ĐỘC THÂN KHIẾT TỊNH: LỜI TỪ KHƯỚC VÌ TÌNH YÊU

ĐỘC THÂN KHIẾT TỊNH: LỜI TỪ KHƯỚC VÌ TÌNH YÊU

1. Chúng ta tiếp tục suy tư những lời của Đức Kitô nói về sự khiết tịnh «vì Nước Trời».

Không thể hiểu một cách đầy đủ ý nghĩa và đặc tính của đời sống độc thân khiết tịnh, nếu như diễn ngữ «vì Nước Trời» trong phát biểu của Đức Kitô (Mt 19,12) chưa được bổ túc cho đầy đủ bằng một nội dung thích hợp, cụ thể và khách quan. Chúng ta đã nói trước đây rằng diễn ngữ ấy diễn tả lí do, hay theo một nghĩa nào đó, nhấn mạnh cái cùng đích chủ quan của lời mời gọi sống khiết tịnh từ Đức Kitô. Tuy nhiên, diễn ngữ ấy tự nó có tính khách quan, thực ra nó chỉ đến một thực tại khách quan, bởi đó mà có những  con người, là nam hay nữ, có thể tự ý muốn «yêm hoạn» (theo kiểu dùng từ của Đức Kitô). Trong lời phát biểu của Đức Kitô theo Mt 19,11-12, thực tại «Nước Trời» được xác định một cách vừa chính xác vừa tổng quát, nghĩa là người ta có thể hiểu tất cả các xác quyết và những ý nghĩa riêng của thực tại ấy.

2. «Nước Trời» có nghĩa là «Nước Thiên Chúa», Nước mà Đức Kitô đã rao giảng trong sứ vụ sau cùng của Người, tức là sứ vụ cánh chung. Đức Kitô rao giảng Nước ấy trong khi thực hiện hay thiết lập nó cách lâm thời, đồng thời tiên báo sự hoàn tất cánh chung của Nước ấy. Thiết lập lâm thời Nước Thiên Chúa đồng thời có nghĩa là khai mạc Nước ấy và chuẩn bị cho sự hoàn tất sau cùng. Đức Kitô kêu gọi và theo nghĩa nào đó, Người mời gọi tất cả mọi người đi vào Nước ấy (x. dụ ngôn Tiệc cưới: Mt 22,1-14). Nếu Người kêu gọi một số người sống độc thân khiết tịnh «vì Nước Trời», từ nội dung của diễn ngữ ấy ta thấy rằng Người gọi riêng họ tham dự vào công cuộc thiết lập Nước Thiên Chúa trên trần gian, nhờ đó mà giai đoạn sau cùng của «Nước Trời» được khởi sự và chuẩn bị.

3. Theo nghĩa đó chúng ta đã nói rằng ơn gọi ấy mang một dấu chỉ đặc biệt của mầu nhiệm cứu chuộc thân xác. Như vậy, khi chọn đời sống khiết tịnh vì Nước Thiên Chúa, như chúng ta đã nói, là người ta minh nhiên từ bỏ chính bản thân, mang lấy thập giá mình hằng ngày và bước theo Đức Kitô (x. Lc 9,23), điều đó hàm nghĩa là có thể đi đến mức chối từ có một cuộc sống hôn nhân và gia đình riêng tư cho chính mình. Tất cả xuất phát từ niềm tin rằng bằng cách đó người ta có thể góp phần chính yếu cho việc thực hiện Nước Thiên Chúa ở trần gian hướng tới viễn tượng hoàn tất cánh chung. Trong đoạn Mt19,11-12 Đức Kitô nói cách chung rằng tự nguyện từ khước hôn nhân nhằm mục đích đó, mà không mô tả chi tiết về khẳng định đó. Trong lời phát biểu thứ nhất về chủ đề này, Người chưa xác định nhiệm vụ cụ thể nào đòi hỏi cần thiết phải tự nguyện sống khiết tịnh, để thực hiện Nước Thiên Chúa trên trần gian và để chuẩn bị cho sự hoàn tất tương lai của Nước ấy. Chúng ta sẽ nghe một điều gì đó nữa về chuyện này từ Phaolô thành Tarsô (1Cr 7) và phần còn lại sẽ được bổ túc bởi đời sống của Hội thánh trải qua dòng lịch sử, được dòng Truyền thống xác thực đảm nhận.

