DỤC VỌNG VỚI BA MẶT CỦA NÓ ĐÃ GIỚI HẠN Ý NGHĨA HÔN PHỐI CỦA THÂN XÁC (bài 31) - Thần học về Thân xác của đức Gioan Phaolô II

DỤC VỌNG VỚI BA MẶT CỦA NÓ ĐÃ GIỚI HẠN Ý NGHĨA HÔN PHỐI CỦA THÂN XÁC (bài 31) - Thần học về Thân xác của đức Gioan Phaolô II

Thần học về Thân xác của đức Gioan Phaolô II:

XXXI

DỤC VỌNG VỚI BA MẶT CỦA NÓ ĐÃ GIỚI HẠN
Ý NGHĨA HÔN PHỐI CỦA THÂN XÁC

(Ngày 25 tháng 6 năm 1980)


1. Phân tích của suy niệm lần trước qui tâm về những lời của St 3,16 mà Đức Chúa là Thiên Chúa nói với người đàn bà sau khi phạm tội nguyên tổ: «Đối với chồng, ngươi sẽ cảm thấy thèm muốn, còn chồng ngươi sẽ thống trị ngươi» (St 3,16). Chúng ta cũng đã đi tới kết luận rằng những lời ấy cũng nói khá rõ và là một giải thích sâu sắc về sự xấu hổ nguyên thủy (x. St 3,7) vốn đã trở nên một phần của người nam và người nữ cùng với dục vọng. Chúng ta không nên chỉ tìm lời giải thích sự xấu hổ ở nơi chính thân xác, ở tính dục nhục thể của hai người khác giới mà thôi, mà còn cần phải lên đến tận những biến đổi sâu xa hơn thuộc lãnh vực tinh thần. Chính tinh thần này đặc biệt ý thức mình không thỏa mãn về sự hợp nhất giữa người nam và người nữ. Và có thể nói, ý thức ấy gây nên tội cho thân xác, làm cho thân xác mất đi cái ý nghĩa đơn sơ và tinh tuyền vốn gắn liền với tình trạng trong trắng nguyên thủy của con người. Xấu hổ liên hệ với ý thức này là một kinh nghiệm hậu quả. Nếu như, một đàng, sự xấu hổ biểu lộ yếu tố dục vọng, thì đàng khác, đồng thời nó cũng được tăng cường bởi hậu quả là dục vọng với ba mặt thành phần của nó. Thậm chí người ta có thể nói rằng người nam và người nữ như muốn tiếp tục sống tình trạng trong trắng nguyên thủy qua sự xấu hổ. Thật vậy, trong sự tiếp nối ấy họ vẫn ý thức thân xác mang ý nghĩa hôn phối và cố bảo vệ ý nghĩa đó không bị dục vọng làm hư hỏng, nghĩa là họ như cố duy trì giá trị của sự hiệp thông, hay giá trị của sự hợp nhất các ngôi vị nơi «sự kết hợp thân xác».

2. Đoạn St 2,24 cách thận trọng nhưng cũng rõ ràng nói đến sự «giao hợp thân xác» theo nghĩa một sự kết hợp ngôi vị thật sự: «Người đàn ông ... gắn bó với vợ mình, và cả hai thành một xương một thịt»; và từ văn mạch ta biết được sự kết hợp đó là xuất phát từ một chọn lựa, bởi lẽ người đàn ông «lìa bỏ» cha mẹ mà gắn bó với vợ mình. Sự kết hợp các ngôi vị như thế hàm nghĩa các ngôi vị trở nên «một xương một thịt». Từ diễn ngữ có «tính bí tích» này, là diễn ngữ phù hợp với sự hiệp thông ngôi vị nam và nữ trong ơn gọi nguyên thủy hướng đến sự kết hợp vợ chồng, chúng ta có thể hiểu rõ hơn sứ điệp chính xác của St 3,16. Chúng ta có thể xây dựng và gần như là tái thiết lại nội dung của sự mất thăng bằng, hay đúng hơn, là sự méo mó dị dạng của mối tương quan hiệp thông liên vị nguyên thủy (tức là điều mà diễn ngữ «bí tích» St 2,24 muốn nói tới).

