CHÚ GIẢI CỦA THÁNH PHAOLÔ VỀ GIÁO LÍ SỰ PHỤC SINH

CHÚ GIẢI CỦA THÁNH PHAOLÔ VỀ GIÁO LÍ SỰ PHỤC SINH

1. Trong các chương trước chúng ta đã suy tư về lời của Đức Kitô nói về «đời sau» sẽ xuất hiện cùng với sự phục sinh của thân xác.

Những lời ấy có một âm vang rất mạnh mẽ trong giáo huấn của thánh Phaolô. Giữa sự kiện Đức Kitô trả lời những người Sađucêu mà Phúc âm Nhất Lãm đã kể lại (Mt 22,30; Mc 12,25; Lc 20,35-36) với đời tông đồ của Phaolô trước hết có sự kiện phục sinh của chính Đức Kitô và một loạt những cuộc hiện ra của Đấng Phục sinh, trong số những cuộc hiện ra ấy phải kể đến, như một mắc xích sau cùng, biến cố Đamas. Saolô hay Phaolô, thành Tarsô trở lại đạo, trở thành vị «Tông đồ của các dân ngoại», cũng có một trải nghiệm riêng sau phục sinh, giống như kinh nghiệm của các Tông đồ khác. Cơ sở của niềm tin vào sự phục sinh của vị Tông đồ này – ngài diễn tả niềm tin này trước hết trong Thư Thứ Nhất Gửi Tín Hữu ở Côrintô (chương 15) – chắc chắn là cuộc gặp gỡ với Đấng Phục sinh, đây là sự kiện đã trở thành khởi thủy và là nền tảng của sứ vụ tông đồ của ngài.

2. Thật khó mà tóm lược và nêu ra những nhận định ở đây cách thích đáng về luận chứng tuyệt diệu và bao quát của chương 15 Thư Thứ Nhất gửi Tín Hữu ở Côrintô trong tất cả những điểm đặc thù của nó. Điều thật ý nghĩa là, trong khi Đức Kitô với những lời lẽ mà các sách Tin mừng Nhất Lãm thuật lại trả lời cho những người Sađucêu, là những người vốn «chủ trương không có sự sống lại» (Lc 20,27), thì về phía Phaolô, ngài cũng trả lời hay đúng hơn, ngài bút chiến (một kiểu cách hợp với tính khí của ngài) với những ai phản đối sự ấy [1]. Trong câu trả lời (tiền phục sinh) Đức Kitô đã không đề cập tới sự phục sinh của chính mình, nhưng Người có nhắc tới thực tại căn bản của Giao ước cũ, thực tại Thiên Chúa hằng sống, đây vốn là nền tảng của niềm xác tín về khả thể của sự phục sinh: Thiên Chúa hằng sống «không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, nhưng là của kẻ sống» (Mc 12,27). Trong luận chứng (hậu phục sinh) của thánh Phaolô về sự phục sinh mai sau, ngài nhắc trước hết đến thực tại và cũng là chân lí về sự phục sinh của Đức Kitô. Thật ra, thánh Phaolô bảo vệ chân lí ấy như là nền tảng của đức tin toàn vẹn: «... Nếu Đức Kitô đã không trỗi dậy, thì lời rao giảng của chúng tôi trống rỗng và cả đức tin của anh em cũng trống rỗng... Nhưng không phải thế! Đức Kitô đã trỗi dậy từ cõi chết» (1Cr 15,14.20).

3. Ở đây chúng ta đang đi trên chính tuyến của mạc khải: sự phục sinh của Đức Kitô là lời nói tối hậu và đầy đủ nhất của việc Thiên Chúa tự mạc khải mình ra như là Thiên Chúa hằng sống, «không phải Thiên Chúa của kẻ chết, nhưng là của kẻ sống» (Mc 12,27). Đó là sự xác nhận sau cùng và trọn vẹn nhất sự thật của Thiên Chúa, điều mà tự thuở ban đầu được diễn tả ra nhờ mạc khải này. Hơn nữa, phục sinh là câu trả lời của Thiên Chúa Hằng Sống dành cho sự chết, điều mà về mặt lịch sử con người không thể tránh thoát được, và con người đã phải chịu lụy kể từ khi Giao ước đầu tiên bị gãy vỡ, và cùng với tội lỗi cái chết đã bước vào lịch sử. Câu trả lời đó về chiến thắng sự chết được minh họa bởi Thư Thứ Nhất gửi tín hữu Corintô (chương 15) với một sự sắc sảo lạ thường, khi trình bày việc Chúa Kitô sống lại như là khởi điểm cho sự hoàn tất cánh chung trong đó nhờ Người và trong Người mọi sự quay về với Chúa Cha, mọi sự sẽ quy phục Ngài, nghĩa là được giao phó lại cho Ngài sau hết để «Thiên Chúa trở thành mọi sự trong mọi người» (1Cr 15,28). Và bấy giờ – trong cuộc chiến thắng sau cùng này đối với tội lỗi, đối với cái khiến thụ tạo trở thành thù địch với Đấng Tạo Hóa – cái chết cũng sẽ bị khuất phục : «Thù địch cuối cùng bị tiêu diệt là sự chết» (1Cr 15,26).

