Đề tài tháng 12: Mầu nhiệm tự hủy của mục tử Giêsu

Đề tài tháng 12: Mầu nhiệm tự hủy của mục tử Giêsu

 

 

 
ĐỀ TÀI GIA TRƯỞNG: THÁNG 12- 2009
 
MẦU NHIỆM TỰ HỦY CỦA MỤC TỬ GIÊSU
 
Kính thưa quý vị gia trưởng!

Mùa vọng lại về. Giáo Hội mời gọi chúng ta dọn mình đón mừng mầu nhiệm Ngôi Hai Thiên Chúa nhập thể làm người - mầu nhiệm tự hủy của Chúa Giêsu. Người là Thiên Chúa vô hình trở nên hữu hình, vô hạn chấp nhận hữu hạn trong không gian và thời gian. Tất cả chỉ “vì loài người chúng ta và để cứu độ chúng ta”. Thật thế, thánh Phaolô đã viết: “Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa, mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế…” (Pl 2,6-8)  

I. Câu chuyện dẫn nhập

Cha Lagrange (1855-1938) là một linh mục Dòng Đaminh rất am tường Thánh Kinh. Người ta nói: cho đến nay, chỉ có ngài là sánh kịp với thánh Giêrônimô về chuyên môn ấy.

Còn cha Teilhard de Chardin, một linh mục Dòng Tên (1881-1955), cũng là một khoa học gia tên tuổi, đã viết nhiều tác phẩm lừng danh về khoa học, thần học lẫn triết lý, tu đức.

Khi các tác phẩm của hai linh mục danh tiếng này bắt đầu xuất bản, thì có một vài điểm trong đó bị dư luận xuyên tạc, hiểu lầm, khiến Thánh Bộ Đức Tin phải yêu cầu các ngài ngưng ngay việc phổ biến chung, đồng thời đề nghị hai vị tìm cách giải thích những chủ trương, tư tưởng mới lạ của mình sao cho phù hợp với Giáo Lý Công Giáo, tránh sự hiểu lầm lạm dụng …

Đã là người, ai lại không có tự ái! Với lại, các đấng đâu phải là những người tầm thường: một đấng thì có uy tín nhất về Thánh Kinh trên toàn thế giới (chính ngài xây dựng trường khảo cổ Thánh Kinh tại Giêrusalem và giữ chức vụ giám đốc); một đấng thì lừng danh ở cả Châu Âu lẫn Châu Á về những nghiên cứu khoa học. Thế nhưng, các ngài vẫn khiêm tốn vâng lời Tòa Thánh, thinh lặng chờ đợi và tiếp tục nghiên cứu, mặc cho báo chí bên ngoài khai thác rùm beng…

Sau nhiều năm đào sâu thêm vấn đề, sắp xếp và giải thích các chi tiết cần thiết, các tác phẩm của các ngài đã được Tòa Thánh cho phép xuất bản và thành công rực rỡ. Mọi người, mọi giới đều ca ngợi sự thông thái của các ngài, nhưng nhất là khâm phục lòng khiêm tốn vâng lời của các ngài đối với Tòa Thánh. (Trích trong “Đường Hy Vọng” )

Có thể nói, cha Lagrange & cha Teilhard de Chardinđã noi gương Chúa Giêsu mục tử chí thánh mà sống mầu nhiệm tự hủy như Người, bỏ ý riêng để tuân hành ý Chúa qua ý Mẹ Giáo Hội.

II. Mầu nhiệm tự hủy nơi Chúa Giêsu

Chiêm ngắm cuộc dương thế của Chúa Giêsu, chúng ta thấy cả một chuỗi tháng ngày dài “bỏ mình” của Người: sinh ra nơi hang bò lừa & nằm trong máng cỏ hôi tanh (x.Lc 2,12); sinh sống và lớn khôn ở ngôi làng Nazarét, một địa danh bị coi khinh là “chẳng có chi tốt đẹp” (x.Ga 1,46); hạ mình cho Gioan dìm mình xuống nước sông Giođan như một tội nhân (x.Lc 3,21); bằng lòng trở nên bằng hữu của mười hai môn đệ còn rất nặng tính phàm trần, và thậm chí còn vui lòng quỳ gối rửa chân cho các ông như một đầy tớ; cả đến lúc cuối đời cũng vẫn còn cam lòng chịu chết nhục nhã giữa hai tên gian phi & để cho người ta an táng xác mình nhờ nơi mộ phần của Giuse Arimathia (x.Mt 27,60)…

Như thế, toàn bộ Tin Mừng cho ta hay: Chúa Giêsu khiêm hạ & tự hủy suốt trọn cuộc đời để hoàn tất chương trình cứu độ lớn lao mà Chúa Cha ủy thác cho Người vì yêu ta.

