ĐỀ TÀI GIA TRƯỞNG THÁNG 11/2011 : CÙNG THẦY CÔ DẠY CON

ĐỀ TÀI GIA TRƯỞNG THÁNG 11/2011 : CÙNG THẦY CÔ DẠY CON

 

 

 


ĐỀ TÀI GIA TRƯỞNG THÁNG 11/2011 :
CÙNG THẦY CÔ DẠY CON
    Kính thưa quý gia trưởng !
Kể từ khi xã hội loài người bước qua thời kỳ mông muội hoang sơ, vai trò của nhà trường đã trở thành nhân tố quan trọng cho sự thưởng thành của mỗi con người. Là gia trưởng, nhiều người trong chúng ta hầu như đến giờ phút này vẫn còn lưu giữ trong lòng mình những ký ức thơ mộng của một thời thư sinh áo trắng. Những năm tháng dùi mài dưới mái trường là một quãng thời gian quan trọng để rèn luyện và phát triển những năng khiếu, để hình thành những phẩm chất đạo đức căn bản của con người.
1.    Quan tâm tới việc học của con ở nhà trường.
Có khá nhiều phụ huynh khi được nhà trường mời lên trao đổi về việc vi phạm nội quy học đường của con cái, đã hoàn toàn bất ngờ. Bởi vì, theo họ, con cái ngoài giờ học ở trường đã được gia đình quản lý chặt chẽ.Lúc ở nhà, con cái họ hoàn toàn có những biểu hiện của một đứa trẻ ngoan, biết vâng lời. Lý giải thỏa đáng hiện tượng này thật không dễ, song phải khẳng định rằng ở tuổi học trò, tâm lý lứa tuổi khá phức tạp. Ở nhà, biết có sự giám sát chặt chẽ của cha mẹ - những người hầu như có quyền hành tuyệt đối trên con - nên trẻ thường tỏ ra ngoan ngoãn, không có sự phản kháng quyết liệt. Còn ở trường, trẻ biết chắc chắn rằng không có cha mẹ ở bên, và môi trường giáo dục hiện nay đang cổ súy cho việc cấm sử dụng đòn roi, hình phạt, cấm nhục mạ người học (mà trẻ thì tận dụng triệt để điều đó), thế nên đã bộc phát ra nhiều hành vi trái khoáy nơi những trẻ có cá tính hiếu động. Trẻ có thể không chép bài, không nghe giảng, cãi lại thầy cô.  Cha mẹ chỉ biết được sự việc cách bất ngờ khi nhà trường mời lên gặp gỡ.
Trên cương vị là phụ huynh, nếu có được sự quan tâm đúng mức với con cái, hoàn toàn có thể tránh được (hoặc ít ra là hạn chế được) những hành vi ngỗ nghịch của con cái nơi nhà trường. Vì áp lực công việc và cũng vì nhiều yếu tố khác, cha mẹ không thể có mặt bên con ngày ngày trên lớp. Nhưng cũng không thể có suy nghĩ máy móc rằng, con cái ở trường thì nhà trường kiểm soát, còn khi về nhà mới đến tay mình kèm cặp. Không nên có thái độ khoán trắng cho thầy cô trên lớp như một hình thức bàn giao trách nhiệm.
Tuy không có mặt bên con trên lớp học, nhưng buổi tối về, ta vẫn có thể phần nào nắm được con mình đã học hành ra sao qua việc kiểm tra vở những môn học trong ngày : Con ghi chép thế nào, có môn học nào không ghi chép hay không, là nét chữ của con hay của bạn bè viết giúp, điểm cho của thầy cô, sổ liên lạc được thầy cô lưu ý những gì, … Thậm chí thông qua bạn bè của con cũng có thể phần nào nắm bắt về con mình. Cũng có thể dùng điện thoại liên lạc với nhà trường, hoặc thỉnh thoảng ghé đến trường nơi con học, gặp giáo viên chủ nhiệm và thầy cô bộ môn để kịp thời nắm bắt những biểu hiện tốt xấu của con mình. Khi trẻ nhận thức rõ sự quan tâm triệt để của cha mẹ lúc mình học, trẻ sẽ không hoặc ít dám vi phạm nội quy học đường.