4. Trong bối cảnh đó người ta thêm vào những lời lẽ có thể được cho là tổng hợp của nhân học thánh Phaolô liên hệ đến phục sinh. Và tại chính những lời này chúng sẽ dừng lại phân tích sâu hơn một chút. Quả thật, trong 1Cr 15,42-46 chúng ta đọc thấy như sau về việc kẻ chết sống lại: «Gieo xuống thì hư nát, mà trỗi dậy thì bất diệt ; gieo xuống thì hèn hạ, mà trỗi dậy thì vinh quang ; gieo xuống thì yếu đuối, mà trỗi dậy thì mạnh mẽ ; gieo xuống là thân thể có sinh khí, mà trỗi dậy là thân thể có thần khí. Nếu có thân thể có sinh khí, thì cũng có thân thể có thần khí. Như có lời đã chép : con người đầu tiên là Ađam được dựng nên thành một sinh vật, còn Ađam cuối cùng  là thần khí ban sự sống. Loài xuất hiện trước không phải là loài có thần khí, nhưng là loài có sinh khí ; loài có thần khí chỉ xuất hiện sau đó».

5. Giữa nhân học thánh Phaolô về sự phục sinh và nhân học xuất phát từ bản văn Tin mừng Nhất lãm (Mt 22,30; Mc 12,26; Lc 20,35-36) có một sự tương hợp ở phần cốt yếu, chỉ có điều này là bản văn Thư gửi tín hữu Corintô phát triển nhiều hơn. Phaolô đào sâu điều mà Đức Kitô đã loan báo, khi ngài thâm nhập vào những khía cạnh khác nhau của chân lí vốn chỉ được diễn tả một cách cô đọng và căn bản nhất trong những lời các sách Nhất lãm ghi lại. Hơn nữa, thật ý nghĩa đối với bản văn của thánh Phaolô, ta thấy viễn tượng cánh chung của con người (dựa trên cơ sở của niềm tin «kẻ chết sống lại») được kết hợp với sự tham chiếu đến «thuở ban đầu» xét như với ý thức sâu xa về tình trạng «lịch sử» của con người. Con người mà Phaolô nói đến trong Thư Thứ Nhất Gửi Tín Hữu Côrintô và những người Sađucêu chối khả năng phục sinh của họ, lại có kinh nghiệm («lịch sử») về thân xác của mình, thật rõ ràng thân xác ấy là «hư nát», «yếu đuối», «có sinh khí», «hèn hạ ».

6. Con người đó, mà thánh Phaolô viết – ở trong cộng đoàn Côrintô nhưng cũng là con người trong mọi thời – tác giả đặt đối diện với Đức Kitô phục sinh, là «Ađam cuối cùng». Làm như thế, ngài mời gọi con người ấy, theo nghĩa nào đó, bước theo dấu chân kinh nghiệm hậu phục sinh của chính ngài. Đồng thời ngài nhắc con người ấy về «Ađam thứ nhất» (con người đầu tiên), đúng hơn hướng họ về cái «thuở ban đầu», về với sự thật ban đầu của con người và thế giới, điều vốn nằm ở nền tảng của mạc khải mầu nhiệm Thiên Chúa hằng sống. Như thế, Phaolô tái tạo lại trong tổng hợp của mình tất cả những gì Đức Kitô đã loan báo, những điều ấy đã được tham chiếu tới ba lần khác nhau: một lần khi nhắc đến «thuở ban đầu » trong lúc đối chất với người Pharisêu (x. Mt 19,3-8; Mc 10,2-9); một lần khác khi nói đến «tâm hồn» (hay lòng/dạ) con người như là nơi chiến đấu với các dục vọng trong nội tâm, trong diễn từ trên núi (Mt 5,27); và một lần nữa khi nói về sự phục sinh như là thực tại của «đời sau», trong đối chất với người Sađucêu (x. Mt 22,30; Mc 12,25; Lc 20,35-36).

