Đề tài Tháng 9-2009: Đức Kitô: Vị mục tử rất qúi trọng tình bạn

Đề tài Tháng 9-2009: Đức Kitô: Vị mục tử rất qúi trọng tình bạn

 

ĐỀ TÀI THÁNG 09-2009
GIỚI GIA TRƯỞNG

 
Đức Kitô: Vị mục tử rất qúi trọng tình bạn: 
“ Lazarô bạn của chúng ta đang an giấc” . (Ga 11,11).

Kính thưa quí vị Gia Trưởng

Tháng 09 cũng là dịp con cái chúng ta trở về với mái trường. Chúng gặp gỡ lại thầy cô và bạn bè, lại tiếp tục với đèn sách – “mài dùi kinh sử” để mong sao trở thành những người con ngoan trò giỏi. Đây cũng là dịp nhắc nhớ chúng ta về những tình bạn đã rảo qua trong cuộc đời của mình.

Quý vị gia trưởng thân mến, trong cuộc sống, không ai là người không có bạn, từ những bậc cao niên lớn tuổi, những bạn trẻ đầy sức sống, hoạt động trên mọi lãnh vực, đến những em thiếu nhi. Tình bạn đóng một vai trò rất quan trọng thậm chí không thể thiếu trong những sinh hoạt thường ngày kể cả trong đời sống của người Kitô hữu.

Chúa Giêsu là vị mục tử nhân lành, ngài đã đến trần gian thực hiện sứ vụ cứu độ theo thánh ý của Cha ngài, Ngài vừa là Chúa, vừa là Thầy lại còn là người bạn của chúng ta nữa.
 
1. Câu chuyện dẫn nhập.

Một chàng trai thanh niên nọ, trong lúc anh ta đang gặp nhiều niềm vui, may mắn, anh ra bờ biển để dạo mát. Chúa hiện đến với anh như một người bạn cùng song hành, rảo bước với anh trên bờ cát trắng mông mênh. Hai thầy trò cùng chia sẻ, tâm sự, rồi sau đó Chúa biến đi. Sau đó một thời gian, chàng thanh niên đó gặp phải những đau khổ, những nỗi thất vọng chán trường. Để làm lắng dịu phần nào những nỗi đau khổ đang trào dâng trong tâm hồn Cậu. Cậu lại ra bờ biển để đi dạo, Cậu nghĩ trong lòng rằng: Chắc chắn hôm nay Chúa sẽ hiện đến để nâng đỡ, an ủi mình. Lê gót từng bước, từng bước thầm, đi mãi mà chẳng thấyChúa đến. Cậu cảm thấy bất mãn, tại sao Chúa lại vô tình thế, lẳng lặng như những đợt sóng cuồn cuộn đổ ập vào bờ, thế là hết. Đang lúc Cậu miên man suy nghĩ như vậy, Chúa hiện đến cùng song hành với Cậu. Cậu cũng đã tâm sự về những nỗi bức súc của mình. Chúa đã ân cần cắt nghĩa cho Cậu, Ngài nói:“ Con hãy nhìn kỹ xem, những vết chân nặng nề hằn trên cát này là của ai?”. Cậu thật sững sốt khi đặt bàn chân của mình trên những dấu chân vừa in trên cát, thì quả thật, đúng là không phải dấu chân của mình. Chúa đã cắt nghĩa cho Cậu. “Khi con gặp niềm vui, hạnh phúc, Cha cùng song hành với con, nhưng khi con gặp buồn phiền, đau khổ, Cha đã vác con trên vai”. Lúc đó Chúa đặt bàn chân Chúa trên những dấu chân vừa in trên cát, thật vừa vặn, quả thật đúng là bàn chân của Chúa.

