Đạo đức và giáo dục

 

ĐẠO ĐỨC và GIÁO DỤC
(Mt 2, 13-18)
 
Hai chữ giáo dục ngắn gọn nhưng lại thật rộng lớn. Có nhiều cách để hướng dẫn, giáo dục: bằng thư từ, sách vở, lời nói, chữ viết, điện thoại, truyền hình, báo chí, bằng hành động, bằng đời sống hoặc kết hợp những cách vừa kể trên. Cách nào cũng được, miễn là người thụ huấn được thăng tiến và phát triển.

Khuôn mẫu cho các gia đình noi theo, đó chính là gia đình thánh gia.

Với gia đình này, chúng ta không thấy lúc nào Giuse và Maria dạy con, mà thấy thánh ghi lại như sau: “Hài nhi Giêsu thêm tuổi, thêm khoẻ mạnh, nhiều khôn ngoan và đầy ân sủng” (Lc 2,40).

Đây là kết quả giáo dục lý tưởng mà mỗi gia đình mong đợi. Đợi con cái mình khôn lớn thành nhân, thành thân. Có cha mẹ nào mà chẳng muốn con cái mình khoẻ mạnh về thân xác, vững mạnh trong tinh thần, nhiều nhân đức làm người, và mạnh mẽ trong đức tin. Nhưng thực tế thì sao?

Khuynh hướng của các gia đình

Khoẻ mạnh về thân xác. Ngày nay cha mẹ không đến nỗi quá lo lắng về chuyện lương thực hằng ngày cho gia đình, cho con cái. Có thể nói việc này trong tầm tay của các gia đình.

Khoẻ mạnh về tinh thần. Không phải cứ sinh ra là ta có đầy đủ mọi yếu tố để thành người trưởng thành, mạnh mẽ, nhưng còn cần có giáo dục. Ngày nay, xem ra nhiều gia đình đẩy trách nhiệm giáo dục cho xã hội, cho nhà trường. Còn gia đình thì lo cung cấp cho con cái sách tập, phương tiện học hành, học phí là xong.

Không phải vậy. Xã hội cung cấp kiến thức, đầu tư cho các cháu những gì là căn bản cần thiết, còn thực hành những gì học được ở môi trường gia đình. Không phải ở các lớp học, mà gia đình cũng là trường học, trường dạy các cháu thành người.

Khoẻ mạnh về ân sủng. Nghĩa là đời sống đạo đức. Cũng vậy, dường như các gia đình đẩy trách nhiệm giáo dục đức tin cho các cha các thầy, cho các sơ, các anh chị giáo lý viên. Đúng vậy. Giáo hội cung cấp, chuẩn bị và hướng dẫn những điều căn bản để trở thành con Chúa, thành người kitô hữu, thành nhà truyền giáo.

Nếu trong gia đình không mà có một sinh hoạt đạo đức nào như đọc kinh, cầu nguyện, chia sẻ lời Chúa... thì dù Giáo hội có cung cấp nhiều kiến thức đến đâu cũng không ích lợi gì. Vì vậy gia cũng phải là trường dạy đức tin cho các cháu.

Những con người đạo đức

Gioakim và Anna. Sách thánh không ghi lại chi tiết về gia đình này, nhưng theo giải thích thì ta biết, đây là hai ông bà son sẻ, là người nghèo được Đức Chúa thương đoái. Ông bà cũng phải chịu nhiều áp lực của dân chúng về chuyện son sẻ của mình. Nhưng hai ông bà vẫn một mực tin vào Thiên Chúa tình thương. Đức tin của họ thật vững mạnh. Lòng đạo đức của họ thật sâu sắc.

Mẹ Maria. Mẹ thừa kế nền tảng đạo đức của cha mẹ. Cuộc đời mẹ là luôn lắng nghe suy gẫm trong lòng lời Chúa, lời con mẹ. Mẹ luôn đi tìm để thực thi ý Chúa. Nhờ đời sống đạo đức mà mẹ có thể chấp nhận được thực tế, đón nhận được những gì Thiên Chúa muốn, dù những điều ấy là khó hiểu hay không thể hiểu.

Thánh Giuse. Ông là người công chính. Công chính là chính trực, là sẵn sàng mở lòng ra để đón nhận ân sủng, sẵn sàng đón nhận và chấp nhận làm theo tất cả những gì Thiên Chúa muốn. Người công chính thì đơn sơ, thánh thiện, vâng lời. Giuse có được những điểm trên.

Đạo đức và vâng lời. Sẽ không thể vâng lời được nếu thiếu đạo đức.

