Đức Thánh Cha chia sẻ cảm nghiệm và thành quả của chuyến tông du đến Thổ Nhĩ Kỳ

Đức Thánh Cha chia sẻ cảm nghiệm và thành quả của chuyến tông du đến Thổ Nhĩ Kỳ

Trong buổi triều yết chung thứ Tư 03/12/2014, Đức Thánh Cha Phanxicô đã ca ngợi và cảm ơn cho Thổ Nhĩ Kỳ cùng các cha dòng Dòng Don Bosco ở Istanbul vì tất cả các công việc tốt đẹp và "thầm lặng" mà họ làm cho vô số những người tị nạn từ các cuộc chiến Iraq và Syria.

Nhắc lại chuyến hành hương mới đây đến Thổ Nhĩ Kỳ, Đức Thánh Cha nhấn mạnh đến sự cần thiết không ngừng cầu nguyện cho cuộc hành trình hướng đến sự hiệp thông đầy đủ với Giáo hội Chính Thống và tái khẳng định tầm quan trọng của việc Kitô hữu và người Hồi giáo cùng nhau liên đới làm việc vì hòa bình.

Mưa nặng hạt trên những chiếc dù ở Quảng trường Thánh Phêrô đã buộc các tín hữu dạt ra hai bên như chính Đức Thánh Cha đã chào các tín hữu hành hương 'dũng cảm' trước ngài. Trước khi đến Quảng trường Thánh Phêrô, Đức Thánh Cha đã chào thăm các bệnh nhân và người khuyết tật tại Đại Thính Đường Phaolô VI, ngài thúc giục họ cầu nguyện với Chúa Giêsu trong mùa Vọng này để xin có thêm sức mạnh, và ngài ban phép lành  cho họ.

Sau khi đi qua Quảng trường trên chiếc xe giáo hoàng trong mưa, Đức Thánh Cha mời gọi các tín hữu hành hương chào các bệnh nhân và người khuyết tật đang theo dõi buổi triều yết chung qua các màn hình khổng lồ với những tràng pháo tay. Sau đó, ngài chia sẻ cảm tưởng và kinh nghiệm về chuyến tông du ba ngày đến Thổ Nhĩ Kỳ cuối tuần qua, nêu bật các yếu tố đại kết và liên tôn của chuyến tông du.

Đức Thánh Cha Phanxicô dành riêng bài giáo lý để nói đến chuyến tông du đến Thổ Nhĩ Kỳ, vùng đất thân thương đối với nhiều Kitô hữu vì là nơi sinh của Thánh Tông đồ Phaolô, là nơi tổ chức bảy Công Đồng đầu tiên, và là nơi hiện diện "Nhà của Đức Maria" gần Êphêsô. Trước chuyến tông du, Đức Thánh Cha đã xin các tín hữu đồng hành với ngài trong lời cầu nguyện, trong buổi triều yết chung hôm thứ Tư, ngài cũng xin họ hãy cảm tạ Chúa vì sự thành công của chuyến tông du và cầu nguyện thêm để có thể đạt thành quả đối thoại trong mối quan hệ của Công Giáo với những người anh em Chính thống giáo và Hồi giáo, và trên con đường hướng đến hòa bình giữa các dân tộc.

Đức Thánh Cha Phanxicô nói về ngày đầu tiên của chuyến tông du, thứ sáu 29/11, ngài gặp gỡ các giới chức chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ và cám ơn họ đã tiếp đón ngài chu đáo với lòng kính trọng. Trong một đất nước theo hiến pháp tục hóa với người Hồi giáo chiếm đa số, Đức Thánh Cha lưu ý rằng việc lãng quên Thiên Chúa chứ không phải việc vinh danh Ngài làm nảy sinh bạo lực. Đức Thánh Cha khẳng định trước các vị lãnh đạo của đất nước này về tầm quan trọng của các nỗ lực phối hợp giữa các Kitô hữu và người Hồi giáo cho tình liên đới, hòa bình và công lý, ngài tái khẳng định sự cần thiết các nhà nước bảo đảm tự do tôn giáo thực sự cho công dân và các cộng đồng tôn giáo.

Vào ngày thứ hai của chuyến tông du, Đức Thánh Cha đã đến thăm Viện Bảo tàng Thánh Sophia, đền thờ Hồi giáo mang tên Đền Xanh và Nhà thờ Chính tòa Chúa Thánh Thần, những nơi mang tính biểu tượng cao cho việc các tôn giáo khác nhau cùng tồn tại ở Thổ Nhĩ Kỳ. "Tôi đã thực hiện điều đó, cảm nhận trong tim mình ước muốn khẩn cầu Chúa, Thiên Chúa của trời và đất, Cha nhân từ của toàn thể nhân loại". Sự kiện trọng tâm của ngày thứ hai là Thánh lễ được tổ chức tại Nhà thờ Chính tòa, với sự tham dự của các vị mục tử và tín hữu Công giáo thuộc các nghi thức khác nhau ở Thổ Nhĩ Kỳ, cùng với các đại diện của các tôn giáo khác, để cùng nhau khấn xin Chúa Thánh Thần, "Đấng ban sự hiệp nhất của Giáo Hội: hiệp nhất trong đức tin, hiệp nhất trong đức ái, hiệp nhất trong sự gắn kết nội tâm, để trong sự phong phú của các truyền thống của mình, Dân Chúa có thể lớn lên trong sự cởi mở và vâng phục sự tác động thiêng liêng của Ngài".

Vào ngày 30/11, Lễ thánh Anrê Tông Đồ, quan thầy của Giáo Hội của Giáo Hội Chính Thống Constantinople, mang lại bối cảnh lý tưởng cho việc củng cố mối quan hệ huynh đệ giữa Đức Giám mục Rôma và Đức Thượng Phụ Đại Kết Bartholomaios I, họ đã canh tân sự dấn thân để theo đuổi đường hướng tái lập sự hiệp thông trọn vẹn giữa người Công Giáo và Chính Thống Giáo, và đã ký một tuyên bố chung đại diện cho một bước tiến đáng kể trên con đường này. Đức Thánh Cha Phanxicô bày tỏ niềm vui vì đã tham gia Phụng vụ Lễ Thánh Anrê, ngài và Đức Thượng Phụ đã cùng nhau ban phép lành vào cuối lễ. "Cầu nguyện là nền tảng của nhiều cuộc đối thoại đại kết mang lại thành quả dưới sự soi dẫn của Chúa Thánh Thần".

Cuộc gặp cuối cùng của Đức Thánh Cha, mà ngài kể với sự cảm động, là gặp gỡ một nhóm người trẻ tị nạn từ các vùng chiến sự ở Trung Đông, được các tu sĩ Dòng Don Bosco tiếp đón và chăm sóc. Đức Thánh Cha nói: "Thật là hết sức quan trọng đối với tôi khi đến gặp họ, để bày tỏ sự gần gũi của tôi và Giáo Hội, cũng như nêu bật tầm quan trọng của sự tiếp đón; một giá trị mà Thổ Nhĩ Kỳ đã dấn thân". Đức Thánh Cha một lần nữa cảm ơn đất nước Thổ Nhĩ Kỳ đã dấn thân cho công việc trong lĩnh vực đón tiếp này, và ca ngợi các tu sĩ Don Bosco vì công việc của họ dành cho những người trẻ tị nạn. Đức Thánh Cha kết luận bằng cách một lần nữa xin tất cả những người có mặt cầu nguyện cho những người tị nạn, người di dân, và cho việc xóa bỏ các nguyên nhân gây ra thảm cảnh đau đớn này.

Tạ Ân Phúc