Bạn bè của Cha: Trong cái nhìn của Con
BẠN BÈ CỦA CHA
TRONG CÁI NHÌN CỦA CON
Kính thưa quý gia trưởng !
Ngày xưa, thi sĩ Nguyễn Khuyến đã khóc thương người bạn của mình là Dương Khuê bằng những câu thơ làm xúc động bao thế hệ sau này:
“ Rượu ngon không có bạn hiền
Không mua không phải không tiền không mua”
( Khóc Dương Khuê, Nguyễn Khuyến )
( Khóc Dương Khuê, Nguyễn Khuyến )
Quả thật, có được một người bạn tri âm tri kỷ là một hạnh phúc trong cuộc đời, và nếu như vì một một lý do nào đó phải mất đi người bạn ấy, thì đó thật sự là một mất mát lớn.
1. Tình bạn là gì ?
Ngạn ngữ phương Tây đã định nghĩa cách ví von về tình bạn: “Tình bạn là một thứ tình yêu không có cánh”. Ở đây, chúng ta không cố đi tìm một định nghĩa có tính chất chuyên môn về tình bạn, mà chỉ cùng nhau cảm nhận rằng : Đó là một thứ tình cảm có thật ở trên đời, được thiết lập và sàng lọc qua hoạt động giao tiếp cùng nhau trong xã hội; qua đó, con người tìm thấy được một mối tương quan tình cảm gắn bó cùng nhau.
Có nhiều thứ tình bạn : đến trường, có bạn đồng môn ; đi làm việc, có bạn đồng nghiệp ; sống xa quê, có bạn đồng hương. Có thể sâu xa và bền chặt là bạn tri âm tri kỷ, cũng có thể chỉ chung một chuyến hành trình là bạn đường, vv… Quả thật, nếu như tình yêu là quà tặng kỳ diệu của Thiên Chúa ban cho con người, thì tình bạn cũng là một món quà vô giá mà Thiên Chúa đã ban và làm cho đời sống tình cảm của con người thêm phong phú và ý nghĩa.
2. Vai trò của tình bạn trong đời sống hôn nhân.
Khi bước vào đời sống hôn nhân, con người thường hướng tới và duy trì những tình bạn có tính chất lâu dài. Và theo nhiều nguyên nhân này khác, tình bạn thường chỉ còn duy chỉ nơi người chồng, còn bạn bè của người vợ, tuy vẫn có, nhưng không còn nhiều nữa.
Sẽ chẳng có gia trưởng nào ngây thơ cho rằng, khi lập gia đình, chỉ còn tình cảm với vợ con, không còn cần thiết phải duy trì tình bạn nữa. Thực sự, ở đời, có được một người bạn tri âm tri kỷ đã là một hạnh phúc lớn. Ngày xưa, cha ông ta đã khẳng định giá trị của tình bạn: “Buôn có bạn, bán có phường” hoặc “Giàu vì bạn, sang vì vợ”. Một người bạn tốt sẽ luôn có mặt trong mọi biến cố vui buồn của đời ta, sẽ thành tâm chia vui khi ta thành đạt, sẵn sàng sẻ chia, nâng đỡ khi ta thất bại trên đường đời, và thậm chí, một người bạn tốt, có thể cảnh tỉnh kịp thời không để ta bước vào con đường tội lỗi.
Thật bất hạnh và cũng thật đáng sợ cho ai kia không có được một người bạn tốt trên đời, nhưng lại có đông đảo những người cùng một phe cánh, một “bè” với nhau. Nhìn bề ngoài, ta thấy họ có kết giao rộng rãi, có đông đảo bạn bè. Ông bà xưa gọi dạng này là “ngưu tầm ngưu, mã tầm mã”. Họ là nhóm người sẵn sàng chè chén liên miên bất kể khổ đau của vợ con, họ rủ nhau và bao che cho nhau trong những hành vi tội lỗi. Mối kết giao này hoàn toàn không có gì bền chặt và luôn tiềm ẩn những nguy cơ gây đổ vỡ hạnh phúc gia đình.
