Gia Ðình, Thời Ðiểm Hồng Ân

Gia Ðình, Thời Ðiểm Hồng Ân

 

GIA ĐÌNH, THỜI ĐIỂM HỒNG ÂN

"Lời" đã hóa thành nhục thể và ở giữa chúng ta" (Jn 1:14) như thế nào, nếu không phải "Thiên Chúa vô hình" (Col 1:15), "Thiên Chúa là Thần Linh" (Jn 4:24) đã thực sự đi vào trần gian qua ngưỡng cửa của đời sống gia đình, một đời sống mà ngay từ ban đầu đã được chính Thiên Chúa cố ý thành lập, qua việc Ngài dựng nên con người "có nam có nữ" (Gn 1:27) và đã đứng ra chủ hôn trong việc kết hợp họ "nên một xương thịt" (xem Gn 2:23-24), để họ có thể "sinh sôi nẩy nở tràn lan khắp trái đất mà làm chủ nó" (Gn 1:28) như dự án của Ngài.  

Tuy nhiên, 2000 Năm sau biến cố Nhập Thể và Giáng Sinh của mình, Thiên Chúa chẳng những không thấy loài người trở nên thanh sạch và lành thánh hơn, trái lại, càng văn minh họ lại càng băng hoại hơn bao giờ hết, hơn cả thời kỳ đại hồng thủy trong Cựu Ước ngày xưa, lúc mà: "con người chỉ toàn là xác thịt" (Gn 6:3), đến nỗi "khi Thiên Chúa thấy con người quá ư là bại hoại tội lỗi trên trái đất này và thấy rằng lòng trí họ chỉ toàn là sự dữ thì với một tấm lòng sầu thảm Ngài tỏ ra hối hận vì đã dựng nên con người trên thế gian. Thế là Chúa phán: 'Ta sẽ loại trừ khỏi mặt đất loài người Ta đã tạo dựng…' Trước mắt của Thiên Chúa thì trái đất đã bị băng hoại và đầy những lăng loàn" (Gn 6:5-7, 11).  

Thật vậy, bộ mặt trái đất là văn hóa của con người nói chung và bản thân con người nói riêng ngày nay còn "băng hoại và lăng loàn" còn hơn cả thời đại hồng thủy nữa! Ở chỗ, ngày xưa người ta chưa văn minh bằng ngày nay, chưa cho rằng mình sống nhân bản như ngày nay, thế mà, chính lúc con người văn minh (về khoa học và kỹ thuật) và nhân bản (về ý hệ và văn hóa) ngày nay lại hùa nhau quay ra phản lại Ðấng Tối Cao của mình, chẳng những trong việc hạ bệ Ngài xuống, bằng cách hủy bỏ những gì Ngài đã thiết lập ngay từ ban đầu liên quan đến hôn nhân và gia đình (xem Gn 2:23-24, 1:28), khi ngang nhiên cho phép ly dị và phá thai, mà còn thay chỗ của Ngài bằng một ngẫu tượng duy nhân bản, một con bò đúc bằng vàng (xem Ex 32:1, 4), khi cho phép hôn nhân đồng tính và tạo sinh ngoại nhiên v.v.  

Bởi thế, để thực sự Long Trọng Mừng 2000 Năm Thiên Chúa Nhập Thể Giáng Sinh Làm Người, tức là để cảm tạ tri ân "Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một mình" (Jn 3:16), nhất là "đã không dung tha cho Con mà lại phó nộp Người vì tất cả chúng ta" (Rm 8:32), Kitô hữu giáo dân chúng ta không gì bằng hãy ý thức lại ơn gọi hôn nhân của mình và nhờ đó cố gắng sống đời sống gia đình trong ý nghĩa đích thực và cao cả của nó đúng như ý định của Thiên Chúa.  

·     "Mỗi một gia đình, một cách nào đó, phải dự phần vào việc sửa soạn cho cuộc Mừng Kỷ Niệm Long Trọng Năm 2000... Không phải hay sao, qua gia đình, gia đình Nazarét, mà Con Thiên Chúa đã chọn để đi vào lịch sử loài người"(đoạn 28) 

Vậy, theo lời trên đây của Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II trong Tông Thư Ngàn Năm Thứ Ba Ðang Ðến (Tertio Millennio Adveniente) được ngài ban hành vào cuối năm 1994 cũng chính là Năm Quốc Tế Gia Ðình, gia đình Kitô hữu Công Giáo "phải dự phần vào việc sửa soạn cho cuộc Mừng Kỷ Niệm Long Trọng (The Great Jubilee)" như thế nào, nếu không phải bằng những việc liên quan giữa gia đình và Năm Thánh như sau. 

