nhưng phải thấy là cả một công trình của lòng đạo đức bình dân đang tiến hành chuyển giao đức tin. Và đây là bước đầu con học ‘Đạo’, học ‘tin’. Niềm vui này hứa hẹn ngày mai, những đứa con lớn khôn ra đời, cha mẹ sẽ an lòng hiểu với con rằng, suốt cuộc đời con sẽ chỉ biết ‘cúi đầu ạ Chúa’, thờ Chúa và dám nói không với bất cứ quyền lực, lợi danh nào.

“Đức Bà Chữa”  

Khi con còn thơ, người mẹ Việt Nam rất gần gũi con, nhất là lúc con đã lanh chân chạy nhảy, mẹ không lúc nào rời mắt. Thời điểm này, gặp lúc con té ngã, bà vội vã đến ngay đỡ con dậy và lên tiếng ngay thành lời trấn an con: “Đức Bà Chữa, Đức Bà Chữa...” Và mỗi lần ẵm con trong lòng, con hít phải luồng gió lạnh, gió lạ, bé hắt xì hơi là mẹ cũng đáp ngay sau mỗi tiếng hắt xì, “Đức Bà Chữa”. Người mẹ hiểu “Đức Bà Chữa” là lời cầu xin Đức Bà bầu chữa cho con mình nhưng trong kế hoạch đường dài, “Đức Bà Chữa” cũng là một lối ‘truyền âm nhập mật’ gieo trồng vào cõi tâm con đức tin sơ khởi, là giới thiệu cho con làm quen dần với Đức Mẹ. Cách nào đó, theo tâm lý mộc mạc, người mẹ nghĩ, Đức Mẹ dễ giới thiệu hơn nên giới thiệu Đức Mẹ cho con trước khi giới thiệu Chúa.

“Cháu biếu ông”  

Lòng nhân ái thực tế Chúa Giêsu dạy trong Tin Mừng, gia đình tín hữu nào cũng nhớ nằm lòng, “Vì xưa tôi đói, anh em cho ăn, tôi khát anh em cho uống, tôi trần truồng anh em giúp áo quần, tôi bệnh nạn anh em ghé thăm, tôi tù đày anh em ghé nuôi” (x. Mt 25, 35). Để việc chia sẻ bác ái thành công trình chung của cả nhà, đặc biệt thành lời nhắc nhớ cụ thể cho con cái, nhiều gia đình tổ chức ‘Kho Từ Thiện’. Kho từ thiện nói cho lớn lao, cho văn hoá tuy thực tế chỉ là cái hộp nhỏ để trên đầu tủ, đựng tiền góp của cha mẹ và các anh các chị, để dành chia cho những người nghèo. Chuyện đáng nói là những đứa em nhỏ trong nhà cũng được góp phần. Dĩ nhiên các em không có tiền để góp nên phải góp công. Mỗi lần có bóng người ăn xin đi ngang là các ‘phần vụ’ khởi động. Người lớn sẽ mở hộp lấy ra số tiền chi viện theo ‘nghị quyết’ đã ban hành (Chẳng hạn khi kho từ thiện đang sung túc, mỗi người ăn xin sẽ được chia năm ngàn, gặp lúc eo hẹp chỉ chia hai ngàn, hoàn cảnh đặc biệt có thể chi nhiều hay rất nhiều). Số tiền chi viện cho ‘kẻ khó’ sẽ do chính em bé trong nhà trao tay với thái độ và lời nói vừa thân tình vừa trân trọng: “Cháu biếu ông” hay “biếu bà”. Đặc biệt công trình chung này sẽ được thông tin chi tiết vào giờ kinh tối.  Chẳng hạn mẹ hay bố vừa thông tin vừa khích lệ: “hôm nay bé Ngân đã thay mặt nhà mình giúp năm ngàn cho một người mẹ nghèo đi ăn xin, hoan hô lòng tốt của bé và cả nhà”. Như thế là bé Ngân đã được khích lệ tinh thần nhân ái của Tin Mừng ngay từ lúc bé còn trong ‘trứng nước’. Bé sẽ quen dần với nề nếp nhân ái của lòng đạo đức bình dân. Chúng ta có quyền chắc dạ, trong truyền thống đạo đức của gia đình, mọi ngưòi chẳng lo cá không ăn muối cá ươn, Con cưỡng cha mẹ trăm đường con hư. 

