Đề tài tháng 11: Đức Ki-tô Mục Tử là Chúa kẻ sống và kẻ chết
ĐỀ TÀI THÁNG 11-2009
GIỚI GIA TRƯỞNG
GIỚI GIA TRƯỞNG
Đức Ki-tô Mục Tử là Chúa kẻ sống và kẻ chết
1. Câu truyện dẫn nhập
Một người con đã kể về cái chết của mẹ mình như sau: Đúng sáu giờ mười lăm phút sáng, mẹ tôi đã vĩnh viễn ra đi. Hai ngày sau, chúng tôi dọn dẹp lại căn phòng của mẹ, trong nhiều mảnh giấy để lại, có một bài thơ không rõ do mẹ tôi sáng tác hay của một tác giả nào đó, nội dung bài thơ :
“Khi tôi chết, xin hãy để lại cho con cái tôi những gì còn lại của tôi.
Nếu bạn cần khóc thì hãy khóc cho những người anh em đang đi bên cạnh bạn.
Xin bạn hãy quàng tay qua mọi người và hãy cho họ những gì bạn muốn cho tôi.
Tôi muốn để lại cho bạn một cái gì đó, một cái gì khác với lời nói hay âm thanh.
Bạn hãy tìm gặp tôi trong những người tôi đã biết và yêu thương….
Tình yêu không chết chỉ có con người mới chết thôi.
Vậy thì tất cả những gì còn lại của tôi là tình yêu.
Xin hãy trao ban”.
Tháng 11 trở về, toàn thể Giáo hội hướng tới Giáo hội đang thanh luyện, mời gọi chúng ta hiệp thông cầu nguyện cho những người đã khuất. Đây cũng là dịp chúng ta chiêm ngắm Đức Kitô đã từ cõi chết sống lại. Ngài xứng đáng là Mục tử của kẻ sống và kẻ chết.
2. Chiêm ngắm Đức Giêsu Mục tử từ cõi chết sống lại:
Quý vị gia trưởng thân mến, chắc hẳn quý vị cũng đã có chút kinh nghiệm chứng kiến giây phút hấp hối của người thân: Hấp hối, tắt thở bao giờ cũng là một nỗi xót xa; càng thân, càng thương, nỗi lòng càng tê tái; xót xa bởi từ nay tình thân bị chia lìa, cắt rời. Thế nhưng, lạ lùng thay, trước giây phút bi thương tắt thở của Chúa Giêsu, Ngài không khóc, mà lại cất lên khúc hát tạ ơn: “Đã đến giờ Con Người được tôn vinh”. (Ga 12,23).
Chết là thua thiệt, mất mát, chứ sao lại là tôn vinh?
Đúng rồi, Chúa Giêsu coi giờ chết là giây phút Thiên Chúa Cha được tôn vinh : Ý muốn của Cha, đã được thể hiện một cách trọn vẹn nơi Người Con. Chúa Cha muốn, đường cứu độ duy nhất, phải kinh qua đường đau khổ, mà tột cùng của đường đau khổ là cái chết. Chân lý này, đã được Chúa Giêsu thi hành cách trọn hảo. Thánh Phaolô cũng xác tín điều này qua thư Rôma: “Vì Đức Kitô đã chết và sống lại chính là để làm Chúa kẻ sống cũng như kẻ chết” (Rm 14,9). Giờ chết là giờ tôn vinh bởi mọi ý định của Chúa Cha được hoàn tất: “ Nếu hạt lúa gieo vào lòng đất, không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác” ( Ga 12, 24 ).
Hơn nữa Chúa Giêsu coi giờ chết như cuộc trở về Nhà Cha. Vì vậy, trong giây phút biệt ly, Chúa Giêsu nói với các môn đệ: “ Thầy từ Chúa Cha mà đến và Thầy đã đến thế gian. Thầy lại bỏ thế gian mà đến cùng Cha” ( Ga 16,28). Chính vì niềm hy vọng này, mà Chúa an ủi các môn đệ trước khi Ngài chịu chết: “ Lòng anh em đừng xao xuyến! Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy, trong nhà Cha của Thầy có nhiều chỗ ở; nếu không, Thầy đã nói với anh em rồi, vì Thầy đi dể dọn chỗ cho anh em”. ( Ga 14, 1-2 ).Vì Ngài duy nhất từ cõi chết sống lại, nên đã trao cho chúng ta chìa khóa để vào cửa hằng sống, là tin vào Đức Giêsu Kitô: “Ai tin vào Thầy, thì dù đã chết, cũng sẽ được sống. Ai sống và tin vào Thầy, sẽ không bao giờ phải chết”.