Giuse vâng lời đón nhận Maria về làm bạn.“Ông thức dậy, đưa Hài nhi và mẹ Người trốn sang Ai cập” (Mt 2,13). Rồi ông lại đem hài nhi và mẹ người từ Ai cập trở về Israel khi được báo mộng. Giuse nhờ đời sống đạo đức mà ông đã một mực vâng lời Thiên Chúa. Ông không tìm công bằng hay lý lẽ riêng, nhưng vâng lời, làm theo những gì sứ thần nhắc bảo.

Maria cũng vậy. Dù khó hiểu và không làm sao hiểu được nhưng mẹ vẫn cúi đầu vâng theo lời sứ thần. “Này tôi là tôi tớ Chúa, xin Ngài cứu làm những gì Ngài muốn nơi tôi” (Lc 1,38). Rồi suốt cuộc đời mẹ là một chuỗi xin vâng. Xin vâng từ lúc đón nhận kho tàng ân sủng cho đến khi Con Thiên Chúa giang tay trên thập giá ban ơn cứu độ.

Quả thực, nhờ lòng đạo đức mà con người mới có thể vâng lời được.

Vai trò người cha. Đương nhiên người cha và người mẹ là hai vai trò quan trọng nhất trong gia đình.

Gia đình nào có người mẹ tốt nhưng người cha xấu thì các con cũng sẽ bị ảnh hưởng theo.

Gia đình nào có người cha tốt thì hầu như mọi người trong nhà đều dễ trở thành tốt, vì người cha là cột trụ cho cả nhà dựa vào, là vị chỉ huy điều khiển mọi người, là người cầm lái đưa cả gia đình theo một hướng.

Gia đình thánh gia, thánh Giuse làm gia trưởng. Dù Đức Maria và Chúa Giêsu là những người cao quý hơn thánh Giuse, nhưng Thiên Chúa đã đặt hai vị dưới quyền thánh Giuse; khi Thiên Chúa muốn nói gì với gia đình này thì Ngài nói với Thánh Giuse và hai vị kia vâng lời thánh Giuse như vâng lời Thiên Chúa.

Thánh Giuse, có lẽ Ngài quá cao siêu xuất chúng, nhưng Ngài rất tận tụy trong bổn phận, trong trách nhiệm. Ngài luôn tìm và làm theo ý Thiên Chúa. Như việc vâng lời đưa gia đình sang Ai cập và hồi hương về Nadarét chẳng hạn.

Người mẹ nào cũng thương con, nên khi khó khăn nguy hiểm ập đến, thì mọi sáng kiến được đưa vào để bảo về gia đình, nhất là mạng sống của con cái.

Nếu mỗi gia đình kitô giáo luôn nhớ đến chương trình cứu độ của Thiên Chúa mà hết lòng tôn thờ và vâng phục, thì gia đình mới có thể trở thành một gia đình gương mẫu theo mô hình gia đình thánh gia, và mới có thể bảo vệ được những khó khăn làm ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình.

Những bài học của trẻ con

Bậc làm cha mẹ, ai cũng muốn con cái mình khoẻ mạnh, khôn ngoan, hiền lành, đạo đức. Thế nhưng không thiếu những phụ huynh chỉ biết mong chờ, nhưng không biết vun trồng chăm bón cho đời sống của con.

Mong rằng mỗi gia đình luôn tạo được một bầu khí trong lành, hạnh phúc,thắm đượm tình thương, để các cháu luôn được phát triển mọi mặt theo năm tháng.
  • Nếu con trẻ sống trong bầu khí chỉ trích, nó sẽ luôn kết án người khác.
  • Nếu con trẻ sống trong bầu khí nghịch thù, nó sẽ bướng bỉnh, hiếu chiến.
  • Nếu con trẻ sống trong bầu khí chế diễu, nó sẽ nhút nhát, rụt rè.
  • Nếu con trẻ sống trong bầu khí sợ sệt, nó sẽ mặc cảm tội lỗi.
  • Nếu con trẻ sống trong bầu khí bao dung, nó sẽ hiền hòa, cảm thông.
  • Nếu con trẻ sống trong bầu khí khuyến khích, nó sẽ bền chí, tự tin.
  • Nếu con trẻ sống trong bầu khí cởi mở, nó sẽ bộc lộ cảm nghĩ riêng tư.
  • Nếu con trẻ sống trong bầu khí tán thưởng, nó sẽ phát triển tài năng.
  • Nếu con trẻ sống trong bầu khí công bằng, nó sẽ bênh vực sự thật.
  • Nếu con trẻ sống trong bầu khí bác ái, nó sẽ thấu hiểu luật Chúa.
  • Nếu con trẻ sống trong bầu khí gương mẫu và cầu nguyện, nó sẽ tìm thấy niềm tin.
  • Nếu con trẻ sống trong bầu khí có Chúa ngự trị, nó sẽ phát huy nhân cách toàn vẹn.
THANH THANH