DỤC VỌNG LÀ KẾT QUẢ CỦA GIAO ƯỚC VỚI THIÊN CHÚA BỊ ĐỔ VỠ (bài 26) - Thần học về Thân xác của đức Gioan Phaolô II

DỤC VỌNG LÀ KẾT QUẢ CỦA GIAO ƯỚC VỚI THIÊN CHÚA BỊ ĐỔ VỠ (bài 26) - Thần học về Thân xác của đức Gioan Phaolô II

Thần học về Thân xác của đức Gioan Phaolô II:

XXVI

DỤC VỌNG LÀ KẾT QUẢ CỦA
GIAO ƯỚC VỚI THIÊN CHÚA BỊ ĐỔ VỠ

(Ngày 30 tháng 4 năm 1980)

1. Trong bài suy cuối cùng chúng ta đã nói rằng trong Diễn Từ Trên Núi Đức Kitô nói cách trực tiếp đến «dục vọng» nổi dậy tức thì trong lòng con người. Nhưng, một cách gián tiếp Người cũng hướng chúng ta đến chỗ hiểu sự thật về con người, một sự thật quan trọng chung cho mọi người.

Những lời của Đức Kitô trong Mt 5,27-28 nói đến một sự thật có tầm quan trọng phổ quát của con người «lịch sử». Sự thật ấy dường như được diễn tả ra qua giáo lí Kinh thánh về ba thứ dục vọng [hay về dục vọng với ba mặt của nó]. Ở đây chúng tôi muốn tham chiếu tới câu Kinh thánh cô đọng 1Ga 2,16-17 : «Mọi sự trong thế gian : như dục vọng của tính xác thịt, dục vọng của đôi mắt và thói kiêu hãnh về của cải, tất cả những cái đó không phát xuất từ Chúa Cha, nhưng phát xuất từ thế gian. Mà thế gian đang qua đi, cùng với dục vọng của nó. Nhưng ai thi hành thánh ý của Thiên Chúa thì tồn tại mãi mãi». Dĩ nhiên, để hiểu những lời này cần phải hết sức chú ý đến ngữ cảnh từ đó xuất hiện những lời này, tức là ngữ cảnh toàn thể «thần học Gioan», vốn đã được viết ra rất nhiều [1]. Tuy nhiên, những lời lẽ này cũng đồng thời được đưa vào trong bối cảnh của toàn thể Kinh thánh: những lời thuộc về toàn bộ chân lí mạc khải về con người, và rất quan trọng đối với thần học thân xác. Những lời này không giải thích chính dục vọng trong ba hình thái của nó, bởi lẽ chúng có vẻ như cho rằng «dục vọng của tính xác thịt, dục vọng của đôi mắt và thói kiêu hãnh về của cải» là ý niệm cách nào đó đã rõ ràng và được mọi người biết đến. Nhưng cho biết nguồn gốc của dục vọng ba mặt này đến từ đâu, chúng không đến từ «Chúa Cha» nhưng từ «thế gian».

2. Dục vọng của tính xác thịt và cùng với nó, là dục vọng của con mắt và thói kiêu hãnh vì của cải, là «ở trong thế gian» và đồng thời «đến từ thế gian», chúng không là kết quả của mầu nhiệm tạo dựng, nhưng là hoa trái của cây biết thiện biết ác (x. St 2,17) trong tâm hồn con người. Cái tạo ra dục vọng với ba mặt của nó không phải là «thế gian» mà Thiên Chúa đã tạo dựng nên cho con người, thế gian ấy căn bản là tốt đẹp như ta đọc thấy nhiều lần trong St 1: «Thiên Chúa thấy thế là tốt đẹp... là rất tốt đẹp». Nhưng dục vọng ba mặt ấy là hệ quả của Giao ước thứ nhất với Đấng Tạo Hóa, Thiên Chúa-Elôhim, Thiên Chúa-Giavê, bị đổ vỡ. Giao ước này đã bị gãy vỡ trong tâm hồn con người. Ở đây cần phân tích kĩ lưỡng những biến cố mô tả trong đoạn St 3,1-6. Tuy nhiên, chúng ta chỉ nói đến mầu nhiệm tội lỗi một cách chung, nói đến những khởi đầu của lịch sử con người. «Thế giới» của Sáng thế đã trở thành «thế gian» trong ngôn ngữ của Gioan (x. 1Ga 2,15-16), là nơi và là nguồn cội của dục vọng, chỉ vì đó là do tội lỗi, là hậu quả của sự gãy vỡ Giao ước với Thiên Chúa ở trong tâm hồn con người, ở nơi sâu thẳm nhất của con người.

