ĐỨC KITÔ GỌI MỜI «TRÁI TIM» CON NGƯỜI (bài 24) - Thần học về Thân xác của đức Gioan Phaolô II
Thần học về Thân xác của đức Gioan Phaolô II:
Tập Hai
MỘT TÂM HỒN ĐƯỢC CỨU CHUỘC
(Giáo lý về Bài Giảng Trên Núi)
XXIV
ĐỨC KITÔ GỌI MỜI
«TRÁI TIM» CON NGƯỜI
(Ngày 16 tháng 4 năm 1980)
1. Như chủ đề của những suy tư sắp tới – trong khuôn khổ của tác phẩm này – tôi muốn triển khai lời khẳng định sau đây của Đức Kitô, lấy từ bài diễn từ trên núi: «Anh em đã nghe Luật dạy rằng: Chớ ngoại tình. Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: ai nhìn người phụ nữ mà thèm muốn, thì trong lòng đã ngoại tình với người ấy rồi» (Mt 5,27-28). Đoạn văn này xem ra có một ý nghĩa chủ chốt đối với thần học về thân xác, giống như đoạn văn ở đó Đức Kitô nại đến «thuở ban đầu» được sử dụng như nền tảng cho những bài phân tích trước đây. Chúng ta đã nhận thấy văn mạch của câu nói, hay đúng hơn của từ ngữ mà Đức Kitô đã dùng thật rộng lớn. Đó không chỉ là văn mạch trực tiếp trong diễn tiến của cuộc đối chất với những người Pharisêu, nhưng còn là văn mạch rộng lớn hơn nhiều, mà chúng ta không thể tiến sâu vào ý nghĩa của nó mà không vượt lên tận những chương đầu của Sách Sáng thế (chưa kể những tham chiếu các sách Cựu ước khác). Những phân tích trước đây đã chứng tỏ tham chiếu của Đức Kitô về «thuở ban đầu» có một nội dung rất rộng.
Lời phát biểu mà giờ đây chúng ta nói đến, đoạn Mt 5,27-28, chắc chắn sẽ dẫn đưa chúng ta không chỉ đến bối cảnh trực tiếp của lời nói ấy, nhưng còn dẫn đến bối cảnh rộng lớn hơn nhờ đó ý nghĩa chủ chốt của thần học về thân xác sẽ được tỏ lộ ra dần dần cho chúng ta. Phát biểu này là một trong những đoạn của Bài Giảng Trên Núi, trong đó Đức Giêsu Kitô nhìn lại cách hiểu và thực hành luật luân lí của Giao ước cũ một cách rất căn bản. Diễn từ ấy nói đến những giới răn sau đây của Thập Giới, theo thứ tự: giới răn thứ năm «chớ giết người» (x. Mt 5,21-26); giới răn thứ sáu «chớ ngoại tình» (x. Mt 5,27-32) (thật ý nghĩa ở cuối đoạn này câu hỏi về «chứng thư li dị» lại xuất hiện (Mt 5,31-32), một điều đã từng được đề cập đến ở chương trước); và giới răn thứ tám, theo bản văn sách Xuất hành (Xh 20,7): «Chớ bội thề, nhưng hãy trọn lời thề với Đức Chúa» (x. Mt 5,33-37).
Trước hết, những lời đi trước các đoạn văn ấy và những lời sau đó của Bài Giảng Trên Núi rất có ý nghĩa. Những lời mà Chúa Giêsu tuyên bố: «Anh em đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ Luật Môsê hoặc lời các Tiên tri. Thầy đến không phải để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn» (Mt 5,17). Trong những câu tiếp theo, Chúa Giêsu giải thích ý nghĩa của sự đối nghịch này và sự cần thiết phải «kiện toàn» Lề Luật nhằm để thực hiện Nước Thiên Chúa : «Ai ... tuân hành và dạy người ta tuân giữ (các giới răn ấy), thì sẽ được gọi là lớn trong Nước Trời» (Mt 5,19). «Nước Trời» có nghĩa là Nước Thiên Chúa trong chiều kích cánh chung. Kiện toàn Lề Luật là điều kiện căn bản cho Nước Trời đến trong thời gian cuộc sống con người. Tuy nhiên, vấn đề là làm sao sự kiện toàn ấy phải hoàn toàn tương ứng với ý nghĩa của Lề Luật, của Thập Giới, với từng giới răn. Chỉ sự kiện toàn đó mới xây dựng sự công chính mà Thiên Chúa - Nhà Lập Pháp muốn. Đức Kitô - vị Tôn Sư đã cảnh báo đừng giải thích toàn thể Lề Luật và từng điều răn trong đó theo lối người đời mà thiếu xây dựng sự công chính Nhà Lập Luật là Thiên Chúa muốn: «Nếu anh em không ăn ở công chính hơn các kinh sư và người Pharisêu, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời» (Mt 5,20).
