Đồng tâm hiệp nhất trong đời sống hôn nhân
ĐỒNG TÂM HIỆP NHẤT TRONG ĐỜI SỐNG HÔN NHÂN
Nói suông thì chẳng ích lợi gì, vì lời nói bay đi khi nói xong. Điều đó càng đúng khi nói về hiệp nhất. Ngày nay, chính khách hay ca sĩ nhạc trẻ nào cũng ca tụng tình yêu, cổ võ đời sống cộng đoàn, hô hào người ta đoàn kết với nhau. Cứ nghe họ nói, chúng ta có cảm tưởng xã hội đang bước vào một thời đại mới huy hoàng, thời đại của hòa hợp và hòa bình, để rồi lại thất vọng khi đọc thấy những tiêu đề lớn trên báo chí.
Vì thực ra, đằng sau vẻ hùng biện giả tạo ấy, khuynh hướng của xã hội ngày nay không phải là hướng đến sự hiệp nhất, mà càng ngày càng hướng đến chủ nghĩa cá nhân. Rốt cuộc thời đại này là thời đại “ai làm nấy ăn”, “mạnh ai nấy sống”, mỗi người đều theo đuổi quyền lợi riêng tư của mình, chẳng cần phải quan tâm tới người khác làm gì. Một số nhà phê bình xã hội cho rằng người thời nay quá ưu tư lo lắng cho chính mình đến độ có thể gọi họ là những người theo chủ nghĩa ái kỷ mới (new narcisme :chủ trương chỉ lo cho mình, chỉ chú ý chăm sóc lấy mình).
Đứng trước một xã hội chủ trương “đường ai nấy đi” như thế, Chúa Giêsu kêu gọi dân Ngài hiệp nhất lại, hiệp nhất hết mức có thể. Lời cầu nguyện của Ngài ngày xưa cũng là lời cầu cho các Kitô hữu ngày nay nữa: “Xin cho họ nên một như Cha ở trong Con và Con ở trong Cha. Ước chi họ cũng nên một với chúng ta, để cho thế gian tin rằng Cha đã sai Con” (Ga 17,21).
Sự hiệp nhất mà Chúa Giêsu mong muốn cho các môn đệ Ngài không phải là thứ hiệp nhất rỗng tuếch chỉ nói bằng môi miệng. Đó là sự hiệp nhất thực sự và hoàn hảo giống như sự hiệp nhất giữa Ngài với Cha và Thánh Thần. Đó là sự hiệp nhất liên kết các cá nhân riêng rẽ lại thành một thân thể, có thể hoạt động chung dưới sự điều khiển của đầu. Chúa Giêsu mời gọi chúng ta hiệp nhất với nhau và với Ngài một cách trọn vẹn. Ngài mong muốn chúng ta quan hệ với nhau như anh chị em và hiệp nhất với nhau y như Ba Ngôi Thiên Chúa đã hiệp nhất với nhau vậy.
Lời mời gọi hiệp nhất đó càng trở nên tha thiết hơn đối với các Kitô hữu đã lập gia đình. Ngài muốn sự hiệp nhất vợ chồng phải là biểu hiện đặc biệt cho sự hiệp nhất trọn vẹn, thứ hiệp nhất mà Ngài mong muốn cho toàn dân Ngài. Ngài đã định cho người nam và người nữ hòa hợp với nhau trong hôn nhân, đi từ tình trạng sống như hai cá nhân riêng biệt sang tình trạng sống như một thân thể, một xác thịt. Tiến trình sinh sản của chúng ta phản ảnh mục đích ấy: nam nữ phối hợp với nhau để sinh ra mầm sống mới.
Khi mô tả việc sáng tạo nên người nam và người nữ, sách Sáng Thế nhấn mạnh ý hướng nền tảng này. Mới đầu, bài tường thuật trình bày Chúa chỉ dựng nên một mình người nam : Thiên Chúa lấy đất tạo thành người nam và thổi sinh khí vào lỗ mũi” (St 2,7). Nhưng sách Sáng Thế nói Thiên Chúa chưa hài lòng về tình trạng đơn độc của người nam : “Người nam ở một mình không tốt” (2,18). Hãy lưu ý sự tương phản giữa câu này và câu diễn tả sự hài lòng của Thiên Chúa khi việc tạo dựng hoàn tất : “Thiên Chúa thấy việc Ngài đã làm thật tốt đẹp” (1,31). Như vậy, người nam sống đơn độc một mình thì không tốt, vì chưa được đầy đủ và trọn vẹn.
“Vì thế, Thiên Chúa làm cho Ađam ngủ mê, rút ra một xương sườn của ông, đắp thịt vào, và dùng chiếc xương sườn đã lấy nơi Ađam làm thành một người nữ” (2,21-22).