B. Bài Học Cầu Nguyện Buổi Tối  

Trong Tông Huấn Gia Đình, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II nhấn mạnh: “ngoài các kinh sáng tối, cần đặc biệt khuyến khích [...]: đọc và suy niệm Lời Chúa, chuẩn bị lãnh nhận Bí Tích, tôn kính và dâng mình cho Thánh Tâm Chúa Giêsu, thực thi những hình thức sùng kính khác nhau đối với Đức Mẹ, cầu nguyện nơi bàn ăn, làm các việc đạo đức bình dân” (Tông Huấn Gia Đình, số 68). Có một dạo, các bạn trẻ ngán ngẩm giờ kinh nguyện buổi tối trong gia đình, thấy như ‘một giờ lao động công ích’. Vắng mặt không xong nhưng có mặt phải đối mặt với những chuỗi ‘kinh kệ’ lê thê, hết kinh cầu này tới kinh cầu khác, dứt chuỗi hạt này sang chuỗi hạt kia, vừa chán chường vừa buồn ngủ nên có cơ hội trốn là trốn ngay. Hơn nữa nhiều lời kinh có thể gây ấn tượng đen tối.

Có bạn kể, thỉnh thoảng vào tuần lễ tang, lễ giỗ cả nhà đọc kinh Vực Sâu, kinh Bởi Lời là bạn rùng mình nổi da gà, thấy lòng hoang mang hãi sợ, khi hình dung: người thân, người quen đang đắm chìm trong cảnh tăm tối, thê lương. Ngày nay trước nhu cầu công việc, hoặc do sức ép bài vở từ trường lớp của con cái, phần lớn phụ huynh đã giảm bớt ‘đề cương’ kinh nguyện buổi tối. Tại nhiều gia đình không biết từ hồi nào tự nhiên biến mất giờ kinh tối, chỉ còn mạnh ai nấy đọc, có khi chỉ đọc vội ‘ba kinh Kính Mừng làm giá’ để được Đức Mẹ cứu khỏi lửa hoả ngục (x. sách Tháng Đức Bà). Tuy nhiên nhiều gia đình vẫn còn giữ truyền thống tốt đẹp, sau một ngày vất vả lao nhọc hay học hành, cả nhà tạm gác bỏ một bên hết mọi gánh gồng, lo toan cùng xum họp nhau trước bàn thờ Chúa nguyện kinh tối. Mọi người hoà lòng với nhau dâng lên Chúa, ngỏ với Đức Mẹ những kinh nguyện truyền thống như kinh Dâng Gia Đình cho Trái Tim Chúa, Kinh Kính Mừng, Kinh Lạy Nữ Vương, tất cả là những kinh nguyện đã bám rễ sâu trong lòng đạo đức của Giáo Hội từ rất lâu đời.  Ngoài những  kinh  truyền thống, gia đình còn dành ít phút nghe một câu, một đoạn Thánh Kinh làm ý lực sống cho mỗi ngày. Nhiều gia đình kết thúc giờ kinh chung bằng những lời cầu nguyện xuất  phát từ tâm tư mỗi người và cầu lớn tiếng cho cả nhà dự phần.

Tại một số gia đình, các con đã đi ở riêng cũng rủ nhau nguyện kinh tối đúng giờ hẹn trước, như để hoà lòng tạ ơn Chúa và hiệp thông tình thân cha mẹ với con cái, anh chị em với nhau, gìn giữ và nâng đỡ lòng tin của nhau. Một số gia đình tổ chức lần ‘chuỗi mân côi sống’ cầu cho nhau và cầu cho ông bà, tổ tiên đã qua đời: Mỗi gia đình trong đại gia đình nhận một ngắm với mười kinh Mân Côi, chia sao cho đủ 5 ngắm của một mùa Vui hoặc mùa Sáng, mùa Thương hay mùa Mừng. Những ‘chuỗi Mân Côi sống’ cho gia đình cảm nghiệm mầu nhiệm hiệp thông trong Giáo Hội, hiệp thông giữa các thành phần của gia đình, Giáo Hội tại gia, hiệp thông giữa người sống và người chết, hiệp thông giữa các thánh với người trần gian. (Đời mình một chuỗi Mân Côi; hạt Thương hạt Sáng hạt Vui hạt Mừng...). Về giữa gia đình, cầu nguyện chung với nhau giờ kinh tối đúng là ‘hồi hương’, về lại nhà để múc kín sức mạnh của lòng tin, củng cố tình thân, hoà giải những bất bình. 

