Bi kịch của những bé gái Ấn chết trước khi chào đời

Bi kịch của những bé gái Ấn chết trước khi chào đời

BI KỊCH CỦA NHỮNG BÉ GÁI ẤN CHẾT TRƯỚC KHI CHÀO ĐỜI

 

 

 

 

Với nhân viên siêu âm, đó chỉ là đợt kiểm tra 20 tuần tuổi định kỳ. Đứa bé rất ổn, và nó nằm ở vị trí thuận lợi để biết giới tính. "Cô có muốn biết bé là nam hay nữ không?", bà hỏi. Thai phụ Ấn Độ vẻ lo lắng, mỉm cười hồi hộp, "ồ vâng".

 

Giọng nói nhẹ chứng tỏ cô được sinh ra tại Anh. "Well, cô sắp có một bé gái nhỏ. Nó rất đáng yêu, phải không?". Nếu người nhân viên siêu âm không có chút mệt mỏi như vậy, bà có lẽ đã nhận ra một thoáng ngập ngừng trước khi thấy thai phụ trả lời, nét thất vọng thoáng qua. "Ồ vâng, tin tốt quá, chồng em sẽ hài lòng lắm".

Nhưng cô gái này đang nói dối - giống như hàng trăm phụ nữ Anh gốc Ấn khác vẫn làm mỗi năm. Chồng của họ chắc chắn không hài lòng với cái tin có (hoặc lại có thêm) một đứa con gái.

Bà của họ thường nói gì? Nuôi một đứa con gái giống như tưới nước cho vườn nhà hàng xóm, ngụ ý rằng việc này là hoàn toàn lãng phí thời gian và tiền bạc.

Khi thai phụ vuốt phẳng quần áo và rời khỏi bệnh viện, cô rùng mình, biết rõ điều gì đang chờ phía trước. Chuyến bay dài tới Ấn Độ, chuyến taxi ồn ào xuyên qua những con phố đông đúc của Delhi tới bệnh viện, những cơn đau và nỗi kinh hoàng của một đợt phá thai to. Nhưng chồng của cô rất cứng rắn, và họ đơn giản không thể nuôi thêm một đứa con gái.

Và vì thế, 10 ngày sau đó, bất chấp thực tế rằng việc phá thai vì lý do chọn lọc giới tính bị nghiêm cấm ở Ấn Độ, song sự sống của một bé gái người Anh gốc Ấn đã kết thúc trên bàn mổ ở một bệnh viện tại Delhi, trước khi nó bắt đầu. Em bé đã bị giết chỉ vì là con gái.

Từng thực hiện nghiên cứu sâu về chủ đề này, Kishwar Desai, tác giả cuốn Witness The Night - khám phá hành trình của các gia đình Ấn Độ để đảm bảo rằng họ không đẻ ra con gái - biết rằng kịch bản này khá phổ biến tại hầu hết các thành phố lớn ở Anh.

Thực tế, nghiên cứu từ Đại học Oxford đã ước tính rằng các bé gái đang "biến mất" khỏi những gia đình Anh gốc Ấn với tốc độ khoảng 100 bé mỗi năm. Và nếu được thống kê chính thức, con số thực còn có thể cao hơn thế.

Vì lý do này, mà trong cộng đồng người Ấn tại đây, tỷ lệ bé gái trên bé trai là 950 nữ cho mỗi 1.000 bé trai.

Và họ làm điều này bằng cách nào? Bằng việc lựa chọn giới tính thai nhi - hoặc là phá thai gái, hoặc làm mọi cách để đảm bảo rằng trứng thụ tinh trong tử cung người mẹ là một thai nam. Điều này có thể thực hiện bằng cách chọn lọc tinh trùng (giải pháp đang được ngày càng nhiều người chọn hơn).

Trong vài năm trước, các kỹ thuật này dường như là lời giải cho những người khát con trai, nhưng năm 2007, Cơ quan Phôi học và sinh sản người ở Anh đã cấm việc lựa chọn giới tính thai nhi. Các bệnh viện chuyên khoa ở London, Birmingham và Glasgow - những cơ sở từng cho phép các cặp vợ chồng cơ hội chọn lựa giới tính cho con - đã bị đóng cửa.

Song hoạt động này vẫn diễn ra, và những gia đình Anh gốc Ấn giàu có vẫn bay tới Mỹ, châu Âu hoặc tới chính Ấn Độ trong nỗ lực tìm kiếm "người nối dõi".

Thật khó khăn để những người Anh da trắng - những người xuất phát từ một nền văn hóa coi sự ra đời của một bé gái khỏe mạnh là điều may mắn - hiểu được tâm lý "thích con trai" thâm căn cố đế của những gia đình người Anh gốc Ấn.

Bạn phải tới Ấn Độ nếu muốn hiểu được điều này. Một mặt, bạn sẽ bắt gặp ở đây một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất và mạnh mẽ nhất thế giới, mặt khác, bạn sẽ gặp một xã hội gia trưởng sâu sắc, nơi phụ nữ không chỉ bị xem là công dân hạng hai, mà còn là một khoản nợ tai hại cho gia đình.

Dường như khó có thể chấp nhận rằng quốc gia đã sản sinh ra một trong những nữ thủ tướng đầu tiên của thế giới - Indira Gandhi, và hàng loạt những ngôi sao màn bạc danh tiếng như hoa hậu thế giới Aishwarya Rai, diễn viên Shilpa Shetty hay ngôi sao của Triệu phú ổ chuột Freida Pinto - cũng là quốc gia mà hàng triệu phụ nữ phải sống cuộc đời thống khổ và bị làm nhục. Nhưng đó là sự thực: báo chí Ấn Độ hàng ngày nhan nhản những câu chuyện bị hiếp, giết hoặc bạo lực gia đình.