Mới đọc qua, ta có cảm tưởng đoạn Kinh Thánh này đánh giá người nữ thấp quá, chỉ bằng xương sườn của người nam. Thực ra không phải như thế. Có những trường hợp tương tự như vậy, chẳng hạn như trong nền văn hóa Ả-Rập, người ta gọi người bạn thân nhất của mình là “xương sườn của tôi”. Họ vẫn hay nói : “Anh Du ở cạnh tôi đây rất tốt với tôi, anh ấy là ‘xương sườn của tôi’!”. Từ ngữ đó nói lên rằng hai người ấy rất thân với nhau, luôn đồng tâm hiệp nhất với nhau.
Cũng vậy, sách Sáng Thế dùng hình ảnh xương sườn để nói lên người nam và người nữ kết hiệp thân mật với nhau thế nào. Họ được tạo dựng cùng một bản chất, họ sống cùng một sự sống. Ađam nhận ra điều ấy ngay khi ông thức dậy nhìn thấy người nữ :“Đây là xương bởi xương tôi, và thịt bởi thịt tôi” (2,23).
Chúng ta đã biết, sự hiệp nhất cơ bản này chính là lý do khiến “người nam lìa cha mẹ để kết hợp với vợ mình, cả hai nên một xương thịt” (2,24). Trong chương trình của Chúa, hai vợ chồng không chỉ sống với nhau như hai người bạn. Họ kết hợp với nhau đểtrở nên một xương thịt. Đó là những từ ngữ rất mạnh để diễn tả tương quan thân thiện. Khi áp dụng từ ngữ “một xương một thịt”ấy vào hành động ân ái vợ chồng, Thánh Kinh muốn diễn tả : Khi thành vợ chồng, hai người trở nên một thực thể xã hội mới, mộtđơn vị xã hội thuần nhất.
“Ađam và vợ mình đều trần truồng mà chẳng hổ thẹn” (2,25). Theo chương trình nguyên thủy của Thiên Chúa về việc vợ chồng kết hợp với nhau, không có chỗ cho sự hổ thẹn, tội lỗi hay hỗn loạn. Chỉ có an bình và tự do.
Chúng ta biết rằng tình trạng tốt đẹp cũng như sự hòa hợp ban đầu này giữa hai người không kéo dài. Khi người nam và người nữ đánh mất tương quan thân thiện với Thiên Chúa, thì họ cũng đánh mất tương quan tốt đẹp đối với nhau. Sự hòa hợp với nhau và với các tạo vật khác không còn nữa. Sách Sáng Thế kể rằng, sau khi con người sa ngã, Thiên Chúa nói với người nữ : “Ta sẽ gia tăng nhiều đau khổ cho ngươi trong thời thai nghén, ngươi phải đau đớn khi sinh con, ngươi phải phục tùng chồng và chồng ngươi sẽ làm chủ ngươi” (3,16). Ngài lại nói với người nam : “Vì ngươi mà đất cũng bị nguyền rủa, nên ngươi phải cực nhọc lắm mới có của nuôi thân, Vì ngươi mà đất sẽ trổ sinh gai góc, và ngươi sẽ phải ăn những cây cỏ do đất mọc ra” (3,17-18).
Tương quan vợ chồng đã thay đổi hẳn. Trước đây, đặc điểm của đời sống chung là bình an và hiệp nhất, còn bây giờ, đời sống toàn là âu lo và thất vọng ! Ngay cả sự sống mới thành hình từ sự kết hợp thể xác giữa hai người cũng gây đau đớn cho người nữ. Đang khi đó, người nam phải chiến đấu không ngừng và cực khổ để kiếm sống.
Dấu hiệu của sự thay đổi ấy là bây giơ, hai người phải lấy lá che thân. Tự do và ngay chính là đặc điểm của tương quan giữa họ với nhau bây giờ đã tan biến. Thay vào đó là tâm trạng hổ thẹn.
Nhân loại sa ngã nên đánh mất sự hiệp nhất lý tưởng mà Chúa đã ban cho đôi vợ chồng thuở ban đầu. Ngay cả trong dân tộc được Chúa chọn, dấu hiệu của sự hiệp nhất đã bị đổ vỡ là xảy ra những vụ ly dị. Chừng nào con người chưa lập lại được sự hiệp nhất nguyên thủy với Thiên Chúa, thì họ không thể nào sống đúng theo kiểu mẫu nguyên thủy mà Chúa đã phác họa cho đời sống chung của họ.
Đó là lý do tại sao chúng ta cần thiết phải hiểu rõ những điều Chúa Giêsu dạy về hôn nhân Kitô giáo. Tin Mừng Matthêu thuật lại có vài người Biệt Phái tìm cách thử thách Chúa Giêsu. Họ hỏi Ngài : “Người ta có được phép ly dị vì một lý do nào đó chăng ?” (Mt 19,3). Họ hỏi như vậy vì lúc đó, đối với vấn đề này, chính quyền Do-Thái chia làm hai phe : một phe chỉ chấp nhận cho ly dị với những lý do rất khắt khe, còn phe kia cho phép ly dị dễ dàng. Người Biệt Phái muốn Chúa Giêsu tỏ ra ngả hẳn về một phe qua câu trả lời của Ngài, để Ngài sẽ bị phân nửa dân chúng chống đối.