Thời Ðiểm Hồng Ân: Vợ Chồng Lập Lại Hôn Ước

Năm 2000 là năm Mừng Kỷ Niệm Long Trọng 2000 năm "Lời đã hóa thành nhục thể và ở giữa chúng ta" (Gioan 1:14), tức là năm Mừng Kỷ Niệm Long Trọng cuộc nhiệm hôn (xem Mathêu 22:2) hay cuộc Ngôi Hiệp (hypostatic union) của Thần Tính và Nhân Tính được thực hiện nơi Chúa Giêsu Kitô và được tỏ hiện khi Người Giáng Sinh. Chính vì cuộc nhiệm hôn của Lời Nhập Thể là thực tại hôn nhân của các cặp vợ chồng trong việc hoàn toàn "nên một xác thịt" (Khởi Nguyên 2:24), mà vợ chồng Kitô hữu nên, âm thầm song long trọng, lập lại hôn ước vào chính dịp kỷ niệm thành hôn của mình trong năm 2000, tại nơi mình đã làm lễ cưới (càng tốt, nếu có thể). 

Trước Thánh Lễ lập lại hôn ước, hai vợ chồng nên giành ra một thời gian, (chẳng hạn, hẳn một ngày trước hay vài tiếng ngay trước Thánh Lễ), để tĩnh tâm riêng với nhau, lợi dụng thời gian qúi báu này, suy nghĩ về ơn gọi hôn nhân cao trọng của mình theo ánh sáng Mạc Khải thần linh. Vợ chồng cần phải đọc lại cho nhau nghe bài huấn dụ hôn nhân của Thánh Phaolô gửi tín hữu Êphêsô đoạn 5, từ câu 22 đến hết câu 33, rồi căn cứ vào bài huấn dụ Thánh Kinh ấy, kiểm điểm với nhau về đời sống vợ chồng, sau đó thành thực xin lỗi nhau nếu thấy mình thực sự lầm lỗi, sau hết cùng nhau hứa quyết sống trọn lành hơn, với những quyết định hết sức cụ thể và thực tế, đúng như mô phạm của hôn nhân toàn hảo là tình yêu nên một giữa Chúa Kitô và Giáo Hội. Trong Thánh Lễ, hai vợ chồng mỗi người âm thầm cùng một lúc lập lại lời hôn ước của mình vào giây phút rước lễ xuống. Sau Thánh Lễ, hai vợ chồng đến trước tòa Ðức Mẹ dâng mình cho Mẹ, sau đó cả nhà ăn mừng kỷ niệm thành hôn và tạ ơn Chúa ở tại nhà hay tại nhà hàng (tùy tiện).  

Thời Ðiểm Hồng Ân: Cha Mẹ Con Cái Hòa Giải 

Năm 2000 là một Ðại Năm Thánh, một "năm hồng ân của Chúa" (Isaia 61:1; Luca 4:19), thời điểm được Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II xác định trong Tông Thư Ngàn Năm Thứ Ba Ðang Ðến của ngài ban hành cuối năm 1994 là Năm Quốc Tế Gia Ðình:  

·    "Ðối với Giáo Hội, thực sự việc mừng kỷ niệm chính là mừng năm hồng ân này của Thiên Chúamột năm thứ tha các tội lỗi và các hình phạt bởi tội, một năm hòa giải tranh chấp giữa các phe phái, một năm cải thiện gấp bội và làm việc thống hối theo bí tích cũng như không theo bí tích" (đoạn 14).  

Bởi vậy, để sống Năm Thánh 2000 là "một năm hòa giải tranh chấp" này, mỗi gia đình nên tìm một ngày nào đó ý nghĩa nhất trong năm, chẳng hạn ngày Lễ Trọng Kính Thánh Giuse (Chúa Nhật 19-3), hoặc Ngày Hiền Mẫu - Mother Day (Chúa Nhật thứ hai trong Tháng Năm) hay Ngày Thân Phụ - Father Day (Chúa Nhật thứ ba trong Tháng Sáu), hoặc ngày mừng sinh nhật của người cha hay người mẹ trong gia đình, họp nhau lại làm giờ hòa giải chung. Chương trình gồm có hai mục chính thức là nghe Lời Chúa rồi chia sẻ tâm tình giữa cha mẹ và con cái.  