Như vậy, câu nói dục vọng «không phát xuất từ Chúa Cha nhưng phát xuất từ thế gian» xem ra một lần nữa hướng ta đến «thưở ban đầu» của Kinh thánh. Việc sinh ra dục vọng với ba mặt của nó mà Gioan trình bày, lần đầu tiên và căn bản được trở nên sáng tỏ nơi thuở ban đầu này, nó cho một lời giải thích cốt yếu đối với thần học thân xác. Để hiểu sự thật quan trọng phổ quát ấy về con người «lịch sử» ẩn chứa trong những lời của Đức Kitô trong Diễn từ trên Núi (Mt 5,27-28), chúng ta phải trở lại một lần nữa Sách Sáng thế, dừng lại một lần nữa ở «ngưỡng cửa» của mạc khải con người «lịch sử». Điều đó lại càng cần thiết hơn nữa, vì ngưỡng cửa của lịch sử cứu độ cũng tự cho thấy là ngưỡng cửa của kinh nghiệm nhân văn đích thực, như chúng ta sẽ thấy trong những phân tích sau đây. Những ý nghĩa nền tảng rút ra từ những phân tích trước đây lại sẽ sống động trở lại, như những yếu tố cốt yếu của khoa nhân học thích đáng và là tầng sâu của thần học thân xác.

3. Người ta lại thắc mắc liệu có được phép thông chuyển nội dung tiêu biểu của «thần học Gioan», chứa đựng trong toàn bộ Thư thứ nhất (nhất là trong 1Ga 2,15-16) vào trong phạm vi của Diễn từ trên Núi theo thánh Matthêu, và nói chính xác hơn, vào trong phạm vi của lời Đức Kitô khẳng định ở đoạn Mt 5,27-28 («Anh em đã nghe Luật dạy rằng: Chớ ngoại tình. Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết : ai nhìn người phụ nữ mà thèm muốn, thì trong lòng đã ngoại tình với người ấy rồi») hay không? Chúng ta sẽ còn quay lại vấn đề này nhiều lần nữa. Tuy nhiên, ngay bây giờ chúng đề cập đến bối cảnh Kinh thánh chung, đến toàn thể sự thật về con người được mạc khải và biểu lộ ra trong đó. Chính nhân danh sự thật này, chúng ta cố tìm hiểu thật thấu đáo con người mà Đức Kitô nói tới trong bản văn Mt 5,27-28 (tức là con người «nhìn» người phụ nữ mà «thèm muốn người ấy»). Cái nhìn ấy, xét cho cùng, không phải được giải thích bằng sự kiện rằng người đàn ông ấy quả đúng là một «con người của dục vọng», theo nghĩa của Thư thứ nhất thánh Gioan sao? Cả người đàn ông nhìn với cặp mắt dục vọng và người phụ nữ đối tượng của cái nhìn ấy đều ở trong phạm vi của dục vọng, là điều vốn «không phát xuất từ Chúa Cha nhưng từ thế gian». Bởi thế, ta cần phải hiểu cái dục vọng ấy là gì hay đúng hơn «con người của dục vọng» mà Kinh thánh nói tới kia là ai. Điều ấy cần để khám phá chiều sâu những lời của Đức Kitô theo Mt 5,27-28, và để giải thích ý nghĩa việc tham chiếu đến «tâm hồn» con người của những lời ấy, vốn rất quan trọng đối với thần học thân xác.