3. Do đó, khi đi sâu vào St 3,16 người ta có thể nói rằng, một mặt «thân xác», vốn được dựng nên cho sự hợp nhất, không ngừng khơi lên khát vọng kết hợp các ngôi vị do khác biệt giới tính nam nữ («đối với chồng, ngươi sẽ cảm thấy thèm muốn»), mặt khác đồng thời dục vọng cũng điều hướng theo kiểu của nó những khát vọng này. Điều đó được xác nhận bởi câu nói «nó sẽ thống trị ngươi». Dục vọng xác thịt xoay chuyển những khát vọng ấy hướng chiều về sự thỏa mãn thân xác nhưng thường lại thiếu một sự hiệp thông ngôi vị đích thực và đầy đủ. Theo nghĩa đó, ta cần phải lưu tâm đến những điểm nhấn ngữ nghĩa được trải ra như thế nào trong những câu trong St 3 ; thật thế, dẫu phân tán chúng cũng cho thấy có một sự mạch lạc nội tại. Con người là kẻ xem ra cảm thấy đặc biệt xấu hổ về chính thân xác mình: «con sợ hãi vì con trần truồng, nên con lẩn trốn» (St 3,10); những lời ấy nhấn mạnh đến đặc tính siêu hình của sự xấu hổ. Đồng thời, con người cũng là kẻ đã để cho sự xấu hổ (vốn gắn liền với dục vọng) trở thành xung năng «thống trị» người đàn bà («nó sẽ thống trị ngươi»). Bởi thế, kinh nghiệm về sự thống trị đó được biểu lộ ra cách trực tiếp hơn nơi người đàn bà như là khát vọng không được thỏa mãn về một sự kết hợp khác. Từ chỗ con người «thống trị» người phụ nữ, đến chỗ hai người trở nên sống hiệp thông ngôi vị (nghĩa là tình trạng hai chủ thể nhân vị trao hiến cho nhau trong một sự hiệp nhất tinh thần tràn đầy), còn một tình trạng khác của tương quan giữa hai người, đó là tương quan chiếm hữu: chiếm hữu tha nhân kia như một thứ đồ vật (đối tượng) của dục vọng của mình. Nếu như xung năng ấy chiếm ngự người đàn ông, thì bản năng (thèm muốn) nơi người đàn bà hướng đến người đàn ông, theo diễn tả của St 3,16, cũng có thể hoặc chắc chắn sẽ có tính chất tương tự như thế. Và đôi khi có lẽ những bản năng ấy còn đi trước sự «thèm muốn» của người đàn ông, hoặc có khuynh hướng khơi dậy và bồi thêm xung năng nơi người đàn ông.

4. Đoạn St 3,16 xem ra cho thấy trước hết con người như là kẻ «thèm muốn», tương tự như bản văn Mc 5,27-28 tạo nên điểm xuất phát cho những suy tư hiện nay của chúng ta; thế nhưng cả người đàn ông lẫn người đàn bà đều là con người bị chế ngự bởi «dục vọng». Bởi thế, cả hai đều phải chịu gánh lấy nỗi xấu hổ vang vọng sâu thẳm chạm tới nơi kín ẩn nhất của con người phái tính mình dẫu với cách thức khác nhau. Những gì ta học được từ St 3 vừa mới giúp ta phác họa ra sự lưỡng diện này, nhưng cũng đã là những gợi ý rất có ý nghĩa. Hơn nữa, một bản văn dù cổ xưa như thế nhưng lại nói rất thuyết phục và sâu sắc.

5. Bởi vậy, phân tích St 3 cách thích đáng người ta có thể kết luận được rằng dục vọng với ba mặt khác nhau của nó (trong đó có dục vọng xác thịt) tự giới hạn lại ý nghĩa hôn phối của chính thân xác, của tình trạng trong trắng nguyên thủy mà trước đó người nam và người nữ được dự phần vào. Khi chúng tôi nói đến ý nghĩa của thân xác, trước tiên chúng tôi có ý nói đến cái ý thức đầy đủ về con người, nhưng cũng hàm ý chỉ đến mọi kinh nghiệm thực của thân xác, một thân xác cụ thể của người nam và của người nữ, và cái hướng chiều đến kinh nghiệm ấy. «Ý nghĩa» của thân xác không chỉ là một khái niệm trừu tượng. Chúng ta đã lưu ý ý nghĩa ấy khá đầy đủ trong những phân tích trước đây. «Ý nghĩa của thân xác» cũng đồng thời xác định động thái, nghĩa là lối sống của ta đối với thân xác. Đó chính là thước đo mà con người nội tâm, tức là «tâm hồn» con người  mà Đức Kitô đã nhắc đến trong diễn từ trên núi, dùng để nhìn thân xác con người, với giới tính đàn ông/đàn bà (nghĩa là liên hệ đến tính dục của thân xác ấy).

