Công tác mục vụ dưới lăng kính gia đình
Một trong những vấn đề nan giải của hầu hết các người điều hành các chương trình Giáo Lý Việt Ngữ trong các cộng đoàn và giáo xứ Việt Nam tại Hoa Kỳ là làm thế nào để thúc đẩy các phụ huynh hợp tác đắc lực hơn với chúng ta trong việc giáo dục con em của chính họ. Nhiều phụ huynh Việt Nam đã dùng chúng ta như chỗ gửi con em để họ rảnh tay đi làm hay lo chuyện riêng. Sở dĩ có vấn đề này là vì chúng ta đã không làm công tác giáo dục của chúng ta dưới lăng kính gia đình. Năm 1988, Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ đã xuất bản tài liệu A Family Perspective in Churh and Society: A Manual for All Pastoral Leaders để đưa ra những nguyên tắc làm mục vụ dưới lăng kính gia đình. Những nguyên tắc ấy được tóm lược ở đây. Hy vọng sẽ giúp chúng ta trong việc giải quyết vấn đề náy.
* * *
Hầu hết những người có trách nhiệm giáo dục trong các cộng đoàn và giáo xứ Việt Nam đều than phiền rằng các phụ huynh không chịu hợp tác với chúng ta. Sở dĩ có thảm trạng này là vì chúng ta thường đứng ở trên nhìn xuống, chứ không nhìn công tác mục vụ theo lăng kính gia đình.
Mục đích của việc nhìn các công tác mục vụ qua lăng kính gia đình là để hỗ trợ và củng cố các gia đình, vì gia đình là “Hội Thánh tại gia”, được Thiên Chúa trao cho sứ vụ làm những “tế bào đầu tiên và thiết yếu của xã hội.” Đồng thời trong chương trình của Thiên Chúa thì gia đình được thiết lập như một “cộng đồng của đời sống và tình yêu mật thiết… để cố gắng tìm kiếm và làm cho… Nước Thiên Chúa được thể hiện.”
Tuy nhiên hầu hết các gia đình Công Giáo không nhận ra vai trò cao quý này của mình, bởi vì họ phải vật lộn với sinh kế, với những khó khăn hằng ngày trong các liên hệ giữ vợ chồng con cái, trong việc chăm sóc những phần tử đau ốm trong gia đình, cha mẹ già, và vất vả với các con cái trong tuổi vị thành niên. Tuy nhiên lý do chính là họ đã không được đào luyện để trở thành những Kitô hữu trưởng thành. Họ nghĩ rằng họ chỉ gặp Thiên Chúa và kết hợp với Ngài khi đọc kinh, cầu nguyện hoặc đi nhà thờ, mà không biết rằng họ có thể thánh hóa tất cả mọi việc trong gia đình, kể cả những xung khắc giữa vợ chồng, con cái bằng cách dâng mọi sự lên Thiên Chúa cùng với hiến lễ của Đức Kitô trong Bí Tích Thánh Thể. Các Linh Mục, các Giáo Lý viên, cùng cả cộng đoàn giáo xứ có nhiệm vụ cộng tác với các gia đình trên phương diện này để giúp họ nhận ra vai trò cao quý và thánh thiện của họ trong Hội Thánh và xã hội bằng cách thay đổi thái độ và cái nhìn của mình về các gia đình, đặc biệt là đối với các phụ huynh.
Các Linh Mục, các Giáo Lý viên và các thầy cô Việt Ngữ thường hay than phiền là các phụ huynh thờ ơ, không chịu hợp tác với nhà trường trong việc giáo dục con em. Than phiền như vậy có thay đổi đổi được hoàn cảnh không? Hay là chúng ta phải tự xét mình xem “Chúng ta đã làm gì để giúp các phụ huynh ý thức và hợp tác với chúng ta trong công việc giáo dục con em họ?” Khi đặt ngược lại câu hỏi như thế, chúng ta mới tìm tòi, mới lắng nghe tiếng nói của các phụ huynh, mới hiểu họ, và mới ý thức được trách nhiệm của chính mình là giúp đỡ họ nhận ra vai trò thánh thiện và thiết yếu của họ trong Hội Thánh tại gia, cùng sự liên hệ giữa Hội Thánh nhỏ này với một Hội Thánh rộng lớn hơn một chút là giáo xứ, cộng đoàn. Chúng ta nên bắt đầu với những ưu điểm của từng gia đình, và xây dựng mối liên hệ trên những ưu điểm ấy thay vì than phiền hoặc đổ lỗi cho phụ huynh vì những yếu điểm hoặc thiếu sót của họ. Nhờ cách này mà họ sẽ sẵn lòng nghe chúng ta và hợp tác với chúng ta một cách đắc lực, không phải vì chúng ta mà vì họ ý thức được sứ vụ cao cả mà Chúa trao cho chính họ.
Cẩm nang của Hội Đồng Giáo Mục Hoa Kỳ về Nhãn Quan Gia Đình đặt trọng tâm vào bốn lăng kính được dùng để lượng giá một chương trình, hay bất cứ một công tác mục vụ nào đó trong giáo xứ và giáo phận.