7. Văn phong của bản tổng hợp của thánh Phaolô biểu lộ cho thấy gốc rễ của nó nằm ở trong toàn bộ mầu nhiệm mạc khải về tạo dựng và cứu chuộc, tổng hợp ấy được triển khai từ đó và chỉ dưới ánh sáng đó nó mới được giải thích cho đúng. Tạo dựng con người, theo trình thuật Kinh thánh, là làm cho khối chất liệu ấy có được sức sống nhờ được thổi thần khí vào, cũng nhờ thần khí đó «con người đầu tiên là Ađam được dựng nên thành một sinh vật» (1Cr 15,45). Bản văn của thánh Phaolô ở đây lặp lại những lời lẽ của St 2,7, tức là trình thuật thứ hai về tạo dựng con người (gọi là trình thuật Yavit). Ta biết rằng từ chính cùng một nguồn văn sự kiện nguyên thủy «thân xác được ban cho sức sống» ấy đã phải chịu sự hư hoại do nguyên nhân tội lỗi. Dẫu rằng ở điểm này của Thư Thứ Nhất Gửi Tín Hữu Côrintô tác giả không nói trực tiếp về tội nguyên tổ, thế nhưng chuỗi những đặc tính gán cho thân xác con người lịch sử như «hư nát...yếu đuối...có sinh khí...hèn hạ», cũng đủ cho thấy, theo mạc khải, đó là hậu quả của tội lỗi, đó là điều mà Phaolô gọi ở chỗ khác là «nô lệ cho cảnh hư nát» (Rm 8,21). Toàn thể tạo thành vì tội lỗi con người – kẻ vốn được Đấng Tạo Hóa đã đặt ở trung tâm thế giới hữu hình này để mà «thống trị» nó (St 1,28) – cũng gián tiếp phải chịu «nô lệ cho cảnh hư nát» này. Như vậy tội lỗi con người có một chiều kích không chỉ ở nội giới, nhưng còn mang tính «vũ hoàn». Và theo chiều kích đó, thân xác – mà thánh Phaolô (hợp với kinh nghiệm của ngài) xác định có đặc tính như là «hư nát...yếu đuối...có sinh khí...hèn hạ» – tự nó diễn tả tình trạng của tạo thành sau khi phạm tội. Quả thật, tạo thành ấy «cho đến bây giờ rên siết và quằn quại như sắp sinh nở» (Rm 8,22). Thế nhưng, cũng như sự đau đớn của việc sinh nở gắn kết với nỗi khát khao sinh con, với niềm hi vọng có được một con người mới, cũng thế toàn thể thụ tạo «những ngong ngóng trông đợi ngày Thiên Chúa mạc khải vinh quang của con cái Người... và vẫn trông cậy là có ngày cũng sẽ được giải thoát, không phải nô lệ cho cảnh hư nát, mà được cùng dự phần vào tự do vinh quang với con cái Thiên Chúa» (Rm 8,19-21).

8. Qua bối cảnh «hoàn vũ» của lời khẳng định trong Thư gửi tín hữu Rôma – theo nghĩa nào đó, qua «thân xác của mọi loài thụ tạo» – chúng ta thử tìm hiểu thật sâu xa giải thích của thánh Phaolô về sự phục sinh. Nếu hình ảnh này của thân xác con người, vốn rất thực và hợp với kinh nghiệm phổ quát của con người, ẩn chứa trong đó không chỉ sự «nô lệ cho cảnh hư nát», mà còn niềm hi vọng, giống như hi vọng đi kèm «việc đau đớn sinh nở», đó là vì thánh Tông đồ đã rút ra từ trong hình ảnh này cả sự hiện diện của mầu nhiệm cứu chuộc. Ý thức về mầu nhiệm này nảy sinh chính từ mọi kinh nghiệm của con người có thể được định như là «nộ lệ cho cảnh hư nát»; và nảy sinh , vì ơn cứu chuộc hoạt động trong linh hồn con người nhờ các ơn huệ của Chúa Thánh Thần: «...cả chúng ta cũng rên siết trong lòng: chúng ta đã lãnh nhận Thần Khí như ân huệ mở đầu, nhưng còn trông đợi Thiên Chúa ban cho trọn quyền làm con, nghĩa là cứu chuộc thân xác chúng ta nữa» (Rm 8,23). Cứu chuộc là đường dẫn đến phục sinh. Phục sinh là sự hoàn tất dứt khoát ơn cứu chuộc thân xác.

Chúng ta sẽ lại tiếp tục phân tích bản văn Thư Thứ Nhất gửi tín hữu Corintô của thánh Phaolô ở những bài suy tư tiếp sau.

---------------------------------------

 [1] Có lẽ những người Côrintô chịu ảnh hưởng bởi những trào lưu tư tưởng theo hướng nhị nguyên của Platon và tân Pythagore với sắc thái tôn giáo, cũng như hướng Khắc Kỷ (Stoicismo) và Khoái lạc (Epicureismo). Mọi thứ triết học Hy lạp đều chối bỏ sự sống lại. Phaolô đã từng biết rồi khi ở Athene phản ứng của những người Hy lạp chống lại giáo lí phục sinh, trong buổi nói chuyện của ngài ở Areopago (x. Cv 17,32).