Nhưng bí ẩn tồi tệ nhất là tâm lý thích con trai, một nhu cầu gần như bản năng bất chấp mọi đẳng cấp, tôn giáo hay địa vị xã hội, và nó còn lan rộng qua cả đại dương, tới mọi cộng đồng người Ấn trên thế giới, trong đó có Anh.

"Khi tôi ra đời nhiều năm trước ở Ambala, bắc Ấn Độ, tôi thật may mắn vì cha mẹ rất vui mừng, họ đều muốn có một cô con gái. Nhưng những người họ hàng thì khó chịu và mẹ tôi nhớ rằng đã bị đưa sang nhà hàng xóm, nơi bà được một nữ tộc trưởng giảng đạo về điều này. Nữ tộc trưởng đó đã chôn 6 đứa con gái. Chuyến thăm của bà là để dạy cho mẹ tôi một bài học bà không bao giờ được quên.

Việc đó không hiệu quả với mẹ tôi, nhưng những bài học khắc nghiệt như vậy chắc chắn đã hằn sâu lên hàng triệu phụ nữ Ấn khác. Theo truyền thống, những bé gái không mong muốn sẽ được cho ăn thuốc phiện và để mặc cho chết, số khác - trong những gia đình nghèo hơn - chịu cảnh bi thảm hơn là bị giết", Kishwar Desai kể lại.

Với sự phát triển của y học, phụ nữ Ấn ngày càng dễ dàng trong việc sử dụng các thành tựu y học để biết được giới tính đứa bé mà họ đang mang. Nếu nhân viên siêu âm không chắc chắn về kết quả, sẽ luôn có một bác sĩ sẵn lòng thực hiện xét nghiệm nhiễm sắc thể. Nếu kết quả là "gái", số phận cái thai hẩm hiu đã an bài.

Năm 1991, tỷ lệ giới tính khi sinh ở Ấn Độ là 945 gái trên 1.000 bé trai, thay vì 950 như thông thường. Nhưng vào năm 2001, con số này giảm xuống còn 927, và trong một số vùng nặng nề nhất, như Punjab và Delhi, chỉ còn là 800 trên 1.000.

Một bệnh viện ở Punjab còn không hề ghi lại được ca sinh nở nào là con gái trong năm đó.

Các ước tính sự thiếu hụt nữ giới ở nước này cho nhiều kết quả khác nhau, song nằm giữa 10 và 35 triệu trong vòng 20 năm qua. Số thai gái bị loại bỏ thật kinh hoàng và ớn lạnh.

Tại Anh, cha của cô dâu - một cách hình thức - sẽ trao tặng con gái mình trong ngày cưới. Nhưng ở Ấn Độ, việc tặng con là theo đúng nghĩa đen. Từ ngày kết hôn đó, một cô gái Ấn và tất cả tài sản của cô - sẽ thuộc về nhà chồng.

Của hồi môn là cực kỳ quan trọng với các gia đình Ấn Độ, dù cho họ ở Mumbai hay Birmingham. Nữ trang, tiền mặt, xe hơi và thậm chí nhà - món hồi môn mà gia đình cô dâu phải trả cho gia đình của người chồng tương lai có thể tốn kém hàng chục nghìn bảng. Vì thế, cưới chồng cho một cô con gái có thể là tốn kém, nhưng nếu có 2-3 cô thì quả là thảm họa.

Kết quả là, người Ấn duy trì hôn nhân với quan điểm rằng con trai là tốt nhất và con gái không hơn gì món nợ.

Điều ngạc nhiên là, ít nhất trong con mắt của người phương Tây, sở thích con trai lại di truyền mạnh mẽ nhất từ thế hệ này sang thế hệ khác nhờ phụ nữ.

Trừ những ngoại lệ là những phụ nữ có giáo dục, cấp tiến ở Ấn, số còn lại truyền thống hơn, đang phải chịu đựng số phận của những bé gái không mong muốn. Họ đã truyền cho thế hệ sau những gì họ học được từ kinh nghiệm đau thương của mình: quy phục trước đàn ông, những cuộc hôn nhân không tình yêu được gia đình sắp đặt, và mối lo về của hồi môn hơn là trình độ học vấn của họ.

Và vì thực tế là một cô gái gốc Ấn nếu không kết hôn với một chàng trai Anh gốc Ấn thì sẽ có xu hướng cưới người đàn ông từ chính nước Ấn Độ. Do vậy, mối liên hệ với đất nước quê hương và tất cả các truyền thống của nó vẫn mạnh như xưa nay.

Ngày nay, tại một số gia đình người Anh gốc Ấn, con gái cũng được chào đón, nhưng thường bị đối xử theo cách ưu tiên thấp hơn nhiều so với các anh em trai.

Khi viết tác phẩm Witness The Night, Kishwar Desai đã ở Mumbai, trái tim của thị trường chứng khoán Ấn Độ, bà vẫn bắt gặp những thi thể của các bé gái mới sinh bị vứt trên bờ biển.

Gần đây nhất, một câu chuyện nhỏ đăng trên báo địa phương kể về số phận của một phụ nữ có 3 cô con gái, nhưng phải chịu áp lực lớn từ chồng và gia đình anh ta để đẻ con trai. Tuyệt vọng, người phụ nữ khốn khổ đã bế ba cô con gái nhảy xuống giếng. Cô còn sống, nhưng các con thì không. 3 bé gái vô tội đã chết vì hủ tục bí ẩn của người Ấn.

T. An