1) Lăng kính thứ nhất làm sáng tỏ cái nhìn của người Kitô hữu về đời sống gia đình. Gia đình có một cá tính và một sứ vụ đặc thù. Gia đình không phải chỉ thụ động trong các công tác mục vụ, mà còn đóng vai trò chủ động. Các phụ huynh không phải chỉ nhận chỉ thị của Cha Sở, của Hội Đồng Mục Vụ, hay của nhà trường, mà phải có tiếng nói và góp phần vào những quyết định của giáo xứ hay nhà trường. Nói tóm lại, phải coi các phụ huynh là những thành viên tích cực của giáo xứ, là những người hợp tác với Cha Sở, với Hội Đồng Mục Vụ và với nhà trường trên mọi phương diện. Khi ý thức được điều này, chúng ta mới coi phụ huynh là những người thực sự cộng tác với chúng ta trong sứ mạng giáo dục con em của họ.
2) Lăng kính thứ hai là nhìn vào thực tại của các gia đình. Nói như điều một ở trên không có nghĩa là chúng ta thực hiện ngay được điều này, nhưng chúng ta cần phải nhìn vào thực tại của các gia đình. Đời sống gia đình trong thế giới ngày nay thật phức tạp và đa dạng. Giáo xứ cần nhận ra điều này và thay đổi các chương trình hay quy chế cho phù hợp với những nhu cầu của gia đình. Thí dụ các lớp học cho phụ huynh có thể được thay thế bằng các lớp hàm thụ, hay các bản tin; thay vì họp thì dùng điện thoại, email hoặc web site; thay vì họp những nhóm lớn thì họp những nhóm nhỏ; hoặc tổ chức giữ trẻ cho các phụ huynh có thể tham gia các sinh hoạt giáo xứ hay nhà trường.
3) Mỗi gia đình là một hệ thống đang phát triển và hay thay đổi. Mỗi gia đình có một truyền thống riêng biệt, có những cách làm việc, thói quen, tập tục và luật lệ khác nhau. Nếu chúng ta làm xáo trộn những truyền thống của họ thì chúng ta dễ bị họ phản kháng và bất hợp tác. Nhưng nếu trong các quyết định liên quan đến họ, chúng ta để ý đến những điều này thì họ dễ hợp tác hơn. Mọi thay đổi cần phải được thực hiện từ từ để tránh va chạm.
Ngoài ra, mỗi gia đình còn có những hoàn cảnh đặc biệt mà chúng ta cần phải lưu tâm như có người đau yếu, mất việc làm, gia đình lục ục hoặc cha mẹ ly dị. Tất cả đều ảnh hưởng đến con cái. Một Giáo Lý viên có thể thấy tình trạng vô kỷ luật của một vài học sinh mà không biết rằng thái độ của các em là do ảnh hưởng của hoàn cảnh gia đình mà ra.
Đồng thời trong những lúc khó khăn, gia đình cũng dễ mở lòng ra đón nhận những giúp đỡ của giáo xứ hay nhà trường. Khi gia đình có người đau yếu hay qua đời là những lúc rất hiệu quả để cho giáo xứ can thiệp vào để giúp đỡ họ qua các bí tích, lời cầu nguyện, an ủi và khuyên bảo. Cái nhìn theo lăng kính gia đình giúp chúng ta làm công tác mục vụ cách hữu hiệu hơn khi người ta sẵn sàng đón nhận những ủi an.
4) Lăng kính thứ tư là một cái nhìn về một sự hợp tác dài hạn giữa gia đình và giáo xứ. Mục đích của mục vụ theo nhãn quan gia đình là để củng cố chứ không cản trở sự phát triển của gia đình. Để làm thế chúng ta cần tìm cách giúp phụ huynh tăng uy quyền của họ chứ đừng hạ bệ họ. Chúng ta nên là những người giúp họ chứ không thay thế họ trong việc giáo dục đức tin của con em họ. Bởi vì chung cuộc, chính họ phải là những Giáo Lý viên chính hay những nhà giáo dục chính của con em họ. Chính phụ huynh phải là những mục tử trong Hội Thánh tại gia của họ, và chúng ta là những người phụ giúp họ trong việc phát triển Hội Thánh này. Để được như thế, giáo xứ nên có những chương trình đào luyện phụ huynh dài hạn, những mạng lưới phụ huynh liên lạc chặt chẽ với nhau. Tất cả mọi chương trình và tổ chức nên nhắm đến những mục đích dài hạn.
Khi làm mục vụ theo lăng kính gia đình thì đừng muốn thấy kết quả ngay trước mắt. Chúng ta nên kiên nhẫn để đào tạo từng bước. Mọi việc mục vụ về giáo dục cần phải có một thời gian lâu dài. Và điều quan trọng trong mục vụ này là chúng ta biết dâng kết quả cho Chúa. Cứ kiên tâm làm công tác của người đi gieo hạt giống. Đừng mong nhìn thấy kết quả, vì đó là việc của Chúa. Người nào làm mục vụ mà muốn kết quả ngay là muốn làm cho mình chứ chưa thật sự làm cho Thiên Chúa.
Trong việc mục vụ theo lăng kính gia đình, cha mẹ phải được coi là những người cộng tác vào công trình tạo dựng của Thiên Chúa, và vào việc xây dựng một Hội Thánh tương lai. Toàn thể giáo xứ phải tri ân những người biết hy sinh để săn sóc cho cha mẹ già, cho những người tàn tật trong gia đình, chứ đừng chỉ tri ân những người đóng góp nhiều về tài chánh. Có như thế, giáo xứ sẽ là nơi mà gia đạo của Thiên Chúa tụ tập để thực thi những công việc của Thiên Chúa.
Phaolô Phạm Xuân Khôi
(Vietcatholic)