2. Lời tuyên bố của Đức Kitô trong Mt 5,27-28 xuất hiện trong bối cảnh đó. Chúng tôi có ý lấy đoạn văn này như cơ sở để phân tích, xem xét nó cùng với lời tuyên bố kia ở trong Mt 19,3-9 (và Mc 10), như chìa khóa mở vào thần học về thân xác. Cũng như lời kia, lời tuyên bố này có tính chất pháp lí ràng buộc minh nhiên. Lời ấy xác nhận nguyên tắc luân lí cho con người hàm ẩn trong giới răn «chớ ngoại tình» và, đồng thời xác định một nội hàm thích hợp và đầy đủ của nguyên tắc này, nghĩa là cách thức hiểu nền tảng và điều kiện để «kiện toàn» giới răn ấy sao cho phù hợp. Điều đó phải được xét chính trong ánh sáng của Lời Chúa đoạn Mt 5,17-20, đoạn chúng ta vừa lưu ý tới trên đây. Một đàng, vấn đề ở đây là gắn bó với ý nghĩa mà Thiên Chúa Nhà Lập Luật đã đặt vào trong giới răn «chớ ngoại tình», và đàng khác, là kiện toàn «sự công chính» phía con người. Sự công chính này phải «dồi dào» trong chính con người, nghĩa là phải đạt đến mức viên mãn đặc biệt nơi con người. Đó là hai mặt của sự «kiện toàn» theo nghĩa Tin mừng.
3. Như thế chúng ta đang ở ngay giữa trung tâm của ethos, nghĩa là cái có thể được định nghĩa như là hình thái bên trong, gần như là linh hồn của luân lí con người. Các nhà tư tưởng cận đại (như Scheler chẳng hạn)[1] thấy trong Bài Giảng Trên Núi một bước ngoặt lớn trong lãnh vực ethos [1]. Một nền luân lí sống động, theo nghĩa hiện sinh, không chỉ được xây dựng bởi những luật lệ mang hình thức của những giới răn, những giới luật và lệnh cấm, như trường hợp của «chớ ngoại tình». Nền luân lí trong đó chính ý nghĩa cuả việc làm người được thể hiện, đồng thời là việc kiện toàn Lề Luật, nhờ có chủ thể sống dồi dào sự công chính. Nền luân lí ấy được thiết lập bởi nội tâm hóa các giá trị, từ đó mà xuất hiện những nghĩa vụ như biểu lộ của lương tâm, như sự đáp trả của cái «tôi» nhân vị của mình. Đồng thời ethos khiến ta bước sâu vào chính lề luật và đi sâu vào trong con người chủ thể luân lí. Để đạt đến mức đó, chỉ dừng lại ở «bề mặt» của những hành vi nhân văn thôi không đủ, nhưng còn cần phải đi sâu vào bên trong[2].
4. Ngoài giới răn «chớ ngoại tình», Thập Giới còn có «ngươi không được ham muốn vợ của ... người ta» [2]. Trong bài Giảng Trên Núi, một cách nào đó Đức Kitô đã nối kết những giới răn đó với nhau: «Ai nhìn người phụ nữ mà thèm muốn, thì trong lòng đã phạm tội ngoại tình rồi». Tuy nhiên, vấn đề không nằm ở chỗ phân biệt phạm vi của hai giới răn đó trong Thập Giới, cho bằng là làm nổi bật chiều kích của hành vi nội tâm, điều mà những lời «chớ ngoại tình» muốn nói tới. Hành vi nội tâm ấy có biểu lộ hữu hình bên ngoài nơi «hành động của thân xác», hành động nghịch với luật hôn nhân nhất phu nhất phụ mà người đàn ông và người đàn bà vi phạm. Các sách Cựu ước đưa ra những trường hợp cụ thể để giải quyết (giải nố) có mục tiêu để khảo sát cái gì làm nên «hành động của thân xác» này, theo những tiêu chuẩn bên ngoài. Chúng đồng thời vừa có ý đấu tranh chống lại tội ngoại tình, lại vừa mở ngỏ cho nó nhiều «kẽ hở» về mặt pháp lí [3]. Theo đó, trên cơ sở của nhiều sự thỏa hiệp vì “lòng dạ chai đá” (Mt 19,8), ý nghĩa của giới răn như Đấng Lập Pháp muốn đã phải chịu nhiều sự bóp méo. Người ta chỉ lo giữ luật theo công thức mà sự công chính bên trong tâm hồn thì không dồi dào. Đức Kitô dời trọng tâm của vấn đề sang chiều kích khác, Người nói: «Ai nhìn người phụ nữ mà thèm muốn, thì trong lòng đã phạm tội ngoại tình với người ấy rồi». (Theo những bản dịch cổ, thì: «trong lòng mình người ấy đã làm cho nàng thành một kẻ ngoại tình rồi», công thức này xem ra chính xác hơn) [4].
