ĐỜI HÔN NHÂN VÀ KHIẾT TỊNH SOI SÁNG LẪN CHO NHAU

ĐỜI HÔN NHÂN VÀ KHIẾT TỊNH SOI SÁNG LẪN CHO NHAU

1. Chúng ta tiếp tục suy tư về đề tài độc thân trinh khiết vì Nước Trời, dựa trên bản văn Tin mừng theo thánh Matthêu (19,10-12).

Khi nói về sự tiết dục vì Nước Trời và đặt nó trên cơ sở là chính mẫu gương cuộc sống của Người, Đức Kitô chắc hẳn đã ước muốn các môn đệ Người hiểu tiết dục trước hết là vì «Nước Trời», điều mà Người đã đến để loan báo và nhờ đó Người đã chỉ cho thấy những con đường ngay chính. Sự tiết dục mà Người nói đến chính là một trong những con đường ấy, và như toát ra từ bối cảnh của Tin mừng thánh Matthêu, đó là một con đường đặc biệt hợp pháp và ưu việt. Quả thật, xem trọng đời độc thân trinh khiết «vì Nước Trời» hơn là một điều hoàn toàn mới mẻ so với truyền thống của Cựu ước, và có một ý nghĩa nhất định đối với nền đạo đức (ethos) lẫn đối với thần học về thần xác.

2. Đức Kitô trong khi loan báo sứ điệp Người nhấn mạnh trước hết đến cứu cánh của sự tiết dục. Người nói lối sống khiết tịnh mà chính Người sống như làm mẫu mực không những hiện hữu mà còn có thể hiện thực, và nhất là nó đặc biệt có giá trị và quan trọng «vì Nước Trời». Nó hợp pháp và quan trọng như thế là vì chính Đức Kitô đã chọn bậc sống ấy bởi tự nó. Và nếu như nó hợp pháp và quan trọng như thế, thì bậc độc thân khiết tịnh vì Nước Trời phải mang một giá trị riêng. Như chúng ta đã nhắc đến trước đây, Đức Kitô đã không đối diện với vấn đề ở trên cùng một bình diện và một lối lí luận của các môn đệ khi họ nói: «Nếu phận làm chồng mà phải như thế... thì thà đừng lấy vợ còn hơn» (Mt 19,10). Hậu cảnh những lời họ nói ẩn chứa một thứ chủ nghĩa duy lợi nào đó. Trái lại, Đức Kitô qua câu trả lời gián tiếp Người đã cho thấy rằng, một đàng nếu hôn nhân trung thành với định chế nguyên thủy của Đấng Tạo Hóa (chúng ta nhớ là khi bàn về chuyện này Đức Giêsu đã nại đến «thuở ban đầu») thì hoàn toàn phù hợp và có giá trị vì Nước Trời, là một giá trị nền tảng, phổ quát và thông thường, thì đàng khác độc thân khiết tịnh vì Nước Trời có một giá trị đặc thù và «khác thường». Dĩ nhiên, sự tiết dục đó là một lựa chọn có ý thức bởi những lí do siêu nhiên.

3. Nếu trong phát biểu của mình Đức Kitô đề cao, trước hết, cứu cánh siêu nhiên của bậc sống khiết tịnh ấy, thì đó không chỉ với ý nghĩa khách quan mà rõ ràng còn theo nghĩa chủ quan. Như thế có nghĩa là, Người cho thấy cần có một động lực vừa phù hợp vừa đầy đủ tương ứng với cứu cánh khách quan diễn tả bởi thành ngữ «vì Nước Trời». Để thực hiện cùng đích ấy – nghĩa là để khám phá lại nơi bậc sống khiết tịnh ấy tính phong nhiêu thiêng liêng đặc thù trào xuất từ Chúa Thánh Thần – cần yêu mến và chọn bậc sống đó nhờ một đức tin sâu sắc, vốn không những biểu lộ Nước Thiên Chúa trong tình trạng thành tựu mai sau của nó, mà còn đặc biệt giúp ta có thể gắn chặt mình với chân lí và thực tại Nước ấy, một Nước như đã được Đức Kitô mạc khải trong Tin mừng của Người và nhất là với gương mẫu đời sống và hành động của chính Người. Vì thế, người ta nói, đời sống tiết dục «vì Nước Trời» - như là một dấu chỉ của «đời sau» - hàm ẩn trước hết tự bên trong mầu nhiệm thân xác được cứu chuộc (cfr. Lc 20,35), và theo nghĩa này, cách riêng nó có đặc tính giống như cuộc đời Đức Kitô. Ai có ý thức chọn lựa đời sống trinh khiết ấy, theo một nghĩa nào đó, là đã chọn tham dự cách đặc biệt vào mầu nhiệm (thân xác được) cứu chuộc; người ấy muốn thực hiện điều đó cách đặc biệt, có thể nói là, nơi chính thân xác mình (cfr. Cl 1,24), đồng thời cũng tìm thấy ở đó dấu ấn họa ảnh của Đức Kitô.