2. Khai triển lời Chúa.

Chúa Giêsu Ngài chính là vị mục tử thật tuyệt vời, đầy lòng nhân hậu, bao dung, quảng đại, hết tình phục vụ cho con người; không những về phần hồn, để được ơn cứu độ, làm cho con người được sống và sống dồi dào, Ngài còn quan tâm đến nỗi đau khổ thể xác của con người. Rảo thoáng trong kinh Thánh Tân Ước mà bốn Thánh sử đã ghi lại. Chúa đã xua trừ ma quỉ, chữa lành những bệnh hoạn tật nguyền của dân chúng, để nâng đỡ, an ủi, bổ sức cho con người cả xác lẫn hồn. Câu chuyện trong chủ đề này đã gợi lên cho chúng ta thấy rõ điều đó. Lazarô là em của Matta và Maria, trú ngụ tại Betania, nơi mà Chúa đến thăm nhiều lần. Lazarô bị đau nặng và qua đời, Chúa và các môn đệ trở lại nơi này. Để an ủi, nâng đỡ hai người chị là Matta và Maria. Chúa đã coi Lazarô như một người bạn. Ngài nói: “Lazarô bạn của chúng ta đang an giấc”. Ý Chúa muốn nói là Lazarô đã chết Chúa thật cảm động với cái chết của Lazarô cũng như cảm thông sâu xa với nỗi đau buồn của Matta và Maria khi phải vĩnh biệt người em yêu quí. Qua sự tin tưởng tuyệt đối của hai chị em vào Chúa. Chúa đã làm cho Lazaro đã chết bốn ngày được sống lại. Trước sự chứng kiến của nhiều người. Qua quyền năng và tình yêu của Chúa, nhiều người đã tin vào Chúa.

Chúa đã đối xử với các tông đồ, với những người thân tín, với mỗi người chúng ta như là một người bạn. Dùng danh từ “Bạn” để nói lên một cái gì đó thật thân tình, thật gần gũi, có thể chia sẻ với nhau mọi sự. Manzoni có nói “Một trong những hạnh phúc lớn của đời sống là tình bạn và một trong những hạnh phúc của tình bạn là một người để gửi gắm một bí mật, một tâm tư”. Chúa Giêsu, vị tử nhân lành, Ngài chính là người bạn, một người bạn thật gần gũi, luôn quan tâm, lo lắng chăm sóc, huấn luyện những con cái của Ngài.

Chúa đã gọi các môn đệ của Ngài là bạn. “Thầy không gọi anh em là Tôi Tớ vì Tôi Tớ không biết việc chủ làm, nhưng thầy gọi anh em là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy nghe được nơi Cha thầy, thầy đã cho anh em biết”. (Ga 15,15). Kể cả Giuda, là môn đệ đã bán Chúa, Chúa cũng gọi là bạn (Mt 26,50). Chúa đã dùng bữa chung với những người tội lỗi, đồng bàn với họ như một người bạn (Lc 5, 29 - 32) Chúa Giêsu là người để những người bạn hữu khó tính đến quấy rầy (Lc 11, 5 – 8). Chúa cho những người thi hành Thánh ý Chúa đó chính là Mẹ, là anh em của Chúa, được hiểu là những người thân thiết như một người bạn. Chúa còn là bạn hữu của các trẻ em, Ngài gần gũi, yêu thương, ban ơn cho chúng. (Mt 19, 13 – 15).
 
3. Người gia Trưởng noi gương Đức Giêsu là vị mục tử thế nào?

Người gia trưởng hãy noi gương Chúa Giêsu sống hiền lành, khiêm nhường; hãy cảm thông, quảng đại, phục vụ gia đình trong yêu thương; coi người vợ là người bạn trong sự tôn trọng, hợp tác; cùng chia sẻ trong nhiệm vụ giáo dục con cái; hãy hướng dẫn, nâng đỡ con cái, gần gũi chúng như người bạn. Và trên hết, làm sao để Đức Kitô vị mục tử hiện diện trong mình, hướng dẫn cuộc đời của mình, để nên gương sáng cho con cái nhất là về đời sống đức tin.
 
4. Kết luận

Người gia Trưởng là thuyền Trưởng của một con tàu, là nhạc trưởng của một ban hợp ca, là thầy dạy đức tin của mỗi gia đình, đó chính là một Hội Thánh tại gia.

Ước mong mỗi gia trưởng chúng ta mỗi ngày mỗi giống Chúa Giêsu mục tử hơn, để thánh hoá chính mình và đem lại lợi ích cho tha nhân, làm cho Hội Thánh được thăng tiến và phát triển.
 
Thân ái chào quý vị
Ban Đặc Trách Gia Trưởng Giáo Phận Xuân Lộc.