Như thế đó, Đức Kitô gọi mời đến con người bên trong của ta. Người làm thế rất nhiều lần trong nhiều hoàn cảnh khác nhau. Trong trường hợp này, điều đó xem ra khá rõ và thuyết phục, không chỉ liên quan đến sự cấu thành nên éthos Tin mừng, mà còn liên hệ cách nhìn về con người. Bởi thế, không chỉ vì lí do đạo đức học, nhưng còn vì lí do nhân học mà chúng ta nên dừng lại ở bản văn Mt 5,27-28 này để khảo sát sâu hơn, bản văn chứa những lời lẽ của Đức Kitô trong Bài Giảng Trên Núi.
Louis Nguyễn Anh Tuấn chuyển dịch
--------------------------
[1] «Ich kenne kein gradioseres Zeugnis für eine solche Neuerschliessung eines ganzen Wertbereiches, die das ältere Ethos relativiert, als die Bergpredigt, die auch in ihrer Form als Zeugnis solcher Neuerschliessung und Relativierung der älteren “Gesetzes”-werte sich überall kundgibt: “Ich aber sage euch”» (Max Scheler, Der Formalismus in der Ethik und die materiale Wertethik, Verlag M. Niemeyer, Halle a.d.S. 1921, p. 316, n. 1).
[2] Xh 20,17; Đnl 5,21.
[3] Về điều này, xin xem phần kế tiếp của suy tư hiện tại
[4] Bản văn Vulgata dịch trung thành với bản gốc: iam moechatus est eam in corde suo. Thật vậy, động từ Hy lạp moicheúo là một ngoại động từ (transitivo) [nghĩa là một động từ có đi kèm một túc từ hay bổ ngữ]. Trong khi các ngôn ngữ âu châu hiện đại động từ tương ứng (commettere adulterio/ commettre adultère/ commit adultery/ Ehebruch begehen...) là một nội động từ (intransitivo). Từ đó, có bản dịch là : «đã phạm tội ngoại tình với người ấy».
- Tiếng Ý: «...ha già commesso adulterio con lei nel suo cuore» (bản dịch do Hội Đồng Giám Mục Italia, 1971; bản dịch của Học Viện Kinh Thánh Giáo Hòang, 1961, và bản dịch do S. Garofalo, 1966, cũng tương tự);
- Tiếng Pháp: «...a déjà commis, dans son coeur, l’adultère avec elle» (Bible de Jérusalem, Paris 1973; bản dịch Đại kết, Paris 1972; Crampon); chỉ có bản dịch của Fillion dịch là: «A déjà commis l’adultère dans son coeur»;
- Tiếng Anh: «...has already committed adultery with her in his heart» (Douai Version, 1582; tương tư với Revised Standard Version, từ 1611 đến 1966; R. Knox, New English Bible, jerusalem Bible, 1966);
- Tiếng Đức: «... hat in seinem Herzen schon Ehebruch mit ihr begangen» (Einheitsübersetzung der Heiligen Schrift, im Auftrag der Bischöfe des deutschen Sprachbereiches, 1979);
- Tiếng Tây Ban Nha: «...ya cometió adulterio con ella en su corazón» (Bibl. Societ., 1966);
- Tiếng Bồ Đào Nha: «...já cometeu adulterio com ela no seu coraçaõ» (M. Soares, São Paolo, 1933);
- Tiếng Ba Lan: bản dịch cổ: «...już ja scudzołozył w sercu swoim»; bản dịch sau cùng: «...już się w swoim sercu dopuśił z nią cudzołóstwa» (Biblia Tysiąclecia).
-------------------------------------------
[1] Max Scheler (1874-1928) là triết gia đạo đức học thuộc trường phái Husserl
[2] Thuật ngữ «ethos» thường xuất hiện trong những bài huấn giáo. Nó không có nghĩa chính xác là đạo đưc học (etica) như một khoa học triết lí, càng không có nghĩa như một cách thức cụ thể của hành vi ứng xử của con người. «Ethos» đồng thời vừa là một nhận thức giá trị (từ đó mới có tri thức-ý thức về nghĩa vụ [công nhận giá trị được hấp thu]) vừa là một hành động của nhân vị, vốn có thể phù hợp hay dị nghĩa với giá trị được nhìn nhận.
[3] Đây là một khái niệm quan trọng và thường xuyên trong các bài huấn giáo của đức giáo hoàng : sự gắn kết không thể tách rời giữa nhân học và đạo đức học. Mỗi luật luân lí luôn diễn tả một chân lí về con người (nói cho đúng, đó là một chân lí nhân học), vì chân lí này đòi phải được nhìn nhận bởi tự do của nhân vị. Và ngược lại, mỗi chân lí về con người là một lề luật cho con người, chủ thể tự do.