4. Tất cả những điều này muốn nói đến động cơ của sự chọn lựa (hay đúng hơn muốn nói đến cứu cánh của nó theo nghĩa chủ quan): khi chọn sống khiết tịnh vì Nước Trời, con người «phải» để mình được hướng dẫn bởi chính động lực ấy. Về việc này, Đức Kitô không nói đó là điều buộc phải làm (vấn đề không phải là một nghĩa vụ phải làm xuất phát từ một giới răn). Thế nhưng, chắc chắn những lời lẽ súc tích Người đã nói về bậc sống tiết dục tự nguyện «vì Nước Trời» trên đây đã nhấn mạnh quyết liệt đến chính động lực bên trong của chọn lựa ấy. Những lời ấy nêu bật động lực «vì Nước Trời» (nói lên cứu cánh mà chủ thể ý thức) cả trong phần thứ nhất của toàn cảnh cuộc phát biểu, lẫn trong phần thứ hai, đồng thời cho thấy vấn đề ở đây là một chọn lựa đặc biệt: chọn một ơn gọi ngoại thường, hơn là ơn gọi chung và thông thường. Khởi đầu, trong phần thứ nhất của phát biểu Đức Kitô nói đến một sự hiểu biết («không phải ai cũng hiểu được câu nói ấy, nhưng chỉ những ai được cho hiểu thì mới hiểu»: Mt 19,11); ở đây vấn đề không phải là một sự «hiểu biết» trừu tượng chung chung, mà đúng hơn đó là một sự hiểu biết có tác động lên quyết định, chọn lựa cá nhân, trong đó «ơn» Chúa, hay là ân sủng, phải có âm vang thích hợp trong ý chí hay ước muốn của con người. Sự «hiểu biết» đó có liên hệ đến động lực. Tiếp đến, động lực tác động lên chọn lựa sống khiết tịnh, được chấp nhận sau khi đã hiểu ý nghĩa «vì Nước Trời» là gì. Trong phần thứ hai của phát biểu Đức Kitô tuyên bố con người «tự nguyện» không kết hôn khi chọn sống khiết tịnh vì Nước Trời và làm bậc sống ấy trở thành hoàn cảnh sống căn bản hoặc là hoàn cảnh của toàn thể cuộc sống trần gian của mình. Trong một quyết định kiên vững như thế phải có một động lực siêu nhiên, từ đó đã nảy sinh chính quyết định. Động lực ấy tồn tại, và đồng thời đổi mới, liên tục.

5. Trên đây chúng ta đã chú ý đến ý nghĩa đặc thù của lời khẳng định sau cùng này. Nếu như trong trường hợp trích dẫn trên đây, Đức Kitô nói đến sự tự nguyện tiết dục, Người không chỉ nêu lên sức nặng đặc biệt của quyết định này, vốn được lí giải bằng một động lực phát xuất từ một đức tin sâu xa, nhưng còn không hề cố che dấu đi nỗi khó nhọc của quyết định ấy cùng những hệ quả dai dẳng của nó, đối với những khuynh hướng bình thường (nhưng cao quí) của bản tính con người.

Khi nhắc đến «thuở ban đầu» của tạo dựng hôn nhân chúng ta khám phá ra nét đẹp nguyên thủy của ơn gọi của con người, của người nam và của người nữ. Ơn gọi xuất phát từ Thiên Chúa và tương ứng với cấu trúc lưỡng tính của con người, ơn gọi cũng bao hàm tiếng gọi hướng tới sự «hiệp thông các ngôi vị». Khi rao giảng bậc sống khiết tịnh vì Nước Chúa, Đức Kitô không những loan báo một điều ngược với truyền thống Cựu ước, theo đó hôn nhân và sinh sản vốn là một đặc ân về tôn giáo, nhưng theo nghĩa nào đó, Người còn đi ngược lại với «thuở ban đầu» mà Người đã nhắc tới, và có lẽ vì thế Người đã triệt tiêu chính những lời của mình bằng một «luật thông hiểu» đặc biệt, mà ta đã nhắc tới ở trên đây. Khi phân tích cái «thuở ban đầu» (nhất là từ bản văn Yahvist) ta đã thấy rằng, quả thật, dẫu có thể quan niệm con người đơn độc trước mặt Thiên Chúa, nhưng chính Thiên Chúa đã lôi con người ra khỏi tình trạng «cô đơn» này khi Ngài nói: «Con người ở một mình thì không tốt, Ta sẽ làm cho nó một trợ tá tương xứng với nó» (St 2,18).

6. Như thế, cấu trúc nhân tính với lưỡng giới nam-nữ và sự hiệp nhất lưỡng giới dựa trên cơ sở ấy, «từ thuở ban đầu», tức là từ chính nền tảng chiều sâu hữu thể, vẫn là công trình của Thiên Chúa. Và  Đức Kitô, khi nói về đời khiết tịnh «vì Nước Trời», Người cũng vẫn nhìn thấy thực tại này trước mắt mình. Không phải không có lí Người nói điều ấy (theo Matthêu) trong bối cảnh trực tiếp hơn, bối cảnh trong đó Người nại tới chính «thuở ban đầu», nghĩa là khởi nguyên thần linh của hôn nhân trong tạo thành chính con người.

Trên cơ sở những lời của Đức Kitô người ta có thể khẳng định rằng không những hôn nhân giúp chúng ta hiểu bậc trinh khiết vì Nước Trời, mà chính bậc trinh khiết còn soi sáng cách đặc biệt trên hôn nhân trong viễn tượng mầu nhiệm tạo dựng và cứu chuộc.


Lm. Luy Nguyễn Anh Tuấn chuyển dịch