Đề tài tháng 10: Đức Kitô: Vị mục tử nêu cao đức vâng lời

Đề tài tháng 10: Đức Kitô: Vị mục tử nêu cao đức vâng lời

 

ĐỀ TÀI THÁNG 10-2009
GIỚI GIA TRƯỞNG
 
Đức Ki-tô: Vị Mục Tử nêu cao đức vâng lời
“Xin đừng làm theo ý Con, mà xin theo ý Cha” (Lc 22,42)
 
Kính thưa quí vị Gia Trưởng

Mỗi khi đi tham dự lễ khấn dòng, chúng ta thấy các Tu sĩ khấn 3 lời khuyên phúc âm: vâng lời, khó nghèo và khiết tịnh.

Trong 3 lời khấn đó, vâng lời đòi hỏi người khấn phải thực hiện sự từ bỏ cách sâu xa nhất. Nhờ đó, ý muốn của họ phù hợp với ý Chúa.

Thực ra không riêng gì các Tu sĩ, mà tất cả mọi thành phần dân Chúa, trong đó có các gia trưởng chúng ta được mời gọi nên thánh, qua việc thực tập và sống đứcvâng phục. Bởi lẽ, vâng lời giúp chúng ta thực thi ý Chúa; mà “ thực thi Ý Chúa là sự việc nên thánh của mỗi người chúng ta” (x.1 Tx 4,3).
 
1. Câu chuyện dẫn nhập

Bộ sưu tập: “Truyện hay giáo lý” tập II, trang 98 có thuật lại rằng:

Một hôm, thánh nữ Phanchica đang ngồi đọc kinh cùng bà bạn Vannaci thì chồng gọi. Thông thường, người ta ít khi bỏ dở đọc kinh để đi làm chuyện khác. Song thánh nữ chấp nhận bỏ dở việc đọc kinh để đi làm việc chồng nhờ. Làm xong, tưởng không còn nữa, thánh nữ tiếp tục đi đọc kinh. Nhưng vừa cầm sách đọc mấy dòng thì chồng lại gọi. Cũng như lần trước, thánh nữ bỏ dở việc đọc kinh rồi đi làm ngay. Cứ thế tới 4 lần và lần nào ngài cũng mau mắn làm việc theo ý chồng, mà không kêu ca gì cả. Xong công việc, cùng với bà bạn, thánh nữ tiếp tục đọc kinh. Thật lạ lùng, thánh nữ thấy các đoạn kinh mình đọc trong sách sáng chói rực rỡ như vàng. Bà bạn bên cạnh đã xác tín rằng: chính bà trông thấy tận mắt Thiên Thần Bản Mệnh của thánh nữ Phanchica đã viết các chữ bằng vàng đó. Ôi, sự vâng lời trọng hơn của lễ biết bao!
 
2. Giải thích Thánh Kinh (Lc 22,42)

Kính thưa quí vị gia trưởng,

Vâng lời là một nhân đức luân lý siêu nhiên giúp ta đặt ý mình trong ý muốn của Thiên Chúa  theo sự hướng dẫn của bề trên vì người là đại diện Chúa. Đối tượng cuối cùng của vâng lời siêu nhiên là chính Thiên Chúa.

Trong vườn Cây Dầu, với con mắt của Thiên Chúa, Đức Kitô đã nhìn thấy tất cả những tội lỗi loài người xúc phạm đến Thiên Chúa từ khi được tạo dựng cho tới ngày tận thế. “Người bắt đầu cảm thấy hãi hùng và xao xuyến”(Mc 14,33). Trước chén đắng sắp phải uống, Ngài sợ hãi đến độ: “Mồ hôi Người như những giọt máu chảy xuống đất” (Lc 22,44). Thế nhưng, trong tình huống vô cùng bi đát đó, Đức Ki-tô vẫn lấy sự vâng lời ý Cha mình làm đích nhắm tối hậu:

      “Buồn quá sức thốt lời mong muốn
      Nếu Cha ưng, khỏi uống chén này
      Ý Cha nếu chẳng đổi thay
      Thì Con uống cạn chén này Cha ơi”.

Trong suốt cuộc đời, Đức Ki-tô luôn vâng lời Cha mình cách trọn vẹn. Thánh Phaolô cho biết khi nhập thể, Ngài đã thưa với Chúa Cha rằng: “Này con đến để tuân hành thánh ý Cha”. (Dt 10,7). Suốt đời, Ngài chuyên cần hoàn tất ý Cha từng ly từng tí, không bỏ sót một chấm một phẩy, không sớm muộn một phút một giây. Ngài đã tuyên bố: Của ăn của Ta là làm theo ý Cha theo ý Cha (Ga 4,34). Vâng phục ý Cha cho đến chết, dù chết oan uổng khổ cực nhục nhã trên thập giá cũng cứ vâng (Pl 2,8).

Quả thật, không có mỹ từ nào đạt đủ chuẩn để có thể ca tụng sự vâng lời trọn vẹn của Đức Kitô cho xứng; và cũng chẳng có tấm gương nào hội đủ điều kiện để có thể so sánh với tấm gương tuyệt hảo vô ngần ấy.

3. Người gia trưởng noi gương vâng lời nơi Đức Kitô Mục Tử thế nào?

Kính thưa quí vị gia trưởng,

Như đã nói trên, vâng lời là theo ý Chúa; mà ý Chúa, như các nhà tu đức phân tích:

 - Lề luật của Chúa; kể cả luật đời khi hợp luật tự nhiên.

 - Lời chúa dạy trong Thánh Kinh và qua Giáo Hội.

 - Việc bổn phận mình.

Nhìn ngắm mẫu gương vâng lời của Đức Kitô, người Gia Trưởng chúng ta có thể bắt chước đồng thời giúp những người thân trong gia đình sống một số điểm cụ thể như sau:

            * Tích cực tuân giữ 10 điều răn Đức Chúa Trời và 6 điều răn Hội Thánh. Bởi vì, các điều răn trình bày trách nhiệm căn bản của con người đối với Thiên Chúa và đối với tha nhân.

            * Đối với những việc làm: việc gì Chúa muốn nhất quyết con muốn.

            * Đối với sự phải chịu: sẵn sàng đón nhận mọi sự vì ý thức rằng đó là điều Chúa muốn để mưu ích cho phần rỗi ta.

            * Đối với ơn mình xin: cám ơn Chúa vì những điều Ngài ban. Nhưng vẫn vui khi không được như ý.
 
4. Kết

Kính thưa quý vị Gia Trưởng,

Bài học cay đắng nhất của nguyên tổ trong vườn địa đàng đó là không vâng lời Chúa. Chính vì không vâng lời Chúa, nguyên tổ không những bị phạt mà còn di họa lại cho con cháu những bất ổn lẫn khổ đau trong kiếp sống trần thế…

Thánh Bênađô đã dạy: “Cất ý riêng đi sẽ không còn Hỏa Ngục”.

Kính chúc quý vị Gia Trưởng luôn biết sẵn lòng từ bỏ ý riêng để vâng theo ý Chúa. Một khi chúng ta thực hiện được điều đó, chắc chắn bản thân mỗi người được an vui, gia đình chúng ta được hạnh phúc và tương lai Thiên Đàng mỗi người sẽ được bảo đảm.
 
Thân ái chào quý vị
Ban Đặc Trách Gia Trưởng Giáo Phận Xuân Lộc