2.    Ứng xử hợp lý hợp tình trước việc xử phạt của giáo viên.
Những năm gần đây, theo hướng giáo dục tiên tiến, ngành giáo dục đưa ra mô hình “trường học thân thiện” và quyết liệt loại bỏ cách xử phạt học sinh bằng roi đòn ra khỏi môi trường giáo dục. Trên nguyên tắc, đó là cách làm đúng. Nhưng trong quá trình đi vào thực tế, không phải mọi sự đều có thể rõ ràng, dễ áp dụng. Trên các trang báo điện tử, ở mục diễn đàn của người đọc, có người phản đối, nhưng cũng có không ít người đồng tình việc dùng roi đòn để xử phạt học sinh. Việc cấm hay không cấm là việc chuyên môn của ngành giáo dục, của xã hội; bản thân phụ huynh chúng ta chỉ có thể đề xuất ý kiến chứ chẳng thể quyết định cho vấn đề này. Điều quan trọng là cần hành xử sao cho khôn ngoan nhất cho con mình và cho chính mình trước sự việc thầy cô sửa phạt con bằng đòn roi. 
Cần biết rằng, roi đòn có thể là biểu hiện của rất nhiều mục đích khác nhau : Vì thương trò, khát khao trò thay đổi tiến bộ, vì muốn mạnh tay một trường hợp để răn đe nhiều trường hợp khác, vì bực tức nóng giận trò làm thầy mất mặt, vì giận cá chém thớt, … Cho nên, đứng trước sự việc không như ý ấy, gia trưởng cần bình tĩnh gặp gỡ giáo viên đã xử phạt, kể cả ban giám hiệu, các giáo viên khác và cả bạn bè con chứng kiến, để qua đó, ta có thể xác định được động cơ sử dụng roi đòn của giáo viên ấy. 
- Nếu lỗi phần nhiều thuộc về thầy, vẫn có thể bàn bạc, thỏa thuận để tìm ra cách giải quyết hợp lý nhất. Ngoài ra, chắc chắn, trước Ban giám hiệu và hội đồng giáo viên, thầy sẽ phải kiểm điểm cách nghiêm khắc để làm bài học cho cả trường. Thầy sẽ rút ra được bài học nghiêm túc cho đời giảng dạy của mình. 
- Nếu lỗi phần nhiều thuộc về con mình, mà mình cũng không đồng tình với roi đòn của thầy, thì hãy sẵn sàng trình bày hoàn cảnh và cùng thầy tìm ra phương cách giáo dục tốt nhất, chắc chắn tình cảnh tương tự sẽ không thể diễn ra. 
Có thể ngành giáo dục đều không chấp nhận thầy cô dùng roi đòn dù vì bất cứ mục đích gì, nhưng còn chúng ta, lẽ nào ta không cần tìm hiểu suy xét? Chỉ cần thấy con mình bị đòn thì lập tức tới trường, nhẹ thì mắng chửi lại cho hả giận, nặng nề thì hành hung lại giáo viên, sau đó là tố cáo thưa kiện. Điều này dẫn đến hệ quả là vô tình tạo ra một sự “nối giáo cho giặc”, con mình và thậm chí nhiều con trẻ cùng lớp sẽ không còn biết tôn trọng thầy cô nữa. Trẻ ngộ nhận rằng mình là một pháo đài bất khả xâm phạm, biến những ngày học tiếp theo trở thành những vở hài kịch, mà thầy cô đứng lớp là những diễn viên tội nghiệp và đớn đau. 
3.    Quan tâm tới thời gian biểu của con ở nhà.
