Dạy con tính khoan dung

 

DẠY CON TÍNH KHOAN DUNG

Nước Mỹ - vùng“hợp chủng” vĩ đại – luôn luôn là một sự pha trộn phong phú các truyền thống văn hoá từ khắp nơi trên thế giới. Nhiều gia đình tại Hoa Kỳ có thể thấy rằng lịch sử tổ tiên của họ là những người nhập cư đã phải vượt những đoạn đường rất xa xôi,chịu nhiều rủi ro và gian khổ, để xây dựng một quê hương, nơi họ được bảo đảm những quyền tự do cơ bản. Và đối với nhiều gia đình người Mỹ, họ phải đấu tranh mới có được những quyền tự do này.

Xã hội Mỹ đã được tạo lập trên sự tự do thoát khỏi tình trạng ngược đãi tôn giáo và trên sự khoan dung các dị biệt trong tín ngưỡng cũng như di sản văn hoá. Các khác biệt (hoặc sự đa dạng) giữa những người đến từ khắp nơi trên thế giới làm cho nền văn hoá của Mỹ trở nên phong phú, mang lại nguồn ý tưởng và năng lực mới. Ngày nay, hơn bao giờ hết, trẻ em có những cơ hội giao lưu với những người thuộc các chủng tộc, tôn giáo,và những nền văn hoá khác nhau. Các lớp học ngày càng đa dạng, phản ánh được các cộng đồng nơi gia đình các em đang sống và làm việc.

Một thế giới khác biệt

Một số bậc cha mẹ hoan nghênh sự thật là chúng ta đang sống trong một xã hội ngày càng đa dạng. Những người khác có thể cảm thấy e ngại hơn, nhất là khi họ chưa tiếp xúc nhiều với những người xa lạ đối với họ. Nhiều trẻ em hiểu biết nhiều hơn cha mẹ trong sự tiếp xúc với những khác biệt về văn hoá. Bạn bè, bạn học ở trường, và các đội điền kinh của các em cũng thay đổi rất nhiều so với những nhóm này của ngay cả thế hệ trước.

Tại sao điều quan trọng là cha mẹ phải giúp con cái họ chuẩn bị vào đời, học hỏi và làm việc trong các cộng đồng thậm chísẽ còn trở nên đa dạng hơn nữa? Dạy cho các em biết tính khoan dung là điều quan trọng, không chỉ vì đức tính này là một phần trong di sản của nước Mỹ, mà cũng vì người nào học biết cách tỏ ra cởi mở đối với những sự khác biệt sẽ có được nhiều cơ hội hơn – trong giáo dục, kinh doanh, và rất nhiều đường hướng khác.

Nói tóm lại, sự thành công của con cái bạn tuỳ thuộc vào đức tính này. Sự thành công trên thế giới ngày nay – và thế giới ngày mai – tuỳ thuộc vào việc chúng ta có thể thấu hiểu, đánh giá, và làm việc được với những người khác hay không.

Thế nào là khoan dung ?

Khoan dung là một thái độ cởi mở và tôn trọng các khác biệt vốn có giữa mọi người. Dù rằng lúc đầu được dùng để chỉ về các khác biệt chủng tộc và tôn giáo, các khái niệm về sự đa dạng và lòng khoan dung cũng có thể áp dụng cho giới tính, những người bị khuyết tật về thể chất và trí tuệ, và những dị biệt khác nữa.

Khoan dung có nghĩa là tôn trọng và học hỏi những người khác, đánh giá được những sự khác biệt, nối kết được những khoảng cách về văn hoá, loại bỏ những khuôn mẫu bất công, tìm thấy được lập trường chung, và tạo được những mối liên kết mới. Trong nhiều phương diện, khoan dung là điều trái lại với thành kiến.

Thế nhưng, khoan dung có nghĩa là chúng ta phải chấp nhận tất cả những lối hành xử hay không? Không, tất nhiên là không. Chúng ta không nên dung thứ những lối hành xử không tôn trọng hoặc làm tổn thương người khác, như tỏ ra bần tiện hay hiếp đáp kẻ yếu, hoặc những lối hành xử trái với các quy tắc xã hội, như nói dối hay trộm cắp. Khoan dung tức là chấp nhận mọi người trong tình trạng hiện tại của họ– chứ không chấp nhận cách cư xử sai trái của họ. Khoan dung cũng có nghĩa là đối xử với người  khác theo cách mà bạn muốn được đối xử.

Làm thế nào để dạy tính khoan dung?

Giống như tất cả các thái độ khác, tính khoan dung thường được dạy bằng những cách rất tinh vi tế nhị, ngay cả trước khi các em biết nói, có thể quan sát kỹ và bắt chước theo cha mẹ. Trẻ em ở mọi lứa tuổi phát triển đức tính phần lớn bằng cách noi theo các đức tính và thái độ của những người mà các em quan tâm đến.