4. Trong lời Đức Kitô nói về đời sống khiết tịnh «vì Nước Trời», chúng ta không thấy một chỉ dẫn chi tiết nào cho phép ta hiểu như thế nào về chính «Nước» này (dù là thể hiện ở phạm vi trần thế, hay hoàn tất sau cùng thời cánh chung) trong tương quan đặc biệt và«ngoại lệ» với những người tự ý chấp nhận «yêm hoạn» vì Nước Trời.

Cũng không thấy có nói tới bởi khía cạnh đặc biệt nào của thực tại Nước Trời, mà những người tự nguyện «yêm hoạn» kết hợp với Nước đó. Quả thật, rõ ràng Nước Trời dành cho hết mọi người: cả những ai «cưới vợ lấy chồng» cũng có liên hệ đến Nước Trời ở trần gian (và ở trên trời). Đối với mọi người, Nước Trời là «vườn nho của Chúa» ở đây, nơi thế giới này, người ta phải làm việc. Để rồi, sau đó, mới được bước vào «nhà Cha» trong cuộc sống muôn đời. Vậy, Nước ấy là gì đối với những người tự nguyện chọn sống độc thân khiết tịnh vì Nước ấy?

5. Hiện giờ chúng ta không thấy, trong lời Đức Kitô ở đoạn Mt 19,11-12, có giải đáp nào cho câu hỏi này. Xem ra điều ấy cần được tìm hiểu trong tương quan với toàn thể lời phát biểu. Câu trả lời của Đức Kitô cho các môn đệ cho thấy Người không suy nghĩ và đánh giá giống như họ, là những người tỏ lộ ít là cách gián tiếp theo chủ nghĩa duy lợi trong vấn đề hôn nhân («Nếu sự thể là như thế... thì thà đừng kết hôn còn hơn»: Mt 19,10). Thầy Giêsu tách biệt hẳn mình ra khỏi kiểu đặt vấn đề như thế, và trong khi nói về đời độc thân khiết tịnh «vì Nước Trời» Người không cho thấy tại sao đáng phải từ khước hôn nhân như thế, để sao cho không bị các môn đệ hiểu lầm theo hướng duy lợi. Người chỉ nói đôi khi cần đến, nếu không nói là tất yếu phải có, lối sống tiết dục như thế vì Nước Thiên Chúa. Và như thế Người cho thấy đời độc thân khiết tịnh, trong Nước mà Đức Kitô rao giảng và mời gọi sống, tự nó có một giá trị đặc biệt. Ai tự ý chọn đời độc thân khiết tịnh phải chọn lựa để sao cho liên hệ đến giá trị ấy của ơn gọi, chứ không bởi bất cứ một tính toán nào khác.

6. Trọng âm cung điệu của câu trả lời của Đức Kitô, nói trực tiếp đến chuyện tiết dục vì Nước Trời, có thể được tham chiếu (cách gián tiếp) cả đến vấn đề hôn nhân trước đó (Mt19,3-9). Khi xem xét toàn bộ lời phát biểu (Mt 19,3-11), theo ý hướng căn bản của Đức Kitô, câu trả lời có lẽ là như sau : nếu ai chọn sống đời hôn nhân, thì phải chọn phù hợp với ý định của Đấng Tạo Hóa thiết lập hôn nhân ngay «từ thuở ban đầu», phải tìm ở đó những giá trị tương ứng với kế hoạch của Thiên Chúa ; còn ai quyết định chọn theo lối sống khiết tịnh vì Nước Trời thì phải tìm kiếm ở đấy những giá trị riêng của ơn gọi ấy. Nói cách khác: mỗi người phải sống phù hợp với ơn gọi đã chọn.

7. «Nước Trời» hẳn là thành tựu sau cùng của những khát vọng của mọi người, là đích đến của sứ điệp rao giảng của Đức Kitô : là sự thiện viên mãn mà tâm hồn con người khao khát ở bên kia giới hạn của tất cả những gì có thể là số phận của con người trong trần gian, là viên mãn cực đại của sự thỏa mãn của con người từ phía Thiên Chúa. Trong cuộc đối chất với những người Sađucêu (Mt 22,24-30; Mc 12,18-27; Lc 20,27-40), mà chúng ta đã phân tích trước đây, chúng ta thấy những đặc điểm khác về «Nước Trời», đúng hơn về «đời sau». Còn nhiều nữa trong những nơi khác trong Tân ước. Tuy nhiên, để thấy rõ hơn Nước Trời là gì cho những người tự ý chọn sống khiết tịnh vì Nước ấy, có lẽ nên xét đến mạc khải về mối quan hệ hôn phối của Đức Kitô với Hội thánh có một ý nghĩa đặc biệt. Trong số các văn bản liên quan, bản văn Ep 5,25 tt. là quan trọng nhất, ta nên dùng làm nền tảng, nhất là khi xem xét vấn đề tính bí tích của hôn nhân.