Suốt một thời gian dài, báo chí và dư luận xã hội bàn luận về sự bất cập trong nội dung giáo dục. Một người nổi tiếng trong Ngành Giáo dục đã từng nói rằng : Nhà trường hiện nay chú trọng dạy chữ nhiều hơn là dạy người. Trong khi chờ đợi Ngành Giáo dục điều chỉnh và thay đổi cho phù hợp với yêu cầu của cuộc sống, mỗi người cha trong gia đình không thể thờ ơ, đứng ngoài cuộc việc “dạy người” cho con. Trái lại, cần nhanh chóng thực hiện cho con mình cái phần còn đang bị xem nhẹ ở nhà trường hiện nay :
- Yêu cầu con lập một Thời gian biểu các ngày trong tuần, tham gia cùng con trong việc phân chia hợp lý thời gian học với thời gian nghỉ ngơi giải trí, thời gian phụ giúp việc nhà. Tất nhiên, ta theo dõi chặt chẽ việc thực hiện của con. Thời gian biểu sẽ giúp con ngăn nắp, khoa học trong cuộc sống, có ý thức tự giác để hoàn thành nhiệm vụ trong ngày.
- Thỉnh thoảng, dành thời gian đến những nơi con chọn làm địa điểm học thêm, học nhóm để biết sự thật con có học ở đó không. Nhiều trường hợp, gia đình vẫn đều đặn hàng tháng đưa con đóng tiền học thêm vài môn học chính. Đến gần cuối năm, khi hỏi thăm thầy về tình hình học tập của con mới vỡ lẽ ra rằng, từ đầu năm đến giờ, con chẳng học thêm một bộ môn nào. Số tiền lấy của cha mẹ từ đầu năm đến giờ, rõ ràng được sử dụng vào những việc như ăn hàng, chơi games, đua đòi, toàn là những việc không tốt cho đời sống đạo đức lành mạnh.
- Sẵn sàng đáp ứng những yêu cầu cho việc học của con như sách vở, từ điển, máy kết nối mạng, … Song cần kiểm soát chặt chẽ việc con sử dụng : Con đọc sách tham khảo cho bài học hay là đang vùi đầu vào đống truyện nhảm nhí. Con đang vào mạng để truy cập kiến thức hay là để nghe nhạc, xem phim độc hại.
- Dạy con các kỹ năng sống như việc giao tiếp, cách ứng xử, những khoảng cách cần thiết giữa nam nữ, giữa thầy với trò,… bằng kinh nghiệm và vốn sống của người cha. Đừng để con cái ta lớn lên dưới mái trường, có kiến thức văn hóa nhưng lại non nớt, ngây ngô, không biết xử trí thế nào trước những tình huống ngoài xã hội.
    Kính thưa quý gia trưởng !
    Là người Công giáo, trong việc cùng với nhà trường dạy dỗ con mình, hãy dâng lên cho Thiên Chúa mọi tâm tình, ước muốn, tin tưởng phó thác việc học hành của con cái trong sự quan phòng mầu nhiệm của Ngài. Dạy cho con biết cầu nguyện mỗi ngày đến lớp, mỗi lúc học bài, mỗi lần kiểm tra, mỗi khi được khen thưởng và cả những lần bị khiển trách. Giúp con dần dần biết lắng nghe được Ý Chúa trong mọi nấc thang, mọi biến cố của cuộc đời con.
Tháng 11 hàng năm trở về mang theo tâm tình tri ân người dạy học qua ngày Nhà giáo 20/11. Vẫn biết rằng thời gian qua, hình ảnh người thầy có những biến dạng méo mó khó chấp nhận được, nhưng chúng ta tin rằng đó không phải phần đông của giới giáo chức. Hãy cùng con gửi đến tất cả những thầy cô giáo đang miệt mài dạy dỗ con em mình tâm tình biết ơn với những lời chúc tốt đẹp nhất.
* Cùng suy tư :
    Ta phải làm gì để cộng tác với nhà trường trong việc giáo dục con cái nên tốt đẹp trước nhan Thiên Chúa và trước mặt người đời ?
                BAN ĐẶC TRÁCH GIA TRƯỞNG
                                                 GIÁO PHẬN XUÂN LỘC.