DỤC VỌNG XÁC THỊT LÀM BIẾN DẠNG MỐI QUAN HỆ GIỮA NGƯỜI NAM VÀ NGƯỜI NỮ (bài 32) - Thần học về Thân xác của đức Gioan Phaolô II

DỤC VỌNG XÁC THỊT LÀM BIẾN DẠNG MỐI QUAN HỆ GIỮA NGƯỜI NAM VÀ NGƯỜI NỮ (bài 32) - Thần học về Thân xác của đức Gioan Phaolô II

Thần học về Thân xác của đức Gioan Phaolô II:

XXXII

DỤC VỌNG XÁC THỊT LÀM BIẾN DẠNG
MỐI QUAN HỆ GIỮA NGƯỜI NAM VÀ NGƯỜI NỮ

(Ngày 23 tháng 7 năm 1980)

1. Thân xác con người với giới tính khác biệt nam-nữ, theo mầu nhiệm tạo dựng – như chúng ta đã biết khi phân tích đoạn St 2,23-25 – không chỉ là nguồn mạch của sự phong nhiêu (sinh sản), nhưng ngay tự ban đầu đã có một đặc tính hôn phối. Nghĩa là nó có khả năng diễn tả tình yêu, nhờ đó con người như một nhân vị trở nên một tặng phẩm trao hiến và bởi đó thể hiện được ý nghĩa sâu xa của hữu thể và cuộc sống mình. Với đặc tính đó, thân xác biểu lộ tinh thần và được mời gọi trong chính mầu nhiệm tạo dựng để sống trong tình hiệp thông các ngôi vị (vốn được tạo dựng theo) «hình ảnh của Thiên Chúa». Tuy nhiên, dục vọng «phát xuất từ thế gian» - ở đây ta nói trực tiếp về dục vọng của tính xác thịt – đã giới hạn và làm biến dạng cách thức hiện hữu khách quan đó của thân xác, điều mà con người đã được dự phần vào. «Tâm hồn» con người đã chịu trải nghiệm một mức nào đó sự hạn chế và biến dạng này, đặc biệt là trên phương diện những mối tương quan nam–nữ. Chính trong kinh nghiệm «tâm hồn» mà tương quan giữa hai giới xem ra không còn biểu lộ tinh thần hướng đến sự hiệp thông ngôi vị nữa, nhưng chỉ còn như là đối tượng của sự hấp dẫn nhau, theo nghĩa như mọi sinh vật «trong thế giới» giống như con người đã nhận sự chúc lành phong nhiêu (x. St 1).
2. Sự giống nhau đó (giữa con người và con vật) chắc hẳn có mặt trong công trình tạo dựng; và điều đó cũng được xác nhận trong St 2, đặc biệt ở câu 24. Tuy nhiên, tầng nền tảng «tự nhiên», về phương diện thân xác và tính dục, của sự hấp dẫn ấy vốn đã diễn tả trong mầu nhiệm tạo dựng cách viên mãn rồi ơn gọi của người nam và người nữ hướng tới sự hiệp thông ngôi vị. Nhưng sau khi phạm tội, trong hoàn cảnh mới mà St 3 mô tả, sự biểu lộ ấy bị yếu đi và bị bóng tối phủ mờ. Nó như lặn mất hút trong các mối tương quan, hoặc như bị loại ra để nó ở riêng trên một bình diện khác. Bình diện tự nhiên của thân xác có tính dục của con người biểu lộ ra như một sức mạnh gần như tự sinh, được ghi dấu bởi một sự «cưỡng chế» nào đó của thân xác, nó hoạt động theo một chức năng riêng, giới hạn lại sự biểu lộ tinh thần và kinh nghiệm trao hiến tặng phẩm ngôi vị. Những lời St 3,16 nói với người đàn bà đầu tiên xem ra chỉ đến điều ấy khá rõ ràng («Ngươi sẽ thèm muốn chồng ngươi, và nó sẽ thống trị ngươi»).
3. Thân xác con người với giới tính nam-nữ gần như đã bị mất đi cái khả năng diễn tả tình yêu đó, một tình yêu trong đó con người như một nhân vị là tặng phẩm trao hiến, phù hợp với cấu trúc sâu xa nhất và với cứu cánh của một cuộc sống con người, như đã được nhận xét trong những phân tích trước đây. Sở dĩ ở đây chúng ta không đưa ra một phán đoán có tính tuyệt đối và thêm vào phó từ «gần như», đó là vì chiều kích trao hiến – nghĩa là khả năng diễn tả tình yêu thương, bằng tình yêu thương ấy con người, nhờ giới tính nam hay nữ của mình, trở nên tặng phẩm trao hiến cho người khác – trong mức độ nào đó không ngừng thấm nhập và tạo nên tình yêu, một tình yêu còn ẩn khuất đâu đó trong tâm hồn con người. Ý nghĩa hôn phối của thân xác không hoàn toàn trở nên xa lạ với tâm hồn con người : nó không hoàn toàn bị bóp nghẹt bởi dục vọng, nhưng chỉ thường xuyên bị đe dọa thôi. «Tâm hồn» trở thành nơi con người tự đấu tranh giữa tình yêu và dục vọng. Tâm hồn mà càng để cho dục vọng thống trị thì nó càng ít kinh nghiệm được ý nghĩa hôn phối của thân xác, càng ít nhạy cảm với sự trao hiến nhân vị vốn diễn tả chính ý nghĩa ấy trong quan hệ nam-nữ. Sự «thèm muốn» mà Đức Kitô nói tới trong Mt 5,27-28 hẳn là xuất hiện trong tâm hồn con người dưới nhiều hình thức khác nhau: nó không luôn rõ ràng và minh nhiên, đôi khi ẩn kín, và tự cho mình là một thứ «tình yêu» nhưng lại làm cho khuôn mặt đích thực của tình yêu không lên tiếng được và làm vẩn đục đi sựương tsáng của tặng vật trao hiến trong quan hệ liên vị. Phải chăng có lẽ điều đó có nghĩa là ta phải ngờ vực tâm hồn con người? Không phải đâu! điều đó chỉ muốn nói chúng ta cần phải kiểm soát tâm hồn, biết tự chủ.