Về việc nghe Lời Chúa, tùy theo tình hình trong gia đình bấy giờ, có thể chọn những bài đọc Lời Chúa thích hợp như sau. Nếu cần hòa giải bất hòa giữa con cái với nhau, thì cha hay mẹ có thể đọc bài Cựu Ước trích trong Sách Khởi Nguyên đoạn 37, từ câu 12 đến hết câu 36 và đoạn 45 từ câu 1 đến hết câu 15, về việc Giuse bị anh em bán đi song vẫn vì Chúa tha cho họ. Nếu con cái bất mãn với cha mẹ, thì một trong số con cái nên đọc bài Thánh Kinh Cựu Ước cũng trích trong Sách Khởi Nguyên, đoạn 9, từ câu 1 đến hết câu 29, về việc thái độ của các con đối với ông bố là Noe say rượu nằm ngủ. Nếu cha mẹ trục trặc với con cái, thì cha hay mẹ nên đọc bài Phúc Âm theo Thánh Luca, đoạn 15 từ câu 11 đến hết câu 32, về dụ ngôn người cha nhân lành đối với đứa con hoang đàng.  

Về việc hòa giải với nhau, cả cha mẹ lẫn con cái đều cần phải lấy lòng khiêm nhượng lắng nghe nhau. Con cái hãy nhớ rằng Chúa Giêsu là Thiên Chúa vô cùng khôn ngoan và trọn hảo mà còn vâng phục cha mẹ mình là Mẹ Maria và Bõ Giuse (xem Luca 2:51), thì họ cũng phải nghe lời răn dạy của cha mẹ là các vị đại diện Chúa để sinh thành dưỡng dục họ, dù những gì cha mẹ dạy bảo hay sai khiến hoặc cấm đoán có trái ý thích, ý nghĩ và ý muốn tự nhiên của mình, miễn là điều đó không có tội thật rõ ràng. Phần cha mẹ cũng phải kính trọng con cái là những con người cao qúi Chúa ban cho mình, là những nén bạc vô giá Ngài ký thác cho mình sinh lợi (xem Mathêu 25:14-30), và hết sức dưỡng dục chúng như Mẹ Maria và Thánh Giuse đối với Chúa Giêsu vậy; chẳng những tỏ ra luôn luôn thông cảm với những thiếu sót và yếu đuối của chúng, mà còn, nếu cần, cha mẹ đừng ngại xin lỗi con cái mình để phục hồi lòng tín cẩn và cảm phục của chúng là những gì hết sức thiết yếu cho việc đạt thành giáo dục. Cha mẹ phải làm sao để con cái có thể dễ dàng và thành thực cởi mở thì buổi hòa giải gia đình mới có kết qủa tốt đẹp. Nếu cần, cha mẹ hãy tự gợi ý cho con cái những gì chúng không dám nói ra, nhất là hãy tỏ ra sẵn sàng và rất muốn nghe tất cả những gì chúng nói để hiểu chúng hơn. Ðể kết thúc buổi gia đình hòa giải, cả nhà cầm tay nhau hát Kinh Hòa Bình. 

Thời Ðiểm Hồng Ân: Gia Ðình Trau Dồi Ðức Tin

Ðể mở đầu cho loạt bài Giáo Lý Năm Thánh 2000, vào ngày thứ tư 19-11-1997, Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã kêu gọi con cái mình như sau:  

·    "Tôi đã xin tất cả mọi phần tử của Giáo Hội 'hãy mở lòng mình ra cho những khơi động của Thần Linh', để sửa soạn 'cử hành Cuộc Mừng Kỷ Niệm với một đức tin mới mẻ và một sự tham gia bao rộng' (Tông Thư Ngàn Năm Thứ Ba Ðang Ðến, đoạn 59). Lời kêu mời này càng ngày càng trở nên khẩn thiết hơn khi ngày lịch sử đó đang tiến tới. Thật vậy, biến cố này diễn ra như một lằn mức phân chia giữa hai thiên niên với một giai đoạn mới đang bừng lên tương lai của Giáo Hội cũng như của nhân loại. Chúng ta phải sửa soạn cho biến cố này trong ánh sáng của đức tin. Ðúng thế, đối với các tín hữu, cuộc vượt qua từ đệ nhị sang đệ tam thiên niên không phải chỉ là một chặng đường trong cuộc tiến hành không ngừng nghỉ của thời gian, mà còn là một dịp đáng kể để nhận thức rõ hơn dự án của Thiên Chúa đang giãi bày trong lịch sử của loài người".

(tuần san L'Osservatore Romano, ấn bản Anh ngữ, ngày 26-11-1997; những chỗ in đậm là do người viết có ý nhấn mạnh  hơn). 

Như thế, từ phương diện tiêu cực là việc cải thiện đời sống để có thể tối đa lãnh hưởng tình thương của Thiên Chúa trong Thời Ðiểm Hồng Ân, Kitô hữu đã tiến thẳng vào chính trọng tâm của Thời Ðiểm Hồng Ân, một trọng tâm mà Ðức Thánh Cha đã nhắc lại và nhấn mạnh trong bài Giáo Lý Năm Thánh 2000 ngày 18/3/1998 như sau: 

·    "Mục tiêu chính yếu của Cuộc Mừng Kỷ Niệm, đó là 'việc kiên cường đức tin cũng như kiên cường chứng tá của Kitô hữu'" (Tông Thư  Ngàn Năm Thứ Ba Ðang Ðến, đoạn 42)"  

(tuần san L' Osservatore Romano, ấn bản Anh ngữ, ngày 25-3-1998). 