“Khi vui thì vỗ tay vào
Đến khi hoạn nạn thì nào thấy ai “
( Ca dao )
Mối kết giao này cũng rất nguy hiểm cho tập thể, cho công việc chung. Bởi sự lôi kéo bè phái có thể tạo nên một lực lượng đủ mạnh để gây rối, phá bĩnh, chống lại mục đích cao đẹp của công việc, gây khó khăn hoặc hủy hoại những dự tính tốt đẹp mà tập thể đã dày công xây dựng. Chúng ta có thể nhận ra sức mạnh ghê gớm và đáng kinh sợ của mối kết giao này qua chính cơn cuồng nộ của dân Do Thái xưa khi kết án Đức Giêsu Kitô.
3. Bạn bè của cha trong cái nhìn của con cái.
Có một triết gia nói rằng: “Hãy cho tôi biết bạn của anh là ai, tôi sẽ cho anh biết anh là người thế nào”. Câu nói ấy thật đáng để cho bậc gia trưởng chúng ta suy nghĩ nếu như con cái ta nhìn ra bóng dáng người cha qua bạn bè mà cha đã kết giao. Khi ấy:
- Tình cảm con cái dành cho cha : Sẽ khâm phục, kính trọng cha khi thấy cha sống trung thực, cao thượng, có những bạn bè mẫu mực, đạo đức. Ngược lại, con cái sẽ khinh nhờn, mất đi sự kính trọng, mất đi niềm tin vào con người khi thấy cha có những người bạn xấu. Lúc nhỏ, chúng có thể khóc cùng mẹ vì thương mẹ, nhưng khi lớn lên, chúng sẽ chống đối lại cha. Trong khi đó người cha thì khó có thể thanh minh cho chính mình được.
- Hành vi con cái thực hiện : Sẽ bắt chước cha trong cách kết giao bạn bè. Người cha muốn vui mừng thấy con mình chơi với nhóm bạn biết quan tâm chia sẻ cho nhau, động viên nhau học tập, yêu thương đoàn kết với nhau; hay là đau khổ khi thấy con chơi cùng nhóm bạn rủ nhau trốn học lêu lổng, đua đòi, chưng diện, thờ ơ với gia đình ?
- “Sóng trước đổ đâu, sóng sau đổ đấy”. Điều đó phụ thuộc vào chính tấm gương nhãn tiền mà con cái học được từ cha.
4. Để con có cái nhìn tốt về bạn bè của cha.
Giáo dục con cái là một khoa học đầy tính nghệ thuật. Đó lại là một trách nhiệm vinh quang và cũng rất nặng nề mà bậc làm cha mẹ phải trả lẽ trước mặt Thiên Chúa. Hãy giáo dục cách triệt để thông qua việc kết giao bạn bè của mình :
- Dứt khoát không kết giao thâm tình với những bạn bè xấu. Khẳng khái cự tuyệt mọi mời chào, lôi kéo của những người bạn rủ mình làm điều xấu.
- Trân trọng, giữ gìn những tình cảm chân thành của những người bạn tốt. Khi có dịp, hãy đưa cả vợ con cùng đến thăm gia đình bạn để có thêm mối kết giao bạn bè giữa vợ mình với vợ bạn, giữa con mình với con bạn.
- Cùng với bạn bè tham gia công tác phục vụ lợi ích chung, tạo thành sức mạnh đoàn kết trong tập thể, dấn thân trong sinh hoạt mục vụ của giáo xứ cũng như trong công tác bác ái ,từ thiện.
- Hãy biết nhìn ra Chúa Giêsu là một Người Bạn tuyệt vời. Người bạn này không giờ phản bội, sẵn sàng lắng nghe ta, sẵn sàng thay ta gánh vác mọi nhọc nhằn trong cuộc sống. Đừng bao giờ ta thờ ơ lạnh nhạt hoặc tàn nhẫn cắt đứt mối kết giao này. Bởi như vậy, đồng nghĩa là ta đoạn tuyệt cùng hạnh phúc.
Tóm lại, có được một khả năng giao tiếp rộng rãi, có nhiều bạn bè là một niềm vui. Nhưng tất cả sẽ trở thành vô nghĩa nếu mối kết giao ấy không dựa trên sự chân thành và cùng hướng tới một mục tiêu cao đẹp. Cầu mong cho mỗi gia trưởng chúng ta có được một tình bạn chân chính và luôn luôn biết đem đời mình gắn bó với người bạn tuyệt vời: Giêsu.
Raphael N.
(Gia trưởng giáo phận Xuân Lộc)
(Gia trưởng giáo phận Xuân Lộc)