3. Người Gia trưởng học hỏi điều gì nơi Chúa Giêsu Mục tử:
* Trên đường khổ nạn, Chúa Giêsu luôn làm chủ, bình tĩnh trước mọi tình huống chống đối, gian nan, đau khổ trăm bề, không thất vọng, nản chí và nhận ra đâu là chân lý để hướng tới. Người gia trưởng ví như người hoa tiêu trong chiếc thuyền gia đình cần có sự bình tĩnh, tự chủ, biết suy trước tính sau, nhất là khi gia đình gặp phong ba báo tố, có như thế ta mới đưa gia đình đến bến bờ bình an.
* Chúa Giêsu đã liên tục chiến thắng sự dữ từ trong hoang địa, đến trên cây Thập giá: “Nếu ông là con Thiên Chúa, ông hãy xuống khỏi Thập giá xem nào”, và sự sống lại của Ngài là chiến thắng lớn nhất trên quyền lực tối tăm và tội lỗi. Vì vậy, người gia trưởng cần học nơi Ngài vượt qua những cám dỗ mỗi ngày : không nóng giận, nói dối, chửi thề, không giả dối, nói nước đôi; không sử dụng mưu mô thủ đoạn để đoạt thành công hay trục lợi. Thành thật, thành tâm, thành tín, phải là đức tính hàng đầu của người chủ gia đình.
* Chúa Giêsu đã hoàn thành xuất sắc hành trình cứu độ từ Nhập thể, Tử nạn và Phục sinh theo ý muốn của Chúa Cha. Noi gương Chúa Giêsu, chúng ta cần có đời sống nội tâm; tập có cái nhìn trong đức tin; tập sống phó thác theo ý Chúa trong mọi biến cố xảy ra mỗi ngày.
* Cuối cùng với niềm tin vào sự sống lại mai sau của chúng ta, những người còn sống. Cũng như với niềm hy vọng của những người đã khuất vào hạnh phúc Nước Trời. Chính điều hệ trọng này giúp chúng ta sống tốt, một mặt lo cho cuộc sống ấm no, hạnh phúc, mặt khác lo cho phần phúc thiên đàng mai sau cho mình và những người Chúa trao phó.
Quí vị Gia trưởng thân mến, gia đình ông Martin, suốt đời sống theo mẫu gương Chúa Giêsu Mục tử. Điều trước tiên chúng ta nhận thấy nơi Martin, người cha của Thánh nữ Têrêxa sự tận tụy xây đắp tình yêu gia đình. Ông không ngại đón nhận tất cả những gian lao, đau khổ trong đời sống gia đình. Ông đã nhận ra tình yêu Thiên Chúa dành cho ông, và thể hiện bằng cử chỉ yêu thương vợ con.
Nhất là qua việc quan tâm dạy dỗ con cái. Martin trở thành người cha mẫu mực. Ông thường quan tâm đến việc tạo bầu khí đạo đức trong gia đình. Điển hình, ông tổ chức đọc kinh chung trong gia đình, dẫn con đi viếng Thánh Thể, tham dự thánh lễ… Tất cả những việc làm ấy phát xuất từ tấm lòng đạo đức, tin tưởng và cậy trông vào Thiên Chúa. Ông đã trở thành tấm gương sáng và là động lực thúc đẩy cả gia đình đi sâu vào tình yêu của Thiên Chúa lần lượt đưa nhiều đứa con tận hiến cho Chúa. Một điều hết sức quan trọng là Têrêxa không chỉ cảm nhận được tình yêu của cha thật dạt dào, khi mất mẹ. Mà Têrêxa còn đi sâu vào cảm nghiệm thiêng liêng khi nhận ra Thiên Chúa là người Cha luôn luôn yêu thương và đồng hành với mình. Nếu người Cha trần gian còn yêu con như vậy thì Thiên Chúa là người Cha còn yêu con mình gấp bội.
Nguyện xin Thiên chúa là Cha vô cùng thương xót và bao dung, xin dạy chúng con biết theo gương Ngài họa lại tình yêu của Chúa cho gia đình. Để dù sống hay chết chúng con vẫn thuộc về Chúa.
Đặc trách Gia Trưởng
Giáo Phận Xuân Lộc