Vậy, là một Giáo Hội tại gia (Ecclesia domestica), gia đình cũng phải là môi trường truyền bá phúc âm trước nhất. Việc truyền bá phúc âm trong gia đình này là việc của bậc làm cha làm mẹ. Không phải chỉ cần lo cho con cái có đủ cơm ăn, áo mặc, nhà ở, đến trường v.v. là xong phận sự của thành phần cha mẹ Kitô hữu Công Giáo. Cũng không phải dạy con cái thuộc các kinh căn bản cần thiết, bắt chúng đọc kinh hằng ngày và đi học giáo lý hằng tuần là đủ. Cha mẹ cần phải bỏ giờ ra đích thân dạy giáo lý (hay ít là xem con cái học giáo lý đến đâu và học được những gì), không nên khoán trắng cho học đường hay thày cô muốn dạy sao thì dạy, miễn là con mình được chịu phép bí tích cần là xong. Nếu thấy mình chưa đủ kiến thức về giáo lý, hãy bỏ giờ ra học thêm, bằng cách đọc sách hay tìm hiểu nơi các vị chủ chăn hoặc các chuyên viên giáo lý.  

Mỗi gia đình nên lợi dụng thời điểm Năm Thánh 2000 để bắt đầu chương trình chia sẻ Lời Chúa hằng ngày, vào trước mỗi buổi kinh tối trong gia đình. Giờ kinh tối các ngày trong tuần (trừ cuối tuần) của chung gia đình nên vắn tắt hơn, nếu quyết định thêm giờ chia sẻ bài đọc Phúc Âm theo phụng vụ Lời Chúa của Thánh Lễ hằng ngày, (cha mẹ muốn đọc kinh hơn nữa thì nên đọc riêng sau đó hay vào lúc nào đó trong ngày). Cuối tuần, rảnh rỗi hơn, cả nhà nên thêm giờ đọc sách thiêng liêng chung, như đọc truyện các thánh, hoặc đọc riêng song chia sẻ chung vào trước giờ kinh tối chẳng hạn. 

·    "Thật vậy, gia đình Kitô giáo là cộng đoàn đầu tiên được kêu gọi để loan báo Phúc Âm cho con người trong thời kỳ họ phát triển và làm cho họ là nam hay nữ đạt đến tầm mức trưởng thành về nhân bản cũng như về Kitô giáo qua việc triển khai giáo dục và giáo lý". 

(Lời Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II, Tông Huấn Fa miliaris Consortio về vai trò của gia đình Kitô giáo trong thế giới tân tiến, đoạn 2) 

Gia đình Kitô hữu Công Giáo chúng ta có mừng Năm Thánh 2000 một cách đặc biệt như thế, giữa vợ chồng với nhau, cha mẹ với con cái, nhất là chung cả gia đình như thế, chúng ta mới có thể tiến vào ngàn năm thứ ba Kitô giáo đúng với những gì Giáo Hội mong đợi, qua lời Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II viết cũng trong Tông Huấn vừa được trích dẫn trên: 

·    ".... Gia đình như là một 'Giáo Hội thu nhỏ' (Church in miniature), ở chỗ, theo cách thế riêng của mình, gia đình là hình ảnh sống động và là biểu hiện lịch sử của mầu nhiệm Giáo Hội...  Gia đình được tháp nhập vào mầu nhiệm Giáo Hội đến nỗi trở nên, theo cách thế của mình, một tham dự viên vào sứ mệnh cứu độ riêng của Giáo Hội ... Vì lý do này, họ (vợ chồng và cha mẹ Kitô hữu) chẳng những lãnh nhận tình yêu của Chúa Kitô và trở nên một cộng đoàn được cứu độ, mà còn được kêu gọi để truyền đạttình yêu của Chúa Kitô cho anh em mình nữa, nhờ đó trở nên một cộng đoàn cứu độ. Như thế, trong khi gia đình Kitô hữu là hoa trái và là dấu hiệu của sinh lực dồi dào nơi Giáo Hội thì nó cũng làm tiêu biểu, chứng từ và tham phần vào vai trò làm mẹ của Giáo Hội". (đoạn 49)

(Nguyệt San Ðức Mẹ Hằng Cứu Giúp 6/2000)

(Bài này được viết vào Năm Thánh 2000, nhưng thiết tưởng có rất nhiều điều rất phù hợp có thể áp dụng vào Mục Vụ Gia Đình trong Năm Thánh 2010 của Giáo Hội Việt Nam - BBT)