III. Những mẫu gương mùa vọng sống mầu nhiệm tự hủy         

Thánh Kinh cho ta ba gương mẫu thật sáng ngời:

Mẹ Maria: Dù không hiểu hết ý định của Thiên Chúa, nhưng trước lời sứ thần Gabriel giải thích “không có gì mà Thiên Chúa không làm được”, Mẹ đã một niềm tín thác thân thưa “này tôi là tôi tá Chúa, tôi xin vâng…” (x.Lc 1,26-38). Lời “này tôi là tôi tá Chúa” ấy vừa nói lên sự khiêm tốn, xem mình là không, vừa tỏ bày lòng ước nguyện nhận lấy thân phận “tôi tá Giavê” cho chính mình (x.Is 42.49.50). Nói khác đi, Chúa Giêsu - Tôi Tớ Giavê đích thực - vâng phục thế nào, thì Mẹ Người cũng ước ao vâng phục thế ấy. Chúa Giêsu tự hạ & tự hủy thế nào, thì Mẹ Người cũng mong sao hạ mình & hủy mình thế ấy để hiệp công với Con cứu độ nhân loại…

Thánh Cả Giuse: Dù có toan tính cá nhân là “định tâm lìa bỏ Đức Maria cách kín đáo”, nhưng trước đề nghị “này Giuse… đừng ngại đón Maria vợ ông về, vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần”, thánh Giuse đã sẵn sàng bỏ mọi ý riêng để hủy mình ra không hầu thi hành những điều Chúa muốn (x.Mt 1,18-22). Rồi từ bước khởi sự bỏ mình ấy, Thánh Cả lại tiếp tục quên mình “làm như sứ thần Chúa truyền” khi đem gia đình sang Ai Cập lánh nạn & lúc đưa gia đình về lại Nazarét để có cuộc sống bình yên (x.Mt 2,13-23)…

Thánh Gioan Tẩy Giả: Dù đang đầy sức lôi cuốn bao người đến với mình để rao giảng & cử hành phép rửa sám hối cho họ, nhưng thánh Gioan không quên phận mình, ngài khiêm tốn coi mình là không và vui vẻ rút lui khi Chúa Giêsu xuất hiện. Ngài ý thức rất rõ: Chúa Giêsu là “Đấng quyền thế hơn” mà ngài “không đáng xách dép cho Người”  “Người phải nổi bật lên” còn ngài“phải lu mờ đi” (x.Mt 3,1-12; Ga 3,30)…Thánh Gioan đã biết xóa mình đi để không che khuất Chúa trước mặt mọi người.

IV. Người gia trưởng sống mầu nhiệm tự hủy của Chúa Giêsu mục tử thế nào?

Trước nhất, cần khiêm hạ lắng nghe & tuân hành những gì Chúa nói nơi Lời Chúa, nơi chỉ dẫn của Giáo Hội, nơi những khuyên bảo từ người trên, và cả nơi lương tâm ngay thẳng của chính mình nữa.

Thứ đến, cũng không loại trừ tiếng Chúa ngỏ với ta qua những điều hay lẽ phải mà chính vợ con mình hay bạn hữu mình nói ra. Thật vậy, trong đời sống thường nhật, có rất nhiều điều ta chưa am tường bằng vợ con hoặc những người khác. Những khi ấy, ta cần khiêm tốn đủ mới có thể biết mình mà hạ mình đón nghe rồi bỏ mình đi để thi hành. Chỉ như thế ta mới có thể thăng tiến chính mình và mỗi ngày mỗi vững vàng hơn trong trách nhiệm làm chủ gia đình.

Nếu Chúa Giêsu, vốn dĩ là Thiên Chúa, mà còn sẵn lòng “hạ cấp” làm người; thì ta, vốn dĩ chỉ là người, lẽ nào lại không thể vui lòng làm người khiêm hạ hơn?

Xin Chúa Giêsu Hài Đồng, Đấng đã hạ mình giáng sinh trong máng cỏ nơi hang bò lừa, chúc lành và gìn giữ tất cả chúng ta trong bình an của Người.
 
Ban Đặc trách Gia Trưởng
Giáo Phận Xuân Lộc