4. Chúng ta hãy quay lại bản văn Giavít lần nữa. Đó là bản văn trong đó cũng con người (nam và nữ) xuất hiện ban đầu như là một người trong trắng nguyên thủy trước lúc phạm tội nguyên tổ. Rồi con người ấy xuất hiện như kẻ đã đánh mất sự trong trắng ấy, bởi đã bẻ gãy Giao ước nguyên thủy với Đấng Tạo Hóa của mình. Chúng tôi ở đây không có ý định phân tích đầy đủ về sự cám dỗ và tội lỗi, theo cùng bản văn St 3,1-5, giáo thuyết của Giáo hội có liên quan và thần học. Chỉ cần nêu lên nhận xét này, đó là, cũng bản văn Kinh thánh này dường như muốn nhấn mạnh tới cách đặc biệt yếu tố chủ chốt, đó là trong tâm hồn con người đã có sự nghi ngờ về Ân huệ của Thiên Chúa. Con người kẻ hái trái «cây biết thiện biết ác» cũng đồng thời làm một chọn lựa căn bản. Anh thực hiện chọn lựa ấy đi ngược lại với ý muốn của Đấng Tạo Hóa, Thiên Chúa-Giavê, chấp nhận cái động lực do Tên Cám Dỗ gợi ý cho anh: «Chẳng chết chóc gì đâu! Nhưng Thiên Chúa biết ngày nào ông bà ăn trái cây đó, mắt ông bà sẽ mở ra, và ông bà sẽ nên như Thiên Chúa biết điều thiện điều ác»; theo các bản dịch cổ, thì: «ông bà sẽ nên như những vị thần biết điều thiện điều ác» [2]. Hiển nhiên hàm ẩn trong lí luận này là một hoài nghi về Ân huệ và Tình yêu Thiên Chúa, vốn là nguồn gốc từ đó mà có sáng tạo như một ơn ban. Về con người, con người đón nhận «thế giới» như một quà tặng và đồng thời là «hình ảnh của Thiên Chúa», nghĩa là chính nhân tính với toàn thể sự thật về giới tính nam-nữ của nó. Chỉ cần đọc thật kĩ lưỡng toàn bản văn St 3,1-5 để khám phá trong đó mầu nhiệm con người quay lưng lại với Chúa Cha (dù ta không thấy tên gọi này gán cho Thiên Chúa trong trình thuật). Nghi ngờ ở trong lòng ý nghĩa sâu xa nhất của ơn ban, tức là tình yêu là động lực đặc biệt của sáng tạo và Giao ước nguyên thủy (x. đặc biệt St 3,5), con người quay lưng lại với Thiên Chúa-Tình Yêu, với «Chúa Cha». Theo nghĩa nào đó con người đã loại bỏ Thiên Chúa ra ngoài con tim của mình. Đồng thời, như thế con người cũng để lòng mình xa cách và gần như cắt đứt với mọi sự «xuất phát từ Chúa Cha». Thế là nơi con người chỉ còn những sự «thuộc về thế gian».