4. Hình ảnh của dục vọng xác thịt nổi lên từ phân tích ở đây liên kết cách rõ ràng với hình ảnh của nhân vị, điều mà chúng ta đã nối kết trong những suy tư trước đây về chủ đề ý nghĩa hôn phối của thân xác. Thật vậy, con người xét như là một nhân vị là «thọ tạo duy nhất ở trần gian mà Thiên Chúa đã dựng nên vì chính họ» và đồng thời, là kẻ chỉ có thể «tìm lại được chính mình trọn vẹn nhờ thành tâm tự hiến» [1]. Dục vọng nói chung – và dục vọng của tính xác thịt nói riêng – tấn công thẳng vào cái «thành tâm tự hiến» này: có thể nói, nó tước đi cái phẩm giá của tặng phẩm trao hiến, vốn được biểu lộ nhờ thân xác của người đàn ông và người đàn bà, và theo một nghĩa nào đó, nó cướp mất của con người tính ngôi vị biến con người thành một đồ vật, đối tượng thỏa mãn «cho người khác». Con người thay vì «cùng với người khác» - như là chủ thể của sự kết hợp, đúng hơn là chủ thể của sự kết hợp mầu nhiệm của thân xác – thì lại trở thành đối tượng (một thứ đồ vật) cho con người: đàn bà trở thành như một thứ đồ vật cho đàn ông, và ngược lại đàn ông trở thành như đồ vật cho đàn bà. Những lời của St 3, 16 – và cả trước đó của St 3,7 – xác nhận điều đó, hoàn toàn rõ ràng trái ngược với St 2,23-25.
5. Chiều kích trao hiến cho nhau giữa người nam và người nữ bị gãy vỡ, dục vọng còn gieo hoang mang nghi ngờ: có thực sự mỗi con người được Đấng Tạo Hóa dựng nên «vì chính họ» không? Chủ thể tính của ngôi vị, theo nghĩa nào đó, nhường bước cho khách thể tính của thân xác. Bởi thân xác mà con người trở thành đồ vật đối với con người – người nữ trở thành như thế đối với người nam và ngược lại. Dục vọng khiến cho các quan hệ giữa người nam và người nữ vốn có tính nhân vị trở thành chỉ còn là quan hệ hạn hẹp xác thịt và tình dục, họ gần như không còn khả năng đón nhận tặng phẩm là chính con người của nhau. Quan hệ nam-nữ không còn được sống theo chiều kích viên mãn của nhân vị xét như là chủ thể, không còn diễn tả sự hiệp thông, nhưng thường chỉ còn lụy dục tình.
6. Dục vọng làm mất đi tự do nội tâm của sự trao hiến. Ý nghĩa hôn phối của thân xác con người liên kết chặt chẽ với chính sự tự do này. Con người có thể trở thành tặng phẩm trao hiến – hay nói chính xác hơn, người nam và người nữ có thể sống mối quan hệ trao hiến cho nhau – nếu mỗi người biết làm chủ chính mình. Dục vọng biểu lộ ra như là một sức «cưỡng chế thân xác “đặc biệt”», nó bó hẹp và siết chặt sự tự chủ nội tâm lại, và chính vì thế,  cách nào đó nó làm cho con người không còn tự do nội tâm để trao hiến bản thân nữa. Cùng với điều đó, cả cái đẹp thân xác của người nam và của người nữ vốn như một biểu lộ của tinh thần, cũng bị bóng tối che phủ. Thân xác chỉ còn như là một đối tượng của dục vọng và bởi thế chỉ còn như là «mảnh đất để mà chiếm hữu» đối với (tha nhân) người ngôi vị. Dục vọng tự thân không kết hợp nhưng chiếm đoạt. Tương quan trao hiến bị trấn áp trong tương quan chiếm hữu.
Vấn đề cuối cùng vừa đề cập đến ở đây quả là hết sức quan trọng, và hơn nữa, lại rất tế nhị nhìn từ phía sự dị biệt giữa tình yêu đích thực (nghĩa là «sự hiệp thông các ngôi vị») và dục vọng. Chương kế tiếp chúng ta sẽ tiếp tục xét đến vấn đề này nữa.
------------------------------------------
[1] Cđ. Vatican II, Hch. Gaudium et spes 24: «Hơn nữa, khi cầu nguyện với Đức Chúa Cha: “xin cho mọi người nên một ... như chúng ta là một” (Ga 17,21-22), Chúa Giêsu mở ra những viễn tượng mà lí trí con người không thể tự đạt tới được. Như vậy, Chúa Giêsu đã nói lên một sự tương tự nào đó giữa sự hợp nhất của Ba Ngôi Thiên Chúa với sự kết hợp của các con cái Chúa trong sự thật và tình yêu. Sự tương tự này cho thấy rằng con người thọ tạo duy nhất ở trần gian mà Thiên Chúa đã dựng nên vì chính họ chỉ có thể tìm lại được chính mình trọn vẹn nhờ thành tâm tự hiến».