Bản văn này có cùng giá trị đối với thần học về hôn nhân cũng như thần học về sự khiết tịnh «vì Nước Trời», nghĩa là thần học về đời sống độc thân trinh khiết. Có vẻ như chính trong bản văn này chúng ta tìm thấy được những điều khá cụ thể Đức Kitô đã nói với các môn đệ Người, khi mời gọi họ sống khiết tịnh tự nguyện «vì Nước Trời».

8. Trong bài phân tích này ta đã nhấn mạnh khá đủ rằng những lời hết sức cô đọng của Đức Kitô kia là nền tảng, đầy đủ nội dung cốt yếu và hơn nữa có tính khá nghiêm khắc. Chắc chắn là lời Đức Kitô loan báo kêu gọi sống khiết tịnh trong viễn tượng của «đời sau», thế nhưng trong lời mời gọi ấy Người nhấn mạnh đến tính thực tế lâm thời của quyết định sống khiết tịnh đó, quyết định liên hệ tới ý muốn tham dự vào công trình cứu chuộc của Đức Kitô.

Như thế, trong ánh sáng của những lời Đức Kitô trong Mt 19,11-12, nổi lên trước hết chiều sâu và sự nghiêm túc của của quyết định sống khiết tịnh «vì Nước Trời», và sự khước từ hàm ẩn trong quyết định ấy cũng được tỏ lộ.

Hẳn là qua tất cả những điều này, qua sự nghiêm túc và chiều sâu của quyết định này, qua sự nghiêm ngặt và trách nhiệm nó hàm chứa, tình yêu tỏa sáng rạng rỡ: tình yêu như là sự sẵn sàng chỉ dâng hiến chính mình «vì Nước Trời». Thế nhưng, trong lời của Đức Kitô tình yêu ấy dường như bị che khuất bởi những gì được đặt ở hàng đầu. Đức Kitô không giấu diếm các môn đệ rằng chọn lựa sống khiết tịnh «vì Nước Trời» (nhìn trong các phạm trù trần thế) là một sự từ khước. Cách nói ấy Người nói với các môn đệ, vốn diễn tả rõ ràng sự thật của giáo huấn của Người và những đòi hỏi hàm chứa trong đó, rất ý nghĩa cho toàn bộ Tin mừng. Chính cách nói ấy cho một dấu ấn và một sức mạnh thuyết phục như thế.

9. Chính từ trái tim con người chấp nhận những đòi hỏi, dù rất khó khăn, nhân danh tình yêu vì một lý tưởng và nhất là nhân danh tình yêu đối với con người (thực ra tình yêu tự yếu tính hướng đến nhân vị). Và do đó, trong ơn gọi sống khiết tịnh «vì Nước Trời» này, trước hết chính các môn đệ và kế đến toàn thể Truyền thống sống động của Hội thánh sẽ sớm khám phá tình yêu đối với chính Đức Kitô như là Đấng Phu Quân của Hội thánh, Đức Lang Quân của linh hồn, Người đã hiến ban chính mình đến cùng, trong mầu nhiệm Vượt Qua và Thánh Thể.

Bằng cách đó, chọn sống khiết tịnh «vì Nước Trời», bậc sống độc thân trinh khiết suốt đời, trong kinh nghiệm của các môn đệ và của những người theo chân Đức Kitô đã trở thành một lời đáp trả đặc biệt cho tình yêu của Đấng Phu Quân Thần linh, và như thế đã có được ý nghĩa của một hành vi yêu thương phu thê. Nghĩa là một hiến dâng chính mình trong hôn nhân, nhằm đến sự trao nhận tình yêu phu thê cách riêng với Đấng Cứu Chuộc. Hiến thân hiểu như một từ khước, nhưng trên hết vì yêu.

Lm.Luy Nguyễn Anh Tuấn chuyển dịch