GIA ĐÌNH KITÔ: CÁNH CỦA ĐỨC TIN MỞ RA CHO ĐÔI VỢ CHỒNG
GIA ĐÌNH KITÔ:
CÁNH CỦA ĐỨC TIN MỞ RA CHO ĐÔI VỢ CHỒNG
Cũng trong buổi sáng ngày 15/5/2013, sau 15 phút giải lao. Lm. Giuse Phạm Văn Chỉnh tiếp tục đề tài chính thức do Ủy Ban Mục Vụ Gia Đình trực thuộc HĐGMVN gợi ý: “Gia đình kitô: Cánh cửa đức tin mở ra cho đôi vợ chồng”. Ngài chia sẻ:
I - HÔN NHÂN GIA ĐÌNH KITÔ GIÁO NHƯ THẾ NÀO?
a) Thiên Chúa yêu thương.
Trước hết ta nhìn về tình yêu của Thiên Chúa yêu thương con người.
Thánh Gioan nói: “Thiên Chúa là Tình Yêu” (1Ga 4, 8). Tình yêu chúng ta đón nhận, phải là một sự chan hòa mà chúng ta dành cho những người lân cận, tình yêu này cũng có tính cách bao bọc, đi liền với che chở, gìn giữ cho con cái khỏi bị hư mất, trong tình yêu này làm cho con cái mình tăng trưởng lên, như khi chúng ta nuôi dưỡng và cho con cái đi học, giáo dục cho con cái nên người.
b) Thiên Chúa tạo dựng.
Từ tình yêu, Thiên Chúa tạo dựng muôn lìa muôn vật, đặc biệt là tạo dựng con người giống hình ảnh Thiên Chúa, và cho con người làm chủ vạn vật thay quyền Thiên Chúa cai trị vạn vật. Mọi sự được tạo dựng Thiên Chúa đã biếu tặng cho không con người hưởng thụ và làm chủ. Nhận ra ân sủng của Thiên Chúa, chúng ta phải có tấm lòng thế nào đối với Thiên Chúa là Cha chúng ta?
c) Thiên Chúa kết hợp
Chính Thiên Chúa tạo dựng và kết hợp hai người Nam và Nữ thành một gia đình trước mặt Thiên Chúa trở thành một gia đình mẫu mực và Thiên Chúa đã ban
lời chúc phúc: “Hãy sinh sôi nảy nở thật nhiều cho đầy mặt đất, và thóng trị mặt đất. Hãy làm bá chủ cá biển, chim trời, và mọi giống vật bò trên mặt đất” (St 1, 28).
d) Gia đình sống Tình yêu của Thiên Chúa.
Gia đình đã được thiết lập trong Tình yêu của Thiên Chúa, nên gia đình cũng phải sống trong Tình yêu ấy, thì mới cảm thấy được hạnh phúc “Ngọt ngào tốt đẹp lắm thay, anh em được sống vui vầy bên nhau” (Tv 133, 1). Cụ thể như trong ngày tết, ngày giỗ của gia dình, chúng ta sống trong tình thân thương anh em trong một nhà, đấy mới là hạnh phúc.
II – ĐẶC TÍNH CỦA KHẾ ƯỚC HÔN NHÂN.
a) Đơn hôn: Một Nam – một Nữ: Hôn nhân này có tính cách chiếm hữu độc quyền, trọn vẹn. Điều này muốn nói lên Tình yêu trọn vẹn không bị chia sẻ.
b) Vĩnh hôn: Đó là cuộc hôn nhân chung sống suốt cả một đời, bảo đảm cả cuộc đời, , vĩnh viễn, không phân ly, không chia cắt. Chỉ trừ sự chết xảy đến với một trong hai người thì sợi dây hôn phối mới được tháo gỡ, dứt bỏ được.