C. Bài Học Sống Những Biến Cố Vui Buồn  

“Quả thật chính đức tin đã mang lại những tập quán và những thực hành của lòng đạo đức bình dân. Điều này rất phù hợp với vai trò làm cha mẹ trong việc phát triển và trao ban cho con cái tinh thần kiên vững, đơn sơ của lòng đạo đức này và thể hiện cuộc sống tương giao với Thiên Chúa không chỉ trong hình thức phụng vụ nhưng còn cả trong mọi tình huống của cuộc sống hàng ngày” (Bài 8 Giáo lý về gia đình, số 4,6).

Lễ Tơ Hồng  

Lễ Tơ Hồng là theo sự tích Trung Hoa, đời Đường, có một người tên là Vi Cố đi chơi đêm trăng, gặp một cụ già đang ngồi lần rở một quyển sách dưới bóng trăng, tay cầm một nắm dây tơ màu hồng, hỏi thì cụ cho biết, cụ là Nguyệt Lão chuyên lo việc xe duyên cho vợ chồng nhân gian, dây tơ hồng cụ cầm tay để cột chân hai người làm vợ chồng. Cụ bảo, theo cuốn sổ này, có cả tên họ của người vợ tương lai của anh. Hiện người này là đứa con gái nhỏ của một người ăn xin ngoài chợ (‘Đất Lề Quê Thói’ của Nhất Thanh, Nxb. VHTT, 2001, Trang 404). Sự tích Tơ Hồng diễn tả quan niệm duyên phận trong hôn nhân, ‘Thân em như hạt mưa rào, hạt rơi xuống giếng, hạt vào vườn hoa’ hoặc phận gái mười hai bến nước đục, trong. Trong nhờ đục chịu’. Trước quan niệm này, hôn nhân Kitô giáo vào cuộc, đã tách Nguyệt Lão ra khỏi vòng xe đan tơ hồng tuy giữ lại kiểu nói văn chương xe duyên kết phận, nhưng quan trọng là lòng đạo đức bình dân đã mang Chúa vào lãnh công trình xe duyên kết phận đôi hôn nhân. Đây không phải chuyện ỡm ờ mây gió của Ông Tơ Bà Nguyệt nhưng đúng như lời xác định trong Bí Tích Hôn nhân, “Điều Thiên Chúa đã kết hợp, con người không được phân ly” (x. Mc 10, 9). Và cũng quan trọng: nét đặc trưng mới mẻ của cuộc xe duyên Kitô giáo là ‘con người không được phân ly’. Theo đấy, ngoài Thánh Lễ Hôn Nhân với cuộc chứng hôn cử hành tại nhà thờ họ đạo, cuộc hôn nhân còn thêm những nghi thức tôn giáo nhiều ý nghĩa, rất cảm động và đậm màu sắc văn hoá dân tộc. Nói chung, ngày nay nghi thức đưa, đón dâu rể của các cặp hôn nhân Kitô giáo luôn bắt đầu bằng những lời cầu nguyện giữa đông đủ họ hàng, người thân, người quen đôi bên, xin Chúa chúc phước lành cho cô dâu, chú rể. Lời cầu nguyện thường được xướng cất do một vị cha bác vị vọng của đàng trai hay đàng gái và được cả cộng đoàn đáp nguyện. Hoà với những lời cầu nguyện là những bài thánh ca mang ý nghĩa xin ơn và tạ ơn Chúa cho đôi tân hôn. Thêm vào đó là lời nhắn nhủ của cha mẹ đôi tân hôn, khuyên đôi bạn sống theo mẫu gương của Thánh Gia: Thánh Giuse, Đức Mẹ và Chúa Giêsu và những lời chúc nguyện tốt đẹp.