5. «Bấy giờ mắt hai người mở ra, và họ thấy mình trần truồng: họ mới kết lá vả làm khố che thân» (St 3,7). Đây là câu đầu tiên của trình thuật Giavít đề cập tới «hoàn cảnh» của con người sau khi phạm tội và cho thấy tình trạng mới của bản tính con người. Có lẽ câu này cũng muốn nói thời điểm «dục vọng» bắt đầu trong tâm hồn con người chăng? Để trả lời thật sâu xa cho câu hỏi ấy, chúng ta không thể dừng lại ở câu thứ nhất này, nhưng cần phải đọc lại toàn bộ bản văn. Thế nhưng, ở đây đáng để ta nhắc lại những gì đã nói trong những phân tích trước đây về đề tài xấu hổ như một kinh nghiệm «của giới hạn» [3]. Sách Sáng thế nói tới kinh nghiệm này để chứng minh cái «biên giới» hiện hữu giữa tình trạng trong trắng nguyên thủy (x. nhất là St 2,25, chúng ta đã quan tâm đến rất nhiều trong những phân tích trước đây) và tình trạng con người đã phạm tội cũng vào «thuở ban đầu». Đang khi St 2,25 nhấn mạnh «họ trần truồng... mà không thấy xấu hổ», thì St 3,6 lại nói minh nhiên sự xấu hổ phát sinh liên hệ đến tội lỗi. Sự xấu hổ ấy gần như là nguồn đệ nhất từ đó con người (cả nam và nữ) bộc lộ ra những gì «không phát xuất từ Chúa Cha, nhưng từ thế gian».
 
Louis Nguyễn Anh Tuấn chuyển dịch
-----------------------------------------
 [1] X. v.d.: J. Bonsiren, Epîtres de Saint Jean, Beauchesne, Paris 19542, 113-119; E. Brooke, Critical and Exegetical Commentary on the Johannine Epistles (International Critical Commentary), Clark, Edinburgh 1912, 47-49; P. De Ambroggi, Le Epistole Cattoliche, Marietti, Torino 1947, 216-217; C. H. Dodd, The Johannine Epistles (Moffatt New Testament Commentary), London 1946, 41-42; J. Houlden, A Commentary on the Johannine Epistles, Black, London 1973, 73-74; B. Prete, Lettere di Giovanni, Ed. Paoline, Roma 1970, 61; R. Schnackenberg, Die Johannesbriefe, Freiburg 1953 (Herders Theologisches Kommentar zum Neuen Testament), 112-115; J. R. W. Stott, Epistles of John (Tyndale New Testament Commentaries), London 19693, 99-101.

Về chủ đề thần học thánh Gioan, độc giả nên xem A. Feuillet, Le mystère de l’amour divin dans la théologie johannique, Gabalda, Paris 1972.

[2] Bản văn do thái có thể mang hai nghĩa, bởi trình bày thế này: «Elohim biết ngày nào các ngươi ăn trái cây đó (cây biết thiện biết ác), mắt các ngươi sẽ mở ra, và các ngươi sẽ nên như Elohim biết điều thiện điều ác». Chữ elohim là số nhiều của eloah («pluralis excellentiae»). Trong tương quan với Giavê, nó mang nghĩa số ít; nhưng có thể chỉ số nhiều của các hữu thể thiên giới hay các thần ngoại giáo (vd. Tv 8,6; Xh 12,12; Tl 10,16; Hs 31,1 và nhiều bản văn khác).

Chúng tôi đưa ra một vài bản dịch như sau:

-          tiếng Ý: «diverreste come Dio, conoscendo il bene e il male (ông bà sẽ nên như Thiên Chúa biết điều thiện điều ác)» (Học Viện Kinh Thánh Biblicum, 1961).

-          tiếng Pháp: «... vous serez comme des dieux, qui connaissent le bien et le mal (ông bà sẽ nên như các vị thần biết điều thiện điều ác)» (Kinh thánh Giêrusalem, 1973).

-          tiếng Anh: «you will be like God, knowing good and evil (ông bà sẽ nên như Thiên Chúa biết điều thiện điều ác)» (Revised Standard Version, 1966).

-          tiếng Tây Ban Nha: «seréis como dioses, conocedores del bien y del mal (ông bà sẽ nên như các vị thần biết điều thiện điều ác)» (S. Ausejo, Barcelona 1964); «seréis como Dios en el conocimiento del bien y del mal (ông bà sẽ nên như Thiên Chúa biết điều thiện điều ác)» (A. Alonso-SchÖkel, Madrid 1970).  

[3] X. Ch.XI