III – MỤC ĐÍCH HÔN NHÂN GIA ĐÌNH
a) Yêu thương giúp đỡ nhau. Trong trường hợp vợ chồng không có con cái, hay trong tuổi già luôn sống yêu thương giúp đỡ lẫn nhau, Như Thiên Chúa đã phán: “Con người ở một mình thì không tốt. Ta sẽ làm cho nó một trợ tá tương xứng với nó” (St 2, 18).
b) Sinh sản và giáo dục con cái:
Thiên Chúa truyền dạy con người: “Hãy sinh sôi nảy nở thật nhiều cho đầy mặt đất, và thóng trị mặt đất. Hãy làm bá chủ cá biển, chim trời, và mọi giống vật bò trên mặt đất” (St 1, 28). Sự kết hợp vợ chồng theo tự nhiên là sinh sản con cái. Vì thế, trường hợp dùng thuốc ngừa thai, hay các phương tiện khác cản trở việc sinh sản đều không hợp pháp. Trong hoàn cảnh khó khăn kinh tế hay đã đông con, chúng ta có thể hoãn việc sinh sản, nhưng theo phương pháp tự nhiên mà giáo hội cho phép. Phải ý thức và vun trồng đức khiết tịnh trong bậc vợ chồng để có thể giúp nhau hoàn thành nghĩa vụ đẹp lòng Thiên Chúa.
IV – ÂN SỦNG CỦA BÍ TÍCH HÔN NHÂN
Khi anh chị em đến trước bàn thờ kết hôn trước mặt Thiên Chúa, Ngài ban ân sủng, ban cho mình hiểu biết và sức mạnh để cho mình can đảm thi hành bổn phận trong đời sống. Hồng ân của Bậc sống: đó là những ơn an ủi và nâng đỡ đời sống hôn nhân gia đình để vợ chồng kiện toàn tình yêu phu phụ, củng cố sự hiệp nhất bất khả phân ly của họ, nhờ ân sủng này, anh chị em giúp nhau nên thánh trong đời sống hôn nhân và trong việc đón nhận và giáo dục con cái. Ai càng yêu mến Chúa càng trở nên cao trọng. Thiên Chúa củng cố tình yêu vợ chồng để anh chị em mỗi ngày càng khăng khít, yêu thương nhau đó là ơn gọi nên thánh, tùy vào thái độ của chúng ta đón nhận và thi hành sứ vụ của mình hay không?
V – NGHĨA VỤ HÔN NHÂN
Trong đời sống hôn nhân chúng ta có những nghĩa vụ gì? Nghĩa vụ là những công việc mình phải thi hành. Đời sống vợ chồng chúng ta phải có nghĩa vụ đối với nhau:
a) Nghĩa vụ Yêu thương.
Nhắc lại Lời Chúa phán: “Con người ở một mình thì không tốt. Ta sẽ làm cho nó một trợ tá tương xứng với nó” (St 2, 18). Trợ tá để giúp đỡ lẫn nhau. Có một câu chuyện kể: Hai vợ chồng đau khổ dẫn đến ly dị, ngày ra đi, một tờ giấy “Hãy yêu thương kẻ thù” rớt ra, đã giữ chân người vợ lại, chăm sóc cho kẻ thù (là người chồng). Qua một tháng chăm sóc, người chồng đã hồi tỉnh, xin lỗi và không say xỉn nữa. Như ca dao VN có câu: “Yêu nhau vạn sự chẳng nề, dẫu trăm chỗ lệch cũng kê cho bằng”
b) Trung thành.
Đặc tính vĩnh hôn, Tình yêu trọn vẹn luôn đòi hỏi sự trung thành, trong lòng chỉ có chồng/vợ của mình.. Sự trung thành là dấu chỉ của một Tình yêu thành thật và trọn vẹn. Sự trung thành nói lên sự trong sáng của tâm hồn yêu thương. Sự trung thành làm cho người ta có thể đứng vững trước những gian nan thử thách. Sự trung thành làm cho con tim biết âm thầm chờ đợi. Sự trung thành gắn bó hai tâm hồn biết cảm thông với nhau. Ca dao VN: “Yêu nhau tam tứ núi cũng trèo, thất bát sông cũng lội, cửu thập đèo cũng qua”
c) Hòa thuận.
Hòa thuận là điều kiện để thành công: “Thuận vợ thuận chồng tát bể đông cũng cạn” (Tục ngữ VN). Hòa thuận là bầu khí êm đẹp cho đời sống gia dình, và đặc biệt thuận lợi cho việc giáo dục con cái. Vì “Cha mẹ là vinh quang của con cái” và “con cái là triều thiên của cha mẹ”.
d) Giúp đỡ.