Nhưng câu trả lời của Chúa Giêsu vượt khỏi những gì họ dự đoán : “Các ông chưa đọc thấy Kinh Thánh nói rằng Thiên Chúa từ ban đầu đã dựng nên loài người có nam có nữ và phán rằng : ‘Vì thế, người nam sẽ lìa cha mẹ để kết hợp với vợ mình, cả hai nên một thân thể’ sao ? Do đó, vợ chồng không còn là hai mà là một. Như vậy, sự gì Thiên Chúa đã kết hợp, loài người không được phân ly” (Mt 19,4-6).
“Cả hai nên một thân thể”. Qua lời nói này, Chúa Giêsu khẳng định lại chương trình nguyên thủy của Thiên Chúa về hôn nhân bằng một giao ước mới. Ngài nói : Vợ chồng đã trở nên một thân thể, một xương thịt, và chính Thiên Chúa ủng hộ sự hiệp nhất của họ. Chúa muốn sự hiệp nhất giữa họ được trọn vẹn, đó là phần cốt yếu trong chương trình sáng tạo của Thiên Chúa. Chúa Giêsu không chấp nhận một sự dung hòa nào trong vấn đề này. Ngài thẳng thắn xác quyết : “Bất kỳ ai ly dị và lấy người khác đều phạm tội ngoại tình, và ai lấy người vợ đã ly dị ấy cũng phạm tậi ngoại tình nữa” (19,9).
Khác với các Tin Mừng khác, khi kể chuyện trên, Tin Mừng Matthêu đã chấp nhận một lý do duy nhất để được ly dị là : “Trừ trường hợp ngoại tình” (19,9). Lý do đó đã tạo nên nhiều cuộc tranh luận quyết liệt, và các giáo phái Kitô giáo đã có những quyết định khác nhau về việc ly dị. Nhưng qua bao thế kỷ, Giáo Hội Công giáo vẫn giữ lập trường cứng rắn về việc ly dị chiếu theo lời Kinh Thánh.
Tôi rất hiểu cảnh ngộ của nhiều Kitô hữu hiện nay đã ly dị, và tôi không muốn đưa ra một phán đoán nào về hoàn cảnh riêng của mỗi người. Chỉ có Chúa và những người có trách nhiệm trong các Giáo Hội mới có quyền phán đoán. Ngày nay có rất nhiều người cử hành hôn lễ tại nhà thờ chỉ vì trên danh nghĩa họ là Kitô hữu, vì thế, người ta có thể tự hỏi rằng : có được bao nhiêu cặp vợ chồng thực sự kết hôn đúng tinh thần Kitô giáo ?
Nhưng chúng ta không nên vì những phức tạp gây ra do sự không chấp nhận ly dị mà quên đi lời dạy rõ ràng của Kinh Thánh. Kinh Thánh dạy rằng Chúa không muốn vợ chồng đánh mất sự đồng tâm hiệp nhất giữa họ với nhau. Sách Sáng Thế nói rằng đó là ý định nguyên thủy của Thiên Chúa, và các Tin Mừng về sau xác nhận lại lý tưởng ấy cho các Kitô hữu. Lời tái xác nhận ấy đã được ngôn sứ Malakhi nói trước trong Cựu Ước như sau : “... Thiên Chúa là nhân chứng giữa ngươi và người vợ ngươi lấy hồi còn trẻ... Nàng là bạn ngươi và là vợ ngươi theo giao ước. Ngài đã chẳng tạo nên hai người từ một thân thể và một tâm linh sao ?... Vậy ngươi phải bảo vệ sự sống phát xuất từ chính ngươi chứ, và đừng để sự trung thành với người vợ mà ngươi lấy từ thời thanh xuân bị gãy đổ. Bởi vì Ta rất ghét sự ly dị. Đó là lời của Thiên Chúa, Chúa của Israel phán” (Ml 2,14-16).
Về sau, Thánh Phaolô nhận ra ý nghĩa trọn vẹn của sự hiệp nhất bất khả phân ly trong hôn nhân. Ngài nói : “Đó là một bí tích thật cao quí, ở đây, tôi muốn nói về Đức Kitô và Giáo Hội” (Ep 5,12). Sự trung thành giữa vợ chồng là dấu hiệu của tình yêu vững bền giữa Thiên Chúa và Dân Ngài. Chính vì thế, Thiên Chúa mới nhấn mạnh về sự hiệp nhất của Kitô giáo. Ngài muốn hôn nhân phản ảnh tình yêu và sự sống của Ngài để thế giới có một hình ảnh cụ thể diễn tả tương quan giữa Ngài và Thân Thể Ngài là Giáo Hội.
GỢI Ý SUY NGHĨ
Tình yêu đích thực và sự hiệp nhất trong hôn nhân tương quan với nhau như thế nào ?
Yêu nhau rồi lại từ bỏ nhau thì đó có phải là tình yêu đích thực không ? Tại sao ?
(Husbands, Wives, Parents, Children: Foundations for the Christian Family,
Ralph Martin, Servant Books 1983)
Nhị Bằng chuyển dịch