«Ý nghĩa» ấy không làm thay đổi chính thực tại – tức là sự thật của thân xác với tính dục của nó và là sự thật thường hằng – một thực tại độc lập với tình trạng của ý thức và kinh nghiệm của chúng ta. Ý nghĩa thuần túy khách quan ấy của thân xác và giới tính nằm ngoài guồng máy các mối quan hệ liên vị thực tế và cụ thể giữa người nam và người nữ, và theo một nghĩa nào đó nó có tính chất «phi lịch sử». Thế nhưng, trong các phân tích của chúng ta ở đây phù hợp với nguồn Kinh thánh, chúng ta luôn xét đến sử tính của con người (cho dẫu chúng ta đã bắt đầu từ con người tiền sử thần học). Dĩ nhiên điều bận tâm của chúng ta ở đây là chiều kích nội tâm, vốn không bị ràng buộc bởi các tiêu chuẩn ngoại tại của tính lịch sử nhưng có thể được xem như là có tính «lịch sử». Thật ra, chiều kích ấy nằm ở chính nền tảng của mọi sự kiện làm nên lịch sử của con người – dù là lịch sử của tội lỗi mà cũng là lịch sử cứu độ - và như thế chúng tỏ lộ chiều sâu và chính cội rễ của sử tính của con người[1].

6. Trong bối cảnh rộng lớn đó, nói đến dục vọng, là cái làm hạn chế, đổ vỡ hoặc thậm chí làm méo mó ý nghĩa hôn phối của thân xác, chúng ta nhớ lại trước hết những phân tích trước đây liên quan đến tình trạng trong trắng nguyên thủy, tức là cái tiền sử thần học của con người. Đồng thời, chúng ta cũng ý thức về cái thước đo mà «tâm hồn» con người «lịch sử» dùng để nhìn thân xác con người, với giới tính nam/nữ của nó. Thước đo này không phải chỉ là ý niệm trừu tượng, nhưng nó xác định hành vi ứng xử của ta và quyết định chính yếu đến lối sống của ta đối với thân xác.[2]

Đức Kitô chắc chắn là muốn nói điều đó trong bài diễn từ trên núi. Ở đây chúng ta cố tiếp cận những lời được nói đến trong đoạn Matthêu 5,27-28 ở tại chính ngưỡng cửa của lịch sử thần học của con người, đang khi chúng đã được xét đến trong bối cảnh của St 3. Dục vọng làm hạn chế, đổ vỡ hoặc thậm chí làm méo mó ý nghĩa hôn phối của thân xác. Điều đó ta có thể nghiệm thấy hết sức rõ ràng (dù qua một trình thuật Kinh thánh rất cô đọng) nơi hai ông bà nguyên tổ Ađam và Eva. Nhờ hai ông bà chúng ta có thể tìm thấy được ý nghĩa hôn phối của thân xác và tái khám phá lại ý nghĩa ấy hệ tại ở điều gì đề dùng như thước đo «tâm hồn» của con người. Nó tạo nên mô thức nguyên thủy của sự hiệp thông các ngôi vị. Nếu như trong kinh nghiệm về nhân vị của nguyên tổ (bản văn Kinh thánh đã giúp ta theo dõi) mô thức nguyên thủy đó phải chịu một sự mất thăng bằng và méo mó – như chúng ta đã cố gắng chứng minh qua sự phân tích về nỗi xấu hổ - thì ý nghĩa hôn phối của thân xác (điều vốn tạo nên thước đo của tâm hồn của cả hai người nam và nữ trong hoàn cảnh trong trắng nguyên thủy) cũng phải chịu một biến dạng như vậy. Nếu chúng ta xây dựng lại được cái cốt tủy của sự biến dạng méo mó ấy, thì chúng ta sẽ có được lời giải đáp cho vấn đề, đó là: dục vọng xác thịt nghĩa là gì và đâu là đặc tính thần học và nhân học của nó. Giải đáp thích đáng về thần học và nhân học là quan trọng đối với những gì liên quan tới ý nghĩa những lời mà Đức Kitô nói trong diễn từ trên núi (Mt 5,27-28). Một giải đáp như thế xem ra đã được đào xới trong bối cảnh St 3, và trong toàn trình thuật Giavít rồi, ở đó chúng ta được thấy rõ ý nghĩa hôn phối của thân xác con người.

 

Lm. Luy Nguyễn Anh Tuấn chuyển dịch

[1] Đức Thánh Cha sử dụng thường xuyên cụm từ «ý nghĩa của thân xác» . Trong đoạn văn này ngài muốn đánh tan mọi sự hiểu lầm có thể có thiên về khuynh hướng duy chủ thể cho rằng thân xác tự thân không có ý nghĩa khách quan (chính xác hơn, thân xác có ý nghĩa diễn tả ngôi vị) mà chỉ có ý nghĩa do ý thức con người gán cho.

Tuy nhiên, trong lịch sử cụ thể của từng người và của nhân loại nói chung, hai yếu tố khách thể và chủ thể là không tach rời nhau được.
[2] «Thước đo» ở đây được hiểu như là cách thức cụ thể mà con người nhìn và xem xét về thân xác con người, con người cảm nhận giá trị của thân xác như thế nào, và từ đó họ có cách cư xử tương ứng đối với thân xác.