Nghĩa vụ vợ chồng phải biết giúp đỡ lẫn nhau, từ công việc trong nhà đến công việc ngoài xã hội, quan tâm giúp đỡ nhau sẽ làm cho bầu không khí gia đình ấm áp hơn. Chính Thiên Chúa đã mong muốn chia sẻ trách nhiệm cho con người: “Con người ở một mình thì không tốt. Ta sẽ làm cho nó một trợ tá tương xứng với nó” (St 2, 18)
VI - KẾT ƯỚC HÔN NHÂN
a) Tìm hiểu ý định của Thiên Chúa mời gọi. Qua việc cầu nguyện, tham vấn với linh mục hoặc những người khôn ngoan để nhận biết mình có ơn gọi tu trì hay hôn nhân.
b) Tìm hiểu mình và người bạn đường. Cần có một thời gian để hai người hiểu biết về nhau, để sẵn sàng đón nhận nhau trong đời sống vợ chồng.
c) Đặt mình vào chương trình của Thiên Chúa, hôn nhân là một sứ mạng thực hiện chương trình cứu độ mà Thiên Chúa trao ban cho vợ chồng trong việc giúp nhau và giúp con cái nên thánh trong bậc sống, và là muối là ánh sáng tỏa chiếu tình yêu Thiên Chúa cho những người xung quanh, là chứng tá về cái chết và sự phục sinh của Đức Giêsu Kitô.
d) Đón nhận Ơn Chúa để chu toàn bổn phận. Gia đình cần phải có đời sống cầu nguyện, và giúp nhau nhận ra thánh ý Chúa. Cha mẹ cần giáo dục cho con cái hiểu biết về giáo lý hôn nhan và kiến thức nhân bản khi con cái đến tuổi lập gia đình.
VII – SỨ MỆNH HÔN NHÂN (Tông huấn Gia đình)
Sứ mệnh gia đình đề cập đến:
a) Ngôi vị.
Ngôi vị nhân phẩm con người phải được thật sự tôn trọng qua cách cư xử với nhau xứng đáng với ngôi vị. Trong gia đình đầu tiên là hai ngôi vị: chồng – vợ, sau này sẽ có thêm các ngôi vị mới: con cái là con của cha mẹ và là con của Thiên Chúa. Chúng ta phải tôn trọng con người từ khi còn là bào thai, sự sống mà Chúa trao cho mình.
b) Sự sống.
Nguồn ơn sự sống phát xuất từ Thiên Chúa. Mỗi loài mỗi vật được có những cách sinh sôi nảy nở của nó. Riêng con người, Thiên Chúa muốn trao ban trong khung cảnh gia đình. Vì vậy, đôi vợ chồng phải biết ý thức trân trọng, đón nhận, vun trồng và chăm sóc, từ khi còn là bào thai, mầm sống mới được phát triển và được sinh ra làm một con người sống động tốt đẹp trong gia đình. Sự sống quý báu nhưng có người lại cũng sợ sự sống. Sợ sinh con nhiều, người ta không tôn trọng sự sống và tìm cách diệt sự sống. Có nhiều người đã không ý thức bào thai là con của mình hay là người ta coi danh dự tự ái hơn là việc giết con. Trong đời sống gia đình chúng ta phải tôn trọng sự sống một cách đặc biệt, biết trân trọng, đón nhận gìn giữ sự sống mà Thiên Chúa trao phó nơi các gia đình.
c) Xã hội.
Thiên Chúa đã ra lệnh cho con người làm bá chủ trái đất. Mỗi người phải biết cộng tác giúp đỡ lẫn nhau cách này cách khác cho xã hội được tiến triển, để cuộc sống con người được tốt đẹp, đó là mệnh lệnh của Thiên Chúa. Con người có bổn phận làm sao cho mặt đất này mỗi ngày được nên tốt đẹp hơn, cho đời sống con người được hạnh phúc hơn. Yêu thương, cộng tác mỗi ngày xây dựng xã hội tốt đẹp hơn.
d) Giáo hội.
Chắc chắn thân phận con người không chỉ hoàn toàn gắn vào trái đất này. Lời Chúa đã phán: “Tiên vàn hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và sự công chính của Người, còn các điều khác sẽ được ban thêm cho các con”. (Mt 6, 33). Chúng ta hãy sống theo giới luật của giáo hội răn dạy, hiệp thông với giáo hội trong bổn phận và sứ vụ của mình hầu làm thăng tiến đời sống gia đình.