Lễ Khấn Xin  

“Còn có những hình thức khác của lòng đạo đức bình dân như cầu nguyện nhóm, lần chuỗi trong gia đình, ...xin khấn cầu nguyện cho mưa thuận gió hoà hay giữ gìn chở che cho khỏi tai ương hoạn nạn” (Bài 8 Giáo lý về gia đình, số 4,5). Một người thân lâm bệnh nặng, một vụ cháy nhà, một cơn bão sắp ập tới, một cuộc động đất, một cuộc chiến đang đe doạ bùng nổ... Nói chung bất cứ cảnh khốn khổ, nỗi bất trắc nào xẩy ra trong gia đình hay ở một địa phương đều làm mọi người lo lắng, hãi sợ. Giữa cơn lo sợ vô vọng, lòng đạo đức bình dân luôn dẫn tín hữu tới những lời cầu nguyện, cầu nguyện cá nhân hay gia đình hoặc nhiều gia đình họp nhau cầu nguyện xin Chúa cho tai qua nạn khỏi. Ý khấn xin của gia đình có thể thông báo cho một nhóm gia đình cùng hiệp ý xin hoặc quy tụ nhiều gia đình để khấn nguyện chung. Ai cũng hy vọng lời cầu nguyện của nhiều người đáng được Chúa lắng nghe, ‘một hạt kinh chung bằng một thùng kinh riêng’, như lời Chúa Giêsu đã hứa, “khi anh em hai ba người tụ họp lại cầu nguyện nhân danh Thầy, Thầy sẽ ? giữa họ” (x. Mt 18, 20).

Lễ Tang  

Chúng ta tin, ‘cuộc sống con người thay đổi chớ không mất đi và khi nơi nương náu ở trần gian này thay đổi, họ lại được một chỗ cư ngụ vĩnh viễn trên trời’(x. Dt 11, 16) khác hẳn với lối nhìn chung của dân mình: ‘Kiếp này duyên đã lỡ duyên, kiếp sau xin hẹn cửu tuyền gặp nhau!’ (ca dao). Dù khác biệt nhau về niềm tin, lòng đạo đức bình dân rất đồng cảm với những lối diễn tả, những tâm tình về nỗi chết với cách gìn giữ tình cảm sâu đậm cho người quá cố. Từ đó tang lễ tại gia và việc tưởng nhớ người quá cố đã hội nhập tốt đẹp một số nghi thức văn hoá địa phương: với niềm tin tưởng vào thế giới bên kia, thế giới của những người đã khuất, người lương dân luôn làm sống động mối liên lạc với ông bà tổ tiên bằng việc cúng quả, hương đèn mỗi ngày trước di ảnh người quá cố và ghi nhớ ngày giỗ cùng với nghi thức tưởng niệm. Riêng tín hữu cũng có thể đón nhận những nghi thức tương tự như thắp nhang trước quan tài, trước hương án tổ tiên như lời minh định lòng tin vào Đức Kitô Phục Sinh và lời hứa của Chúa: “Chính Thày là sự sống lại và là sự sống. Ai tin vào Thày thì dù có chết cũng sẽ được sống. Ai tin vào Thày sẽ không bao giờ phải chết” (Ga 11, 25-26). Ở đây tín hữu còn ý thức rõ, thắp nhang trước thi hài hay di ảnh người quá cố không có nghĩa một lối nhìn nhận, đánh giá về vận mệnh thiêng liêng của ai. Vận mệnh của mỗi người chỉ mình Chúa biết. Nhưng tin vào lòng nhân lành Chúa, tín hữu luôn dâng lời nguyện cầu cho mọi người quá cố. Hơn nữa vào những ngày giỗ, những dịp tưởng niệm tín hữu không quên cầu nguyện, xin lễ, dự lễ cầu cho tổ tiên, ông bà. Đặc biệt dịp lễ Các đẳng Linh Hồn các gia đình thường rủ nhau đi ‘đất thánh’ sửa sang mộ phần người thân, chưng bông hoa và đặt nhang đèn trên mộ phần. Đúng ngày lễ (2 tháng 11) con cháu từ các nơi về dự lễ cầu nguyện. Với những họ đạo có nghĩa trang riêng và có điều kiện thuận tiện, thánh lễ cầu cho các đẳng sẽ cử hành ngay tại nghĩa trang. Nếu có nhà hài cốt, thánh lễ cũng cử hành tại đây. Ở nhiều nơi mỗi tháng có thánh lễ tại nhà hài cốt với nhiều thân nhân dự để cầu cho người đã khuất. Những nề nếp này đều phản ảnh lòng tin sáng tỏ vào tín điều ‘các thánh cùng thông công’. Đối với những người quá cố, lòng đạo đức bình dân được biểu thị bằng nhiều cách, tuỳ theo nơi chốn và những truyền thống khác nhau. Đặc biệt có thể kể: tuần cửu nhật cầu cho những người đã qua đời, chuẩn bị cho Lễ Các Linh Hồn ngày 2 tháng 11, viếng Nghĩa trang: việc này có thể được thực hiện một cách cộng đồng, như vào ngày Lễ Cầu Cho Các Tín Hữu Đã Qua Đời (LĐĐBD&PV, số 260).

Lm. Trịnh Tín Ý