Nhiều bậc cha mẹ sống và làm việc trong các cộng đồng đa dạng. Họ có những bạn bè khác với họ trong một vài (hay nhiều) phương diện. Thái độ của các bậc cha mẹ này về mức tôn trọng người khác thường ăn sâu vào tính tình của họ đến mức thậm chí họ ít khi nghĩ đến điều đó. Họ dạy con các thái độ này chỉ bằng cách bộc lộ chính mình và bày tỏ các đức tính của họ. Những bậc cha mẹ tỏ ra (hay nêu gương) khoan dung trong cuộc sống hằng ngày tức là cho con một ấn tượng mạnh mẽ. Kết quả là con cái họ cũng biết cách đánh giá được những sự khác biệt.

Dĩ nhiên, ca ngợi những dị biệt của người khác không có nghĩa là từ bỏ di sản văn hoá của chính bạn. Có thể là gia đình bạn có những truyền thống văn hóa và tôn giáo lâu đời, đáng tự hào. Nhiều gia đình có thể biết cách khen tặng những dị biệt của người khác, nhưng vẫn tiếp tục trân trọng và lưu truyền di sản văn hóa của chính mình.

Các bậc phụ huynh có thể làm gì để giúp con em học được tính khoan dung?

Cha mẹ có thể dạy con tính khoan dung bằng cách nêu gương, cũng như bằng những cách khác. Cùng thảo luận với nhau về tính khoan dung và lòng tôn trọng người khác giúp trẻ em học được nhiều hơn về các đức tính mà bạn muốn chúng có. Cho các em những cơ hội chơi đùa và làm việc với các trẻ khác cũng là điều quan trọng. Việc này giúp các em học biết trực tiếp rằng mọi người đều có một điều gì đó để góp phần, và học cách thể nghiệm những sự tương đồng và khác biệt. Sau đây là những điều mà các bậc cha mẹ có thể làm để giúp con học đượct ính khoan dung:

- Hãy lưu ý các thái độ của chính bạn. Những bậc cha mẹ muốn giúp con đánh giá được sự đa dạng, có thể nhạy cảm đối với những kiểu mẫu văn hoá mà có thể họ đã học được và cố gắng sửa đổi các kiểu mẫu đó. Hãy tỏ ra có thái độ tôn trọng người khác.

- Nên nhớ rằng trẻ em bao giờ cũng chú ý lắng nghe. Hãy ý thức được cách mà bạn nói về những người khác biệt với bạn. Đừng có những lối đùa cợt có thể duy trì những cung cách không tốt. Dù rằng một số câu chuyện đùa này có vẻ là lời bông đùa vô hại, chúng vẫn có thể làm vô hiệu những thái độ khoan dung và tôn trọng người khác.

- Cẩn thận khi chọn sách, đồ chơi, âm nhạc, nghệ thuật, và băng video. Hãy nhớ đến tác dụng mạnh mẽ của các phương tiện truyền thông đại chúng trong việc xây hình thành tính tình.

- Hãy nêu rõ và nói chuyện về những lề lối không tốt có thể được minh hoạ trên các phương tiện truyền thông.

- Giải đáp các thắc mắc của trẻ em về những sự khác biệt một cách thành thực và trân trọng. Điều này dạy cho các em hiểu rằng việc đề cập và thảo luận về các khác biệt với thái độ trân trọng, là điều có thể chấp nhận được.

- Thừa nhận và tôn trọng các khác biệt trong gia đình của chính bạn. Hãy tỏ ra rằng bạn chấp nhận các khả năng, những mối quan tâm, và những cung cách khác biệt của con cái bạn. Hãy đánh giá được tính cách độc đáo của mỗi người trong gia đình bạn.

- Cần nên nhớ rằng khoan dung không có nghĩa là dung thứ những lối cư xử không thể chấp nhận được. Khoan dung có nghĩa là mọi người đều đáng được đối xử một cách tôn trọng – và họ cũng cần đối xử với người khác một cách tôn trọng.

- Hãy giúp con bạn cảm nhận được những điều tốt đẹp nơi chúng. Những đứa trẻ cảm thấy mình có những điều xấu xa thường xử tệ với người khác. Những trẻ em có lòng tự trọng cao thì đánh giá được và tôn trọng chính mình, và hầu như cũng có thể đối xử với người khác bằng lòng tôn trọng. Hãy giúp cho con bạn cảm thấy rằng chúng được mọi người chấp nhận, tônt rọng, và đánh giá cao.

- Hãy cho con có cơ hội làm việc và chơi đùa cùng những trẻ khác biệt với chúng. Khi chọn trường, nơi cắm trại, hoặc nhà trẻ cho con bạn, hãy tìm nơi có thành phần đa dạng.

- Hãy học hỏi lẫn nhau về những kỳ nghỉ và các cuộc lễ tôn giáo không có trong truyền thống của chính bạn.

- Hãy trân trọng những truyền thống của gia đình bạn, và dạy cho con cái biết, cũng như cho những ai ở bên ngoài muốn học hỏi về sự đa dạng mà bạn có để góp phần.

Khi cha mẹ khuyến khích con cái có thái độ khoan dung, nói về các đức tính của họ, và nêu gương những cách ứng xử mà họ muốn thấy con mình có, bằng cách xử tốt với những người khác, thì bấy giờ các con sẽ noi theo gương cha mẹ.

BS. ĐÀO CHUM
Theo kidshealth