VIII – TRÁCH NHIỆM HÔN NHÂN.
Chúng ta nhớ ngày đã kết ước với nhau trước mặt Thiên Chúa và Cộng đoàn, vợ chồng đã chọn nhau trong cuộc sống, mai sau cũng sẽ phải trình diện Thiên Chúa với tất cả trách nhiệm của mình về người bạn đường và con cái của mình:
- Người bạn của mình đã nên hoàn hảo chưa? Sống bên nhau cần giúp nhau nên hoàn hảo, mình sống thánh thì cũng giúp cho bạn mình trở nên thánh.
- Con cái của mình đã nên thánh thiện chưa? Mình trao lại cho Thiên Chúa những đứa con như thế nào? Trước mặt Chúa con cái có ơn nghĩa với Chúa không?
a) Đôi bạn với nhau.
Thánh Phaolô có nhắc tứi trách nhiệm vợ chồng với nhau: “Chồng hãy trọn bổn phận với vợ, và vợ đối với chồng cũng vậy” (1Cr 7, 3). Nơi khác thánh nhân tiếp tục khuyên nhủ: “Vợ hãy phục tùng chồng, như đương nhiên phải thế trong Chúa. Chồng hãy yêu mến vợ, đừng gay gắt với họ” (Cl 3, 18 – 19). Khuyên bảo chung thánh Phaolô cũng nhắc: “Làm lành ta đừng quản ngại từ nan, đến thời đến buổi, ta sẽ gặt, miễn là đã không bỏ buông xuôi. Vậy bao lâu còn dịp, ta hãy làm lành đối với mọi người, mà nhất là đối với những ai cùng một gia đình đức tin”. (Gl 6, 9 – 10).
b) Con cái là hoa quả của hôn nhân.
Cha mẹ đã sinh sản con cái, phải có trách nhiệm nuôi dưỡng và giáo dục chúng nên người: con người tốt trong xã hội, và con người thánh thiện của Thiên Chúa.
Đời sống Hôn Nhân Gia Đình, đôi vợ chồng đã lãnh nhận nơi Thiên Chúa, thì cũng có bổn phận trao lại những thành quả cho Thiên Chúa. Đó là những người con lành thánh của mình.
Ông chủ đã trao phó tài sản cho các tôi tớ, đến ngày ông về, các tôi tớ sẽ đến trình diện và nộp phần hoa lợi cho chủ.
Mỗi người cần có bổn phận và trách nhiệm của mình đối với người bạn đường và với con cái của mình.
Hệ luận cho vợ chồng
Gia đình phải là nơi diễn tả tình yêu. Ngôi nhà của gia đình phải là nơi thờ phượng Chúa, phải là nơi Thiên Chúa Ba Ngôi ngự trị, phải là nơi sống yêu thương, và cũng là ngôi Nhà Thờ tại giáo xứ chúng ta xum họp với cộng đoàn tín hữu, là nơi mà ta đã lãnh nhận Bí tích Rửa tội, Thêm Sức và Hôn nhân và cũng là nơi mà ta sẽ chia tay lãnh nhận thánh lễ cuối cùng trước khi về trình diện Thiên Chúa. Vì thế cả ba ngôi nhà: Gia Đình – Nhà Thờ – Nhà Cộng Đoàn Ba Ngôi Thiên Chúa, ba ngôi nhà này phải là Một.
Cha Giuse cũng đưa ra 2 câu hỏi để các tham dự viên thảo luận:
1. Nhớ lại ngày xưa: Hai người có:
- Tìm hiểu Ý Chúa?
- Tìm hiểu tính tình ý hướng của nhau?
- Cam kết trước mặt Chúa ra sao?
2. Vợ chồng đã chọn nhau trong cuộc sống, mai sau cũng sẽ phải trình diện Thiên Chúa với tất cả trách nhiệm của mình về người bạn đường và con cái của mình.
- Người bạn của mình đã nên hoàn hảo chưa?
- Con cái của mình đã nên thánh thiện chưa?
Nguyễn Lặng Thầm lược ghi